Sống trong đời sống cần có một tấm lòng!

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng!

Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2011

NGHỆ THUẬT FRANZ KAFKA

TÍNH CHẤT MÊ CUNG

1. Với Franz Kafka (1883-1924), nhà văn người Séc gốc Do Thái viết tiếng Đức, không hình ảnh nào giúp ông hình dung một cách chính xác về thời đại mà ông đang sống cũng như chính bản thân ông hơn vòng xoáy của những mê cung. “Trong tác phẩm của Kafka, cái quyền lực vô hình và phi lí tồn tại như một bóng ma, nó lờ mờ ẩn hiện và được vây bọc bởi một mê cung không thể vượt qua. Chủ đề mê cung là một chủ đề chủ chốt của Kafka, nó chính là vỏ bọc của cái không thể diễn đạt… Chủ đề mê cung thật sự là một thủ pháp quan trọng của Kafka trong việc diễn đạt cái phi lí”. Vượt qua chủ đề - thủ pháp, mê cung là niềm ám ảnh lớn, là nỗi âu lo bi kịch thường nhật hiện tồn của kiếp người, nó trở thành nguyên tắc kết cấu tác phẩm, chi phối đến cả văn phong, lối viết của Kafka. Nó góp phần tạo nên sự cách tân nghệ thuật, tạo nhiều lớp nghĩa và những hiệu ứng thẩm mỹ cao.
2. Thời đại Kafka sống là thời đại “mất Chúa”. Đế chế Áo – Hung tan rã, hiểm họa phát xít đang rình rập, nền kỹ trị tha hóa nhân phẩm và xóa dấu lương tri. Con người sống trong thời đại ấy, cảm thấy mình đã đánh mất chiếc chìa khóa để mở cánh cổng cuộc đời. Họ bơ vơ, lạc lõng, không phương hướng, không nơi bấu víu, họ lạc vào một mê cung của nỗi lo âu và sự tha hóa, của trạng thái phi lí toát lên từ lời kêu cứu của con người và sự lặng im của đời sống.
Kafka dự cảm về tình trạng bất ổn ấy ngay trên quê hương ông – thành phố Prague, từ rất sớm. Sự nhạy cảm tâm hồn, cái nhìn thấu thị biến ông thành một “nhà địa chấn kí”, “có thể ghi lại những động thái sâu thẳm khó có thể nhận biết được ở nơi khác” (Claude Prévost).
Cả thế giới, trong tâm tưởng của ông là một mê cung. Nó mong manh, chằng chịt và bấp bênh, vô định. Những câu hỏi và nỗi băn khoăn có từ tiền kiếp, trở thành nghiệp dĩ mà loài người phải mang theo suốt cả một đời. Triết lý của Kiekegaard – nhà triết học người Đan Mạch mà Kafka gọi là “bạn”, tác giả cuốn Khái niệm sự bất an – về nỗi lo âu nhuốm màu hiện sinh ngập tràn trong những dự cảm nghệ thuật của Kafka. Đến lượt mình, ông đã chuyển hóa chúng thành những hình tượng trong các tác phẩm. Những mê lộ từ thời vua Minos sống dậy, nhưng đã được Kafka đem lại những lớp nghĩa mới. Ông khoác cho chúng tấm áo choàng tư tưởng, lấp lánh bao sắc màu riêng.
2.1 Trước hết, cần nhận thấy, hình ảnh mê lộ trong các tác phẩm của Kafka không giống với những mê lộ trong thần thoại, tôn giáo hoặc trong các tiểu thuyết Gothic. Nó không là những lối đi quanh co, “bảo vệ điểm trung tâm, dành cho người nào vượt qua những thử thách thụ pháp”. Nó không kết lại trong những thành quả cho người đạt được sở nghiệm (như Thesee tiêu diệt được con Minotaure hay tìm được những quả táo vàng trong khu vườn của các nàng Hesperides) hoặc sự biến đổi của cái “tôi” diễn ra tại tâm điểm mê cung. Những mê lộ của Kafka gắn liền với một vũ trụ - nơi điểm trung tâm nhạt nhòa, hư ảo, dường như không có thật. Tính lập lờ của điểm trung tâm khiến  không gian trong tác phẩm có lúc trở thành một khối hỗn độn. Sống trong không gian như vậy, con người hoang mang, lo sợ và hoàn toàn mất phương hướng. Trạng thái âu lo, bất an ấy toát lên khi nhân vật đứng mãi trước cánh cổng cách ngăn giữa mình và thế giới. Trong truyện ngắn Khởi hành, mục đích chuyến đi của nhân vật “tôi” chỉ là “rời khỏi nơi đây”; truyện ngắn Làng gần nhất gắn liền với ý niệm về cuộc đời ngắn ngủi đến lạ, về một cái đích không bao giờ với tới, nơi “một kiếp sống bình thường và trôi chảy cũng còn khó mà đủ cho cuộc lãm du ấy”. Người nông dân tìm đến cửa pháp luật, nhưng đến chết cũng không được vào (Trước cửa pháp luật). Rồi hình bóng lâu đài trong tiểu thuyết cùng tên xuất hiện như một ảo ảnh, tàn tạ, hoang phế trong những ngày đẹp trời, dẫu cho K. tìm mọi cách tiếp cận nhưng ngày càng tuyệt vọng, lâu đài vẫn mỗi lúc một xa.
Ngay cả những dạng truyện dựa trên nền tảng cái phi lí – vật hóa người của truyện ngụ ngôn (Hang ổ, Chó sói và người A Rập, Nữ ca sĩ Giôđephin), F. Kafka đã tạo ra những sắc thái phi lí mới trong mê lộ của ông: Nó không ở đâu xa mà ngay trong cuộc sống tự nó chi phối vận mệnh con người, là đối tượng nhận thức – không thể nhận thức. Nút mở là nhân vật suy nghĩ, tồn tại trong phi lí, và tính phi lí này dẫn đường cho toàn truyện. Mở đầu Hang ổ, con vật ở hang mà sống thật bất an. Nó tạo ra một mê cung tầng hầm mà không có một phút yên tâm. Trong mê cung ấy, có một sự gắn kết vô hình giữa các con vật và tấn bi kịch kiếp người.
Có thể nói, yếu tố cơ bản làm nên sự khác biệt của hình ảnh mê lộ trong tác phẩm Kafka so với thần thoại, cổ tích, tôn giáo nằm ở sự phi thần thánh hóa thế giới. Đấy là một hiện tượng mang tính thời đại, gắn liền với sự nhìn lại, đánh giá lại lịch sử và các huyền thoại nở rộ vào những năm đầu thế kỷ XX, đúng như lời miêu tả của Heidegger “Và như vậy, cuối cùng Thượng đế đã ra đi. Khoảng trống để lại được lấp đầy bằng sự thăm dò về mặt lịch sử và các tâm lý huyền thoại”.
2.2 Trong các sáng tác của Kafka, có hình bóng những mê lộ hữu hình lẫn vô hình. Những mê lộ hữu hình có thể nhìn thấy như ngõ ngách, hệ thống đường hầm của con thú trong Hang ổ, những căn phòng, hành lang hun hút tối nơi Vụ án, con đường ngập tuyết, càng gần lại càng lảng xa ra trong Lâu đài, những cung điện, thành quách nối tiếp trong Thông điệp của hoàng đế… Những mê lộ ấy, chỉ hiểu theo nghĩa đen, vốn đã đầy ám ảnh. Nhưng chúng còn giàu sức gợi hơn khi được xem xét dưới lớp nghĩa bóng của những biểu tượng, những ám dụ. Các nhà phê bình văn học đều thống nhất ở điểm: phải tiếp xúc và thụ cảm những hình ảnh trong tác phẩm của Kafka để tìm ra một thế giới “ẩn đâu đó phía sau kia” (M. Kundera). Trong cái thế giới ấy, những mê cung trở nên vô hình, nó trở thành một cung cách hành chính, một cơ chế quan liêu hay một thế lực độc tài đè nén và tha hóa con người, biến họ trở thành một bóng ma dật dờ, những con rối phi cá tính.
Ở tác phẩm Vụ án, hệ thống cơ quan hành pháp với bộ máy của nó và các viên chức giăng mắc khắp mọi nơi, ai ai cũng là người tòa án. Joseph K. rơi vào những chuyến đi quái đản, vô định để tìm hiểu tội lỗi mà mình mắc phải. Từ chỗ là người vô tội, anh dần dần thích nghi với trạng thái tội lỗi và cuối cùng đón nhận cái chết “nhục nhã như một con chó”. Cái tòa án ấy tuân theo một cung cách xét xử phi lí “chỉ tạm tha, hoãn xử chứ không bao giờ tha bổng”. Quyền tha bổng thuộc về tòa án tối cao nhưng nó dường như không tồn tại trên mặt đất này. Ngay cả hình ảnh luật pháp cũng trở nên méo mó, truyện Trước cửa pháp luật nói đến trạng thái phi nhân của thứ pháp luật quan liêu, bóp nghẹt đời sống. Một bác nông dân xin được vào gặp pháp luật nhưng người bảo vệ không cho vào, thế là bác đành đứng đợi, người bảo vệ còn nói với bác rằng mình chỉ là người bảo vệ vòng ngoài cùng, những vòng trong còn biết bao người bảo vệ khác với mặt mũi hung tợn. Bác nông dân đứng trước cửa đợi suốt bao nhiêu năm, khi sắp chết, bác hỏi vì sao một thời gian dài, chẳng thấy ai ngoài mình đến xin gặp pháp luật. Người gác cửa gào to để đôi tai nghễnh ngãng của bác có thể lắng nghe: “Ở đây không một ai khác được phép vào, bởi vì cái cửa này chỉ để dành cho một mình bác thôi. Bây giờ tôi đóng lại đây!”. Có thể nói, câu kết của truyện đã khép lại những ảo mộng của một kiếp người về thứ pháp luật “cho tất cả mọi người và phục vụ toàn dân bất cứ lúc nào”.
2.3 Những công sở cũng là một dạng mê cung vô hình, khiến đời sống công chức bó buộc trong những luật lệ, áp lực văn phòng và công việc đơn điệu, nhàm chán. Poseidon, vị thần quyền uy của biển cả, cũng chết ngộp trong đống giấy tờ hành chính (Poseidon). Nhân viên chào hàng Gregor, một sớm tỉnh giấc băn khoăn, thấy mình hóa thân thành bọ, nhưng vẫn sợ muộn giờ làm (Hóa thân). Những mê cung vô hình mang nỗi ám ảnh cái chết, lấy đi niềm tự do và bao ý nghĩa nhân sinh, khiến con người âu lo và lạc lối khi đối diện với đời. Nó là sự phóng chiếu hiện thực và cả những dự cảm thiên tài của Kafka về thời đại mà ông đang sống lẫn bước chuyển mình của lịch sử về sau.
Mang cái nhìn cách ngăn giữa mình và thế giới, những mê cung trong các tác phẩm của Kafka thường trải dài từ bản thể đến tha nhân. Lê Huy Bắc cho rằng, bản thân mỗi nhân vật của Kafka đã là một mê lộ. Nhưng đồng thời chúng lại là “thực thể không ý thức trước thực trạng mê lộ của mình”. Cả Gregor, Joseph K. lẫn K. đều thiếu năng lực phản tư để tự nhận ra mình và hoàn cảnh xung quanh. Chút bừng lóe trong nhận thức của Joseph K. Ở đoạn kết của Vụ án chỉ là ánh sao băng ngang trời. Nhưng đấy là chớp sáng cho mỗi người thức tỉnh và trầm tư trước mê cung của cõi lòng mình.
Nhằm mục đích làm nổi bật cái bản thể cô đơn, Kafka thường đặt nhân vật của mình vào giữa đám đông, những mê lộ của “cõi người ta”. Hình ảnh đám đông trong tác phẩm của ông gắn liền với nguy cơ tha hóa, gợi ý niệm về cái chết. Có những đám đông cầm cờ, xuất hiện bên nghĩa trang (Giấc mơ), có những đám đông hát những lời ca nhạt nhẽo như một nghi lễ cúng tế, cởi quần áo và đặt viên thầy thuốc bất lực trên chiếc giường bệnh nhân (Một thầy thuốc nông thôn), có đám đông chen chúc dọc theo các hành lang và phòng xử án nơi tầng áp mái (Vụ án)… Trong cách nhìn của Kafka, “tha nhân là địa ngục” (Sartre). Mối quan hệ giữa bản thể và tha nhân luôn trong tình trạng mất liên lạc, không thấu hiểu; con người đã đánh mất sợi dây dẫn đường, khiến cái tôi không thể nào kết giao, hòa nhập cộng đồng, và dần dần, họ tự thu mình vào những ốc đảo cô đơn. “Con người cô đơn đi lang thang trong mê cung vắng ngắt của một thế giới nơi diễn ra những sự mô phỏng lố bịch báng bổ của luật pháp”.
Tất nhiên, dưới góc độ biện chứng của phê bình mácxít, R. Garaudy chỉ ra được “Vấn đề của Kafka là ông đã phát hiện ra điểm nối giữa cái cá nhân và cái toàn thể, giữa cái riêng trong cái chung…”. Và E. Fischer nhận thấy “Thực chất của cái cộng đồng này là không chắc chắn, nhưng nó cũng không phải là niềm hy vọng hão huyền vào thế giới bên kia, nó là dự cảm về một thế giới, nơi con người có thể sống khác hơn”.
2.4 Xuyên suốt các truyện ngắn và tiểu thuyết, những mê cung dầu hữu hình hay vô hình, thuộc về bản thể hay tha nhân, đều được Kafka nhuộm trong bầu khí quyển của một mê cung khác: mê cung của những giấc mơ. Sáng tác của ông đã hòa kết, trộn lẫn được thực và ảo, bắc cây cầu nối nhịp giữa ý thức và vô thức. Chính vì thế, đúng như nhiều nhà nghiên cứu đã nhận xét: bầu không khí trong các tác phẩm của Kafka là bầu không khí của những cơn ác mộng. Cái ẩn dụ “giấc mộng kinh hoàng” đã được “người nằm mơ bừng tỉnh” vật thể hóa một cách cụ thể. Đặc trưng của thế giới mê cung ấy và sự độc đáo ở tác giả của nó, nói như Trương Đăng Dung: “không đưa giấc mơ vào phục vụ nghệ thuật mà ngược lại, theo cách riêng, Kafka đã đưa nghệ thuật của mình “phục vụ” giấc mơ”.
Với Kafka, giấc mơ cũng là một dạng mê cung. Vì nó không chỉ đơn thuần là sự đi – về, nhập mộng – tỉnh mộng, mà còn là sự đan cài mộng trong mộng, những trùng lắp bất ngờ giữa cõi thực và cõi mơ, lắm khi cơn ác mộng chỉ thực sự bắt đầu khi con người tỉnh giấc. Hãy đọc câu đầu tiên của Hóa thân “Một sớm tỉnh giấc băn khoăn, Gregor Samsa nằm trên giường thấy mình biến thành một con côn trùng khổng lồ”, hay cái trạng huống kỳ quặc của Joseph K. trong Vụ án “Chắc hẳn là người ta đã vu oan cho Joseph K., bởi vì chẳng làm gì nên tội, thế mà một buổi sáng kia anh bị bắt”. Dường như, cả nhân vật lẫn người đọc đều đánh mất cảm giác đâu là thực, đâu là mơ khi lạc vào thế giới nghệ thuật của Kafka. R. Garaudy gọi đó là “Người gác đêm và Người đánh thức… đã đối lập những giấc mơ không ngủ của mình với giấc ngủ không mơ mộng của tình trạng tha hóa”. Còn A. Karelski gọi đó là “kĩ xảo thiên tài ở chính sự giản đơn đến liều lĩnh của nó”, kĩ xảo nghệ thuật trái ngược “ở ông sự phi logic và sự phi lí bắt đầu khi con người tỉnh giấc”. Sự mơ mộng từ một tư tưởng tiến bộ, một tâm hồn thánh thiện ở con người cô đơn lặng im tỏa sáng như Kafka khiến ta nhớ đến câu nói rất hay của P. Valéry: Oisiveté, mais pleine de pouvoir (vô công rỗi việc nhưng lại đầy quyền lực).
2.5 Mê cung trong tác phẩm của Kafka, ngoài tính lập lờ của điểm trung tâm, còn là nơi không gian chồng chéo, thời gian vừa vô tận vừa tuần hoàn – hiệu quả được đem lại từ việc sử dụng thủ pháp nghịch dị và bút pháp huyền thoại. Trong các tác phẩm, Kafka hay lồng ghép những hệ không gian đối nghịch vào nhau để tạo nên trạng thái phi lí cùng cực. Căn phòng xử án bỗng chốc trở thành nơi sinh sống, giặt giũ của vợ chồng mõ tòa (Vụ án), chiếc giường bệnh lại là nơi diễn ra nghi thức cúng tế thần bí cho viên thầy thuốc (Một thầy thuốc nông thôn)… Những nhân vật đi lại và hít thở trong kiểu không gian ấy, chẳng biết đâu mà lần, họ trở nên hài hước một cách thảm hại. Mở đầu, hai kẻ lạ mặt, hai kẻ thừa hành bất ngờ đập cửa vào phòng bắt Joseph K. ngay trên giường ngủ khi anh không biết lý do và cứ thế, không gian mê lộ bí hiểm của thiên truyện tiếp tục mở ra, trộn lẫn tính hài hước và bi kịch ngay trong đời sống thường nhật. Đâu là mạch ngầm tương đồng giữa tòa án tối cao và nhà thờ dường như anh tình cờ bước vào? Nhà văn Kundera nhận thấy giọng điệu mỉa mai, cái hài không xa lạ với bản chất Kafka. Ông đã tạo nên tiếng cười bằng những đối cực, kết hợp cả điều nghiêm túc lẫn điều khủng khiếp, khác thường.
Về thời gian, Kafka hay sử dụng hiệu ứng của một kiểu thời gian huyền thoại, phi lịch sử. Nó vừa ngưng đọng vừa tuần hoàn vô tận. Thời gian một năm trong Vụ án chẳng gì khác biệt so với sáu ngày trong Lâu đài. Joseph K. mở cửa mừng sinh nhật lần thứ ba mươi, nhưng đồng thời, cũng đón chào cái chết sẽ đến với anh sau một năm lang thang trong mê cung của những thiết chế quyền lực vô hình. Khởi – kết như một bài toán không lời giải, “bất khả tri” trong từng bước chân đầy cảm giác phi lí mơ hồ dò dẫm mê lộ. K. tìm vào lâu đài để nhận việc đạc điền và kết truyện rồi mà K. còn lang thang vô định nơi khu vực lâu đài (Lâu đài). Kết truyện Một thầy thuốc nông thôn là hình ảnh thầy thuốc lạc lối trên cỗ xe trần thế và con ngựa siêu phàm. Mở đầu Vụ án là vào buổi sáng – bừng tỉnh và “kết cục mịt mù và buồn thảm… K. giơ tay lên và xòe các ngón tay… Như một con chó… Con người ra đi với ý thức về nỗi nhục”(16). Lẽ hóa sinh là một vòng xoay bất tận, con người đâu thể vượt thoát. Quan niệm về thời gian, âm điệu về “sự quy hồi vĩnh hằng” của Nietzche như vọng về trong những sáng tác của Kafka.
Những biến thái kinh khủng của hiện thực xã hội đầy những bất ổn, mâu thuẫn, phi lí, tha hóa qua tâm thức của một con người cô độc đầy mặc cảm mà rất đỗi tế nhị, dễ xúc động – một kiểu rung cảm đầy ưu tư trước vũ trụ và vạn vật như Kafka đã được du nhập vào cái gọi là cấu trúc đồng nhất continuum Không - thời gian. Nhưng nó “được bao quanh bằng một “vòng hào quang mờ ảo”, khiến cho nó như tồn tại ngoài thời gian, không gian, khiến nó như trở thành tiền định của loài người”(17). Âu đó cũng là một cách loay hoay tìm, trong mê lộ kiếp người, liệu có khắc chế được sự nghiệt ngã của thời gian để trường tồn cùng không gian. Thế nhưng, ở Kafka, ngay trong không gian ấy “con người nỗ lực tìm kiếm và tạo lập các mối quan hệ mà quên mất rằng các mối quan hệ đó không giúp được nó thoát khỏi nỗi cô đơn thời gian”(18). Đã là mê lộ như tiền định – hiện tồn đã được Kafka vật thể hóa – thì không có câu trả lời, nên thời gian vô thỉ vô chung, không gian – mở đầu và không bao giờ khép những đau đáu nghệ thuật về cái “cõi người ta”.
2.6 Không chỉ dừng lại ở việc xây dựng thế giới nghệ thuật, niềm ám ảnh mê lộ tác động cả vào lối viết của Kafka. Những câu văn của ông là mê cung của chữ, chuyên chở bao sức nặng của biểu tượng và chiều sâu tư tưởng, nói như Camus “Nghệ thuật của Kafka tập trung ở chỗ buộc người đọc phải đọc lại”. Trong lúc viết, “hơi thở” của Kafka “dài và say đắm”, ông hay sử dụng câu văn có nhiều mệnh đề “thường suốt nhiều trang chỉ gồm có một tiết “vô tận” trong đó nhốt cả những đoạn đối thoại dài” (Kundera). Với các mệnh đề trong câu, ông có nhiều cách xử lý. Có lúc, ông cho những mệnh đề mang nghĩa trái ngược nằm gần nhau, tạo nên lối tư duy đa chiều, tư duy dựa trên những phản đề “Bởi vì chúng ta giống những thân cây trong tuyết. Vẻ ngoài, chúng nằm bóng mượt và một cú đẩy nhẹ cũng đủ làm chúng lăn. Không, điều đó không thể nào thực hiện được vì chúng gắn chặt với mặt đất. Nhưng nhìn kìa, ngay cả khi đấy chỉ là vẻ bề ngoài”(19). Cũng có lúc, giữa những mệnh đề có quan hệ tưởng chừng rối rắm về nghĩa, ông đặt vào đấy một khái quát đầy sức nặng để làm bật chủ đề. Ngoài ra, ở những đoạn đối thoại trong tác phẩm, các nhân vật của Kafka thường xuyên nói chuyện với nhau một cách rời rạc, không ăn nhập. Điều đó tạo cảm giác mỗi người luôn nghĩ về điều gì khác so với điều họ đang nói, hệ quả là họ chẳng thể nào gặp gỡ nhau để tìm được niềm cảm thông. Đấy là kiểu đối thoại mang tính mê lộ trong văn Kafka, sẽ phủ bóng xuống kịch phi lí và văn chương của nhiều thế hệ sau này… Cách viết ấy buộc người đọc phải thật tinh ý mới có thể cùng tham gia trò chơi mê lộ với nhà văn, vì tác phẩm của ông luôn mở ra nhiều cách cắt nghĩa, cảm nhận tùy theo khả năng, góc nhìn, hướng tiếp cận. Với độc giả, “việc đọc Kafka luôn là một thách thức lớn… Và chẳng có lời giải thích nào là thỏa đáng (Ritchie Robertson)(20).
3. Louis Borges, trong một bài thơ, có nói đến sức ám ảnh của những mê lộ thời gian: Những hành lang thẳng băng ngoặt vào những đường vòng lắt léo cuối mỗi năm/ Sự hao mòn của năm tháng làm nứt nẻ các bức tường thành/ Trong thứ bụi tái nhợt ta tìm ra những dấu vết ta sợ…(21).
Thời gian, với đôi mắt nhìn của nhà nghệ sĩ, như dòng sông băng lạnh lùng chảy ngang cuộc đời, lấy đi bao mùa xuân, tuổi trẻ, tình yêu. Nhưng mặt khác, nó chắt lọc và nâng niu những giá trị thuộc về vĩnh cửu, những tia nắng thắp lửa nơi trái tim người.
Nhà văn Áo Stefan Zweig từng nhận định: Những tác phẩm vượt qua trăm năm sẽ vượt qua mãi mãi.
Tác phẩm của Kafka nằm trong số đó. Bước sang thế kỷ XXI, người ta vẫn đọc và nghiên cứu Kafka. Tác phẩm của ông vẫn có tầm ảnh hưởng to lớn trong giới sáng tác, trong đời sống văn hóa nghệ thuật ở nhiều nơi trên thế giới.
Thế giới mê cung của Kafka vừa là cái Hiện tướng (Appearance) của một lãnh địa bị cô lập với những tạo tác chung quanh vừa là cái Triển diễn (Becoming) của một tinh cầu không định hướng bởi bao ma lực ngoại cảnh và tự thân. Đó là một tinh cầu được Kafka lạ hóa thành một thực thể - tự chứa (self – contained) ngay trong thế giới thường ngày nhằm phát lộ và biểu hiện bản chất cuộc sống và thân phận con người thời đại. Nói theo Lukacs, dưới góc độ “đặc trưng mỹ học” mácxít, “tác phẩm nghệ thuật như là vật tồn tại vì nó”.
Khi Lukacs nhấn mạnh đến thế giới riêng của sáng tạo nghệ thuật, phản ánh hiện thực “bằng các hình thức của đối tượng”(22) thì ta có thể hiểu Kafka không phải là triết gia tư tưởng, mà là nhà văn lớn của thế kỷ XX, của nhân loại. “Đó là một nhân chứng… Đó là người đang thức”. Và mê cung là thế giới hình ảnh Kafka sáng tạo “không phải là một bản sao chép của thế giới, cũng không phải là cái gì đó không tưởng. Nó không có ý định giải thích hoặc biến đổi thế giới. Nó gợi ra sự chưa toàn vẹn của thế giới và kêu gọi sự vượt qua”(23).
Trong cuộc đời thực, tâm hồn và tư tưởng của Kafka cũng là một mê cung đầy bí ẩn. Ông thường xuyên có những băn khoăn về bản thể, cảm thấy “chẳng gì xa lạ với tôi ngoài chính bản thân tôi”. Điều đó để lại dấu ấn trong những tác phẩm, trong những nhân vật mà ông từng sáng tạo. Giống như Borges sau này, ông tìm được bản ngã của mình bằng sự quy chiếu văn học “Một người tự định cho mình nhiệm vụ phải vẽ được thế giới. Suốt nhiều năm dài, ông ta chất đầy chặt không gian những hình ảnh phố phường, xứ sở, nhà cửa, vật dụng, tinh tú và người. Ít lâu trước khi chết, ông khám phá ra rằng cái mê cung kiên nhẫn của các đường nét đó vạch nên gương mặt của chính mình”(24).
Niềm ám ảnh mê lộ đã trở thành chủ đề, thành lối viết trong văn Kafka, và những giấc mơ của ông, sẽ tiếp tục được thăng hoa trong các sáng tác của nhiều nhà văn khác. Mê cung trong thế giới nghệ thuật của Kafka gợi lên những thể nghiệm, những ám ảnh của con người hiện đại trước thế giới vốn phi lí và ngày càng… phi lí hơn.
A. Karelski đã tự ngẫm Về sáng tác của Franz Kafka: “Người ta cứ kiếm tìm các con đường đã được kiểm nghiệm, mà sợ những con đường chưa được kiểm tra, nhưng chính nó lại dẫn thẳng tới mục tiêu!… Nếu anh không tự thử hết các khả năng của mình – thì nếu có buộc tội ai đó trong số phận thảm hại của anh, nếu định tính sổ với cuộc đời, thì hãy bắt đầu trước hết từ chính bản thân!”(25). Hiện tại và tương lai mãi còn biết ơn Kafka – với tư cách nhà văn – “Người đi tìm hạnh phúc” trong mê cung ấy

Không có nhận xét nào: