Sống trong đời sống cần có một tấm lòng!

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng!

Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2013

VAI TRÒ CỦA TRUYỆN CỔ TÍCH TRONG ĐỜI SỐNG VÀ LỊCH SỬ VĂN HÓA


1. Nội dung của truyện cổ tích xoay quanh những xung đột cơ bản trong gia đình. Những mâu thuẫn này mang tính chất riêng tư nhưng lại phổ biến trong toàn xã hội có giai cấp: xung đột giữa anh em trai (Cây khế, Hầm vàng hầm bạc), xung đột giữa chị em gái (Sọ Dừa, Chàng Dê). Xung đột giữa dì ghẻ con chồng, giữa chị em cùng cha khác mẹ (Tấm Cám), xung đột giữa con ruột và con nuôi (Thạch Sanh), xung đột có tính bi kịch về hôn nhân, gia đình (Trầu cau, Ba ông Bếp, Sao hôm - sao mai, Ðá vọng phu).
Những xung đột xã hội diễn ra bên ngoài gia đình được phản ánh muộn hơn, ít tập trung hơn. Do vậy ít tác phẩm tiêu biểu hơn (Cái cân thủy ngân, Của trời trời lại lấy đi, Diệt mãng xà). Một số truyện chứa đựng cả xung đột gia đình và xung đột xã hội (Thạch Sanh).
Dù gắn với đề tài gia đình hay đề tài xã hội, ý nghĩa xã hội của truyện cổ tích cũng rất sâu sắc. Nó phản ánh được những xung đột, mâu thuẫn giữa cái thiện và cái ác, xung đột giữa các tầng lớp trong một xã hội phân chia giai cấp. Mâu thuẫn giai cấp trong xã hội phụ quyền thể hiện qua xung đột giữa nhân vật bề trên và “bề dưới, đàn anh và đàn em”.
Truyện cổ tích có khuynh hướng ca ngợi, bênh vực nhân vật bề dưới, đàn em, lên án nhân vật “bề trên”, “đàn anh” (trong thực tế không phải người em, người con nào cũng tốt, người mẹ ghẻ, người anh trưởng nào cũng xấu) nghĩa là chống cái bất công, vô lý của xã hội phụ quyền nói chung (không đi vào từng số phận riêng), thể hiện tinh thần nhân đạo cao cả.
2. Truyện cổ tích phản ánh lý tưởng của nhân dân
Truyện cổ tích  cho thấy sự bế tắc của tầng lớp nghèo khổ trong xã hội cũ. Nhân vật đàn em, bề dưới càng có đạo đức bao nhiêu, càng thật thà bao nhiêu thì càng thiệt thòi bấy nhiêu. Ðây là thực trạng của xã hội có giai cấp và có áp bức giai cấp.
Tác giả dân gian, trong cổ tích, đã giải quyết vấn đề bằng tưởng tượng. Họ nhờ vào lực lượng thần kỳ và nhân vật đế vương. Lực lượng thần kỳ là phương tiện nghệ thuật giúp tác giả dân gian đạt tới một xã hội lý tưởng, một xã hội có đạo lý và công lý. Lực lượng thần kỳ đứng về phía thiện, trợ giúp cho nhân vật đau khổ, đưa họ tới hạnh phúc. Trong quá trình đó, lực lượng thần kỳ cũng giúp nhân vật cải tạo xã hội. Nhân vật đế vương vừa là phương tiện nghệ thuật vừa là biểu tượng cho lý tưởng xã hội của nhân dân. Vua Thạch Sanh, hoàng hậu Tấm là hiện thân của một xã hội tốt đẹp, xã hội lý tưởng.
Qua những câu truyện cổ tích, lịch sử của dân tộc được tái hiện theo trí tưởng tượng thần kì của dân gian. Không chỉ phản ánh một cách chân thực nhiều vấn đề tồn tại trong cuộc sống mà còn phản ánh khát vọng, lý tưởng của nhân dân về một xã hội công bằng. Tuy kết thúc của truyện cổ tích còn mang tính chất hoang đường, kỳ ảo nhưng cũng tái hiện một phần sự phát triển của đời sống xã hội con người trong các tiến trình lịch sử.
Triết lý sống của tác giả dân gian trong truyện cổ tích trước hết là chủ nghĩa lạc quan. Tinh thần lạc quan trong cổ tích chính là lòng yêu thương quý trọng con người, từ đó mà yêu  đời, tin vào cuộc đời (cho dù cuộc sống hiện tại đầy khổ đau, người ta vẫn luôn hướng về cuộc sống ngày mai tốt đẹp). Cho dù cách kết thúc nào thì vẫn thể hiện rõ nét tinh thần ấy:
- Kết thúc có hậu là biểu hiện dễ thấy của tinh thần lạc quan, nhưng không phải là biểu hiện duy nhất.
- Kết thúc bi thảm vẫn chứa đựng tinh thần lạc quan. Nhân vật chính chết hoặc ra đi biệt tích. Nhưng cái chết hoặc ra đi của nó để lại niềm tin vào phẩm giá con người, niềm tin vào cuộc đời.
Hầu hết truyện cổ tích đều gián tiếp hoặc trực tiếp nêu lên vấn đề đạo đức. Ðạo đức luôn gắn với tình thương, lấy tình thương làm nền tảng ( Ðứa con trời đánh, Giết chó khuyên chồng,...). Niềm tin Ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác vừa là triết lý sống lạc quan vừa là đạo lý, ước mơ công lý của nhân dân trong cổ tích.

Chính vì vậy, truyện cổ tích mang tính giáo dục rất cao. Người già và trẻ em rất yêu thích truyện cổ tích vì những vấn đề được nêu ra phù hợp với trí tưởng tượng, óc suy tưởng của họ. Trong đời sống, truyện cổ tích góp phần giúp con người ta lạc quan hơn, tin tưởng vào tương lai tươi sáng hơn.

Không có nhận xét nào: