Chương 4:
CỐT
TRUYỆN VÀ KẾT CẤU CỦA TÁC PHẨM VĂN HỌC.
- CỐT TRUYỆN
- Cốt truyện và cơ sở của cốt truyện
- Vai trò của cốt truyện và tính cách nhân vật qua
các giai đoạn lịch sử văn học
- Các thành phần chính của cốt truyện
- KẾT CẤU
-----------------------------------------------------
Cốt truyện không phải là
yếu tố tất yếu cho mọi loại tác phẩm văn học mà chỉ tồn tại trong những tác
phẩm thuộc loại tự sự (tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn, truyện thơ...), kí
và các tác phẩm kịch. Trong một số tác phẩm thuộc loại kí, không có yêu cầu xây
dựng cốt truyện một cách chặt chẽ. Loại tác phẩm trữ tình không có yếu tố cốt
truyện vì tác phẩm trữ tình chủ yếu thể hiện trực tiếp tâm trạng, tình cảm, ý
nghĩ cảm xúc...của tác giả, nó không đòi hỏi nhà văn phải xây dựng những sự
kiện, biến cố, hành động thành một hệ thống liên tục làm cơ sở cho sự triển
khai các tính cách.
I. CỐT TRUYỆN
1. Cốt truyện và cơ sở
của cốt trụyên
1.1.1. Khái niệm chung.
Cốt truyện là một hệ
thống cụ thể những sự kiện, biến cố, hành động trong tác phẩm tự sự và tác phẩm
kịch thể hiện mối quan hệ qua lại giữa các tính cách trong một hoàn cảnh xã hội
nhất định nhằm thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm.
Cần phân biệt 2 khái
niệm: cốt truyện và sườn truyện.
Thuật ngữ sườn truyện
dùng để chỉ những nét bao quát nhất của một câu chuyện, bao gồm những sự kiện
chính, những biến cố chủ yếu cắm mốc cho sự phát triển của cốt truyện. Nó có thể
được vay mượn từ nước này sang nước khác, từ nhà văn này sang nhà văn khác
trong quá trình giao lưu văn hóa. Dĩ nhiên sự mô phỏng sườn truyện không có
nghĩa là sao chép của người khác mà vẫn có một khoảng rộng rãi cho sáng tạo của
người nghệ sĩ. Việc Nguyễn Du vay mượn sườn truyện "Kim Vân Kiều
truyện" của Thanh Tâm Tài Nhân là một ví dụ cụ thể. Sự sáng tạo ấy
được thể hiện trên nhiều phương diện, từ thể loại, kết cấu, ngôn ngữ, đến việc
xây dựng nhân vật và chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Cũng có thể nói như vậy giữa
Iphighêni của Euripidơ và Iphighêni của Racine ,
giữa Le Cid của De Catro và Le Cid của Corneille.
- Nếu sườn truyện chỉ là
cái khung thì cốt truyện đã là một hệ thống biến cố, sự kiện cụ thể để diễn đạt
cái khung ấy. Cốt truyện là sườn truyện đã được chi tiết hóa, hình tượng hóa
một cách cụ thể, sinh động qua một chủ thể sáng tạo. Có thể nói cốt truyện là
một cái gì độc đáo, không lặp lại, gắn bó trực tiếp với những yếu tố khác làm
cho tác phẩm văn học trở thành một chỉnh thể nghệ thuật.
Có thể kể lại sườn
truyện một cách dễ dàng nhưng khó có thể kể lại đầy đủ cốt truyện của một tác
phẩm, nhất là một tác phẩm lớn. Khi có người đề nghị kể lại cốt truyện của một
tác phẩm, L Tônxtôi cho rằng cứ đọc toàn bộ tác phẩm sẽ khắc biết cốt truyện là
gì.
1.1.2. Cơ sở chung của
cốt truyện.
- Cơ sở khách quan. Ðó
là xung đột xã hội. Trong quá trình xây dựng tác phẩm, nhà văn bao giờ cũng
thể hiện trực tiếp hoặc gián tiếp những xung đột xã hội của thời đại vào tác
phẩm của mình. Vì vậy, cốt truyện mang tính lịch sử cụ thể, được qui định bởi
những điều kiện lịch sử, xã hội mà nhà văn đang sống. Chính những điều kiện
lịch sử, xã hội khác nhau đã tạo nên sự khác nhau giữa các cốt truyện trong
thần thoại và cổ tích, giữa những truyện thơ Nôm và văn học hiện đại...Dostoiepxki
nhấn mạnh vai trò của cuộc sống trong việc xây dựng cốt truyện :
"Anh hãy nhớ lấy
lời tôi: đừng bao giờ bịa ra các cốt truyện. anh hãy lấy những cái do bản thân
cuộc sống cung cấp. Không một trí tưởng tượng nào nghĩ ra được những điều mà đôi
khi cuộc sống bình thường quên thuộc nhất đưa lại. Hãy tôn trọng cuộc
sống."
Không nên tuyệt đối hóa
ý kiến của Dostoiepxki nhưng rõ ràng trong đời sống văn học, nhất là trong văn
học của các trào lưu hiện thực, nhiều cốt truyện đã được xây dựng từ chính
những câu chuyện ngoài cuộc đời. Cốt truyện của những tác phẩm Bà Bovary của
Flobert, Ðỏ và đen của Standhal. Nhiều cốt truyện của Tsêkhôp, L. Tônxtôi,
Dostoiepxki ...thường dựa vào những câu chuyện có thật ngoài cuộc đời và trên
báo chí...Ở Việt Nam, ta có thể kể đến cốt truyện của các tác phẩm Ðào kép mới
của Nguyễn Công Hoan, Chí phèo của Nam Cao, Ðất nước đứng lên của Nguyên
Ngọc, Hòn Ðất của Anh Ðức, Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi...
- Cơ sở chủ quan.
Xung đột xã hội mới chỉ
là cơ sở khách quan của cốt truyện vì vậy không thể đồng nhất xung đột xã hội
với cốt truyện. Khi nói đến cốt truyện, cần chú ý rằng, đó luôn luôn là sản
phẩm sáng tạo của người nghệ sĩ. Thông qua cốt truyện, nhà văn vừa khái quát
những xung đột xã hội, vừa thể hiện tâm hồn, tình cảm và sự đánh giá chủ quan
của họ đối với cuộc sống. Vì vậy, không thể bê nguyên xi những chuyện có thật
ngoài cuộc đời vào tác phẩm. Những xung đột xã hội phải được đồng hóa một cách
có nghệ thuật nhằm loại trừ những yếu tố ngẫu nhiên, thứ yếu để xây dựng cốt
truyện theo hướng điển hình hóa. Vì vậy, cùng xuất phát từ một xung đột xã hội
giống nhau, những nhà văn khác nhau lại xây dựng những cốt truyện khác nhau
nhằm thể hiện quan điểm, thái độ, ý đồ tư tưởng, phong cách nghệ thuật, cá tính
sáng tạo của nhà văn đối với cuộc sống. Những xung đột xã hội giữa nông dân,
địa chủ, quan lại được thể hiện qua nhiều cốt truyện khác nhau trong các tác
phẩm của các nhà văn Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Nguyên Hồng ...là
những thí dụ cụ thể.
Quá trình xây dựng cốt
truyện là một quá trình lao động phức tạp và gian khổ. Timôfiép có nhận xét về
quá trình xây dựng cốt truyện của L. Tônxtôi như sau:
"Tất cả các cốt
truyện của Tônxtôi đều được thai nghén nhiều năm và mỗi cốt truyện đều có
một lai lịch phức tạp và một số phận riêng của nó. Tônxtôi lo lắng về các cốt
truyện, giận dỗi đối với chúng như người sống vậy, đôi khi ông chán, mệt mỗi vì
chúng, vì sự vật lộn với tài liệu và ngôn từ để không ngừng hoàn thiện từng cốt
truyện, từng tác phẩm. Trong đầu óc thiên tài của ông, trong các phòng thí
nghiệm tuyệt diệu ấy, bao giờ cũng có nhiều cốt truyện luôn luôn sống và vật
chọi với nhau, làm cho ông phải lần lượt chú ý tới chúng lúc nhiều hơn, lúc ít
hơn".
2. Vai trò của cốt
truyện và tính cách nhân vật qua các giai đoạn lịch sử văn học.
Vai trò của cốt truyện
và tính cách nhân vật được thể hiện khác nhau trong quá trình phát triển
của lịch sử văn học. Nhìn chung, có thể chia làm 2 thời kì lớn. Trong văn học
phương Tây, thời kì đầu bao gồm văn học Hy La đến văn học Trung đại. Thời kì 2
đánh dấu bằng văn học thời phục hưng nhưng được thể hiện rõ nét nhất là từ thế
kỉ 18 trở về sau. Trong văn học Việt Nam , Truyện Kiều của Nguyễn Du
được coi là tác phẩm của thời kì đầu nhưng đồng thời cũng có những yếu tố
đánh dấu cho sự mở đường của thời kì sau. Thời kì này chỉ thực sự mở đầu từ thế
kỉ 20.
1.2.1. Trong thời kì thứ
nhất. Cốt truyện được coi là yếu tố đặc biệt quan trọng, là nơi xuất phát và quyết định của sự sáng tạo nghệ thuật.
Nhà văn sáng tác là sáng tác cốt truyện và người thưởng thức chủ yếu là thưởng
thức cốt truyện. Nhà văn chưa thể sáng tác được nếu chưa có được một cốt truyện
hấp dẫn. Ơí đây, cốt truyện qui định và chi phối tính cách. Nhà văn chưa xây
dựng được tính cách có sự phát triển hợp với logic đời sống mà chỉ dùng nó để
triển khai cho hệ thống biến cố của tác phẩm.
1.2.2. Trong thời kì thứ hai. Vai trò của cốt truyện
và tính cách hoàn toàn thay đổi. Cốt truyện không còn giữ vai trò chủ yếu mà
thay vào đó là tính cách. Chính tính cách quyết định cho sự diễn biến của cốt
truyện. trong Một số kinh nghiệm viết văn của tôi, Tô Hoài viết:
"Một sáng tác mà ta
có thể thêm vào hay bớt ra bao nhiêu cũng được là một sáng tác hỏng. Vì
không thể nào kiểm tra chặt chẽ được khi vị trí của nhân vật đã phải rút xuống
hàng dưới cốt truyện. chỉ có nhân vật mới kiểm tra được cốt truyện, nhân vật
mới có quyền phân phối ý chính, ý phụ.".
Phêđin cũng có phát biểu
tương tự:
"Trong việc xây
dựng cốt truyện, nên xuất phát từ tính cách. Các nhân vật tạo ra cốt truyện
chứ không phục tùng cốt truyện".
Trong quá trình xây dựng
tác phẩm, những nhà văn trong thời kì này thường đặt tính cách vào hoàn cảnh
nên tính cách phong phú, đa dạng và luôn phát triển theo sự phát triển của hoàn
cảnh. Nhà văn không ép nhân vật vào cốt truyện định trước của mình. Tônxtôi kể
lại rằng khi viết chương miêu tả tâm trạng của Vrônxki sau cuộc gặp gỡ giữa anh
với Anna và chồng nàng, ông bỗng nảy ra ý định là Vrônxki phải tự sát. Và sau
đó khi viết tiếp, tác giả thấy điều dó là tất yếu, không thể khác đi được. Rõ
ràng những thay đổi về số phận của nhân vật sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cốt
truyện của tác phẩm.
Như vậy, trong văn học
hiện đại, cốt truyện là phương tiện để bộc lộ tính cách, cốt truyện được sử
dụng để triển khai các tính cách chứ không phải cốt truyện quyết định và chi
phối tính cách như trước kia. Nói như thế không có nghĩa là xem thường vai trò
của cốt truyện vì tính cách chỉ có thể được biểu hiện và phát triển thông qua
cốt truyện. Trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, các nhà văn luôn cố gắng xây
dựng những cốt truyện chân thực và hấp dẫn đồng thời thể hiện được chiều sâu
tâm lí của tính cách nhân vật.
3. Các thành phần chính
của cốt truyện.
Cơ sở sâu xa của cốt
truyện là một xung đột đang vận động. Vì vậy, quá trình phát triển của một cốt truyện
cũng giống như quá trình vận động của xung đột, bao gồm các bước hình thành,
phát triển và kết thúc. Nhìn chung, một cốt truyện thường có các thành phần
chính sau:
1.3.1. Phần trình bày.
Phần này giới thiệu khái
quát về bối cảnh xã hội, các điều kiện, nguyên nhân làm náy sinh xung đột và
tình hình buổi ban đầu của nhân vật. Hoàn cảnh ở đây thường nằm trong trạng
thái tĩnh, mâu thuẫn chưa vận động và phát triển, nhân vật chưa đứng trước
những thử thách nên chưa phát hu tính năng động của mình. Trong Truyện Kiều,
phần trình bày là phần giới thiệu tài sắc của chị em Thúy Kiều và gia cảnh của
họ. Cảnh Lí trưởng sai Trương tuần đóng cổng làng để thu thuế, cảnh thu thuế ở
đình làng, cảnh nghèo đói túng thiếu của gia đình chị Dậu là phần giới thiệu
của Tắt đèn.
1.3.2. Phần thắt nút.
Phần này đánh dấu sự
kiện mà từ đó phát sinh mâu thuẫn, xung đột. Ðây chính là biến cố đầu tiên của
cả hệ thống biến cố tạo thành xung đột của cốt truyện. phần thắt nút có
nhiệm vụ bộc lộ trực tiếp những mâu thuẫn đựơc tích tụ một cách âm ỉ từ
trước, các nhân vật sẽ đứng trước những thử thách, đòi hỏi phải bày tỏ những
thái độ, chọn lựa cách xử sự, hành động, phản ứng, từ đó bộc lộ rõ tính cách.
Cảnh gia biến và việc Kiều phải bán mình chuộc cha là phần thắt nút của Truyện
Kiều. Thắt nút của Tắt đèn là cảnh tuần đinh, lính lệ đến đánh đập anh Dậu để
đòi sưu thuế (chương IV)
1.3.3. Phần phát triển.
Ðây là phần quan trọng
và dài nhất của cốt truyện bao gồm nhiều cảnh ngộ, sự kiện và biến cố khác
nhau. tính cách nhân vật chủ yếu được xác định trong phần này. Nó có thể được
thay đổi thông qua các bước ngoặt, môi trường khác nhau. phần phát triển của
Truyện Kiều là cuộc đời 15 năm lưu lạc, từ "chữ trinh đáng gíá nghìn
vàng" đến "tấm lòng trinh bạch từ nay xin chừa", là những chuỗi dài
bi kịch "thanh lâu hai lượt thanh y hai lần", là sự tiếp xúc với đủ
các hạng người trong xã hội, là nỗi đau khổ này đến nỗi đau khổ khác của Kiều.
Trong Tắt đèn, phần phát triển bao gồm những sự kiện: đàn con bị đói, chồng bị
bắt, chị Dậu một mình tất tả ngược xuôi cho đến lúc người nhà lí trưởng ném cái
xác lạnh ngắt, mê man bất tỉnh của anh Dậu vào nhà. (từ chương V - XVII)
1.3.4. Ðiểm đỉnh.
Còn được gọi là cao
trào, là phần bộc lộ cao nhất của xung đột. Lúc này, xung đột đã phát triển đến
độ gay gắt, quyết liệt, đòi hỏi phải được giải quyết theo một chiều hướng nhất
định. Ðiểm đỉnh thường là một khoảnh khắc, một thời điểm ngắn nhưng có tác dụng
quyết định đối với nhân vật trung tâm. Ðiểm đỉnh của Truyện Kiều là khoảnh khắc
đau xót nhất của đời Kiều: Từ Hải chết, Kiều phải đánh đàn cho Hồ Tôn Hiến, bị
ép gã cho thổ quan và cuối cùng nhảy xuống sông Tiền Ðường tự vẫn. Ðiểm đỉnh
của Tắt đèn là lúc chị Dậu bị dồn vào đường cùng đã xô tên Cai Lệ và túm tên
ngườn nhà của Lí trưởng "lẳng một cái, ngã nhào ra thềm" (chương
XVIII)
1.3.5. Phần kết thúc. (Mở nút)
Ðây là phần giải quyết
xung đột của tác phẩm một cách cụ thể. Ởí đây, tác giả trình bày những kết quả
của toàn bộ xung đột của cốt truyện. một cốt truyện tốt, bao giờ phần kết thúc
cũng được giải quyết một cách tự nhiên, phù hợp với qui luật của cuộc sống. Tuy
nhiên trong văn học cổ thường có phần kết thúc phù hợp với ước muốn chủ quan
của con người. Phần kết thúc của Truyện Kiều là Kiều được cứu sống, là đoạn
đoàn viên của Kiều với Kim Trọng và gia đình sau 15 năm luân lạc. Trong Tắt
đèn, chị Dậu từ lúc bị bắt lên hầu quan phủ, sau đó phải xa chồng, xa con để đi
làm vú hầu cụ cố nhà quan Tỉnh, đến lúc chị choàng dậy mở cửa chạy té ra sân
"Trời tối đen như mực, như cái tiền đồ của chị" là phần kết thúc của
tác phẩm. (chương XIX- XXVI)
Những thành phần chính
trên đây tạo thành một cốt truyện đầy đủ. Tuy nhiên, trong thực tế văn học,
không phải lúc nào cốt truyện cũng đầy đủ cả 5 thành phần đồng thời cũng không
phải được trình bày theo thứ tự như trên. Ơí một số cốt truyện, có thể thiếu
mất một vài thành phần, ở một số cốt truyện khác, có thể không có phần mở đầu
hoặc nhiều khi lại bắt đầu bằng phần kết thúc hoặc một biến cố gần với điểm
đỉnh. Vì vậy, khi tìm hiểu và xác định các thành phần của cốt truyện, không nên
gò ép những biến cố hay sự kiện vào thành phần này hay thành phần khác với những
lí do có tính chất hình thức. Cần tìm hiểu và phân tích sự xây dựng cốt truyện
có thể hiện được những xung đột xã hội, sự phát triển của nó có phù hợp với qui
luật cuộc sống và có thể hiện được ý đồ nghệ thuật của tác giả hay không.
II. KẾT CẤU
1. Kết cấu và chức năng
của kết cấu trong tác phẩm văn học
2.1.1. Khái niệm.
Một tác phẩm văn học, dù
dung lượng lớn hay nhỏ cũng đều là những chỉnh thể nghệ thuật, bao gồm nhiều
yếu tố, bộ phận...Tất cả những yếu tố, bộ phận đó được nhà văn sắp xếp, tổ chức
theo một trật tự, hệ thống nào đó nhằm biểu hiện một nội dung nghệ thuật nhất
định..gọi là kết cấu. Nói cách khác, kết cấu là toàn bộ tổ chức nghệ thuật sinh
động, phức tạp của tác phẩm văn học.
Kết cấu là yếu tố tất
yếu của mọi tác phẩm. Nếu khái niệm cốt truyện nhằm chỉ sự liên kết những sự
kiện, hành động, biến cố...trong tác phẩm tự sự và kịch thì kết cấu là một khái
niệm rộng hơn nhiều.
Cần có sự phân biệt giữa
kết cấu và bố cục. Bố cục là sự sắp xếp các phần, các chương, các đoạn, các khổ
thơ...Ðây chỉ là sự tổ chức hình thức bên ngoài của tác phẩm. Nói cách khác bố
cục mới chỉ là kết cấu bề mặt của tác phẩm. Thuật ngữ kết cấu rộng và phức tạp
hơn nhiều. Bên cạnh việc tổ chức, sắp xếp các yếu tố của tác phẩm, kết cấu còn
bao hàm sự liên kết bên trong, những mối liên hệ qua lại giữa các yếu tố thuộc
về nội dung và hình thức của tác phẩm, trong đó có cả yếu tố của bố cục.
2.1.2. Chức năng của kết cấu.
Trước hết, kết cấu có
nhiệm vụ góp phần thể hiện chủ đề và tư tưởng của tác phẩm. Trong lao động sáng
tạo văn học, có thể coi chủ đề tư tưởng là mục tiêu nhằm hướng tới của nhà văn
trong quá trình phát hiện và xây dựng kết cấu. Tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá
kết cấu một tác phẩm chính là hiệu quả diễn đạt nội dung của nó. Khi Radinxki
cho rằng kết cấu của tiểu thuyết Anna Karênina lỏng lẻo, đó là hai cuốn tiểu
thuyết với hai tuyến nhân vật (Anna- Vrônxki và Lêvin-Kitti) đứng cạnh nhau,
thì L. Tônxtôi đã viết thư trả lời ông: "Ngược lại, tôi tự hào với cách
kết cấu: các vòm đã được xây dựng thế nào mà không thể nhận ra được bộ đỡ ở
đâu. Chính điều này làm cho tôi phải cố gắng nhiều nhất. Mối liên hệ của công
trình xây dựng không dựa và sườn truyện và những mối quan hệ của các nhân vật,
mà dựa vào mối liên hệ bên trong". Phan Cự Ðệ khẳng định mối liên hệ
bên trong "chính là tư tưởng chủ đề của tác phẩm. Những tìm kiếm của
Levin là một lời giải đáp cho những câu hỏi mà số phận của Anna đặt ra. Anna
phải li dị với chồng và sau đó phải tự vẫn vì không tìm thấy trong xã hội một
tình yêu chân chính còn Lêvin thì đi tìm một con đường xác lập một thực tế có
tình yêu. Anna thấy gia đình là một cái gì xa lạ đối với con người thì Lêvin cố
gắng đi tìm một gia đình thực sự trong đó có tình thương yêu giữa con người với
con người"
Trong tác phẩm Tắt đèn,
Ngô Tất Tố đã dành 2/3 tác phẩm để diễn tả hàng loạt sự việc diễn ra trong 1
ngày. Tác giả đã cố gắng dồn nén tất cả những mâu thuẫn vào trong một thời gian
thật ngắn nhằm có điều kiện thể hiện một cách tập trung nhất bản chất của bọn
địa chủ, quan lại và nỗi điêu đứng, cơ cực, đau xót của người nông dân đối với
sưu cao, thuế nặng.
Trong bài thơ Mặt quê
hương, Tế Hanh đã sắp xếp để tạo nên sự hòa nhập và phản ánh, so sánh lẫn nhau
giữa khuôn mặt người yêu và hình ảnh quê hương nhằm thể hiện một chủ đề tư
tưởng: Tình yêu dành cho quê hương là một tình yêu đằm thắm, bền vững như một
cái gì gắn bó, thân thiết nhất:
Mặt em như tấm gương,
Anh nhìn thất quê hương
Kìa đôi mắt đôi mắt
Dòng sông yêu trong vắt
Kìa vừng trán thanh
thanh
Khoảng trời xưa trong
lành...
Kết cấu có nhiệm vụ tổ
chức hệ thống các tính cách nhân vật, sự kiện, các biến cố, hình ảnh, cảm
xúc...làm cho những yếu tố đó gắn bó chặt chẽ, tác động qua lại ngay từ bên
trong tác phẩm, làm cho nó trở thành một chỉnh thể nghệ thuật toàn vẹn không
thể chia cắt được.
Trong đời sống văn học,
đôi khi có người cho rằng một số tác phẩm có chủ đề tư tưởng tốt nhưng tác phẩm
vẫn chưa được cảm nhận như một chỉnh thể nghệ thuật. Ðiều này có thể do nhiều
nguyên nhân nhưng một phần quan trọng là do kết cấu. Việc nhà văn sắp xếp các
tình huống, sự kiện, mối liên hệ qua lại giữa các tính cách, sự tác động giữa
bộ phận và toàn thể...không phải đơn giản. Gônsarôp cho rằng "Chỉ riêng
một cách cấu tạo, tức là việc xây dựng tòa nhà cũng đã ngốn hết toàn bộ trí
óc của tác giả: Phải suy nghĩ cân nhắc về sự tham gia của các nhân vật, kèm
theo vào đó là phải luôn luôn kiểm tra và phê phán sự bất hợp lí của những chỗ
thiếu, cả những chỗ thừa".
Có thể nhìn thấy sự tác
động qua lại giữa các yếu tố trong tác phẩm văn học qua "Suất sưu người chết"
trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố. Những chi tiết của đoạn văn trên có ý nghia tự
thân nhưng đồng thời nếu thay đổi vị trí của nó, để nó xuất hiện ngay từ đầu
truyện và chị Dậu cùng một lúc chạy vạy cho đủ tiền để nộp suất sưu thì ý nghĩa
tố cáo của nó sẽ không cao. Sự sắp xếp đúng chỗ đã tạo nên sức mạnh gấp nhiều
lần ý nghĩa riêng của nó. Kim Thánh Thán cũng có nhận xét rất tinh về sự sắp
xếp hệ thống nhân vật trong Thủy hử : "Một bộ sách lớn 70 hồi, viết 108
người nhưng mở đầu chưa viết 108 người vội mà miêu tả Cao Cầu trước đã: đó là
vì nếu không tả Cao Cầu trước mà viết ngay 108 người thì tức là loạn nẩy sinh
từ dưới, nếu không viết 108 người trước mà viết Cao Cầu trước thì tức là loạn
nổi từ trên. Loạn sinh từ dưới thì không thể để lâu được, tác giả rất lo là
vậy. Một bộ sách lớn 70 hồi mà mở đầu viết Cao Cầu trước, thật là có lí
vậy."
Như vậy, kết cấu của tác
phẩm bao giờ cũng tăng cường sức mạnh nghệ thuật của tác phẩm văn học, tạo nên
sức hấp dẫn cho người đọc. Phân tích kết cấu tác phẩm, người đọc có thể so sánh
nó với các hình thức, thủ pháp kết cấu chung nhưng điều quan trọng là phải xuất
phát từ bản thân tác phẩm và xem nó có thể hiện tốt nhất chủ đề tư tưởng của
tác phẩm hay không.
2. Một số hình thức kết
cấu trong tác phẩm văn học.
Những hình thức kết cấu
trong tác phẩm văn học rất phong phú và đa dạng. Nó có thể chịu sự qui định của
thể loại (kết cấu tác phẩm tự sự và kịch với kết cấu tác phẩm trữ tình) của
từng giai đoạn lịch sử khác nhau (có những hình thức kết cấu chỉ tồn tại trong
một giai đoạn lịch sử nhưng sau đó lại bị loại bỏ hoặc ít sử dụng và thay vào
đó là một kết cấu mới phù hợp với giai đoạn lịch sử mới)... Vì vậy, khó có thể
xác định những hình thức kết cấu nếu thoát li thực tế sáng tác. Tuy nhiên, ở
đây có thể tìm hiểu một số hình thức kết cấu đã từng xuất hiện trong lịch sử
văn học và đã tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị.
2.1. Kết cấu theo trình tự thời gian.
Ðây là dạng kết cấu phổ
biến nhất trong văn học Việt Nam
từ trước 1930. Theo kết cấu này, câu chuyện được trình bày theo thứ tự, phát
triển trước sau của thời gian. Các sự kiện được sắp xếp, xâu chuỗi lại và lần
lượt xuất hiện không bị đứt quãng. Hầu hết những tác phẩm chương hồi sử dụng
lối kết cấu này. Ơí đây, tác phẩm được chia thành nhiều chương, hồi théo sự
phân bố về mặt hành động và sự kiện của cốt truyện. Mỗi chương, mỗi hồi thường
gắn liền với một giai đoạn nào đó của cốt truyện và nhiêu khi khá trọn ven,
loại kết cấu này gíup người đọc dễ theo dõi câu chuyện nhưng nhiều khi lại đơn
điệu.
2.2. Kết cấu theo hai tuyến nhân vật đối lập.
Lối kết cấu này được sử
dụng nhiều trong văn học cổ. Nhà văn xây dựng 2 tuyến nhân vật chính diện và
phản diện đối lập nhau về lí tưởng, chính kiến, đạo đức, hành động...Một bên
đại diện cho lực lượng chính nghĩa, cái đẹp, chân lí. Một bên thì ngược lại.
Hai lực lượng này đấu tranh không khoan nhượng với nhau và thường kết thúc với
thắng lợi của lực lượng chính nghĩa. Hầu hết những truyện thơ Nôm ở Việt Nam sử
dụng kết cấu này.
Kết cấu này có tác dụng
làm nổi rõ chủ đề tư tưởng thông qua so sánh, đối chiếu giữa 2 tuyến nhân vật
đối lập. Tuy nhiên sự phân biệt khá rạch ròi giữa thiện và ác nhiều khi dẫn đến
lí tưởng hóa hiện thực. Trong thực tế cuộc sống, các lực lượng xã hội có tác
động qua lại, chuyển hóa cho nhau chứ không tồn tại một cách ổn định và tĩnh
tại.
Hình thức kết cấu theo 2
tuyến nhân vật đôi khi được trình bày không phải là sự đối lập mà là 2 tuyến
song song, làm cơ sở để đối chiếu và hỗ trợ cho nhau. Ở đây mỗi tuyến tập họp
những kiểu người gần gũi với nhau về hoàn cảnh sống, về tính cách, đạo đức...Có
thể coi Anna Karênina của L. Tônxtôi được xây dựng theo hình thức kết cấu này.
2.3. Kết cấu đa tuyến.
Trong những bộ tiểu
thuyết lớn, để khái quát về một bức tranh xã hội rộng lớn gồm nhiều hạng người,
nhiều mối quan hệ đan xen nhau, khai thác nhiều mặt khác nhau của đời sống, các
nhà văn thường sử dụng hình thức kết cấu theo tuyến nhân vật. Trong những tác
phẩm này, nhà văn tổ chức các nhân vật theo các tuyến dựa trên những mối quan
hệ về gia đình, nghề nghiệp, giai cấp... Trong Chiến tranh và hòa bình, L.
Tônxtôi đã xây dựng hai tuyến lớn và ở mỗi tuyến lớn lại có nhiều tuyến nhỏ tập
họp các nhân vật theo từng dòng họ, từng gia đình.
Hình thưc kết cấu này
thường được sử dụng trong văn học hiện đại, nhất là trong các tiểu thuyết lớn.
Erenbourg có nhận xét về kết cấu của một số tiểu thuyết trong thế kỉ XX:
"Tiểu thuyết của
thời đại ta có nhiều chỗ khác với tiểu thuyết thế kỉ XIX vốn xây dựng trên
lịch sử một con người hay một gia đình. Trong tiểu thuyết hiện đại có nhiều nhân
vật hơn, số phận của họ đan chéo vào nhau, nhà văn thường hay đưa người đọc từ
thành phố này sang thành phố khác, đôi khi di sang một nước khác nữa, cách kết
cấu khiến ta nghĩ tới sự luân phiên của những đoạn cận cảnh với những cảnh quần
chúng trên màn ảnh". Có thể coi những bộ tiểu thuyết Sông Ðông êm đềm
của Sôlôkhôp hay Vỡ bờ của Nguyễn Ðình Thi, Cửa biển của Nguyên Hồng ...sử dụng
lối kết cấu này.
2.4. Kết cấu tâm lí.
Ðây là hình thức kết cấu
dựa theo qui luật phát triển tâm lí của các nhân vật trong tác phẩm. Loại kết
cấu này xuất hiện cùng với sự xuất hiện của các trào lưu văn học khẳng định vai
trò của cá nhân trong xã hội. Kết cấu này thường dựa vào trạng thái tâm lí có ý
nghĩa nào đó để sắp xếp các sự kiện, nhân vật, cốt truyện...Trong Sống mòn, Nam
Cao đã sắp xếp nhiều mẫu chuyện vặt vãnh, quẩn quanh trong sinh hoạt hằng ngày
với những trạng thái tâm lí bi quan, bất lực, tự ti, khinh bạc...của các nhân
vật. Kết cấu đó góp phần thể hiện cuộc sống chật hep, tù túng, bế tắc của người
tiểu tư sản nghèo trong xã hội cũ.
2.5. Kết cấu trong tác phẩm trữ tình.
Những hình thức kết cấu
trên tiêu biểu cho loại tác phẩm có cốt truyện: tác phẩm tự sự và kịch. Loại
tác phẩm trữ tình, tiêu biểu nhất là thơ trữ tình không có cốt truyện nên cần
xem xét cho phù hợp với đặc trưng thể loại: tác phẩm trữ tình chủ yếu thể hiện
trực tiếp tâm trạng, cảm xúc, ý nghĩ chủ quan của người nghệ sĩ. Vì vậy, xây
dựng kết cấu trong tác phẩm trữ tình là sự tổ chức hệ thống cảm xúc, tâm trạng
trong quá trình vận động và phát triển của chúng. Một kết cấu tốt trong tác
phẩm trữ tình phải liên kết được các mạch thơ, dòng thơ, các biện pháp biểu
hiện nhằm thể hiện tốt nhất sự vận động cảm xúc nội tâm của nhân vật.
Có thể nói đến nhiều
hình thức kết cấu khác nhau và nhà văn khi xây dựng tác phẩm, lựa chọn kết cấu
nào bao giờ cũng nhằm nâng cao sức biểu hiện của chủ đề tư tưởng, tăng cường
sức tác động thẩm mĩ của tác phẩm đối với người đọc. Các hình thức kết cấu dù
phong phú và đa dạng cũng chỉ là hữu hạn trong khi thực tế sáng tác thì vô hạn.
Tong từng tác phẩm, nhà văn có thể vận dụng nhiều hình thức kết cấu khác nhau
với sự sáng tạo nghệ thuật. Vì vậy, không thể qui những tác phẩm cụ thể vào một
dạng kết cấu riêng biệt nào mà cần phải xem xét tác động nghệ thuật của kết cấu
đối với người đọc cũng như chức năng cụ thể của nó trong việc thể hiện chủ đề
tư tưởng của tác phẩm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét