Sống trong đời sống cần có một tấm lòng!

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng!

Thứ Tư, 25 tháng 9, 2013

Đắk Lắk: Nhiều tuyến quốc lộ xuống cấp



Hiện nay, nhiều hạng mục giao thông trên các tuyến Quốc lộ (QL) đi qua địa bàn tỉnh Đắk Lắk có dấu hiệu xuống cấp, gây trở ngại lớn cho giao thông và đời sống sinh hoạt của người dân.
Quốc lộ xuống cấp...
QL 29 có điểm đầu tại cảng Vũng Rô (tỉnh Phú Yên), điểm cuối tại thị xã Buôn Hồ (tỉnh Đắk Lắk) là tuyến đường giao thông hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh cho 2 tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên nói riêng, khu vực duyên hải Trung Bộ và Tây Nguyên nói chung. Hiện tại, đoạn nối dài QL 29 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk là đường cấp IV miền núi, nhiều đoạn đã xuống cấp, hư hỏng nặng nề. Trong khi đó, QL 27 đi qua địa bàn Đắk Lắk (có chiều dài 88,5Km) được xây dựng từ năm 1993, mặc dù đã được Bộ GTVT đầu tư cải tạo nhưng có nhiều hạng mục hư hỏng nặng, cần được đầu tư xây dựng gấp. Cầu Giang Sơn (dài 120m, trên QL 27, xây dựng từ năm 1994) bị xói sâu, dầm chủ bị võng và mặt cầu đã bị nứt nhiề vị trí. Cây cầu được xếp vào loại cầu yếu, chỉ cho phép xe trọng tải dưới 290 tấn chạy với vận tốc dưới 15km/h qua cầu. Một số đoạn đường trên QL 26 đi qua khu đông dân cư, trường học,... cần được quy hoạch mở rộng.
Trên QL 14, một số đoạn lân cận thành phố Buôn Ma Thuột đang xây dựng cần đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành sớm nhằm đảm bảo an toàn giao thông và mỹ quan đô thị. Nhiều đoạn đường nội thành có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông đông đúc xuống cấp nặng nề. Đoạn từ ngã ba Ea Kao đến ngã ba Duy Hòa đang trong quá trình xây dựng đang là nỗi ám ảnh của người tham gia giao thông vì hứng chịu khối lượng bụi vô cùng lớn mỗi lúc nắng nóng và dễ bị “ngập” trong những vũng nước sâu ngay giữa đường. Đặc biệt, đoạn gần cầu Ea Tam có độ dốc cao, lại xuất hiện nhiều hố sâu ngay giữa lòng đường nên mỗi khi mưa lớn, dòng nước đổ về mạnh, có thể cuốn trôi người và phương tiện tham gia giao thông. Đây cũng là khu vực thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông.

Đoạn tuyến giao thông từ cửa khẩu Quốc gia Đắk Ruê (Việt Nam – Campuchia) đến thị xã Buôn Hồ có chiều dài 105Km (tương lai sẽ là QL 29 kéo dài), kết nối cửa khẩu Đắk Ruê với các QL 14C, QL 14 và QL 29 đến cảng Vũng Rô cần sớm được dầu tư xây dựng. Nếu hoàn thành, đây là tuyến đường nối thông các tỉnh Duyên hải miền Trung với cửa khẩu Đắk Ruê, góp phần hình thành mạng lưới giao thông vùng tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia.
Vẫn chưa có vốn...
UBND tỉnh Đắk Lắk đã có kiến nghị với Chính phủ trong việc xem xét, bố trí vốn đầu tư để các dự án sớm được tiến hành xây dựng. Tuy nhiên, Thứ trưởng  Bộ GTVT Phạm Hồng Trường cho biết: trở ngại lớn nhất hiện tại của Bộ là thiếu nguồn vốn. Hiện nay Thủ tướng Chỉnh phủ đã có Nghị quyết đề nghị Quốc hội phát hành bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011 – 2015 để dầu tư xây dựng QL 1, QL 14 đoạn qua Tây Nguyên và một số dự án cấp bách khác (ước tính khoảng 60.000 tỉ đồng). Theo kế hoạch của Bộ, các dự án trên QL 26, QL 27 sẽ được đầu tư xây dựng từ năm 2014; dự án trên QL 29 có vốn đầu tư lớn (khoảng 1.000 tỉ đồng), Bộ đã tính toán xây dựng trước năm 2020 nhưng sau khi cân đối lại thì dự án này sẽ được khởi động vào năm 2015.
Đắk Lắk là một tỉnh có đường QL 14 đi qua tương đối dài, đặc trưng khí hậu Tây Nguyên phân mùa rõ rệt nên việc giải phóng mặt bằng cần được tiến hành nhanh chóng trong mùa mưa để đến mùa khô có thể tiến hành xây dựng. Để đạt tính khả thi cao, Bộ đề nghị tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Bộ giải quyết vấn đề nguồn vốn, cân đối việc chi ngân sách của tỉnh để giải quyết vấn đề mặt bằng, đồng thời đề xuất Chính phủ phương án vay vốn từ các ngân hàng để cấp cho các nhà thầu tiến hành xây dựng, sau khi phát hành trái phiếu Bộ sẽ tiến hành trả cả gốc và lãi.

Không có nhận xét nào: