Sống trong đời sống cần có một tấm lòng!

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng!

Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

CHỨC NĂNG GIÁO DỤC CỦA VĂN HỌC


CHỨC NĂNG GIÁO DỤC CỦA VĂN HỌC

I.           Văn học và các chức năng của văn học
    1. Khái niệm văn học
Có rất nhiều quan niệm về văn học từ trong lịch sử của các nhà Mỹ học duy tâm và duy vật và cho đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, có thể hiểu khái niệm văn học ở 2 góc độ sau:
-          Theo nghĩa rộng : Văn học chính là tên gọi chung của mọi tác phẩm bằng ngôn ngữ nói hay viết.
-          Theo nghĩa hẹp : Văn học là văn học nghệ thuật, tức là các sáng tác bằng ngôn từ hư cấu, tưởng tượng; biểu hiện tình cảm của con người như: thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn, kịch,…
    1. Các chức năng của văn học
Văn học không chỉ phát triển một chức năng nào đó mà đồng thời mang nhiều chức năng hoàn toàn khác nhau. Nó không lặp lại nội dung của một chức năng nào đó như các ngành khoa học khác mà thực hiện theo cách hoàn toàn riêng biệt (tùy theo mục đích và phương thức).
Hiện nay, có rất nhiều ý kiến trong vấn đề số lượng và sự phân định rạch ròi các chức năng của văn học. Có ý kiến cho là văn học có 3 chức năng, rồi 4, 5, 8, 9, 10, thậm chí là tời 14 chức năng. Việc thống nhất là điều chưa thể thực hiện nên có thể tạm văn học gồm có 4 chức năng chính:           
Chức năng nhận thức
Chức năng giáo dục
Chức năng thẩm mỹ
 Chức năng giao tiếp
Ngoài ra còn có thể kể đến một số chức năng khác như: chức năng sáng tạo, chức năng đánh giá, chức năng cải tạo,…
II.        Chức năng giáo dục của văn học
    1. Khái niệm giáo dục
-          Giáo dục có thể hiểu là học tập, nâng cao trình độ văn hóa.
-          Giáo dục cũng có thể hiểu như hoạt động rèn luyện, trau dồi những giác quan thẩm mỹ và năng lực sáng tạo cho con người.
    1. Chức năng giáo dục của văn học
Theo cách hiểu như trên thì chức năng giáo dục của văn học là rất phong phú. Những ý kiến về việc nên tách chức năng văn hóa hay chức năng chức năng sáng tạo trong chức năng giáo dục của văn học ra riêng cũng không phải là không có cơ sở. Tuy nhiên, văn học không chỉ giáo dục về mặt đạo đức phẩm chất con người mà còn tác động đến thế giới quan và các quan điểm chính trị - xã hội của con người.
Chức năng giáo dục của văn học thể hiện trong những nội dung sau:
2.1 Văn học có chức năng giáo dục thẩm mỹ.
Chức năng giáo dục của văn học trước hết là giáo dục thẩm mỹ. Đó là quá trình nâng cao năng lực thẩm mỹ của con người trong đó có việc bồi dưỡng các cảm xúc thẩm mỹ, thị hiếu thẩm mỹ và lý tưởng thẩm mỹ. Từ đó, con người có khả năng tiếp cận và tiếp nhận cái đẹp một cách có hiệu quả hơn.
Các tác phẩm ở những thời đại khác nhau cho chúng ta biết được sự đánh giá về cái đẹp của giai đoạn đó. Từ những nhân vật cụ thể trong tác phẩm mà người đọc xây dựng cho mình lý tưởng thẩm mỹ cho phủ hợp.
Ví dụ: Hình tượng Từ Hải trong “Truyện Kiều” ngoài ý nghĩa là mơ ước tự do và công lí của Nguyễn Du, nó còn có tác dụng khơi dậy ở người đọc ý chí độc lập tự do, ý thức không cam tâm làm nô lệ, ý thức tháo củi sổ lồng đạp bằng mọi bất công ở con người. Hình tượng Kiều lại giáo dục con người ta lòng hiếu nghĩa với cha mẹ, lòng chung thủy vợ chồng, ý thức luôn luôn khơi dậy trong cuộc sống.
Trong khi đó thì Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh … là những hình tượng làm cho người đọc căm ghét thì Từ Hải lại là nhân vật làm cho người ta thương yêu, trân trọng, đấy chính là mặt trái và mặt phải của tác dụng thẫm mĩ của hình tượng văn học.
2.2 Văn học khêu gợi tư tưởng, tình cảm, nuôi dưỡng tâm hồn, niềm tin vào con người.
- Văn học có khả năng hướng thiện: luôn hướng con người đến cái thiện thông qua việc hình thành quan điểm đạo đức, khơi gợi tình cảm đạo đức cho con người thông qua hình tượng nhân vật điển hình.
Ví dụ: Từ những hình tượng như Lạc Long Quân, Âu Cơ, Thánh Gióng, cô Tấm, Thạch Sanh,… trong truyện cổ tích; hình tượng Thúy Kiều, Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga,… trong văn học chữ Nôm đến hình tượng mẹ Tơm, mẹ Suốt, anh hùng Núp, Tnú,… trong văn học hiện đại đã ảnh hưởng ít nhiều đến quan niệm đạo đức của lớp lớp thế hệ người Việt Nam.
- Văn học là nơi nuôi dưỡng tình cảm nhân ái.
+ Những tác phẩm văn học ưu tú luôn có khả năng khơi dậy trong chúng ta khả năng đồng cảm; làm cho ta biết yêu, biết buồn; dậy cho ta biết yêu, biết ghét, biết khinh bỉ sự phản trác, cái tẹp nhẹp, tầm thường, lười biếng,…
Ví dụ: Ta thương Sọ Dừa vì hình dáng tội nghiệp nhưng luôn luôn cố gắng vươn lên; ta thương Cô Tấm vì luôn bị kẻ xấu hãm hại; ta thích Thạch Sanh vì luôn chiến đấu vì người khác, bảo vệ nhân dân; ta mến Gióng vì nhỏ tuổi nhưng có quyết tâm đánh giặc cứu nước,…
Ta ghét mẹ con nhà Cám, Lý Thông,… vì chúng luôn dùng thủ đoạn để hãm hại người tốt, mong muốn có được danh lợi nhờ sự lừa lọc, lợi dụng kẻ khác,…
+ Văn học khơi dậy trong tâm hồn ta niềm tin vào sự tất thắng của cái thiện, niềm tin vào cuộc sống,…
Ví dụ: Cô Tấm hay Thạch Sanh dù có phải trải qua bao nhiêu sóng gió, bao nhiêu thử thách trong hành trình của mình nhưng vẫn giành được thắng lợi cuối cùng, vẫn có được tình yêu và hạnh phúc.
2.3 Chức năng giáo dục của văn học còn ở tình chiến đấu của nó
Văn chương là vũ khí đấu tranh giai cấp. Tính chất “vũ khí” của văn chương biểu hiện tập trung ở chỗ này. Cải tạo là phê phán cái cũ, cái xấu, cái lạc hậu, đề xuất cái mới cái tốt cái tiến bộ cách mạng. Nếu văn chương chỉ vạch ra cái tiêu cực không thôi thì mới là được nhiệm vụ “phá” mà chưa làm được nhiệm vụ “xây”. Như thế có nghĩa là chưa thực hiện trọn vẹn chức năng cải tạo. Mặt khác, không có một vụ "xây" nào mà không gắn với phê phán, phá bỏ cái cũ, cái xấu, cái lạc hậu, cái cản trở sự phát triển đi lên. Lênin đã từng gọi “Người mẹ” của Gorki là “quyển sách kịp thời” bởi vì chính “Người mẹ” đã có sức mạnh cải tạo, sức mạnh của một vũ khí tinh thần và tư tưởng cho công nhân Nga lúc bấy giờ. Người nói:  “Quyển sách này là cần thiết, nhiều công nhân đã tham gia phong trào cách mạng một cách vô ý thức, tự phát, và bây giờ họ đọc “Người mẹ”, điều đó sẽ mang lại ích lợi lớn cho bản thân họ”.
   Và quả thật, những hình tượng điển hình về những công nhân - những chiến sĩ cách mạng Nga, qua sự miêu tả của nhà sáng lập ra nền văn chương hiện thực xã hội chủ nghĩa, đã tỏ ra là những tấm gương mà nhờ đó nhiều thế hệ chiến sĩ  đấu tranh nhằm giải phóng nhân loại khỏi ách áp bức đã học tập được.
2.4 Văn học biến sự giáo dục thành tự giáo dục, giúp cho con người tự hoàn thiện nhân cách.
- Nhân cách con người được hình thành một cách trọn vẹn thông qua văn học
Các hình tượng văn học đã được nhà văn cẩn thận chọn lọc và gây xúc cảm tự nhiên trong lòng người đọc.
Ví dụ: Ta ghét Mã Giám Sinh, Sở Khanh hay Hồ Tôn Hiến vì chúng đã thể hiện được bộ mặt thật của mình qua những hành động như: “Ghế trên ngồi tót sỗ sàng” hay “Rẽ song đã thấy Sở Khanh lẻn vào”,…
Nhờ sự yêu, ghét hay thương cảm cho các nhân vật mà từ đó, nhân cách được hình thành trong người đọc một cách tự giác, dẫn biến tu tưởng, tình cảm thoáng qua ấy thành nhận thức của người đọc.
- Văn học giáo dục chính bằng sự cuốn hút, hấp dẫn của nó chứ không phải bằng những hình thức khô khan.
Tất cả những chân lý, luân lý, đạo đức, tư tưởng, tình cảm của văn học mang lại không khô khan, trừu tượng như triết học hay khoa học mà rất sống động và giàu hình ảnh, được người đọc cảm nhận một cách thích thú.
Ví dụ: Khi dạy cho đứa trẻ hiểu về tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương, đất nước, yêu đồng bào, đoàn kết, yêu thương lẫn nhau, bảo vệ môi trường, tránh phân biệt chủng tộc,… thì không có gì gây thiện cảm hơn cho trẻ bằng những bài thơ như: “Tiếng ru” (Tố Hữu), “Việt Nam đất nước ta ơi!” (Nguyễn Đình Thi) hay “Bài ca về trái đất” (Định Hải).
III.     Tạm kết
Trong các chức năng cơ bản của văn học thì chức năng giáo dục được đánh giá là quan trọng nhất. Đây là chức năng cơ bản, bao gồm những thành phần quan trọng giúp cho văn học luôn chiếm được một chỗ đứng vững chắc trong suốt chiều dài phát triển của lịch sử.
Văn học là phương tiện hữu hiệu nhất làm cho những con người có cùng chung nỗi đau, khát vọng, quan niệm đạo đức và lý tưởng thẩm mỹ xích lại gần nhau, đoàn kết với nhau; biến những tư tưởng, tình cảm, chuyển nhận thức của họ thành hành động thực tiễn.

Không có nhận xét nào: