Sống trong đời sống cần có một tấm lòng!

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng!

Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012

TAN VỠ



“Tan vỡ” là một bài thơ tôi mới thuộc cách đây mấy hôm, bữa nay mới có dịp post lên Blog riêng. Cảm nhận về nó là rất rõ, nhưng tôi muốn những người thân yêu của tôi khi đọc Blog cho những ý kiến thật chân thành về cách nghĩ của họ sau khi đọc bài thơ. Bởi vì, cảm nhận chung luôn là điều hợp lí nhất – đồng sáng tạo luôn là nhiệm vụ của những người yêu thích văn thơ.
Mở ngăn tủ rồi anh bỏ ngỏ
Bút viết xong không đậy nắp bao giờ
Ôi anh yêu, lơ đãng đến là
Con nai rừng của em…
Tất cả rồi sẽ qua đi
Chúng mình sẽ trở thành vợ chồng
Nếu không có một lần…
Một lần như đêm nay
Sau phút giây
Êm đềm bên ghế đá
Anh quên cài khuyu áo ngực cho em.
DƯ THỊ HOÀN.

Thứ Năm, 24 tháng 5, 2012

ĐỪNG


Cuộc sống ngày càng hiện đại, con người lại càng hành động một cách tự phát và mau lẹ chứ ít khi dừng lại tự hỏi nên làm thế nào cho đúng. Đặc biệt là các bạn trẻ - những con người đại diện cho bộ mặt của cả một nền văn hóa, cho bộ mặt của một dân tộc. Những hành động đó có lẽ sẽ khiến cho chúng ta cảm thấy day dứt, hối hận sau này. Đã bao giờ chúng ta làm việc mà suy nghĩ thật chín chắn, lúc vui hay giận hờn cũng vậy hay không?
Hãy đọc một vài dòng chữ “ĐỪNG” trong bài viết này các bạn nhé!
Đừng nên thờ ơ với những gì đã quá quen thuộc với bạn. Hãy giữ chắc lấy chúng như những gì quan trọng nhất, vì sẽ có lúc bạn cảm thấy tiếc nuối khi những điều thân thuộc ấy mất đi.
Đừng hạ thấp giá trị của mình bằng cách so sánh bản thân mình với người khác. Mỗi chúng ta là một con người khác nhau và đền có những giá trị khác nhau.
Đừng mãi mê theo đuổi những mục tiên mà người khác cho là quan trọng, vì chỉ có bạn mới hiều rõ những mục tiêu nào là tốt cho mình.
Đừng ngại học hỏi. Kiến thức là một tài sản vô hình và sẽ là hành trang vô giá theo bạn suốt cuộc đời.
Đừng ngại mạo hiểm để làm những điều tốt. Ít nhất bạn cũng học được cách sống dũng cảm với những lần mạo hiểm.
Đừng nên phí phạm thời gian hoặc những lời nói thiếu suy nghĩ. Cả hai thứ ấy một khi đã qua đi hay thốt ra thì không thể nào bắt lại được.
Đừng để cuộc sống đi qua mắt bạn chỉ vì bạn đang sống trong quá khứ hay tương lai. Bằng cách sống cuộc sống của mình ngày hôm nay, vào lúc này, bạn đang sống tất cả mọi ngày trong cuộc đời.
Đừng quên hy vọng, sự hy vọng cho bạn sức mạnh để tồn tại ngay khi bạn đang bỏ rơi.
Đừng đánh mất niềm tin vào bản thân mình, chỉ cần tin là mình có thể làm được và bạn lại có lý do để cố gắng thực hiện điều đó.
Đừng lấy của cải vật chất để đo lường thành công hay thất bạn, chính tâm hồn của mỗi người mới xác định được mức độ “giàu có” trong cuộc sống của mình.
Đừng do dự khi đón nhận sự giúp đỡ, tất cả chúng ta đêu cần được giúp đỡ ở bất kì khoảng thời gian nào trong cuộc đời.
Đừng chạy trốn mà hãy tìm đến tình yêu, vì đó là niềm hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời bạn.
Đừng chờ đợi những gì bạn muốn mà hãy tìm đến chúng.
Đừng từ chối nếu bạn vẫn còn cái để cho.
Đừng ngại ngần thừa nhận rằng bạn chưa hoàn hảo.
Đừng e dè đối mặt với thử thách vì chỉ khi thử sức mình bạn mới học được can đảm.
Đừng đóng cửa trái tim và ngăn cản tình yêu đến chỉ vì bạn không tìm ra nó.
Cách nhanh nhất để nhận tình yêu là cho, cách mau lẹ nhất để mất tình yêu là giữ nó quá chặt, cách tốt nhất để gìn giữ tình yêu là cho nó đôi cánh tự do.
Đừng đi qua cuộc sống một cách quá nhanh, đến nỗi bạn quên mất mình đang ở đâu và thậm chí quên mình đang đi đâu.
Đừng quên nhu cầu cảm xúc cao nhất của một người là cảm thấy được tôn trọng.
Đừng ngại học hỏi. Kiến thức là vô bờ và cũng là một kho báu mà ta có thể luôn mãng theo bên mình một cách dễ dàng.
Đừng sử dụng hay ngôn từ một cách bất cẩn. Cả hai thứ đó đều không thể lấy lại được.
Cuộc sống không phải là một cuộc chạy đua, nó là một cuộc hành trình mà bạn có thể tận hưởng từng bước khám phá.
Đừng bao giờ cho rằng bạn đã thất bại khi những kế hoạch và giấc mơ của bạn sụp đổ, vì biết thêm một điều mới mẻ cũng có nghĩa là bạn đã tiến bộ rồi.
Đừng quên mỉm cười trong cuộc sống.
Đừng quên tìm cho mình một người bạn thực sự bởi vì bạn bè chính là điều cần thiết trong suốt cuộc đời.
Và cuối cùng, đừng quên ơn những người đã cho bạn cuộc sống hôm nay với tất cả những gì bạn cần. Bởi vì con cháu đời sau sẽ xem bạn như là một tấm gương của chúng.

Chủ Nhật, 20 tháng 5, 2012

LẶNG LẼ


Lời tình tự và những lần hò hẹn
Thôi cũng đành cho ngày tháng mang đi
Tình trái ngang thôi còn ước mong gì
Anh lặng lẽ giấu nỗi buồn trong nhớ

Yêu em lắm mà không hề dám ngỏ
Để riêng mình những ngày tháng cô đơn
Gió từng đêm lạnh buốt tâm hồn
Anh thao thức không thể nào chợp mắt

Em hạnh phúc khi tình anh vụt tắt
Nỗi đam mê giờ hoá thành đắng cay
Tình yêu em xa hút tầm tay
Anh lặng lẽ giấu nỗi buồn trong nhớ.

Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012

Văn học phi lý


Dostoevski (1821-1881) trong "Anh em Karamazov" đã cho nhân vật Ivan phát biểu: "Thế giới được dựa trên những điều phi lý, và không biết chuyện gì xảy ra nếu không có những điều phi lý đó".
Nói một cách khác, những gì là "có lý" dường như chỉ là một bộ phận nhỏ trong đời sống con người. Cái ngẫu nhiên, cái tự nhiên chi phối đời sống con người mà con người thì, tiếc thay vẫn chưa/không nắm bắt, quán xuyến được những lực lượng này.
Tư tưởng phi lý qua các thời đại
Trong những thập niên đầu thế kỷ XX ở phương Tây, xuất hiện một loạt các bác và tác phẩm lạ kéo dài đến cuối những năm 60: hiện tượng văn học phi lý, với các tên tuổi cho đến bi giờ đã trở nên nổi tiếng như: F.Kafka, A.Camus, E.Ionesco, S.Beckett,...(trong đó có hai bác được Nobel văn học là Camus(1957) và Beckett (1969), E.Ionesco trở thành viện sĩ Viện Hàn Lâm Pháp (1970) ). Hiện tượng này thể hiện tại các tiểu luận, truyện ngắn, tiểu thuyết và đặc biệt là kịch nói, đã chấm dứt nhưng vẫn còn để lại dấu ấn đến tận ngày nay, cao trào khoảng giữa thế kỷ XX, tại Paris.
1. Khái niệm phi lý trong triết học :
Câu hỏi : trong đời sống có tồn tại sự phi lý không ?
Câu hỏi này đã có kể từ bài toán suy lý logic (bài toán Asin của Zenon, dũng sỹ chạy nhanh nhất không đuổi kịp được một con rùa). Hình học Euclide (TK III TCN) cũng đã thường xuyên sử dụng phương pháp nguỵ biện. Năm 155-220, nhà bác học Tertullianus đã phát biểu một câu nổi tiếng " Tôi tin vì nó phi lý". Đầu thế kỷ XVI, Fr.Bacon đã dùng phương pháp suy luận phi lý để chỉ ra chứng minh cho chân lý bằng cách chỉ ra tính sai lầm của mặt trái sự đánh giá đó. Túm lại, trên phương diện lôgic, cái gì cứ trái với quy tắc logic là phi lý.
Trên phương diện nhận thức, tất cả những gì chống lại năng lực nhận thức, chống lại lí trí, không thể lý giải được bằng tư duy, đều được coi là phi lý. Phi lý là phản lý tính.
Giai đoạn đặc biệt của khái niệm triết học về cái phi lý là giai đoạn chủ nghĩa hiện sinh (với các bác nổi tiếng như Kierkegaard, Heidegger và Jasper). Cả ba người đều chống lại lý tính, chống lại Descartes, bởi họ cho rằng chủ nghĩa duy lí Descartes chỉ nhằm vào con người trừu tượng chứ không xác định được con người cụ thể, con người cá nhân. Heidegger phê phán cái tư duy trong câu Tôi nghi ngờ là tôi tư duy, tôi tư duy là tôi tồn tại là không thể nắm bắt được sự hiện sinh. Chủ nghĩa hiện sinh đã tạo ra giữa lý tính và thực tại một hố sâu ngăn cách khó có thể vượt qua - sự phi lý. 
2. Khái niệm phi lý trong văn học
Cái phi lý trong văn học cũng không phải sự sao chép của triết học. Trong khi triết học bảo, phi lý là con đẻ của tính bất khả tri của lý tính, thì các nhà văn lại vẫn cố gắng để nhận thức cái phi lý. E. Ionesco, khi nói về cái phi lý đã công nhận rằng cái phi lý là sự tồn tại vô nghĩa của con người, là sự suy giảm mọi lí tưởng của con người, thường nhận thấy trong thế giới hiện đại.
Khái niệm phi lý trong văn học được dùng để chỉ loại hình văn học phi lý có nhiệm vụ nhận thức và mô tả cái hiện thực vô nghĩa, phi logic, trái với năng lực nhận thức của con người.
Thử xem : "Bao giờ cho đến tháng ba/ Ếch cắn cổ rắn mang ra ngoài đồng/ Hùm nằm cho lợn liếm lông..." hay câu thơ ca ngợi lãnh chúa La Palice (1470-1525) khá ngây ngô: "Mưởi lăm phút trước khi chết/ Ngài còn sống ở trên đời...", cùng một loạt các sánh tác phiêu lưu hoang tưởng, huyễn tưởng chiêm bao, huyễn tưởng nghịch dị như của Alfred Jarry (1873-1907): Ubu làm vua, Ubu bị xiềng và Ubu bị cắm sừng đều được xếp vào dạng tiền sinh của văn học phi lý.
Quan điểm này bị coi là quan điểm quá rộng, dựa vào thủ pháp nghệ thuật-nghịch dị hơn là vào quan điểm nghệ thuật về thế giới và nhân sinh. Cái phi lý chỉ thấp thoáng được khai thác chứ không phải là một chủ đề được khai thác thật sự. 
Vậy thì đặc điểm nghệ thuật của văn học phi lý là gì? Văn học phi lý phản ảnh những hiện tượng và sự việc trái với sự phát triển của tư duy logic thông thường, hoặc nói đúng hơn là trái với logic nhân văn tiến bộ của loài người. Bắt đầu từ Franz Kafka, nhà văn Tiệp gốc Do Thái viết tiếng Đức (1883-1924). Căn nguyên xã hội học của văn học phi lý có thể nói rằng nó là kết quả của chủ nghĩa phi lý triết học, kết quả của cuộc khủng hoảng thực tế xã hội thế kỉ XX.
Có thể nói Dostoevski cũng đã xây dựng được khá nhiều hoàn cảnh phi lý, tuy ông không lấy cái phi lý làm đề tài khai thác nhưng cũng đủ làm cho các nhà văn phi lý sau này tôn sùng. Hoàn cảnh mâu thuẫn giữa lí trí và tình cảm (Tội ác và trừng phạt), lòng nhân từ và thói xấu xa (Những kẻ tủi nhục và những kẻ bị hà hiếp), cái thiện và cái ác (Thằng ngốc-Gã khờ) tư tưởng vô chính phủ và ý thức lương tâm (Anh em nhà Karamazov)...
Kết luận : Mặc dù khái niệm phi lý đã xuất hiện từ thời xa xưa, nhưng khái niệm phi lý hiện đại mới chỉ xuất hiện ở nửa đầu thế kỉ XIX với chủ nghĩa phi lý tính và sau đó là chủ nghĩa hiện sinh, nó chỉ được thể hiện thành một loại hình văn học rõ rệt từ đầu thế kỷ XX với người mở đường là Kafka. Nói đến văn học phi lý là nói đến văn học con đẻ của thế kỷ XX, nói đúng hơn là kết quả của cuộck khủng hoảng về nhiều mặt của thế kỉ XX.

Những bước tiến hoá của văn học phi lý
1.Văn học phi lý-một phản ứng của thời đại lịch sử
Ngoài nguồn triết học và văn học đơn thuần, không thể phủ nhận hoàn cảnh lịch sử-xã hội cụ thể là nguồn thứ 3 tạo nên văn học phi lý. Cùng với sự khủng hoảng về kinh tế, xã hội, chính trị...cuộc khủng hoảng về thân phận con người đã có một tác động hàng đầu đến tư tưởng các nhà văn. Ở xã hội phương Tây hiện đại có hai yếu tố lịch sử-xã hội quyết định đến văn học phi lý, đó là hiện tượng tha hoá và hiện tượng vật thể hoá, đặc trưng cho xã hội của chủ nghĩa tư bản hàng hoá hiện đại. Sự phi lý hiện rõ khi trong một xã hội càng ngày các phương tiện phát triển thông tin càng làm cho con người dễ dàng giao tiếp bao nhiêu, các mối quan hệ đạo lý-nhân văn lại càng bị gián đoạn bấy nhiêu, "bộ phận không hợp nhất được với tổng thể, cá nhân không hợp nhất được với tập thể, con người không hợp nhất được với nhân loại"-Durrenmatt.
Đầu thế kỉ XX có thể nhận thấy một phong trào phủ đinh đối với trật tự hiện hành của xã hội, sự phủ định nghệ thuật truyến thống, và quay về với nghệ thuật của người nguyên thuỷ, chống lại những ước lệ khuôn sáo của nghệ thuật truyền thống, đặc biệt với tâm hồn của các nghệ sĩ theo chủ nghĩa biểu hiện. Cái thái độ phủ định mang tính bi kịch này là một đặc điểm chung cho cả một phong trào nghệ thuật sau này được gọi là phong trào tiên phong, có gốc gác từ cuối thể kỉ XIX, kéo đến năm 50,60 của thế kỷ XX với cái tên là phong trào phản nghệ thuật, trong xu hướng đó có cả văn học phi lý.
Xét về đại thể thì văn học phi lý có chung một đặc điểm với các loại nghệ thuật tiên phong khác là nó có thái độ phủ định những ước lệ truyền thống, những ước lệ bị coi là đã cạn kiệt khả năng gây xúc cảm.
2.Sự thống nhất của hai mặt đối lập : Kafka-Camus
Franz Kafka (1883-1924) với ba tiểu thuyết : Nước Mỹ, Vụ án, Lâu đài cùng một số truyện ngắn đã làm một cuộc cách tân to lớn trong nghệ thuật văn xuôi.
Với tác phẩm đầu tay (Mô tả một cuộc chiến, 1907), dường như ông muốn sáng tác theo phong cách chủ nghĩa biểu hiện. Nhưng chính tác phẩm này cũng đã cho thấy ông sẽ rời bỏ chủ nghĩa này để đi theo phong cách riêng khác hẳn với chủ nghĩa biểu hiện. Năm 1912 viết “Nước Mỹ”, 1913 viết một số truyện ngắn trong đó có “Lời tuyên án”, năm 1914 viết “Vụ Án”, 1915 viết “Hoá Thân” (Biến dạng), 1916 viết truyện ngắn “Trước cửa pháp luật”, 1920 viết Lâu đài...
Trong ba cuốn tiểu thuyết của Kafka, “Vụ án” và “Lâu đài” là hai sáng tác điển hình của nhà văn và cũng là của văn học phi lý. Vụ án kể về câu chuyện của anh nhân viên ngân hàng tên là Josef K., vào cái ngày kỷ niệm sinh nhật lần thứ 30 của mình, bị một toà án bí hiểm nào đó mà anh không hề biết gán cho anh một cái tội mà anh cũng không hề biết. Suốt một năm trời anh phải trải qua những cuộc thẩm vấn trước mặt những người trung gian chứ không được gặp một vị thẩm phán hay được điều trần trước bất cứ toà án nào, để rồi đến ngày kỷ niệm sinh nhật lần thứ 31 của mình, K. bị hai người đàn ông to béo đến lôi anh ra một khu khai thác đá ở ngoại ô thành phố và chả nói chả rằng đâm phập con dao vào trái tim anh. Lâu đài kể về chuyện một anh nhân viên trắc địa cũng tên là K. được mời đến làm việc dưới sự cai quản của một lãnh chúa (ngài bá tước West West, cái tên vô danh như K.), sống trong một toà lâu đài ngự trên một quả đồi. Tuy vậy, anh chàng K. này cũng không bao giờ có thể tiếp cận được với những người sống trong toà lâu đài bí hiểm kia. Giống như Josef K., K. cũng tìm mọi cách để được gặp những người trong lâu đài những không thành. Thậm chí ngay cả những người dân thường ở quanh lâu đài cũng không ủng hộ anh.
Trong hai cuốn tiểu thuyết này, đối tượng nhận thức không hề lộ mặt. Josef K. chưa hề phải đứng trước vành móng ngựa một lần nào. Trong những lần đi tìm toà án, anh đã được gặp nhiều người ở vào địa vị bị cáo như anh. Họ cũng ngồi đợi và không có hy vọng được gặp. Khi K. hỏi họ đợi gì, họ chỉ biết ngơ ngác trả lời "Tôi đợi". Đây có thể coi là mô típ đặc thù của văn học phi lý sau này được nhiều nhà văn khai thác như Dino Buzzati (1906-1972) và Beckett với vở kịch nổi tiếng “Trong khi chờ đợi Godo”.
Cuốn tiểu thuyết Sa mạc Tartar của Buzzati (in năm 1940) là một câu chuyện khôi hài về một đội quân đồn trú luôn luôn được đặt trong tình trạng báo động sẵn sàng chờ đợi kẻ thù mà chúng chả bao giờ xuất hiện, họ không tiến mà cũng chả lùi được. Họ cũng phải thực hiện một sự chờ đợi phi lý không kém gì các nhân vật của Kafka.
Sau những ngày tháng miệt mòi đi tìm toà án, K. rất ngach nhiên khi thấy văn phòng toà án có thể được có mặt ở bất cứ đâu và luôn luôn ở trên tầng áp mái. Cuối cùng, trong một lần đến nhà thờ để hướng dẫn khách tham quan, anh đã được một vị linh mục kể cho nghe một câu chuyện mang tính đúc kết cái tinh thần của toàn bộ cuốn tiểu thuyết.
Có thể nói, K. càng tìm hiểu lại càng lạc lối, không bao giờ có cơ hội gặp được các vị quan toà. Anh chàng hoạ sĩ bạn K. đã nói "Thực vậy, các quan toà cấp dưới, như các quan toà chỗ bạn bè tôi, không có quyền tuyên bố tha hẳn; cái quyền ấy thuộc về toà án tối cao mà cả ông anh, cả tôi, cả những người khác nữa, không ai với tới được. Những chuyện diễn ra trên đó, chúng ta chả biết tí gì, và xin nói thêm, chúng ta chẳng muốn biết". Mọi người không được biết và cũng không bắt buộc phải tin. Ông linh mục cũng đã khẳng định với Josef K. sau khi kể câu chuyện của mình về anh gác cửa "người ta không bắt buộc phải tin là đúng tất cả những điều hắn nói, chỉ cần xem chúng là tất yếu, thế là được"
Trong câu chuyện này, pháp luật là một nhân vật ngay từ đầu đã tỏ ra phi lý vô hình và bất khả tri, một loại nhân vật vắng mặt rất đặc trưng cho sáng tác của Kafka. Loại nhân vật này thuộc thế giới bí hiểm, siêu nhân và bất khả tương giao đối với con người bình thường. Ở chương IX, ông linh mục đã nói với K. về anh chàng gác cửa như sau "Dù ta có thấy hắn thế nào đi nữa hắn vẫn cứ là một kẻ nô bộc của Pháp luật vậy hắn thuộc về Pháp luật; vậy hắn thoát ra khỏi sự phán xử của nhân loại. Và trong trường hợp ấy, ta cũng phải thôi đừng nghĩ hắn thấp kém hơn người kia". . Trong thực tế, nhân loại cũng không phán xử được pháp luật cho dù có muốn hay không, vì không thể tiếp cận được nó.
(câu chuyện đã được Kafka rút ngắn thành truyện ngắn mang tên “Trước cửa Pháp luật”:
Chuyện kể rằng có một bác nông dân khăn gói từ nhà quê lên tỉnh để xin được gặp pháp luật. Anh chàng gác cửa pháp luật bảo bác ngồi đợi. Thế rồi bác ngồi đợi hết năm này đến năm khác những chả bao giờ thấy cánh cửa pháp luật mở hẳn ra cho một ai vào. Cuối cùng đến tận khi hấp hối bác mới dám đánh bạo hỏi anh chàng này tại sao suốt mấy năm trời bác không hề thấy pháp luật tiếp một ai. Thế là bác được anh chàng gác cửa quát to vào tai bác rằng "Cái cửa này chỉ dành cho một mình bác thôi. Bây giờ tôi đóng lại đây".)
Trong “Lâu đài”, mặc dù K. tỏ ra tích cực hơn, anh vẫn lạc vào những vòng tròn luẩn quẩn khi tiếp cận với lâu đài và cả những người dân. Rút cục, trong cả hai tiểu thuyết, cả Josef K. lẫn K. càng tìm hiểu thì càng lạc vào mê cung của một thế giới phi lý không thể nào hiểu nổi và tồn tại ngoài ý muốn của con người. Và cũng thật "phi lý" khi cả hai anh chàng K. càng lạc sâu vào trong thế giới phi lý đó lại càng trở nên tha hoá, xa lạ với thế giới chả khác ri` bản thân tác giả của họ, như Kafka đã viết trong Nhật ký của mình : "Tôi sống xa lạ hơn một kẻ xa lạ".
Ngoài chủ đề tha hoá, ở Kafka còn có một thái độ phê phán ý thức bầy đàn. Có thể nói, trong thế giới của Kafka có hai bên : một là nhân vật chính và bên kia là phần còn lại của thế giới với lối sống bầy đàn. Đây là một phát hiện được rất nhiều càng nhà văn sau này tiếp thu. Trong Huyền thoại Sisyphe, Camus viết về lối sống bầy đàn của người công nhân như một sự tẻ nhạt phi lý " Ngủ dậy, lên xe điện, bốn giờ ngồi bàn giấy hoặc làm việc ở công xưởng, nghỉ ăn cơm, bốn giờ lao động, nghỉ ăn cơm, đi ngủ..., lối sống đó tiếp diễn dễ dãi gần như đều đặn."
Trong vở kịch Cuộc viếng thăm của bà mệnh phụ già của Durrenmatt , có một người con gái bị người tình phụ bạc phải đi phiêu bạt nơi xa. Sau bao năm lưu lạc, khi đã về già, người đàn bà bị phụ tình trở về với tư cách là một mệnh phụ giàu có. Bà ta muốn trả thù người tình cũ nhưng không muốn tự mình ra tay. Bà lặng lẽ dùng tiền mua chuộc dần dần người dân trong thị trấn để cuối cùng họ đi tới việc kết tội và xử tử người tình cũ của bà. Trong vở kịch này, tác giả cho thấy chính lối sống bầy đàn đã dẫn đến việc con người dễ bị cái ác cám dỗ. Lối sống bầy đàn là một trong những điều phi lý tồi tệ nhất của xã hội hiện đại mà các nhà văn phi lý cực lực phê phán.
Ở Kafka, cái phi lý là một đối tượng nhận thức khách quan. Nó không phải đơn thuần là một hiện tượng xã hội mà nó có liên quan và thậm chí chi phối vận mệnh con người. Để tồn tại, con người phải luôn đấu tranh để loại trừ sự phi lý. Trong mọi trường hợp, cái phi lý của Kafka là những tấn bi kịch của con người hiện tồn trong thế giới đương thời. Nhiều khi cái phi lý đã được ông chắt lọc đến mức tinh chất để chúng ta có thể thấy được cái cốt lõi của nó. Trong suôt cả cuộc đời ngắn ngủi của mình, bất chấp bênh tật và những bất hạnh của đời tư(quan hệ giữa ông với người cha không được mặn mà;vợ con không có), Kafka vẫn không ngừng đấu tranh chống lại cái phi lý xã hội và sự tha hoá của con người do xã hội tư bản gây ra.
Kafka có thể nói cũng đã chịu ảnh hưởng phần nào triết học hiện sinh của Kierkegaard. Nếu cuốn sách Khái niệm bất an của nhà triết học người Đan Mạch này bộc lộ quan điểm triết học bi quan về sự sinh tồn, Kafka cũng dường như muốn chứng minh rằng bản chất của sự sinh tồn chính là lo sợ, là nỗi bất an, chí ít là của sự sinh tồn của con người đầu thế kỉ XX. Nỗi bất an ám ảnh mà con người không sao thoát được.
Điển hình có thể nhắc tới truyện ngắn Hang ổ của ông. Trong chuyện này tác giả kể về một con vật (xưng "tôi" kể chuyện) đào một cái hang sâu dưới lòng đất để lẩn tránh kẻ thù. Nhưng ngay dưới lòng đất nó cũng không thể tìm thấy sự bình yên vì đến một lúc nó lại có cảm giác dường như có một tiếng đào hang của con vật khác đang tiến gần lại phía nó. Đây được coi như tình huống tới hạn của sự bất an mà không một nhà văn nào diễn tả được như Kafka.
Kafka chủ trương chỉ lưu tâm tới những con người bình thường, đến những nỗi lo đời thường của họ. Có thể nói nỗi lo đời thường đã là một trong những yếu tố làm cho văn học của Kafka và chủ nghĩa hiện sinh sau này có được ý nghĩa nhân đạo sâu sắc. Dịch hạch của Camus chính là sự nối tiếp nỗi lo của Kafka, một nỗi lo cho đồng loại trước sự huỷ diệt của con người, một nỗi lo thấm đẫm tình nhân đạo, làm cho các nhân vật quên đi mình một cách tự nhiên.
Có thể nói, cái phi lý đã trở thành nhân vật chính trong những gì mà Kafka đã viết. Cái phi lý ở đây là một thực thể tồn tại khách quan mà nhà văn tìm hiểu suốt cả cuộc đời.Sau ông, Camus sẽ đóng góp thêm cho khái niệm phi lý về mặt triết học và sẽ bổ sung thêm cho sáng tác văn học ông một bình diện phân tích khác : bình diện chủ quan của cái phi lý.
Bài viết này được lấy từ nhiều nguồn, xin gửi tặng các bạn đang học văn học phương Tây!

Thứ Tư, 9 tháng 5, 2012

DÀNH CHO NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU


Lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi đã làm được một việc riêng cho mình – đó là viết Blog. Tôi không nghĩ rằng cũng có nhiều người quan tâm và góp ý với mình như vậy. 20.000 lượt truy cập là con số mà ngay cả bản thân tôi lúc lập Blog nghĩ tới. 20.000 dành cho bạn bè, những người thân yêu, và cả những người xa lạ với tôi. Đó không phải là con lớn nhưng cũng là đủ cho một kẻ mới “bập bẹ” tập viết như tôi.
Những bài viết trên Blog có thể do tự bản thân tôi viết, cũng có những bài mà tôi đọc được ở đâu đó, thấy hay và post lên để mọi người cùng đọc. Với mong muốn có thêm những tri thức mới, được giao lưu nhiều hơn với bạn bè gần xa để học hỏi những kinh nghiệm quý báu, và hôm nay tôi xin đăng bài viết “3 điều giá trị” – một bài viết mà tôi tâm đắc từ rất lâu và tự nhận đó làm phương châm sống. Dẫu biết rằng để thực hiện những điều đó không phải là dễ nhưng những cố gắng sẽ dần “hiện thực hóa” những điều mà bản thân luôn cố gắng theo đuổi. Tôi xin được tặng cho tất cả các bạn – những người luôn theo dõi những thay đổi của “kẻ cô đơn” này.
3 ĐIỀU GIÁ TRỊ
·        Ba điều trong đời một khi đã đi qua thì không thể lấy lại được:
-         Thời gian
-         Lời nói
-         Cơ hội
·        Ba điều trong đời không được đánh mất:
-         Sự thanh thản
-         Hy vọng
-         Lòng trung thực
·        Ba thứ có giá trị nhất trong đời:
-         Tình yêu
-         Lòng tự tin
-         Bạn bè
·        Ba thứ trong đời không bao giờ bền vững được:
-         Giấc mơ
-         Thành công
-         Tài sản
·        Ba điều làm nên giá trị một con người:
-         Siêng năng
-         Chân thành
-         Thành đạt
·        Ba điều làm hỏng cuộc đời một con người:
-         Rượu
-         Lòng tự cao
-         Sự giận dữ.

Chủ Nhật, 6 tháng 5, 2012

Em… Đâu cần phải nói


Đọc một chút, thấy những điều viết về con gái cũng có đúng, mà cũng có sai. Trăn trở một lúc, thấy cũng nên post lên những dòng tâm sự này, để có thể nhận ra những thay đổi từ những người bạn của tôi, và cả người đó nữa. Hơn ai hết, những kiến thức của cuộc sống đã khiến tôi dễ dàng đưa ra những nhận xét, phán đoán về con người đó – người quan trọng trong suốt thời gian qua của tôi.
“Khi anh hỏi em có cho anh cơ hội trở thành một phần cuộc sống của em không, em chẳng trả lời, nhưng để tay em nguyên trong tay anh. Đâu cần phải nói ra, anh đã có câu trả lời rồi đó.
Khi anh đưa cho em tấm hình của anh để em vẫn thấy có anh ở bên lúc xa nhau, em lắc đầu chẳng nhận, nhưng sau đó em lại để anh cất hình vào túi em. Đâu cần phải nói ra, em đã hứa sẽ chỉ nghĩ đến anh kể cả lúc không ở bên anh rồi đó.
Khi anh ép em phải nói rõ tình cảm dành cho anh, em bảo em không quen nói những lời như thế, nhưng sau đó em lại nói em nghĩ thế rồi. Đâu cần phải nói ra, bấy lâu nay anh đã là mối quan tâm lớn nhất của em rồi đó.
Khi anh muốn đến nhà em vào một dịp đặc biệt, em nhất định không đồng ý, nhưng khi anh đến em đã mừng rỡ ra tận cổng đón anh. Đâu cần phải nói ra, anh đã đánh dấu lên cánh cổng nhà em đây là nơi đã có người vào rồi đó. 
Khi anh muốn làm một việc gì đó cho em, em bảo chẳng cần đâu, em tự làm được, nhưng có lần em lại bảo sao anh không tự động quan tâm xem em sống thế nào, sao mà cứ làm gì cũng phải hỏi trước. Đâu cần phải nói ra, em đã là của anh rồi đó.
Khi bỗng nhiên em giận, anh hỏi anh đã làm gì sai thế nhỉ, em chẳng nói. Đâu cần phải nói ra, anh là của em thì em thích giận lúc nào thì giận thôi, nhìn cái mặt anh là thấy giận rồi đó.
Khi anh vô tình bắt gặp những tin nhắn lạ, anh hỏi em thì em lắc đầu chẳng nói, gặng hỏi thì em bảo những cái đó chẳng có ý nghĩa gì. Đâu cần phải nói ra, xuất hiện những điều em không thể chia sẻ với anh rồi đó.
Khi anh vô tình biết em đi chơi, hẹn hò với người khác, anh hỏi em thì em trả lời lấp lửng. Đâu cần phải nói ra, đã có những chuyện của em nhưng không phải là của anh rồi đó. 
Sau tất cả những gì kể ở trên, khi anh nói nếu anh ra khỏi cửa và không bao giờ quay lại nữa, em có giữ anh lại không, em không nói và cũng không giữ anh nữa. Đâu cần phải nói ra, sự im lặng của em đã là câu trả lời cho anh rồi đó”.
Muốn nói, muốn viết, cũng chỉ mong đó là những nhận định sai lầm. Vì khi tất cả chưa sáng tỏ, chỉ còn 1 cách là im lặng và chờ đợi mà thôi.

Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

CHỈ CẦN ĐÔI MẮT


Hãy cưa đôi chân của tôi đi
Để tôi khỏi lang thang.
Hãy xẻo đôi môi của tôi đi
Để tôi không thể hôn tôi được nữa.
Hãy chặt đôi tay của tôi đi
Để tôi không thể ôm em.
Hãy đập vỡ trái tim của tôi
Để nó không làm tôi điên dại
Xin hãy để cho tôi đôi mắt
Để tôi khóc người tình
Để mất hút của tôi.

Thứ Tư, 2 tháng 5, 2012

HÃY CẢM ƠN


Tình cờ, tôi mượn được một cuốn sách “Vượt qua bản thân” của Lưu Dung Trứ của một người bạn. Đọc qua thì thây cũng thấm thía, nhưng chẳng được bao nhiêu. Đối với chúng ta (có cả tôi nữa, hihi…), những con người trẻ đang sống trong một cuộc sống đầy rẫy nhưng lo toan, tính toán, với những điều mà chúng ta suốt ngày phải rên lên : “khổ! Bất hạnh!...”
Xin được trích dẫn vài dòng trong đoạn “Hãy cảm ơn” để các bạn cùng cảm nhận để có thể biết mình sống sao cho tốt hơn.
“Hãy cảm ơn vì bạn chưa có tất cả những gì bạn muốn. Vì nếu bạn đã có rồi thì bạn còn có gì để trông chờ và hy vọng nữa đâu.
Hãy cảm ơn vì còn nhiều điều mà bạn chưa biết. Vì nếu bạn biết hết rồi thì bạn chẳng còn gì để học hỏi nữa sao?
Hãy cảm ơn những lúc khó khăn. Vì nếu không có một chút khó khăn thì liệu bạn có trưởng thành được không?
Hãy cảm ơn vì bạn có những nhược điểm. Vì nếu không còn nhược điểm gì thì bạn sẽ chẳng còn cơ hội để tiến bộ, để cải thiện bản thân.
Hãy cảm ơn những thử thách. Vì nếu không có những thử thách nào thì liệu có cái gì có thể xây dựng nên sức mạnh cá tính của bạn?
Hãy cảm ơn những lỗi lầm mà bạn đã có. Vì nếu bạn không có lỗi lầm thì cái gì sẽ dạy cho bạn những bài học đáng giá như thế đây?
Hãy cảm ơn những khi bạn mệt mỏi. Vì nếu bạn không khi nào mệt mỏi tức là bạn không làm việc gì hay sao?
Thật là dễ nếu cảm ơn những thứ tốt đẹp, nhưng cuộc sống bao giờ cũng tạo cơ hội mới cho mọi người cảm ơn cả những thứ chưa hoàn hảo nữa. Suy nghĩ luôn có thể chuyển tiêu cực thành tích cực. Nếu bạn biết cảm ơn những thứ rắc rối của bạn thì chúng có thể giúp cho bạn thật nhiều đó.
Trước người thât ý đừng nói những chuyện đắc ý, vì như thế chỉ làm tăng nỗi buồn của đối phương mà thôi. Vì vậy, dù vạn sự như ý thì cũng nên cố ý nói những điều buồn khổ cho đối phương nghe.
Trước những người đắc ý đừng nói chuyện thất ý, vì những người đắc ý thường không thể thông cảm với nỗi buồn của người thất ý.
Vì vậy cho dù có nhiều điều không như ý thì cũng phải cố gắng phấn chấn tinh thần lên.
Bạn bè kết giao lúc thất ý thì lúc đắc ý thường dễ mất đi, vì người đó cảm thấy cuộc sống của bạn tốt đẹp hơn, không còn là bạn… nỗi khổ của mình nữa, người đó không muốn trèo cao, kết thân với những người cao sang, và cũng không thể trèo cao, nếu bạn có những lời nói và hành động vô tâm có thể khiến cho người ấy mặc cảm tự ti.
Mắc lỗi với bạn bè lúc đắc ý thì lúc thất ý cũng khó phản hồi, người ta cảm thấy cái uy phong khí thế của ngày xưa của bạn mất đi, không phải là do bạn trở nên khiêm tốn, nhũn nhặn hơn mà là vì bạn bế tắc hết đường mới quay lui lại xây đắp lại mối giao hảo xưa. Ngày xưa bạn không nhận họ thì hôm nay họ không nhận bạn.”

Thứ Ba, 1 tháng 5, 2012

TẶNG EM… NHÂN NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG



Anh biết một loài hoa mang tên “Tường vi” – loài hoa mang theo một ngôn ngữ của tình yêu thương, tỏ lời hứa hẹn. Chính vì vậy mà hoa Tường vi luôn được nhắc nhở trong các sáng tác của các nhạc sĩ, nhà thơ, nhà văn.
Hoa tường vi đẹp, nhánh tường vi đẹp, và hoa tường vi dù trong nắng mưa vẫn luôn xinh đẹp. Anh muốn em là một bông tường vi như vậy – một bông tường vi luôn tươi tắn, mạnh mẽ dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Em về với gia đình trong quãng thời gian nghỉ 1 tuần lễ. Một tuần lễ không được gặp em, một tuần lễ anh không được nói chuyện, và đó cũng là một tuần lễ anh đối mặt với sự cô đơn. Anh chẳng thích gọi em bằng cái tên mà những người thân thiết em thường gọi. Có lẽ vì anh không biết cái tên đó, và thực ra thì cũng chẳng phải anh yêu em chỉ vì cái tên. Thế nhưng hôm nay, anh lật ra từng trang thơ, tìm cho mình những dòng thơ tươi tắn nhất, đầy cảm xúc nhất về cái tên ấy để dành tặng người anh yêu. Tất cả chỉ với một mục đích được thể hiện lòng mình, được nói lên những lời đẹp đẽ và trân trọng nhất với con người mang tên loài hoa ấy.
Tặng em! Với tất cả tình yêu thương!
NHÁNH TƯỜNG VI
Sao trở lại hoài cái năm mười chín tuổi
Ngọn gió về trên những nhánh tường vi
Mười năm ấy mùi hương không giấu nỗi
Tóc em thơm, giọt nắng hóa bông qui.

Sao trở lại hoài cái năm mười chín tuổi
Kìa, một chàng trai mắt sáng môi tươi
Chiều tan lớp cùng một người chung lối
Muốn làm quen không thốt được nên lời.

Sao trở lại hoài cái năm mười chín tuổi
Tách cà phê nhỏ đặc những đêm buồn
Áo em trắng bỗng phập phồng gió thổi
Thơ giăng buồn kì vọng đến bờ thương.

Sao trở lại hoài cái năm mười chín tuổi
Nhánh tường vi tìm nỗi nhớ len vào
Dẫu ta biết thời gian không nán đợi
Mà tay mình kỷ niệm vẫn xôn xao.

HOA TƯỜNG VI
Trắng với hồng và tim tím màu nhạt
Tựa màu mây phiêu lãng cuối trời xa
Hoa tường vi như thực lại như mơ
Cùng tôi sống suốt một thời trẻ dại.

Vóc nhỏ nhắc trước tầm gió thổi
Tôi hiểu điều đó trong lá nói lao xao
Ở nơi nào bởi điệu ca dao
Từng ca ngợi một loài hoa chưa có.

Hoa phảng phất mối tình trong chuyện cổ
Mang lỡ lầm oan ức đã xa xôi
Hoa tường vi thời trẻ dại của tôi
Bên mái rạ một mảnh vườn hẻo láng.

Ngày mưa bụi khắp nẻo đường và lạnh
Những cụm hồng, cụm tím lẫn màu xanh
Tôi có hoa bè bạn tên mình
Hoa hiểu cả những điều tôi chẳng nói.

Tôi đã qua bao thác ghềnh đá núi
Qua thời gian tóc thoáng sợi màu mưa
Hoa tường vi của những ngay xưa
Tôi vẫn nhớ một màu mây phiêu lãng.

LỜI RU HOA TƯỜNG VI
Ngủ đi hoa tường vi !
Có gì mà thao thức
Tình yêu em quá thật
Anh mấy lần ăn năn.

Ngủ đi giấc ngủ muộn màng
Tay anh chờ em gối
Mắt nhìn anh đừng nói
Ngủ đi hoa tường vi !

Ngủ đi hoa tường vi !
Môi em còn thơm lắm
Bạch trinh mùa quả cấm
Anh suốt đời đa mang.

Tóc gió lùa đông sang
Chân mày nghiêng dầu thánh
Co ro mười ngón lạnh
Nhắm mắt nào tường vi!

Nhắm mắt nào tường vi !
Hờn ghen chi cỏ rối
Anh làm người xưng tội
Cừa lòng không tường vi ?

Ngủ đi hoa tường vi !
Đêm đã gần cạnh sáng
Anh biến thành đá tảng
Ngủ ngoan nào tường vi!