Truyền thuyết là gì?
Truyền thuyết là
những truyện kể truyền miệng kể lại truyện tích các nhân vật lịch sử hoặc giải
thích nguồn gốc các phong
vật địa phương theo quan điểm của nhân dân, biện pháp nghệ thuật phổ biến của
nó là khoa trương, phóng đại, đồng thời nó cũng sử dụng yếu tố hư ảo, thần kỳ
như cổ tích và thần thoại.
Vai trò của truyền thuyết
Thể hiện ở 3 mặt
cơ bản:
- Về mặt lịch sử:
Truyền thuyết là cơ sở cho các nhà sử học tham khảo về các giai đoạn lịch sử
dân tộc.
Nếu như thần thoại lấy thế giới tự nhiên làm đối tượng
nhận thức, lý giải; nếu như truyện cổ tích chọn đời sống xã hội để phản ánh,...
thì truyền thuyết lại hướng về các sự kiện, các biến cố có liên quan đến lịch
sử của cộng đồng. Dân tộc nào, đất nước nào, làng quê nào cũng có một quá trình
hình thành, biến đổi và phát triển (hoặc tàn lụi). Trong những thời điểm quan
trọng, những cái mốc son, những biến cố mang ý nghĩa sống còn của một cộng đồng
thường xuyên xuất hiện những nhân vật kiệt xuất. Việc làm của họ, hành động của
họ có tác động lớn đến cuộc sống của cả cộng đồng, và của cả một giai đoạn lịch
sử. Nhiều nhân vật lịch sử khi còn sống và đặc biệt khi họ đã mất trở thành một
biểu tượng đẹp của quê hương, đất nước. Người Việt Nam, xưa cũng như nay, với truyền
thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” thường lập đền miếu
để thờ phụng họ. Nhân vật lịch sử được nhân dân các làng quê, phường phố thiêng
liêng hóa và suy tôn thành thần thánh, bốn mùa hương khói. Bậc đạo cao, đức
trọng, tài năng kiệt xuất như Vua Hùng, Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê
Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung thuở xưa và Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện nay mãi mãi
sẽ sống trong lòng dân tộc qua sự tôn vinh bằng đền miếu, bằng các ngày kỷ
niệm, các lễ hội lớn được tổ chức hàng năm. Chung quanh các sự kiện lịch sử
lớn, các nhân vật lịch sử đầy hào quang thế nào cũng có những câu chuyện kể về
sự kiện đó hoặc kể về tài năng, về đức độ, về sự cống hiến của các anh hùng,
các danh nhân cho dân, cho nước. Theo con đường sáng tác và lưu truyền dân
gian, các truyện kể ấy sẽ lưu truyền từ đời này qua đời khác, từ Bắc vô Nam hoặc từ Nam ra Bắc, từ đồng bằng lên miền
núi và ngược lại...
Như vậy, các sự kiện lịch sử, các nhân vật lịch sử
chính là cảm hứng, là đề tài, là chất liệu để làm nên các truyền thuyết. Nguyên
Thủ tướng Phạm Văn Đồng, trong một bài viết về các Vua Hùng đã nêu một ý kiến
khá xác đáng: “Truyền thuyết dân gian thường có một cái lõi là sự thực lịch sử,
mà nhân dân qua nhiều thế hệ đã lý tưởng hóa gửi gắm vào đó tâm tình thiết tha
của mình cùng với thơ và mộng ...” (Báo Nhân dân ngày 29/4/1969).
- Về mặt ý thức xã
hội: Truyền thuyết giáo dục lòng yêu nước, tinh thần dân tộc.
Phản ảnh các sự kiện lịch sử một cách trung thực cũng
là một sự thể hiện cảm quan và thái độ của quần chúng nhân dân đối với những
biến cố, những sự kiện, những con người ... có liên quan, có tác động lớn đến
đời sống của cộng đồng. Qua từng tình tiết, từng cách mở đầu hoặc kết thúc mỗi
truyền thuyết, chúng ta đều thấy thái độ khen chê, biểu dương, ca ngợi, hay phê
phán, lên án,... của người sáng tác đối với các nhân vật lịch sử một cách khá
minh bạch, rõ ràng.
Xin được lấy truyền thuyết An Dương Vương (Sách Lĩnh Nam
chích quái lấy tựa đề là “Truyện Rùa Vàng”) làm ví dụ. Truyện này có 3 nhân vật
chính: An Dương Vương, Mỵ Châu và Trọng Thủy. Nhà vua là nhân vật chính. Ông là
người có công dựng nước Âu Lạc, xây thành Cổ Loa, chế ra nỏ thần và chỉ huy
quân dân Âu Lạc đánh thắng Triệu Đà trong lần đầu đội quân này kéo đến xâm
lăng. Nhưng ông cũng là người mắc nhiều sai lầm nghiêm trọng trong việc giữ
nước, dẫn đến họa “Cơ đồ đắm biển sâu”. Như vậy, ông là người vẫn có công, lại
vừa có tội đối với dân, với nước. Ông phải tự nhận lấy cái chết. Song tác giả
dân gian lại cho Thần Kim Quy xuất hiện cầm sừng tê 7 tấc rẽ nước đưa nhà vua
về với biển xanh. Việc An Dương Vương phải chém con gái yêu của mình cũng là
nỗi đau không nhỏ và là sự tự trừng phạt mình của chính ông. Song nhân dân vẫn
luôn trân trọng những đóng góp to lớn của nhà vua cho lịch sử, cho dân tộc nên
lập đền thờ ông (ở Hà Nội, ở Nghệ An) và tạo nên một chi tiết nghệ thuật đẹp
đẽ, để hình bóng vua Thục còn mãi với biển trời.
Với Mỵ Châu và Trọng Thủy, thái độ và cách ứng xử của
quần chúng nhân dân cũng đầy tinh thần nhân ái. Cả hai người đều có tội với đất
nước Âu Lạc. Họ có những việc làm không thể chấp nhận được. Mỵ Châu không ý
thức mình là ai khi đưa nỏ thần cho Trọng Thủy xem và rắc lông ngỗng chỉ đường
cho chồng tìm mình trong cơn binh lửa. Trọng Thủy thì tiếp tay cho Triệu Đà xâm
chiếm Âu Lạc. Nhưng cả 2 người trước lúc chết đều đã có “sự phản tỉnh”. Mỵ Châu
bị người lừa chứ không có “ý thức hại cha”, Trọng Thủy còn có chút liêm sỉ về hành
động của mình ... Hình ảnh “ngọc trai giếng nước” là phần vĩ thanh của câu
chuyện và không nằm trong phần “chính truyện”, nhưng nó là sự thể hiện một tấm
lòng đầy nhân ái của người đời sau đối với bi kịch của một đôi trai tài, gái
sắc. “Ngọc trai giếng nước”, theo thiển ý của chúng tôi, không phải là “bài ca
ngợi ca tình yêu chung thủy” như có người đã viết trên Tạp chí “Nghiên cứu Văn
học” cách đây gần 50 năm, mà chỉ là một sự thể tất của quần chúng nhân dân
giành cho những người có tội song đã biết nhận ra lỗi lầm của bản thân.
- Về mặt văn học
nghệ thuật: Truyền thuyết là nguồn cảm hứng cho nhà văn, nhà thơ sáng tác.
Truyền thuyết là thể loại khái quát được lịch sử của
dân tộc, đồng thời giáo dục con người hướng đến cái thiện, cái tốt nên đó là
nguồn cảm hứng xuyên suốt cho các tác giả dân gian sáng tạo. Nhiều cuốn truyền
thuyết ghi lại hình ảnh của dân tộc đạt đến giá trị cao.
Tuy nhiên, là một thể loại văn học, truyền thuyết
cũng bị chi phối bởi các nguyên tắc, các phương pháp của việc sáng tác
nên trong nội dung tác phẩm, sự thực lịch sử trong truyền thuyết được “cấu tạo
lại, tái hiện lại” thông qua cảm quan lịch sử của các tác giả dân gian. Nhiều
tình tiết trong tác phẩm đã được tô vẽ thêm theo khuynh hướng “lý tưởng hóa” để
tôn vinh các nhân vật lịch sử. Chẳng hạn Thánh Gióng, trong sự thực lịch sử có
thể chỉ là một chiến binh, một người chỉ huy dũng cảm, lập công lớn và hy sinh
ở chiến trường, nhưng khi trở thành một nhân vật truyền thuyết, thì người anh
hùng làng Phù Đổng đã hoàn toàn là một con người khác với nhiều chi tiết hết
sức kỳ lạ. Hay như Hai Bà Trưng, trong sự thực lịch sử, sau khi bị bại trận
trước sức mạnh của đội quân thiện chiến Mã Viện đã nhảy xuống dòng Hát Giang tự
vẫn. Còn ở truyền thuyết, Hai Bà lại có một cái kết cục hoàn toàn đẹp đẽ: Hai
Bà cưỡi voi bay về trời bất tử cùng gió mây, non nước,... Nhiều năm sau, khi hạ
giới gặp cơn hạn hán, dân các làng xã lập đàn cầu đảo, hai bà lại xuống trần
tạo mây mưa, giúp dân có nước cấy cầy, ăn uống,...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét