Sống trong đời sống cần có một tấm lòng!

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng!

Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2012

NGÀY TRẺ CON NGHĨ CHUYỆN NGƯỜI LỚN


Ngày 1 – 6 này, trẻ em Việt Nam và thế giới đón nhận rất nhiều sự kiện đặc biệt hấp dẫn. Tất cả trẻ em được sống hết mình trong tình yêu thương của gia đình và người thân. Thật hạnh phúc khi nghĩ về những điều đó!
Trở lại trước đây mười mấy năm, chúng ta cũng là thiếu nhi, cũng được vui vẻ được chúc mừng, được phát kẹo, được đến “Nhà văn hóa” để nghe ca hát, chúc mừng. Nghĩ lại cũng thấy vui mà cũng lắm cái tủi.
Ngày 1 – 6 ở quê tôi đang vào mùa gặt lúa chiêm xuân. Cùng với cái nắng mùa hè gay gắt, nghạt thở của vùng quê Thanh Hóa (Khu IV cũ) thì không có điều gì đáng sợ hơn. Lúc đó nhà tôi nghèo, mà có thể nói là quê tôi hầu như nhà nào cũng vậy, có thể nói là đói kém là đúng nhất. Để có được một buổi tối ăn kẹo, ca hát như vậy chúng tôi phải ở ngoài đồng cả ngày. Có thể cũng “chẳng làm nên cái tích sự gì” (theo như lời bà nội tôi hay nói) nhưng dù sao ra đồng vẫn thật vui. Ở đó, chúng tôi chăn bò, cắt cỏ, gặt lúa,… và nhảy tưng tưng lên những đống rạ đã được phơi khô và chất thành từng đống ở đó. Rồi đến đêm đi chơi, đứa nào cũng nổi từng đám rôm ngứa chân tay cựa quậy miết (nghịch cho lắm, rồi đến đêm ngứa tha hồ mà gãi, hic). Chúng tôi – nhưng đứa trẻ nông thôn vất vả nhưng vui thật đó, nhưng chắc gì những đứa trẻ con ở thành phố đã có. Ôi trẻ con! Nghĩ thật là vui!
Giờ đây đã lớn, và thực sự cũng chỉ là cái lớn về thể xác chứ tinh thần còn trẻ con lắm. Vì tôi là đứa con út nên lúc nào tôi cũng được chiều chuộng, yêu thương nhất nhà. Vậy mà giờ đây, đã hai mươi mấy tuổi rồi vẫn tưởng mình là một đứa con nít, mùng 1 – 6 vẫn đi chơi tung ta tung tăng, hic… Mà cũng đơn giản vì nó sống xa quê, nghĩ lại mà thèm một chút hơi ấm của gia đình, và tự an ủi mình bằng cách vô tư một ngày trong chuỗi ngày âu lo mà thôi.
Dù sao tôi đã quyết định và phải thực hiện được ước mơ của mình. Dẫu biết là với thời điểm hiện tại, thì cái ước mơ đó còn xa vời lắm. Học mới xong năm 3, mà tương lai dường như đã trở nên mịt mờ hơn. Khó nói thật! Tất cả nhưng ước mơ của hắn đâu hết, chỉ còn lại những thứ “không đâu” ở trong đầu mà thôi.
Hồi trẻ con tôi ngoan và học giỏi lắm. Nhà tôi ai cũng tự hào. Mọi chuyện cứ như thế cho đến năm lớp 7 rồi dần dần đi xuống vào các năm học tiếp theo. Lớn lên tôi làm được nhiều việc, nhưng đúng ra mà nói thì công nhiều hơn tội với gia đinh, có nghĩa là làm cho bô mẹ tôi “muối mặt” hơn là “mở mày mở mặt”. Cũng mang tiếng là học sinh giỏi cái này cái khác đấy, nhưng mà so ra thì cũng chả được cái gì. Thành công có, thất bại thì “có mà đầy”, hic…
Sau mấy năm đi làm, lại chán, và lại học. Cuộc đời dường như muốn cho tôi trở về cái vòng lẩn quẩn của học, mà lại là học văn mới hay chứ. Sau mấy năm học, bữa nay mới đón nhận cái Tết của mình (tôi vẫn coi mình là thiểu nhi nên ngày này của tôi là đúng rồi, hi…). Nghĩ lại, thấy xót xa cho mình quá.
Đến nay, cái thời khắc mà hai mươi mấy tuổi đầu trong cuộc đời, dường như tôi chẳng làm được gì cả. Thất bại thật nhiều và những kinh nghiệm nhận lại cũng thật nhiều. Người ta bảo: “Thất bại là mẹ của thành công”. Điều đó chứng tỏ tôi mới chỉ có “mẹ” mà chưa có “con” của “mẹ”. Nghĩ cho cùng, đôi lúc tôi cũng hay vận dụng vài câu của nhà “thiên tài học” A.Q vào cuộc sống, nhất là khi thất bại. Và cho đến nay, những điều đó dường như đã giúp cho tôi trở lại đúng quỹ đạo của cuộc sống mà tôi muốn. Cuộc sống ấy sẽ dẫn tôi đến đâu? Thành công sẽ đến hay thất bại cứ mãi theo đuổi? Đó là những điều mà tôi không quan tâm thật nhiều. Chỉ biết bây giờ nên sống đúng nghĩa như một đứa sinh viên, chăm lo học tập và thu thập thật nhiều kiến thức mà thôi. Lấy quan điểm nhìn nhận người thành công và người thất bại (không phải kẻ thất bại), xin được trích dẫn bài viết sau:
THÀNH CÔNG VÀ THẤT BẠI
-     Người thành công biêt chính xác những gì mình muốn, tin tưởng vào khả năng của mình và sẵn sàng cống hiến hết thời gian của cuộc đời để đạt được điều đó.
-     Người thất bại không có mục đích cụ thể cho cuộc sống, luôn tin rằng mọi thành công đều là kết quả của vận may và chỉ thật sự bắt tay vào việc đó khi có sự thất bại từ bên ngoài.
-     Người thành công có khả năng ảnh hưởng đến những người xung quanh và hợp tác với họ trong thái độ thân thiện.
-     Người thất bại tìm thấy khuyết điểm của mình ở người khác.
-     Người thành công chỉ bày tỏ ý kiến về những điều mình biết và họ hoàn toàn có thể thực hiện điều đó một cách rất khôn ngoan.
-     Người thất bại phát biểu ý kiến về mọi vấn đề mà họ chỉ biết chút ít hoặc hoàn toàn không có một chút kiến thức gì về chúng.
-     Người thành công dung hòa quan hệ với tất cả mọi người mà không quan tâm đến lợi ích đạt được.
-     Người thất bại chỉ nuôi dưỡng những mối quan hệ với những ai mà từ đó mà họ có những thứ họ muốn.
-     Người thành công luôn trau dồi kiến thức và mở rộng lòng khoan dung. Họ sống đến quyền lợi chung của cộng đồng.
-     Người thất bại có trí tuệ hạn chế, sự vị kỷ chiến thắng lòng vị tha. Vì vậy mà họ tách khỏi những cơ hội thuận lợi và mối quan hệ thân thiện với xã hội.
-     Người thành công biết theo kịp thời đại và xem đây là một trách nhiệm quan trọng để biết được điều gì đang diễn ra.
-     Người thất bại chỉ quan tâm đến bản thân với những nhu cầu trước mắt và bất chấp mọi thứ để thực hiện, không cần biết điều đó tốt hay xấu.
Tôi viết bài này không phải viết khi tôi đã thành công mà là lúc tôi chưa từng đón nhận thành công. Điều đó có thể hiểu được rằng trong cuộc sống này, dẫu khó khăn và thất bại lớn như thế nào thì chúng ta hãy dũng cảm đứng dậy và bước tiếp. Hãy nghĩ rằng: “Cuộc sống này không có đường cùng, chỉ có những ranh giới”. Việc của chúng ta là biết vượt qua những ranh giới ấy. Hiểu đơn giản nhất là “sau bóng đêm… bao giờ cũng là bình minh”.
Thật ra, đây chỉ là những quan niệm của thời phong kiến hay quan niệm của Nho giáo nhưng nó vẫn có giá trị sống mãi với thời gian. Hãy thử cảm nhận và  xem mình là người như thế nào các bạn nhé!

Không có nhận xét nào: