Sống trong đời sống cần có một tấm lòng!

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng!

Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2013

NGÔN NGỮ GHI NHANH BÁO CHÍ TRUYỀN HÌNH


NGÔN NGỮ GHI NHANH
Viết ghi nhanh cần thấu triệt những yếu tố cơ bản như các thể loại khác mà Maxin Gordki đã căn dặn là:
-     Chủ đề
-     Tình tiết
-     Ngôn ngữ
Bởi vậy ngôn ngữ trong ghi nhanh không phải là một loại ngôn ngữ riêng biệt, đối lập hoàn toàn với ngôn ngữ tin, ngôn ngữ phóng sự hay ngôn ngữ văn học. Song, đặc điểm của ghi nhanh đã tạo cho nó những bản sắc cần thiết.
Ngôn ngữ ghi nhanh chủ yếu là ngôn ngữ miêu tả
Ghi nhanh dùng bút pháp miêu tả là chủ yếu, tức là dùng lời văn thể hiện con người, sự việc một cách sống động. Qua miêu tả con người và sự việc, người viết ghi nhanh tạo nên một bức tranh sinh động, tựa như một “hoạt cảnh”. Bởi với bút pháp đó, hình ảnh cụ thể được nổi lên, làm cho người xem, người nghe bài viết đó có cảm giác như chính mình được chứng kiến tại chỗ.
Ví dụ:
“Hòa chung không khí cả nước kỷ niệm 98 năm ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước và 6 năm ngày môi trường thế giới. Chương trình Tiếp sức mùa thi (TSMT) đã chính thức khởi động bằng lễ ra quân lúc 6h sáng ngày 5/6/2009 tại nhà văn hóa Thanh niên – số 4 Phạm Ngọc Thạch, 8 năm qua không phải là một chặng đường dài nhưng TSMT là một hoạt động có ý nghĩa xã hội to lớn và giá trị nhân văn sâu sắc.
5h30 buổi sáng cùng ngày, hàng ngàn sinh viên từ khắp nơi trên địa bàn Thành phố đã đổ về với lòng nhiệt huyết và tinh thần tuổi trẻ luôn xung kích vì cộng đồng nhầm hỗ trợ thí sinh một cách nhanh chóng phát huy tinh thần sáng tạo và trách nhiệm của sinh viên tư vấn và hướng dẫn tận tình ngay khi phụ huynh và thí sinh đặt chân vào thành phố nhầm tạo sự an tâm cho thí sinh bước vào kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm nay.
Không khí càng sôi động hơn khi Sinh viên tiếp tục đổ về khu vực dự lễ, với khuôn viên hạn hẹp và chật ních người chỉ có cách là lách người thì mới đến được khu vực dự lễ, khi ấy lang can và cầu thang là nơi lí tưởng nhất để các Phóng viên chuyên nghiệp và nghiệp dư thi nhau bấm máy ảnh lách tách ví như đang cố gắng hết sức mình chiến đấu vì nghệ thuật. Những tiếng hò reo cổ vũ đã làm nóng hơn khán trường với những khẩu hiệu và băng reo đã được hô vang “Bến xe chợ lớn: Cái gì cũng lớn, Bến xe Miền tây: Cái gì cũng hay…”. (Trích: Tiếp sức “Vượt vũ môn” – ghi nhanh “Tiếp sức mùa thi 2009”).
Song, phải thấy rằng miêu tả trong ghi nhanh khác với miêu tả trong phóng sự, tường thuật và nhất là đối với văn học. Miêu tả trong phóng sự đòi hỏi thể hiện được một bức tranh tổng quát và sâu sắc hơn, khi cần, thậm chí phải miêu tả cả nội tâm. Miêu tả trong tường thuật thì có quá trình và rất cụ thể. Còn miêu tả trong ghi nhanh chỉ mang tính chất phác thảo.
Ví dụ:
“Sau một đêm náo nức, tưng bừng cùng cả nước đón giao thừa, Tân Thành sáng mùng 1 Tết hôm qua đã khoác lên mình một dáng vẻ tĩnh lặng, yên ả nhưng vẫn không thiếu phần sôi động, nhộn nhịp ở một số khu vực như: Ni viện Thiện Hòa và Chùa Đại Tòng Lâm.
Những con đường bổng chốc như rộng thênh thang hơn bởi thưa thớt những người qua lại. Khói bụi từ các xe ô tô chở đất đá thường ngày, làm những người đi qua đường khó chịu chỉ vài ngày trước đây thôi, nay đã tạm thời lắng xuống, thay vào đó là sự trong trẻo, dễ chịu.
Đâu đó, một vài bạn trẻ ngủ gục ngoài đường sau một đêm thức trắng. Đâu đó, các tiểu thương mệt nhoài sau những phiên chợ Tết mấy ngày qua. Đâu đó, tiếng cười ríu rít trong những bữa cơm sum họp gia đình đầu năm mới. Mùi thịt nướng thơm phức, men rượu nồng ấm áp lan tỏa không gian.” (Trích: “Tân Thành vào xuân”)
Trong khi tả, có thể kết hợp lối văn kể để cô đặc nội dung, tóm tắt những chi tiết không cần diễn đạt tỉ mĩ. Vì cần kết hợp như vậy cho nên có nhiều đoạn văn nhuần nhuyễn đến mức, người đọc, người xem khó có khả năng phân biệt đâu là tả, đâu là kể. Tuy nhiên đối với người viết, hai lối văn này phải được phân định thật rõ để vận dụng một cách tinh thông trong lúc sáng tác.
Ví dụ:
Mùng một Tết, ngày mở đầu cho 365 ngày tiếp theo nên rất được mọi người coi trọng. Khác hẳn với sự tất bật lo toan hiện trên khuôn mặt của nhiều người chiều tất niên hôm trước, sớm mùng một Tết bao giờ cũng mang vẻ nhàn nhã đến mức dư thừa sự no đủ và thanh nhàn. Tân Thành vẫn luôn trẻ trung, đầy sức sống với dòng người đi lễ chùa đầu năm và khởi hành cho những chuyến du xuân đầu năm mới.
Thời tiết ngày mùng một Tết năm nay vẫn nắng gắt với sức nóng quá bất thường giống như những ngày cận Tết, thế nhưng đêm xuống lại lạnh đột ngột. Tuy nhiên, hàng ngàn du khách thập phương vẫn tấp nập hành hương về các chùa chiền ở đây để thắp một nén nhang thơm ngày đầu năm mới, cầu chúc cho gia đình mình dồi dào sức khỏe, bình an, phúc lộc.
Khu vực Chùa Đại Tòng Lâm, với gần 100 chùa và các am thất đã thu hút hàng ngàn du khách về dự lễ, hàng trăm xe ô tô lớn nhỏ đậu chật ních sân chùa. Ni viện Thiện Hòa trực thuộc Trường Đại học Đại Tòng Lâm với hơn 200 chư tăng ni tất bật từ sáng sớm mùng một Tết chuẩn bị cho lễ nghênh xuân ngày đầu năm mới – ngày vía Phật Di Lặc, tổ chức lập đàn tràng dược sư cầu an.
Trong tiếng chuông chùa thánh thót tôn nghiêm và khói hương mù mịt cay xè mắt, những người đi lễ chùa với vẻ mặt mãn nguyện, vui vẻ nói với chúng tôi “Nét văn hóa nổi bật ở Tân Thành năm nay là người dân đã có ý thức giữ về sinh môi trường. Rác được bỏ vào đúng nơi quy định. Trước kia, sau đêm giao thừa, nhiều người có thói quen bẻ cành, hái lộc và vứt rác bừa bãi ra đường,… nay đã hạn chế rất nhiều”. (Trích: “Tân Thành vào xuân”)
Có mấy điểm cần chú ý trong khi miêu tả:
-     Miêu tả cảnh chỉ là những cảnh phù hợp nhất đối với chủ đề nhằm làm rõ bản chất sự kiện. Miêu tả những bông hồng, bông cúc để nói lên nghệ thuật dệt lụa xuất khẩu ở Đại Mỗ (thị xã Hà Đông) đang mùa nở rộ hoa. Miêu tả sự cố gắng đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng, sửa chữa các công trình lớn của Đà Lạt trước ngày thành phố bước vào hội hoa cho thấy được quá trình chuẩn bị của nhân dân toàn tỉnh trước ngày lễ lớn của mình.
Ví dụ:
Khác những năm trước, Đà Lạt mùa này tuy vắng khách du lịch, nhưng không khí “nóng” lên ở Thao trường Đà Lạt, Công viên Yersin, Đài phun nước thành phố, Khu phố đi bộ và bia tưởng niệm Cam Ly... Thành phố đang căng mình chuẩn bị cho Lễ hội 110 năm .
Mặc dù lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và thành phố Đà Lạt, lạc quan những công trình này sẽ hoàn thành trong vài ngày tới, nhưng trên công trường chúng tôi vẫn thấy sự âu lo của những người trực tiếp thi công. Tại công viên Yersin bác thợ gần 60 tuổi, vừa xúc đất vừa nói chuyện với chúng tôi “không biết còn 10 ngày nữa có kịp không, từ hơn một tuần nay phải làm việc cả ngày lẫn đêm”.Nằm ven bờ Hồ Xuân Hương, công viên Yersin khởi công cách đây hai tháng, nhưng bị “nằm không” 15 ngày vì mưa, do vậy trên công trường hiện giờ vẫn còn ngỗn ngang, nào gạch, xi măng, đá, đất… Từng tốp công nhân như không để ý đến sự có mặt của chúng tôi, họ cứ mải mê người trồng cỏ, người cầm bay, người dựng lều.
Ngay bên cạnh đó, những người thợ xây dựng cũng vội vã với những viên gạch cuối cùng của Thao trường Đà Lạt, đây chính là nơi diễn ra Đêm lễ hội mừng Đà Lạt 110 năm vào tối 30/11, cũng chính là buổi lễ kết thúc năm hoạt động mừng thành phố hoa lên 110 tuổi. Chưa hết, quanh khu vực Hòa Bình, Lê Đại Hành, Nguyễn Thị Minh Khai, được qui hoạch làm phố đi bộ, người dân cũng hối hả trang trí lại mặt tiền nhà mình. Riêng đường Nguyễn Thị Minh Khai người dân đồng lòng với chính quyền địa phương tự tháo dỡ nhà, rạp làm cho đường thông hè thoáng, phục vụ chợ đêm.
Tuy nhiên, điều làm không ít người ngạc nhiên, một số khách sạn, quán ăn được nhiều khách du lịch biết đến, vẫn còn “như người ngoài cuộc”. Ngay tại khách sạn phóng viên thời sự lưu trú ở khu vực Hòa Bình, bà chủ khách sạn cũng boăn khoăn “nhiều khách hỏi chuyện lễ hội lắm, nhưng quả thật tôi chỉ láng máng nghe nói có nhiều chương trình sôi động, nhưng cụ thể thì thua anh ơi!”.
Trao đổi vấn đề này với ban tuyên truyền lễ hội, chúng tôi được biết, ban tổ chức sẽ phát những tờ bướm mang có nội dung chương trình cho tất cả các khách sạn để kịp giới thiệu với du khách. Có lẽ sự kiện được nhiều người mong đợi nhất, đó là Lễ hội sắc hoa Đà Lạt hay còn gọi là Canavan hoa với xe hoa, ngựa hoa, kiệu hoa… Và đặc biệt là bốn đội hình hoa cách điệu hình ảnh 110 năm: 110 gánh hàng hoa, 110 học sinh trang phục hoa, 110 đèn lồng hoa, 110 sơn nữ và hoa rừng.
Nhộn nhịp đấy, nhưng chúng tôi vẫn còn luyến tiếc hàng loạt khu biệt thực mang đậm nét kiến trúc Châu Âu thế kỹ trước ở khu vực đường Lê Lai, Phó Đức Chính, Trần Hưng Đạo và Hùng Vương, vẫn còn trong quá trình trùng tu, sữa chữa, chưa đưa vào khai thác kịp trong dịp này. (Trích: Đà Lạt trước ngày hội hoa”)
-     Miêu tả con người trong ghi nhanh khác con người trong phóng sự đặc tả. Phóng sự đặc tả thường miêu tả là con người đậm nét và có chiều sâu, giúp người nghe, người xem hiểu được ngọn ngành. Trong ghi nhanh, con người thường gắn liền với hành động, việc làm, sự kiện tiêu biểu. Như trong mùa khai giảng năm học mới ở một trường có truyền thống, người viết nêu lại sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm và huấn thị như thế nào?
Ghi nhanh không đòi hỏi đặc tả tỉ mỉ về Người, ví dụ: “Một vinh dự lớn: ngày 18-12-1954, Bác Hồ đến thăm trường. Bác căn dặn thầy và trò phải có ý thức làm chủ nhà trường, phải xây dựng nhà trường thành một trường kiểu mẫu. Ngày 16-4-1958, Bác đến thăm trường lần thứ hai. Và ngày 31-12-1958, Bác đến thăm trường lần thứ ba. Lần này Bác căn dặn nhà trường nhiều điều quan trọng trong giảng dạy và học tập. Đặc biệt, bác nhấn mạnh đến giáo dục lao động (Trích ghi nhanh: “Ngôi trường truyền thống”).
Miêu tả người khi cần chỉ là những nét chấm phá. Ví dụ: nhờ có chính sách của Đảng và Nhà nước đối với những người thân đã hi sinh trong khi làm nhiệm vụ kết hợp với hoàn cảnh cụ thể, gia đình được về căn nhà mới, bài “Chút quà cho người ở lại” chỉ tả: “Hồi này chị Hồng thấy người khỏe hẳn ra. Nhiều người gặp chị nói vui: “Chà! Chị Hồng đã hồng hào trở lại”. Quả thật, chị không còn ốm nhiều như trước nữa. Do đó phải suy nghĩ, lo toan về cuộc sống nên chị thấy trong lòng thanh thản (Trích: “Gặp những người đại biểu nhân dân”).
Chính vì vậy, khi miêu tả, người phóng viên phải cần cân nhắc, không nên lạm dụng để miêu tả tràn lan mà nên bám chắc vào đặc điểm của ghi nhanh để có thể thể hiện một cách chặt chẽ.
-     Miêu tả từng sự việc, chi tiết cụ thể không đòi hỏi cặn kẻ từng li từng tí mà cần nhằm vào những nét đặc sắc nhất. Tránh lối rườm rà, dây cà ra dây muống. Trong khi tả, có thể kết hợp với văn kể. Ví dụ về bài “Bắt sống tướng Đờ-cát-tơ-ri, mừng sinh nhật Bác” trong giây phút then chốt nhất, người viết đã chọn được những chi tiết để miêu tả một cách xúc tích như sau: “Vừa thấy bóng quân ta, Đờ-cát-tơ-ri và bộ tham mưu với hơn 20 thằng, trong đó có bốn tên quan năm, 6 quan tư tất cả xếp thành hai hàng giơ tay. Cạnh bàn giấy tên tướng giặc, một đống giấy còn âm ỉ cháy. Trên bàn, rượu bày lổng chổng,…. Tên Đờ-cát-tơ-ri  đang vò xé nốt mấy tờ giấy trên bàn. Đội trưởng Luật chĩa súng bắt nó giơ tay. Tên tướng giặc run rẩy: “Tôi đã hạ lệnh cho quân lính tôi ra hàng và phi cơ không được ném bom nữa”!
Ngôn ngữ ghi nhanh có sự đan xen tả, kể, bình với nhau
Ghi nhanh có tả, kể bình đan xen nhau. Ghi nhanh là thể tài vừa có tác dụng thông tin, vừa có sức truyền cảm. Ghi nhanh không phải là đưa tin, cũng không phải phản ánh sự kiện xảy ra có quá trình diễn biến như phóng sự, tường thuật mà là một hình thức văn xuôi trong thể tài phản ánh báo chí. Do đó, ngôn ngữ trong ghi nhanh cần kết hợp các đặc tính của ngôn ngữ báo chí được dùng. Trong đó, đáng chú ý là:
-     Ngôn ngữ hình ảnh: Do phản ánh bằng bút pháp tả, kể là chính. Cho nên ghi nhanh cần chú trọng vận dúng xác đáng ngôn ngữ hình ảnh, nhằm tái hiện sự thực sao cho đúng với hiện tượng diễn ra. Ngôn ngữ hình ảnh dùng trong ghi nhanh không phải chỉ là những hình dung từ, động từ “kêu” và “rỗng” mà phải là sự vận dụng nhuần nhuyễn vốn từ ngữ, làm cho sự thực đã xảy ra, qua bài viết được nổi lên như một bức tranh phác thảo. Người việc và cảnh vật trong bài trở nên sống động chứ không phải là cứng đờ như chết. Mặt khác, lại cần tạo nên bức tranh trung thực, sát với hoàn cảnh thực tế. Trước đây, không ít dẫn chứng do dùng từ không xác đáng, làm cho ngữ nghĩa bị chệch, thậm chí trái ngược hẳn.
Ví dụ:
“Máy bay địch đã bắn phá nhiều mục tiêu của chúng ta”.
Câu này sai cơ bản về nghĩa. Địch bắn phá nhiều cơ sở cách mạng của ta nhưng mục tiêu của chúng ta là máy bay địch chứ không phải là những địa điểm mà địch bắn phá.
Hay: “Máy bay địch trút bom” cũng không hợp lí. “Trút” là một động từ, thông thường sử dụng với hàm nghĩa là hả dạ, hả lòng. Địch trút bom xuống ta thì chắc chắn ta không thể sử dụng động từ “trút” này để miêu tả, khắc họa lại hành động tàn ác, phi nghĩa này.
Việc dùng từ trong ghi nhanh để miêu tả cần chú ý làm cho bài trở nên sống động, đồng thời giữ gìn được nền văn học dân tộc, tránh đệm thừa từ Hán.
Ví dụ:
+ “Chị mậu dịch viên…”
Đã dùng “chị” thì thôi dùng “viên” bởi vì “viên” có nghĩa là người. Câu “chị mậu dịch” nghe vẫn thấy thân thiết hơn.
+ “Dòng sông Hồng Hà đỏ đất phù sa…”
Đã dùng “sông” thì không được dùng “hà” vì “hà” có nghĩa là sông. Đồng thời, nghe “sông Hồng” cảm thấy bình dị, gần gũi và thuần Việt hơn.
-     Ngôn ngữ chính luận: Ghi nhanh có thể kết hợp lời bình, người viết phải dùng ngôn ngữ chính luận để bình. Ngôn ngữ chính luận giúp cho sự kiện được miêu tả nổi rõ được ý nghĩa sâu xa, tác dụng sẽ dẫn đến ý định của người xem, người nghe từ những hiện tượng lẻ tẻ nhìn ra được tình hình, rút ra được vấn đề một cách khái quát. Trong chính luận có thể kết hợp tình cảm của người viết, nhưng không được lạm dụng để tránh biến ghi nhanh thành tùy bút.
Phóng viên ghi nhanh đã có mặt ở những nơi sự kiện diễn ra. Đây thường là lúc sự kiện chưa kết thúc, chưa tổng kết, có khi chỉ mới bắt đầu phôi thai, mới hình thành. Những chi tiết nảy sinh ở đó lại cần thiết cho bài viết song có nhiều khi chưa đủ sức thuyết phục hoặc chưa nêu bật được ý nghĩa sâu xa của sự kiện. Vì vậy, người viết có thể xen lời bình để hướng dẫn nhận thức cho người đọc.
Đưa bình vào ghi nhanh cần quán triệt mấy yêu cầu chính sau đây:
-     Bình phải có tác dụng nâng cao nhận thức, có ý nghĩa giáo dục cụ thể, tránh chung chung.
-     Bình phải xuất phát từ yêu cầu của công tác tư tưởng của Đảng, tránh tùy tiện bình theo quan điểm của cá nhân.
-     Bình phải có nghệ thuật, tế nhị, kín đáo, tránh hò hét, thổi phồng một cách sống sượng, gượng ép như “phải ra sức”, “phong trào rộ lên long trời lở đất” hoặc “khí thế hừng hực như nước vỡ bờ”,…
-     Bình phải chặt chẽ, xác đáng, đúng mức, tránh lạm dụng tràn lan, biến ghi nhanh thành bình luận.
-     Có thể dùng lời bàn, ý kiến nhận định, đánh giá của cấp ủy, của người có trách nhiệm thay cho lời bình của người viết. Cách làm này nhiều khi có sức thuyết phục cao vì nó khách quan hơn.
Thường có những cách bình luận sau:
-     Bình xen kẽ với tả, kể về con người và hành động
Ví dụ 1:
Thời tiết ngày 8/4/2007 ở Hà Nội thật đẹp, từ sáng sớm rất đông bà con họ Đỗ đã tụ hội về Trường Thực nghiệm, số 50-52 đường Liễu Giai, nơi tổ chức lễ hội 10 năm thành lập Ban liên lạc (BLL) Họ Đỗ Việt Nam. Trên cổng vào nổi bật khẩu hiệu mầu đỏ mang dòng chữ  "chào mừng kỷ niệm 10 năm thành lập BLL Họ Đỗ Việt Nam, 10 năm hội tụ các dòng họ Đỗ Việt Nam ", hội trường rực rỡ  hoa lá mùa xuân từ các lẵng hoa của các đoàn mang về chúc mừng lễ hội, tiếng cười nói, chào hỏi râm ran của hàng trăm bà con mừng ngày hội ngộ, nhiều đại biểu ở miền Trung và miền nam đã về từ hôm trước, nhiều tấm gương của các cụ già, cháu nhỏ hết lòng với tổ tiên, cụ Đậu Chu Bính năm nay 82 tuổi, từ Nghệ An hành hương về lễ hội bằng xe đạp, cụ Đỗ Duy Phổ cùng cháu nhỏ ở Chương Mỹ Hà Tây đã lên đường từ gà gáy để kịp giờ khai hội, nhiều cháu tiết kiệm tiền bố mẹ cho để ủng hộ các bác làm việc Họ, ta cũng gặp ở đây nhiều bà là con gái, con dâu họ Đỗ về dự hội. Tay trong tay, niềm vui lấp lánh trong ánh mắt, nụ cười và trên huy hiệu ta cài trên ve áo.
BLL Họ Đỗ Việt Nam biểu dương và trao tặng phẩm cho 32 cá nhân và 05 tập thể đã có nhiều đóng góp cho Họ Đỗ Việt Nam hàng chục năm qua. Hội nghị dành nhiều thời gian nghe phó giáo sư Đỗ Tòng, trưởng BLL Họ Đỗ Việt Nam, luật sư Đỗ Hữu Hằng trưởng BLL họ Đỗ khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và vùng phụ cận, Luật Sư Đậu Công Tuệ trưởng BLL họ Đậu miền trung... đọc báo cáo tổng kết 10 năm và đề xúât những hướng hoạt động mới cho BLL trong thời gian tới, các ông trưởng BLL các dòng họ Đỗ khu vực Quảng Nam đà Nẵng, BLL khu vực Khánh Hoà, BLL khu vực Phú Yên, đại diện họ Đỗ Quang nơi tổ chức lễ hội năm trước và nhiều dòng họ khác đọc lời chào mừng và tri ân tiên tổ Họ Đỗ Việt Nam, lễ hội còn được đón tiếp ông Vũ Mạnh Hà, trưởng BLL các dòng họ Việt Nam và đại diện các dòng họ bạn đến chúc mừng.... đến cuối buổi chiều còn nhiều đại biểu trong và ngoài họ Đỗ đăng ý phát biểu nhưng do thời gian có hạn, Ban tổ chức không thể bố trí lịch đành xin bà con lượng thứ. Ban tổ chức còn nhận được rất nhiều hoa, thư, điện, tặng phẩm kỷ niệm từ nhiều nơi trong nước gửi về chào mừng hội nghị. (Trích:Ghi nhanh ở lễ hội 10 năm hội tụ dòng Họ Đỗ Việt Nam”)
Ví dụ 2:
Tại 5 huyện, thành phố của tỉnh Sơn La là Sông Mã, Sốp Cốp, Mộc Châu, Mai Sơn và thành phố Sơn La, 600 tân binh thuộc các dân tộc Kinh, Thái, Mông, Mường, Khơ Mú, La Ha, Dao, Xinh Mun, Lào đã thể hiện quyết tâm và nhiệt huyết của tuổi trẻ khi vinh dự được đứng trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tại điểm giao quân thành phố Sơn La, từ sáng sớm trên các đường phố, nhiều dòng người đã náo nức đổ về khu vực tổ chức giao nhận quân để tiễn thanh niên lên đường nhập ngũ. Trên gương mặt của các tân binh, niềm vui, sự phấn khởi trước giờ phút lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự cũng đã thể hiện rõ. Tân binh Tòng Văn Trịnh, dân tộc Thái ở bản Pảng, xã Chiềng Đen, thành phố Sơn La chia sẻ: "Được đứng vào hàng ngũ Quân đội nhân dân Việt Nam là niềm tự hào của em và cả gia đình. Em sẽ cố gắng phấn đấu học tập, rèn luyện, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao không phụ lòng tin tưởng của gia đình và đơn vị".
Trong giây phút chia tay đầy lưu luyến và bịn rịn, không giấu nổi niềm xúc động, bà Lò Thị Yên, mẹ của tân binh Cà Văn Bình, ở bản Hìn, xã Chiềng An, thành phố Sơn La cho biết: Xác định việc nhập ngũ là thể hiện trách nhiệm và niềm vinh dự của mỗi thanh niên, gia đình đã động viên cháu yên tâm lên đường làm nghĩa vụ quân sự. (Trích: Ghi nhanh “Sôi nổi lễ hội tòng quân”)
-     Bình lồng vào lời kết.
Ví dụ 1:
Ngày vui qua mau, chiều muộn  bà con hồ hởi ra về mang theo niềm vui tràn ngập và hàng ngàn huy hiệu Họ Đỗ Việt Nam làm quà cho người thân, hẹn nhau năm tới gặp lại trên đất Hồng Lam quê Bác dự lễ hội Họ Đỗ Việt Nam do Ban liên lạc họ Đậu Miền trung đăng cai tổ chức. (Trích: “Ghi nhanh ở lễ hội 10 năm hội tụ dòng Họ Đỗ Việt Nam”)
Ví dụ 2:
Cùng với phần lễ, phần hội cũng được tổ chức tưng bừng, các hoạt động văn hoá thể thao xung quanh khu vực diễn ra hội làng diễn ra sôi nổi, 18 CLB văn hoá thể thao trên địa bàn phường có cơ hội giao lưu hát Quan họ trên thuyền, biểu diễn Tuồng cổ, thi đấu giải Vật cổ truyền và các môn Cầu lông, bóng chuyền hơi, Cờ tướng, Chọi gà, giao lưu thơ, sinh vật cảnh,… thể hiện nét văn hoá lành mạnh trong lễ hội làng Đồng Kỵ. Giống như các lễ hội ở khắp nơi lễ hội Đồng Kỵ cũng hướng đến một năm mới mưa thuận gió hoà mùa màng tốt tươi. Đến hẹn lại lên, cứ vào mồng 4 Tết người dân ở khăp nơi lại đổ về Đồng Kỵ để chứng kiến lễ hội rước pháo duy nhất còn lại đến ngày hôm nay. (Trích: Ghi nhanh “Lễ hội Đồng Kỵ”)
Ví dụ 3:
Tối nay, AIG 3 sẽ chính thức khai diễn với lễ khai mạc được tổ chức hoành tráng tại sân vận động Mỹ Đình, kéo theo sau là gần 10 ngày tranh tài của đại hội. Có lẽ, phải hy vọng đến thời điểm ấy, khi sự kiện thể thao của châu Á này đến gần hơn với khán giả cả nước, người ta mới có thể hình dung ra cuộc tranh tài này. (Trích: Ghi nhanh trước ngày Lễ khai mạc AIG 3-2009: “Hình như đang nóng lên”)
Ví dụ 4:
Sau 1 thời gian tranh tài, Lễ hội đua thuyền truyền thống đầu năm ở phường Trung Lương đã thành công tốt đẹp. Dường như mọi người đều cảm thấy tự hào và mãn nguyện với những cảm nhận trong ngày hội đua thuyền. Họ chia tay và dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp, làm ăn gặp nhiều may mắn và mong gặp lại năm sau, cứ thường lệ đầu xuân- Sông Minh đến hẹn lại lên. (Trích: Ghi nhanh về Lễ hội đua thuyền truyền thống ở Phường Trung Lương – Thị xã Hồng Lĩnh)

2 nhận xét:

Unknown nói...

Những bài viết của anh đã giúp em rất nhiều. Cảm ơn anh nhiều lắm và a oi a có thể giúp em câu hỏi này được không? vai trò của cốt truyện đối với văn học dân gian. Tại sao đối với văn học viết yếu tố ngoài cốt truyện lại đóng vai trò quan trọng hơn cốt truyện

Unknown nói...

hay quá, mình mới làm truyền hình nên đang cần đọc thêm tài liệu này