Sống trong đời sống cần có một tấm lòng!

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng!

Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013

Tây Nguyên với nguồn nhân lực hạn chế


Nguồn nhân lực hạn chế...
Tây Nguyên bao gồm các tỉnh Kom Tum, Gia Lai, Đắk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng, có diện tích tự nhiên 54.470 km2 (chiếm 16,3 diện tích cả nước) với dân số hơn 5,2 triệu người, trong đó có 1.970.877 đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm khoảng 38%. Tây Nguyên có vị trí chiến lực cả về an ninh – quốc phòng và kinh tế – xã hội nên được Đảng và Nhà nước tích cực quan tâm với những chính sách đặc thù cho khu vực nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Trong những năm qua, tình hình Tây Nguyên đã có những chuyển biến tích cực ở nhiều mặt, nhất là nâng cao trình độ dân trí và đào tạo nguồn nhân lực. Đến hết năm 2012, trên 99% xã, phường hoàn thành phổ cập trung học cơ sở (19,97% đạt chuẩn quốc gia), huy động được trên 89% trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo và trên 99% ở độ tuổi tiểu học đến trường. Năm học 2012 – 2013, toàn vùng đạt trên 97% số học sinh tốt nghiệp THPT.
Tây Nguyên có 3 trường đại học (ĐH), 3 phân hiệu ĐH, 4 trường cao đẳng (CĐ) sư phạm, 6 trường CĐ chuyên ngành, 4 trường cao đẳng nghề, 17 trường trung cấp chuyên nghiệp. Tuy nhiên, toàn vùng chỉ đạt 136,60 sinh viên/ 1 vạn dân, số lượng sinh viên DTTS trong các trường ĐH và CĐ thấp (chỉ đạt 9,47%), số lao động qua đào tạo nghề mới đạt 26,3%, thấp hơn rất nhiều so với các chỉ tiêu của vùng đến năm 2015.
Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao....
Hiện nay, số lượng giảng viên các trường ĐH trong vùng còn thiếu nhiều, bình quân mới chỉ có 1 giảng viên/ 40,93 sinh viên (yêu cầu từ 1 giảng viên/ 17 – 26 sinh viên). Tính chung, tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ so với số giảng viên các trường ĐH và CĐ còn rất thấp (các trường ĐH đạt 0,89%, các trường CĐ sư phạm đạt 0,9%, các trường CĐ chuyên ngành và CĐ nghề chỉ có 2 tiến sĩ trên tổng số gần 16.000 học viên).
Tây Nguyên có nhiều tiềm năng và thế mạnh nhưng quy mô ngành nghề trong đào tạo nguồn nhân lực còn chưa phong phú, chưa đáp ứng được tình hình thực tế. Tuy là vùng sản xuất nhiều sản phẩm nông nghiệp có giá trị xuất khẩu cao (cà phê, tiêu, điều,...) nhưng các ngành chế biến sau khi thu hoạch chưa phát triển. Hơn nữa, dù đây là địa bàn sinh sống của nhiều dân tộc (47/54 dân tộc Việt Nam), phong phú về loại hình văn hóa nhưng các ngành khoa học xã hội nhân văn, nhất là các nghành về nghiên cứu văn hóa dân tộc, lịch sử,... chưa được đầu tư khai thác. Đặc biệt, chất lượng y tế còn ở mức thấp, việc đào tạo bác sỹ đa khoa còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu.

Tuy một số ngành nghề chưa thể đáp ứng được nhu cầu, nhưng lượng sinh viên tốt nghiệp hệ chính quy ĐH vẫn thất nghiệp, con số này ngày càng tăng đến mức đáng lo ngại... Nguồn nhân lực vẫn thiếu, và nguồn nhân lực có tay nghề (tốt nghiệp ĐH và CĐ) vẫn thất nghiệp, đây chính là vấn đề 2 mặt ở Tây Nguyên hiện nay.

Không có nhận xét nào: