Câu 8: Phân tích quan điểm Hồ Chí Minh về vai trò và nội dung của
đại đoàn kết dân tộc?
Trả lời:
1. Phân tích quan điểm Hồ Chí Minh về vai trò và nội dung
của đại đoàn kết dân tộc.
Đoàn kết là tập hợp một nhóm đông người, cùng nhằm thực
hiện một mục tiêu chung, cụ thể và chính đáng.
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đại đoàn kết thực chất là chiến
lược tập hợp lực lượng cách mạng của cả dân tộc, để phát huy sức mạnh tổng thể
của toàn dân tộc, nhằm mục tiêu giải phóng dân tộc, độc lập dân tộc, xây dựng
đất nước dân chủ, giàu mạnh.
a. Vai trò của đại đoàn kết
* Đại đoàn kết dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược,
quyết định thành công của cách mạng
Theo Hồ Chí Minh, để đánh bại đế quốc thực dân nhằm giải
phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người, nếu chỉ có tinh
thần yêu nước chưa đủ mà cần phải tập hợp được tất cả mọi lực lượng có thể tập
hợp, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc bền vững. Vì vậy, trong tư tưởng Hồ Chí
Minh đại đoàn kết dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, cơ bản nhất quán và
lâu dài, xuyên suốt tiến trình cách mạng.
Để quy tụ được mọi lực lượng vào khối đại đoàn kết toàn dân
cần phải có chính sách và phương pháp phù hợp với từng đối tượng, trong từng
thời kỳ, từng giai đoạn cách mạng, đại đoàn kết dân tộc phải luôn luôn được
nhận thức là vấn đề sống còn, quyết định thành bại của cách mạng.
Vai trò của khối đại đoàn kết: Đoàn kết làm ra sức mạnh; Đoàn kết là then chốt của thành
công:
“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết
Thành công, thành công, đại thành công!”
* Đại đoàn
kết dân tộc là mục tiêu là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng, của dân tộc
Đoàn kết là sức mạnh, là mạch nguồn của mọi thắng lợi. Do
đó, ĐĐKDT phải được xác định là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng, phải được quán
triệt trong tất cả mọi lĩnh vực.
Ngày 3 – 3 – 1951, Hồ Chí Minh thay mặt Đảng tuyên bố trước
toàn thể dân tộc: “Mục đích của Đảng Lao động Việt Nam có thể gốm trong 8 chữ:
Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc.”
Cách mạng muốn thành công nếu chỉ có đường lối đúng chưa đủ
mà trên cơ sở của đường lối đúng, Đảng phải cụ thể hóa thành những mục tiêu,
nhiệm vụ và phương pháp cách mạng phù hợp với từng giai đoạn lịch sử để lôi
kéo, tập hợp quần chúng, tạo thực lực cho cách mạng, thực lực đó chính là khối
đại đoàn kết dân tộc.
Hồ Chí Minh đã tổng kết thành quả của lịch sử dân tộc, từ
thời Hùng Vương dựng nước đến các phong trào khởi nghĩa của cha ông ta và đưa
ra một luận điểm có tính chất sống còn đối với cách mạng dân tộc, đó là: “Sử ta
đã dạy cho chúng ta bài học: Khi nào chúng ta đoàn kết muôn người như một thì
chúng ta có được độc lập tự do” và:
Dân ta xin nhớ chữ đồng
Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh
b. Nội dung của đại đoàn kết
* Đại đoàn kết dân tộc là đại đoàn kết toàn dân
- Khái niệm Dân, nhân dân và đại đoàn kết dân tộc - đại
đoàn kết toàn dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh.
+ Khái niệm Dân, nhân dân: Khái niệm này có nội hàm rất
rộng, vừa là một tập hợp đông đảo quần chúng vừa là mỗi con người Việt Nam cụ
thể, cả hai đều là chủ thể của đại đoàn kết dân tộc. Đó là “mọi con dân nước
Việt”, “mỗi một người con Rồng cháu Tiên”, không phân biệt dân tộc đa số hay
thiểu số, có tín ngưỡng hay không có tín ngưỡng, không phân biệt “già, trẻ,
gái, trai, giàu nghèo, quý tiện”.
+ Khái niệm đại đoàn kết dân tộc - đại đoàn kết toàn dân:
Đại đoàn kết dân tộc thực chất là đại đoàn kết toàn dân.
- Nòng cốt của khối đại đoàn kết dân tộc là liên minh công-
nông.
Đại đoàn kết dân tộc dựa trên nền tảng của khối liên minh
công- nông là quan điểm cơ bản của Hồ Chí Minh trong việc xây dựng khối đại
đoàn kết vững mạnh. Không có liên minh công – nông vững mạnh thì không thể xây
dựng được khối đại đoàn kết toàn dân vững chắc bởi liên minh công- nông là cơ
sở, là nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân ở nước ta. Hồ Chí Minh viết:
“lực lượng chủ yếu trong khối đại đoàn kết dân tộc là công- nông, cho nên liên
minh công - nông là nền tảng của mặt trận dân tộc thống nhất”.
* Thực hiện đại đoàn kết toàn dân phải kế thừa truyền thống
yêu nước – nhân nghĩa – đoàn kết của dân tộc; đồng thời, phải có tấm lòng khoan
dung, độ lượng, tin vào nhân dân, tin vào con người.
- Kế thừa truyền thống yêu nước - nhân nghĩa - đoàn kết của
dân tộc.
Truyền thống này đã được hình thành, củng cố và phát triển
trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm của cả dân tộc, trở
thành giá trị bền vững, thấm sâu vào tư tưởng, tình cảm, tâm hồn của mỗi con
người Việt Nam yêu nước. Truyền thống đó là cội nguồn sức mạnh vô địch để cả
dân tộc chiến đấu và chiến thắng mọi thiên tai địch hoạ, làm cho đất nước được
trường tồn, bản sắc dân tộc được giữ vững.
- Phải khoan dung, độ lượng với con người, tin ở con người.
Hồ Chí Minh chỉ rõ, trong mỗi cá nhân cũng như mỗi cộng
đồng đều có những ưu điểm, khuyết điểm, mặt tốt, mặt xấu…Cho nên, vì lợi ích của
cách mạng, cần phải có lòng khoan dung độ lượng, trân trọng cái phần thiện dù
nhỏ nhất ở mỗi con người mới có thể tập hợp, quy tụ rộng rãi mọi lực lượng.
Lòng khoan dung độ lượng ở Hồ Chí Minh không phải là một
sách lược nhất thời, một thủ đoạn chính trị mà là sự tiếp nối và phát triển
truyền thống nhân ái, bao dung của dân tộc, từ chính mục tiêu của cuộc cách
mạng mà Người suốt đời theo đuổi.
- Phải có lập trường giai cấp rõ ràng.
Đại đoàn kết dân tộc dựa trên nền tảng của khối liên minh
công - nông là quan điểm cơ bản của Hồ Chí Minh trong việc xây dựng khối đại
đoàn kết toàn dân vững mạnh. Không có liên minh công nông vững mạnh thì không
thể xây dựng được khối đại đoàn kết toàn dân vững chắc bởi liên minh công -
nông là cơ sở, là nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân ở nước ta. Hồ Chí
Minh viết: "Lực lượng chủ yếu trong khối đại đoàn kết dân tộc là công-
nông, cho nên liên minh công nông là nền tảng của mặt trận dân tộc thống
nhất".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét