Sống trong đời sống cần có một tấm lòng!

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng!

Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2013

Các tính chất của ngôn ngữ báo chí (các ví dụ của thể loại ghi nhanh)


Các tính chất của ngôn ngữ báo chí
Hiện nay, ngôn ngữ báo chí đang có xu thế được xem là một phong cách chức năng trong ngôn ngữ. Trên cơ sở nhận thức rằng “phong cách khuôn mẫu hoạt động trong lời nói, được hình thành từ những thói quen sử dụng ngôn ngữ có tính chất truyền thống và chuẩn mực trong việc xây dựng các lớp văn tiêu biểu”, người ta đã tìm ra những luận cứ, với các mức độ khác nhau, để khẳng định ngôn ngữ báo chí có những nét đặc thù, cho phép nó có vị thế ngang hàng với các phong cách chức năng khác trong ngôn ngữ như phong cách khoa học, phong cách hành chính – công vụ, phong cách sinh hoạt hàng ngày, phong cách chính luận.
Vậy đâu là nét đặc thù của phong cách bào chí? Các nhà nghiên cứu đã có ý kiến không thống nhất khi trả lời câu hỏi này.
Đinh Trọng Lạc, sau khi nêu rõ các đặc trưng của phong cách báo chí (như tính chiến đấu, tính thời sự, tính hấp dẫn), đã chỉ ra các đặc điểm của ngôn ngữ báo chí thuộc các phương diện từ vựng, cú pháp, kết cấu. Theo chúng tôi, đây phần lớn mới chỉ là các đặc điểm của một vài thể loại báo chí cụ thể, vì thể chúng chưa đủ tầm khái quát để có thể khắc họa diện mạo cả một phong cách ngôn ngữ trong sự đối sánh với phong cách ngôn ngữ khác,
Còn tác giả Đinh Hữu Đạt cho rằng các đặc điểm ngôn ngữ của phong cách báo chí bao gồm: 1.Chức năng thông báo; 2. Chức năng hướng dẫn dư luận; 3. Chức năng tập hợp và tổ chức quần chúng; 4. Tính chiến đấu mạnh mẽ; 5. Tính thẫm mỹ va giáo dục; 6. Tính hấp dẫn và thuyết phục; 7. Tính ngắn gọn và biểu cảm; 8. Đặc điểm về cách dùng từ ngữ (gồm cách dùng từ ngữ và cách dùng khuôn mẫu biểu cảm). Dễ dàng nhận thấy là Hữu Đạt không có sự phân định rõ ràng giữa các đặc điểm về chức năng của thông tin báo chí và các đặc điểm về ngôn ngữ như là phương tiện chuyển tải thông tin ấy. Chính vì thế, 8 đặc điểm mà ông đưa ra không đồng loại, chỉ có các đặc điểm thứ 6 và thứ 7 là có vẻ xác đáng hơn cả.
Tuy nhiên, các quan niệm của Đinh Trọng Lạc cũng như Hữu Đạt cho thấy, khi khảo sát các đặc điểm của ngôn ngữ báo chí, họ đều xuất phát từ góc độ chức năng của nó. Đây là hướng đi hợp lí, vì chính chức năng chứ không phải bất cứ một yếu tố nào khác quy định các phương thức biểu đạt có tính đặc thù của từng loại hình sáng tạo.
Như chúng ta đều biết, chức năng cơ bản có vai trò quan trọng hàng đầu của báo chí là thông tin. Báo chí phản ánh hiện thực thông qua việc đề cập đến các sự kiện và không có sự kiện thì không có tin tức báo chí. Do vậy, theo chúng tôi, nét đặc trưng bao trùm của ngôn ngữ báo chí là là có tính sự kiện.
Chính tính sự kiện đã tạo nên cho ngôn ngữ báo chí một loạt các tính chất cụ thể như:
1. Tính chính xác
Ngôn ngữ của bất kì phong cách nào cũng phải đảm bảo tính chính xác. Nhưng với ngôn ngữ báo chí, tính chất này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Vì báo chí có chức năng định hướng dư luận xã hội. Chỉ cần một sơ xuất dù nhỏ nhất về ngôn từ cũng có thể làm cho độc giả khó hiểu hoặc hiểu sai thông tin, nghĩa là có thể gây ra hậu quả xã hội nghiêm trọng không lường trước được. Chẳng hạn, sau chuyến tháp tùng một quan chức cao cấp sang thăm Trung Quôc, một nhà báo viết bài phóng sự, trong đó có câu: “Chúng tôi chia tay với tình hữu nghị dạt dào của hai nước Việt – Trung”. Rõ ràng, từ “với” ở đây không thể chấp nhận được (vì cụm từ “chia tay với…” biểu đạt ý nghĩa “từ bỏ, từ giã”), cần phải thay nó bằng từ “trong”.
Muốn sử dụng ngôn ngữ một cách chính xác, nhà báo phải tuân thủ ít nhất 2 yêu cầu: Thứ nhất, nhà báo phải giỏi tiếng mẹ đẻ, nói cụ thể là: nắm vững ngữ pháp, có vốn từ vựng rộng, chắc và không ngừng được trau dồi; thành thạo về mặt ngữ âm; hiểu biết phong cách. Thứ hai, phải bám sát các sự kiện có thực và nguyên dạng để phản ánh, không tưởng tượng, thêm bớt. Hai yêu cầu này có một mối quan hệ qua lại hết sức mật thiết. Giỏi ngôn ngữ mà xa rời hiện thực thì ngôn ngữ chỉ có thể “kêu” một cách rỗng tuếch, thiếu hơi ấm nóng của cuộc sống vốn là thứ có sức chinh phục mạnh mẽ với độc giả. Ngược lại, biết rõ hiện thực nhưng kém về ngôn ngữ thì cũng không thể chuyển tải thông tin một cách hiệu quả như mong muốn, thậm chí đôi khi còn mắc lỗi tai hại cho người khác hoặc cho xã hội.
Sử dụng ngôn từ trong tác phẩm một cách chính xác, nhà báo không chỉ đạt hiệu quả giao tiếp cao, mà còn góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Vì số lượng người tiếp nhận các sản phẩm của báo không chỉ đông tới mức không xác định được họ (nhất là trẻ em) lại luôn xem báo chí là ngọn đèn chỉ dẫn trong việc sử dụng ngôn từ, cho nên ngôn ngữ báo chí càng hoàn thiện thì tiếng Việt càng có điều kiện phát triển.
2. Tính cụ thể
Tính cụ thể của ngôn ngữ báo chí trước hết thể hiện ở chỗ cái mảng hiện thực được nhà báo miêu tả, tường thuật phải cụ thể, phải cặn kẽ đến từng chi tiết nhỏ. Có như vậy, người đọc, người nghe mới có cảm giác mình là người trong cuộc, đang trực tiếp chứng kiến những gì nhà báo nói tới trong tác phẩm của mình. Đoạn trích sau đây trong tác phẩm ghi nhanh “Đêm trắng nhà tang lễ” của K.Em - Đ.Nam - V.Hùng là một minh chứng cụ thể:
Đúng 13giờ 30, 12 chiếc xe chở thi hài các nạn nhân trong vụ tai nạn khủng khiếp trên đường Hồ Chí Minh rời Đà Nẵng. Theo chỉ đạo của ngành giao thông vận tải, đường hầm Hải Vân đã mở cửa để đoàn xe đi qua thuận tiện và nhanh chóng hơn.
Ngay từ 5 giờ sáng, những nẻo đường dẫn vào Nhà tang lễ Viện quân y C17 (Quân khu 5) chật cứng người thân. Họ đến từ Hà Nội, Vinh, Bình Định và TP.HCM bằng tất cả những phương tiện có được.
Đúng 6 giờ sáng hôm nay, 6 chiếc xe Zin 130 chở 31 thi hài đã về đến Đà Nẵng. Vây quanh những chiếc xe là những người thân, bạn bè của những cựu chiến binh xấu số. Và dù rất bình tĩnh nhưng anh Trần Trọng Long, con cả của trưởng đoàn tham quan Trần Trọng Cáp vẫn nấc trong nghẹn ngào "Ba tôi vừa gọi điện bảo tôi (Anh Long hiện đang công tác tại TP.HCM-PV) rằng khi nào vào đến TP.HCM thì ba sẽ gọi con đến đón, con không nên trông ngóng làm gì. Ba đi cùng với rất nhiều đồng đội nữa mà".
Trong cái nắng ban mai đầy nguội lạnh của một buổi sáng bên khu nhà tang lễ, sáu chiến xe Zin chở 31 thi hài xấu số lầm lũi tiến vào. Tiếng người thân thóc thét nghe đến nao lòng. 9g30 phút những người thân từ Hà Nội tiếp tục "bay" vào bằng đường hàng không mặc dù việc mua vé máy bay thời điểm đó không hề dễ dàng một chút nào cả.
Cả một cảnh tượng, một bức tranh trải dài trong đêm tại nhà tang lễ Bệnh viện Quân y C71 được dựng lại hết sức chân thực nhờ sự miêu tả một loạt các hành động, các cảm giác cụ thể của tác giả. Khi đọc những đoạn viết trên, độc giả có thể hình dung được mình cũng đang trải qua một cuộc hành trình đầy gian nan, vất vả và diễn biến của vụ tai nạn khủng khiếp trên đường Hồ Chí Minh ngày 21-4-2005. Đây chính là khởi nguồn của niềm cảm thông, thương tiếc vô cùng những người thương binh, bệnh binh đi thăm chiến trường xưa.
Bên cạnh đó, tính cụ thể của ngôn ngữ ghi nhanh còn nằm ở việc tạo ra sự xác định cho đối tượng được phản ánh. Như thực tế cho thấy, mỗi sự kiện được đề cập trong tác phẩm báo chí nói chung và ghi nhanh nói riêng đều phải gắn liền với một không gian, thời gian xác định, với những con người cũng xác định (có tên tuổi, nghề nghiệp, chức vụ, giới tính,…). Đây là cội nguồn của sự thuyết phục vì nhờ những yếu tố đó mà người đọc, người nghe có thể kiểm chứng được thông tin một cách dễ dàng. Do đó, trong ngôn ngữ ghi nhanh nên hạn chế tối đa việc dùng từ ngữ, cấu trucs không xác định hay có ý nghĩa mơ hồ kiểu như: “một người nào đó”, “ở một nơi nào đó”, “vào khoảng”, “hình như”,…
3. Tính đại chúng
Báo chí, truyền hình là phương tiện thông tin đại chúng. Tất cả mọi người trong xã hội không phụ thuộc vào nghề nghiệp, trình độ nhận thức, địa vị xã hội, lứa tuổi, giới tính,… đề là đối tượng phục vụ của báo chí: đây là nơi họ tiếp nhận thông tin, vừa là nơi họ có thể bày tỏ ý kiến của mình. Chính vì thế, ngôn ngữ báo chí phải là thứ ngôn ngữ dành cho tất cả và của tất cả, tức là tính phổ cập rộng rãi. Tuy nhiên, phổ cập rộng rãi không có nghĩa là dễ dãi, thấp kém. Vì, nói như nhà nghiên cứu ngôn ngữ báo chí nổi tiếng người Nga V.G.Kostomarov: “Ngôn ngữ báo chí phải thích ứng với mọi tầng lớp trong công chúng sao cho một nhà bác học với trình độ uyên thâm nhất cũng không cảm thấy chán mà một em bé có trình độ còn non nớt cũng không thấy khó hiểu”.
Với ngôn ngữ không có tính đại chúng, tức là chỉ dành cho đối tượng hạn hẹp nào đó, báo chí khó có thể thực hiện chức năng tác động vào mọi tầng lớp quần chúng và định hướng dư luận xã hội. Và đây chính là lý do khiến cho trong tác phẩm báo chí người ta ít dùng các thuật ngữ chuyên ngành hạn hẹp, các từ ngữ địa phương, tiếng lóng cũng như các từ ngữ vay mượng tiếng nước ngoài.
4. Tính ngắn gọn
Ngôn ngữ báo chí nói chung và ngôn ngữ ghi nhanh nói riêng cần ngắn gọn, súc tích. Sự dài dòng có thể làm loãng thông tin, ảnh hưởng đến hiệu quả tiếp nhận của người đọc, người nghe. Thêm vào đó, nó còn làm tốn thời gian vô ích cho cả hai bên: cho người viết, vì người đó sẽ không đáp ứng được yêu cầu truyền tin nhanh chóng, kịp thời; cho người đọc (người nghe), vì trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, người ta luôn cố gắng thu được càng nhiều thông tin trong một đơn vị thời gian càng ít. Đấy còn chưa kể đến việc khi viết dài sẽ dễ mắc nhiều những dạng lỗi khác nhau, nhất là các lỗi về sử dụng ngôn từ (trên thực tế khảo sát cho thấy một tỉ lệ khá lớn các câu sai về ngữ pháp trong các tác phẩm ghi nhanh báo chí có liên quan đến việc nhà báo ham mở rộng các thành phần phụ mà quên mất các thành phần chính của câu).
5. Tính định lượng
Các tác phẩm báo chí thường bị giới hạn về mặt thời gian hay diện tích xuất hiện trên báo, đó là tính định lượng. Vấn đề này đặc biệt quan trọng đối với lĩnh vực trên truyền hình. Vì vậy, việc lựa chọn và sắp xếp các thành tố ngôn ngữ cần kỹ lưỡng, hợp lí để phản ánh đầy đủ lượng sự kiện mà không vượt quá khung cho phép về không gian và thời gian.
Theo bài “Đặt tít ngắn có dễ?” trên trang Web Nghề báo (nghebao.com), có những tít rất dài như “Hội thảo đổi mới giáo dục đại học Việt Nam – Hội nhập và thách thức” (tít này có 64 ký tự) sau khi được sửa lại là “Hội thảo đổi mới giáo dục đại học” (còn 33 ký tự). Chúng ta có thể nhận ra tít báo sau khi được sửa có dung lượng chỉ bằng phân nửa tít trước nhưng nội dung chính vẫn được giữ nguyên. Vậy sao bắt độc giả ngồi đọc những tít dài lê thê và khiến cho họ cảm thấy “tức mắt” như vậy?
Bài viết trên cũng đã đưa ra chuẩn mực cho một tít báo khoảng dưới 50  ký tự, theo đó là một vài gợi ý nhỏ khi viết tít:
-         Bỏ những từ thừa
-         Bỏ các từ “có cũng như không” như: của, về, được,…
-         Bỏ “các”, “những” nếu có thể
-         “Chặt” chữ trong từ thừa nếu được, ví dụ như chọn các từ in đậm trong: “thành lập”, “sang thăm”, “phòng chống”, “tham dự”,…
-         Tránh câu bị động
-         Không nhất thiết lúc nào cũng phải nói là Việt Nam.
6. Tính biểu cảm
Tính biểu cảm trong báo chí nói chung và ghi nhanh nói riêng gắn liền với việc sử dụng từ ngữ mới lạ, giàu hình ảnh, in đậm dấu ấn của cá nhân,… Ví dụ như:
“Sông Tô mà không lịch” (Báo Văn hóa, 17-5-1999)
Nếu ngôn ngữ ghi nhanh báo chí không có tính biểu cảm thì nó chỉ tồn tại là những chuỗi thông tin khô khan và khó thu hút được độc giả. Tính biểu cảm tác động mạnh đến tâm hồn người nghe, làm cho họ có những trạng thái cảm xúc nhất định theo hướng mà người viết mong đợi.
7. Tính khuôn mẫu
Trước hết, cần phải làm rõ khái niệm “khuôn mẫu”. Đó là những công thức có sẵn, được sử dụng lặp đi lặp lại nhằm tự động hóa quy trình thông tin, làm cho nó trở nên nhanh chóng, thuận tiện hơn. Khuôn mẫu bao giờ cũng đơn nghĩa và mang sắc thái biểu cảm trung tính. Chúng bao gồm nhiều loại và có mặt trong nhiều phong cách chức năng của ngôn ngữ. Chẳng hạn như trong văn phong báo chí, khi viết các mẫu tin, người ta thường dùng các khuôn mẫu như:
-         Theo AFP, ngày… tại… trong cuộc gặp gỡ… đồng chí… đã kêu gọi…
-         TTXVN, ngày… người phát ngôn Bộ Ngoại giao… cho biết….
Giao tiếp báo chí không thể thiếu khuôn mẫu vì nó tiết kiệm thời gian và công sức cho chủ thể sáng tạo, thích ứng với việc đưa tin cập nhật, tức thời.
Song, khác với khuôn mẫu trong văn bản hành chính và văn bản khoa học, khuôn mẫu báo chí không cứng nhắc, bất di bất dịch mà rất linh hoạt, uyển chuyển. Chẳng hạn, một thông tin trên báo về nguyên tắc phải thỏa mãn 6 câu hỏi: Ai? Cái gì? Ở đâu? Bao giờ? Như thế nào? Tại sao? nhưng thứ tự trả lời các câu hỏi đó có thể sắp xếp khác nhau tùy thuộc vào từng hoàn cảnh giao tiếp cụ thể.
Bên cạnh đó, các thành tố khuôn mẫu trong ngôn ngữ báo chí lại luôn kết hợp hài hòa với các thành tố biểu cảm cho nên ngôn ngữ báo chí thường rất mềm mại, hấp dẫn chứ không khô khan như ngôn ngữ trong văn bản hành chính, là nơi người ta sử dụng thuần nhất các thành tố khuôn mẫu mà thôi.

4 nhận xét:

Unknown nói...

Em chào anh: Anh ơi cho em hỏi một câu được không ạ. Đặc điểm về kết cấu phong cách báo chí là như thế nào ạ?. cảm ơn anh nhiều ạ

Unknown nói...

xin chỉ giáo về tính đơn nghĩa và tính chiến đấu

phuoctk88 nói...

Xin chào bạn Vi Thu... Mình có thể giải thích với bạn đơn giản như sau:
Về tính đơn nghĩa: Tức là ngôn ngữ cần phản ánh được cái nó muốn phản ánh. K dùng từ nhiều nghĩa dẫn đến hiểu lệch, hiểu sai... nghĩa gốc. Ngôn ngữ báo chí mang nghĩa duy nhất, đặt trong ngữ cảnh đó chỉ biểu hiện 1 nghĩa duy nhất...
Về tính chiến đấu, cái này được nói rất rõ trong lý thuyết vì báo chí của ta là báo chí cách mạng, phản ánh cách mạng... THời hiện đại, báo chí là công cụ để phản ánh những điều sai lệch trong xã hội, những thói hư tật xấu, những biểu hiện lệch lạc... Từ đó mang tính chất dự báo, định hướng để xã hội phát triển theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, đó là báo chính thống, một số báo hoặc tầm hiểu biết của phóng viên chưa đủ để định hướng khiến việc định hướng có thể sai lệch hoặc làm ảnh hưởng tới nhiều vấn đề (đặc biệt là các vấn đề nhạy cảm, sức ảnh hưởng rộng tới nhiều người, nhiều ngành hay nhiều nhóm người... )
Mình tạm lý giải vậy, mọi thắc mắc bạn có thể mail cho mình hoặc điện thoại trực tiếp.... Chúc bạn thành công!

Unknown nói...

bài này hay