Sống trong đời sống cần có một tấm lòng!

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng!

Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2011

Tiểu thuyết “Tội ác và trừng phạt”


Ra mắt bạn đọc năm 1866, tiểu thuyết Tội ác và trừng phạt nếu không phải là tác phẩm vĩ đại nhất của Dostoievski thì chắc chắn là tác phẩm nổi tiếng nhất, được nhiều người yêu thích nhất, được dư luận các nước đánh giá nhất trí nhất. Hầu như ở mọi nước, sự nhận chân Dostoievski đều bắt đầu bằng việc công chúng độc giả làm quen với tiểu thuyết tội ác và trừng phạt, và điều này có lợi cho ông: không ở đâu Dostoievski - nghệ sĩ và Dostoievski - nhà tư tưởng lại xuất hiện dưới dạng thống nhất cân bằng như ở đây. Cổ vũ lẫn nhau và tiếp sức cho nhau, hoà với nhau làm một, thiên tài nghệ thuật Dostoievski và triết lý nhân văn của ông đã hun đúc nên một tác phẩm văn học sâu sắc hiếm có, một cuốn sách hiện đại trong mọi thời đại, gần gũi với mọi con người trên hành tinh chúng ta.
Dostoievski gọi tiểu thuyết Kẻ song trùng là “trường ca Peterburg”. Thực ra ông có thể đặt phụ đề như thế cho cả Tội ác và trừng phạt (cũng như Gã khờĐầu xanh tuổi trẻ sau này). Peterburg trong Tội ác và trừng phạt là Peterburg những năm 1860, thành phố không của giới quý tộc thượng lưu, mà của dân nghèo, với những ngõ phố hôi hám rác rưởi, những căn nhà thuê tối tăm chật hẹp, những quán rượu bẩn thỉu, những tiệm nhảy chen chúc, những buồng tiếp khách lạnh lẽo của các cô gái điếm và sở cảnh sát đông nghịt người nghèo bị giam giữ; thành phố của những sinh viên nghèo túng phải bỏ học và những viên chức bị sa thải, những bà mẹ đánh mắng lũ con kêu khóc vì đói và những cô gái bán mình đề nuôi gia đình, và cạnh đó là những mụ già cho vay với tỉ lệ lãi cắt cổ, những tên lưu manh sống bằng nghề tố tụng, những kẻ buôn đi bán lại “hành hoá sống”, những công tử trác táng săn lùng vật tiêu khiển mới lạ...Cốt truyện Tội ác và trừng phạt được xây dựng trên sự kết hợp sự tích hai gia đình nghèo xơ xác: gia đình Raskolnikov với một bà mẹ và một em gái tần tảo, chắt chiu từng xu để nuôi người con trai cả theo học ở thủ đô và gia đình Marmeladov với người bố thất nghiệp nát rượu, người mẹ mắc bệnh ho lao và một lũ con nheo nhóc. Và chính cảnh nghèo cùng quẫn đã dẫn dắt Rodion Rascolnikov, một “triết gia” trẻ tuổi, nhân vật chính của tác phẩm, đến ý đồ giết mụ già cho vay nặng lãi để cướp của - tội ác này tạo nên cái sườn sự kiện của tiểu thuyết. Còn hoàn cảnh khốn cùng của gia đình Marmeladov thì đẩy người con gái lớn Sonia, một thiếu nữ đức hạnh, người sẽ cải hoá tâm hồn cho Rascolnikov, vào nghề mại dâm.
Sự tích Sonia bán mình nuôi gia đình được bố nàng kể cho Rascolnikov nghe trong một quán rượu nhầy nhớp, ở ngay những trang đầu của tiểu thuyết - một sự tích thường tình, khá phổ biến ở thành phố tư bản chủ nghĩa, - dưới ngòi bút của Dostoievski trở thành một thảm kịch nhân thế, một bản cáo trạng ngùn ngụt căm hờn chống lại cái xã hội kim tiền. Xã hội đó dồn con người nghèo vào những tình huống quái ác đến nỗi những tâm hồn trinh bạch nhất, cao thượng nhất, đáng yêu nhất lại buộc phải làm những việc nhơ nhuốc nhất, hèn hạ nhất, bị người đời khinh miệt nhất. Nhan sắc, tuổi trẻ, danh dự, tình yêu - mọi giá trị đều bị biến thành vật hy sinh - vật hy sinh rẻ tiền chỉ đủ giúp cho người thân kéo dài một sự tồn tại khắc khoải bên bờ vực của cảnh chết đói.
Bên cạnh bi kịch của gia đình Marmeladov trong Tội ác và trừng phạt ta còn thấy chấm phá những nghịch cảnh, thảm cảnh khác, cũng do sự tác oai tác quái của đồng tiền: một cặp cha mẹ nào đó vì tiền mà bán đứa con gái xinh xắn mười sáu tuổi đầu của mình cho gã địa chủ đã ngoài năm mươi, những bà mẹ nghèo túng khác thì đuổi con cái mình ra đường đi ăn mày, đi làm trộm cắp, làm gái điếm. Peterburg trong tiểu thuyết Tội ác và trừng phạt là mô hình của một xã hội mà đồng tiền trở thành giá trị tuyệt đối, trở thành báu vật đối với rất nhiều con người.
Hiện thân của cái tâm lý sùng bái đồng tiền đó trong Tội ác và trừng phạt là Lugin, chồng chưa cưới của em gái Raskolnikov. Dostoievski viết về viên “hội thẩm toà án” đó: “Vốn là người xuất thân chỉ có hai bàn tay trắng, Piot, r Pet, rovitr đã quen khâm phục mình, tôn sùng trí thông minh và năng lực của mình. Nhưng trên đời cái mà ông ta yêu nhất và tôn sùng nhất vẫn là tiền bạc của ông, kiếm được bằng đủ các phương tiện, nó đưa ông lên ngang hàng với những kẻ có địa vị cao hơn ông”. Dostoievski cho Lugin một lai lịch khá tiêu biểu cho thời kỳ phát triển tự do của chủ nghĩa tư bản - lai lịch của một kẻ tiểu thị dân hãnh tiến và tập trung vào nhân cách của hắn những đặc tính mà ông căm thù nhất trong con người tư sản: tự tư tự lợi kết hợp với đạo đức giả, đê tiện một cách có ý thức, tự phụ kết hợp với hiềm tỵ, ngu dốt đi đôi với xảo quyệt, thiển cận, hủ lậu đi đôi với tính hoạt đầu, với tài thích ứng mau lẹ với mọi hoàn cảnh, thời thế. Trong tất cả các nhân vật của tiểu thuyết Tội ác và trừng phạt, Lugin đáng ghê tởm nhất chính vì đó là một tính cách điển hình một trăm phần trăm, một mẫu người được đúc từ cái khuôn nhân cách “tiêu chuẩn” của một giai cấp đang ưu thắng.
Tương phản với cảnh công thành danh toại của Lugin và cũng rất điển hình cho xã hội Nga thời ấy là cảnh sa cơ lỡ vận của Caterina Ivanovna, vợ kế của Marmeladov và dì ghẻ của Sonia. Đường đời của bà ta thật thê thảm - một đường đời bắt đầu bằng cuộc sống thanh tao, êm ấm trong gia đình quân nhân quý tộc và kết thúc bằng cảnh ăn mày ngoài đường phố. Caterina Ivanovna sinh ra và lớn lên trong một xã hội đẳng cấp, nơi mà thành phần quý phái đủ bảo đảm cho con người một địa vị ưu tiên. Nhưng cái xã hội mục nát đó đã nhường chỗ cho một xã hội khác - xã hội mà mọi người đều “bình đẳng” trước thế lực tuyệt đối của đồng tiền, kẻ có tiền có tất cả, người không có tiền không có gì hết. Trên đời đã diễn ra những biến cố toàn cục, những giá trị mới đã được thiết định, nhưng Caterina Ivanovna không thấy và không hiểu điều đó và vẫn bám lấy những giá trị cũ đã bị gạt bỏ. Nguồn gốc cả cái bi lẫn cái hài ở Caterina Ivanovna chính là ở đây. Mơ ước trở về với thế giới thượng lưu nhưng lại hàng ngày lép vế trước những loại người hạ dẳng; hãnh diện trước mụ chủ nhà về thân thế của mình, nhưng lại bị con mụ mạt hạng ấy đuổi ra ngoài đường vì nợ tiền buồng; kéo lũ con “lá ngọc cành vàng” đi ăn xin, tưởng rằng cả thiên hạ phải động lòng thương xót, nhưng kêu gào, ca hát mãi, đến lúc sắp hộc máu ngã gục xuống mặt đường mới được bố thí cho hai xu.
Nhưng Dostoievski bao giờ cũng công bằng đối với nhân vật của mình. Ông biết quý trọng lòng khao khát công bằng nhiều khi bộc lộ dưới hình thức hám hư vinh. Khi bị dọa đuổi ra khỏi nhà, Caterina Ivanovna phẫn uất hét to: “Chúa ơi là Chúa, chẳng lẽ không còn công bằng nào nữa hay sao? Nếu Chúa không che chở cho lũ mồ côi chúng tôi thì còn ai che chở nữa? Để rồi xem!... Để rồi xem trên đời này còn có công bằng nữa hay không?” Rồi bà vừa kêu gào khóc lóc vừa chạy ra đường với mục đích mơ hồ là đi tìm ngay công lý cho bằng được!
Ở đây, hình tượng chúa Cơ Đốc một lần nữa lại xuất hiện như niềm hy vọng cuối cùng của những người khốn khổ. Nhưng trong trường hợp này, Doxtoevxki, nhà văn hiện thực, biết công bằng ngay cả với Chúa cứu thế; nếu Chúa không bênh vực những con chiên lành của mình, nếu Chúa để cho kẻ ác chà đạp công lý thì Chúa có xứng đáng được tín ngưỡng? Trước lúc tắt thở Caterina Ivanovna cự tuyệt không rửa tội: “Cái gì? linh mục à? Không cần... Tiền đâu mà thừa thế... Tôi không có tội gì! Không rửa tội thì Chúa cũng phải tha tội cho tôi... Chính Chúa cũng biết tôi đau khổ như thế nào... Còn Chúa không tha thì cũng chẳng cần!...”
Thật là những dòng chữ nóng bỏng tâm huyết, thật là cơn gió thịnh nộ báo hiệu bão táp sẽ nổi dậy ngày mai! Nhưng những màn bi kịch như vậy vẫn chỉ ở ngoại vi chủ đề tư tưởng của tiểu thuyết Tội ác và trừng phạt. Chủ đề đó được gắn liền với nhân vật chính - Rodion Raskolnikov.
Hình tượng văn học này từ lâu đã trở thành một “bí ẩn” lớn mà mỗi một thế hệ, mỗi một trào lưu xã hội và mỗi một độc giả giải thích và đánh giá một cách khác, không ai giống ai và nhiều khi cũng cực đoan như người ta đánh giá bản thân Dostoievski. Đồng thời, giá trị hiện thực siêu việt của hình tượng đó đối với mọi người đều rất hiển nhiên, cũng hiển nhiên như sự gần gũi của nó đối với con người thế kỷ XX. Tội ác và trừng phạt, “cuốn tiểu thuyết hình sự vĩ đại nhất của mọi thời đại”, như Thomas Mann nhận định, kết hợp tình tiết mạch lạc với tình tứ sâu thẳm. Thuật lại sự tích giết người của Raskolnikov rất đơn giản, nhưng thâu tóm được nguyên nhân và động cơ phạm tội của chàng sinh viên Nga ấy là một việc cũng khó khăn và vô cùng vô tận như lý giải duyên cớ chần chừ thụ động của hoàng tử Hamlet trong vở bi kịch cùng tên.
Trước tiên đập vào mắt một đặc điểm kỳ dị trong nhân cách Raskolnikov: con người giết người cướp của đó lại tuyệt nhiên không ham mê tiền tài. Con người giết người cướp của ấy là một nhân vật vô tư đến hào hiệp, đến hy sinh quên mình vì người khác. Sống trong cảnh nghèo túng khốn khổ, Raskolnikov trong vòng nửa năm trời nuôi dưỡng một người bạn học đau ốm. Nhịn đói ngày này qua ngày khác, Raskolnikov bỏ những đồng xu cuối cùng trong túi ra để giúp gia đình Marmeladov lâm vào cảnh thương tâm, để giúp một cô bé hoàn toàn không quen biết bị kẻ gian lừa đảo. Lòng vô tư, hào hiệp ấy hài hoà với những đức tính khác trong nhân cách Raxcolnicov: khảng khái, cương trực, chân thật, quả cảm.
Raskolnikov, như nhân vật ấy tự giải thích, giết người để chứng minh cho bản thân rằng mình là một “siêu nhân” đã vượt qua luân lý hèn nhát của người thường. Raxcolnicov mơ ước trở thành Napoléon mới. Theo đuổi tham vọng làm chúa tể nhân gian, Raskolnikov đi tới những tư tưởng tiên báo trực tiếp cho những tư tưởng kiểu Nietzsche sau này.
Nhưng Raskolnikov, môn đệ của Napoléon và kẻ tiền bối của chủ nghĩa Nietzsche, lại đồng thời ấp ủ trong lòng những tư tưởng tình cảm không điển hình một chút nào cho hai mẫu người kia: ưu ái thiết tha đối với nhân loại, thương yêu sâu sắc những người nghèo khổ, phẫn uất cho thân phận tôi đòi của họ, đau đớn trước cảnh đờì bất công tàn bạo, căm thù không đội trời chung với những kẻ sống bằng mồ hôi nước mắt người khác. Nếu Dostoievski bắt Raskolnikov “tiết lộ” những lý thuyết bạo lực cực kỳ phi nhân đạo mà xã hội tư sản đang thai nghén, thì đồng thời ông cũng trút cho Raskolnikov cả bầu nhiệt huyết của chính trái tim vĩ đại của ông ngày đêm nhức nhối trước cảnh nhân gian lầm than thống khổ dưới ách chế ngự của các thế lực bạo tàn.
Toàn bộ con người Raskolnikov quả là được cấu thành bởi sự kết hợp nghịch lý những phẩm chất dường như không thể dung hoà với nhau: tột mực ích kỷ đi đôi với tột mực vị tha; tàn nhẫn đến quái ác đi đôi với hiền từ đến mềm yếu; kịch liệt khinh ghét con người nhưng lại nhiệt thành thương yêu con người; ngang ngược chà đạp lên công lý mà lại tha thiết hướng về công lý. Rasckolnikov như luôn luôn nhảy từ cực tâm linh này sang cực tâm linh khác mà không lúc nào dừng lại giữa chừng, ở trạng thái ôn hoà, vừa phải. Tâm tư đầy mâu thuẫn của Raxcolnicov rất tiêu biểu cho đời sống tinh thần của một xã hội ở trong thời kỳ chuyển hoá dữ dội từ nếp sống đẳng cấp gia trưởng sang nếp sống cạnh tranh vô chính phủ, khi mà mọi giá trị đều bị đánh giá lại, những khuôn phép đạo đức tưởng chừng sắt đá hoá ra “những sợi dây mục nát”, và trong cảnh hỗn mang xã hội đó con người thường bơ vơ không biết chân lý mới ở đâu và rất dễ nhầm lẫn thiện ác. Hơn bất cứ một nhà văn nào, Dostoievski biết miêu tả trạng thái hỗn mang tinh thần, thất lạc chân lý, tâm tư bị giằng xé giữa thiện và ác như những tấn bi kịch thường có của một kết cục thê thảm đối với con người: hoặc tự sát, hoặc lưỡng hoá nhân cách và phát điên. Svidrigailov trong Tội ác và trừng phạt là một con người như thế. Trường hợp Raskolnikov thì lại khác. Raskolnikov không những không tự sát hoặc phát điên, mà lại còn rất năng nổ trong việc thực hiện “ý tưởng” của mình, cho đến những trang cuối cùng của tiểu thuyết vẫn đinh ninh rằng chân lý thuộc về mình. Raskolnikov chính là một kẻ sát nhân tự coi mình như thiên thần, một đao phủ coi mình như Đấng cứu thế. Trong cơ cấu hình tượng Raskolnikov rõ ràng có một “bí thuật” hoà hợp những yếu tố đối lập, hoặc nói một cách khác, giữa ý đồ phản nhân đạo và tâm tư giàu nhân ái của Raskolnikov có một mối quan hệ biện chứng, một quy luật chuyển hoá sâu kín nào đó, và chính nhờ đó mà độc giả ở khắp mọi nước đều cảm nhận Raskolnikov như một hình tượng nghệ thuật vĩ đại, chứ không phải như một tập hợp hỗn tạp những tính chất mâu thuẫn lẫn nhau.
Ta sẽ không nắm bắt được linh hồn của hình tượng Raskolnikov, nếu không nhận ra rằng đó là một con người nổi loạn, con người nổi dậy chống lại trật tự thế giới đương thời - cái trật tự phi nghĩa, tàn bạo, vùi dập và tha hoá con người mà Dostoievski và các nhà văn Nga khác biết tái tạo với sức tố cáo phi thường. Chính với tư cách một con người nổi dậy tự giác như vậy, một con người vùng lên để phục hồi công lý bị chà đạp, gánh vác lấy trách nhiệm đối với những người bị áp bức trên đời, Raskolnikov sống mãi trong ký ức của độc giả không những như một địch thủ tư tưởng, mà còn như một đứa con đẻ tinh thần của Dostoievski, một đứa con có tầm vóc cao lớn, có trí thông minh kiệt xuất và trái tim dạt dào nhân ái như người cha vĩ đại của nó.
Raskolnikov thuộc vào loại nhân vật đặc thù của Dostoievski - những con người không có một địa vị gì trong xã hội, không có một nghề nghiệp gì cụ thể, không phải đảm đương một trách nhiệm gì chính thức đối với mọi người xung quanh, nhưng lại năng nổ can thiệp vào sự đời, cảm thụ sâu sắc mọi cảnh đời, ưu tư không ngớt về mọi việc trên đời. Raskolnikov, theo chủ ý của tác giả, là một “con người trong con người”: một trái tim không biết thờ ơ với bất cứ sự gì xảy ra ở thế gian, một bộ óc ngày đêm, lúc tỉnh cũng như khi mơ, vật vã với những câu hỏi đớn đau của cuộc sống, một ý chí xả thân vì lý tưởng, cống hiến cuộc đời cho chân lý. Tất cả lòng căm phẫn đối với xã hội người hà hiếp người, tất cả nỗi đau đớn cho thân phận tôi đòi của những người nghèo khổ, tất cả niềm uất ức cho cảnh bất lực của lòng từ bi bác ái trong thế giới đồng tiền xâu xé tâm hồn Raxcolnicov được tác giả phô diễn tập trung qua màn bi kịch nội tâm kiệt tác - giấc mơ thứ nhất về cảnh ngược sát con ngựa già (phần I, chương 5).
Giấc mộng ấy không những lột tả ý chí quả cảm nổi loạn vì công lý của Raskolnikov, mà còn cho ta thấy một khía cạnh nữa rất đặc sắc trong cách thụ cảm thế giới của nhân vật ấy: đó là sự cô đơn về tinh thần, cô đơn về tư tưởng. Nỗi “cô quạnh giữa nhân gian” của Raskolnikov có nguồn gốc thực tế trong bối cảnh nước Nga những năm 60 thế kỷ XIX, khi mà, sau thất bại của cao trào đấu tranh cách mạng, những hoài bão của các phần tử tiến bộ về sự giải phóng quần chúng nhường chỗ cho tâm trạng thất vọng chua chát trước cái hiện thực tư bản chủ nghĩa thắng thế.
Trong Tội ác và trừng phạt, có một hiện tượng đầy ẩn dụ - đó là gian buồng thuê của Raskolnikov mà tác giả ví với “chiếc quan tài”. Quan tài trên mặt đất, quan tài - nhà ở, là tượng trưng cho sự cô thế tuyệt đối của con người giữa nhân gian. Trong căn buồng-quan tài ấy Raskolnikov kinh qua một cơn khủng hoảng tinh thần, khủng hoảng thế giới quan nhân đạo và “thai nghén” một ý đồ mới, phản nhân đạo. Nằm trong căn buồng-quan tài ấy, Raskolnikov gọi xuống để đàm thoại hai nhân vật vô hình - hai chiếc bóng khổng lồ in hằn trên vòm trời của tiểu thuyết Tội ác và trừng phạt: Chúa Cơ Đốc và Napoléon, và mở rộng lòng ra để ôm cả hai vào trong mình.
Cốt lõi của cái “ý tưởng” mà Raskolnikov ấp ủ, mục tiêu cuối cùng mà Raskolnikov muốn đạt tới - chính ở chí hướng dành lấy địa vị chúa tể nhân gian của Napoléon để hoàn thành sứ mệnh cứu thế của Cơ đốc, chế ngự thế giới để thiết lập công bằng trên thế giới, thống trị loài người để mang lại hạnh phúc cho loài người.
Để đạt mục tiêu ấy, Raskolnikov - hiện thân của lòng hào hiệp, chính trực - làm một việc hết sức gian lận và bất nhẫn: bổ rìu xuống đầu một mụ già không thể tự vệ để cướp tiền của mụ. Mong ước đem lại hạnh phúc cho những người yếu hèn bị xã hội bất công vùi dập, Raskolnikov, để thoát thân, sát hại cả người em gái mụ già - một tâm hồn cũng hiền lành, chân thật và mộ đạo như Sonia Marmeladova. Mưu đồ cứu thế, chuyển hoá từ ý tưởng sang hành động, ngay từ đầu đã bộc lộ thực chất của nó như một mưu đồ sát thế và tự sát.
Tiểu thuyết Tội ác và trừng phạt nói lên không những mối lo âu, mà cả niềm tin của Dostoievski vào con người. Cho thấy sự thất bại hoàn toàn của Raskolnikov, chỉ rõ những thảm hoạ thoát thai từ cái mưu đồ phi nhân đạo của Raskolnikov, tác giả đồng thời miêu tả mưu đồ đó như một căn bệnh nhất thời của một tâm hồn về cơ bản lành mạnh, một sự lầm lạc khó tránh khỏi trên con đường gian truân tìm chân lý. ý chí cuồng nhiệt tìm chân lý, tìm lẽ sống chân chính là lời biện hộ đích đáng nhất cho nhân vật anh hùng của Dostoievski. Bi kịch của Raskolnikov theo dụng ý của tác giả, mang sẵn yếu tố cải tử hoàn sinh. Nghĩa vụ thúc đẩy quá trình cải tử hoàn sinh ấy ở Raskolnikov, dẫn dắt Raskolnikov từ cõi lầm lạc ra con đường thiện chân, Dostoievski giao phó cho Sonia Marmeladova.
Sonia Marmeladova trong Tội ác và trừng phạt, cũng như Mưskin trong Gã khờ và Aliosa Karamazov trong Anh em nhà Caramazov, thể hiện cái đạo lý nhân dân “thương người như thể thương thân” được nâng lên thành giáo lý trong kinh Phúc âm mà nhà tư tưởng Cơ Đốc giáo Dostoievski coi như một vị thuốc đắc dụng cho mọi ung nhọt tâm hồn, một diệu kế dàn xếp mọi mâu thuẫn xã hội, một chân lý mầu nhiệm có sức biến cải thế giới khổ ải này thành một thiên đường tận thiện tận mỹ. Nhưng trong tiểu thuyết Tội ác và trừng phạt, khác với ở các tác phẩm chính luận, Sonia Marmeladova rõ ràng chỉ là một tiếng nói trong nhiều tiếng nói tham gia cuộc hội thoại giữa các tư tưởng lớn của thời đại, và tiếng nói ấy chỉ có sức thuyết phục hạn chế.
Đặt vào trung tâm tư tưởng tiểu thuyết Tội ác và trừng phạt những vấn đề cơ yếu bậc nhất đối với xã hội loài người, Dostoievski ở những trang cuối của cuốn sách đề ra những giải pháp thiên lệch và thiếu sức thuyết phục. Nhưng lôgic biện chứng của cuộc sống mà nhà văn đã khám phá một cách thiên tài mạnh hơn những giáo lý siêu tự nhiên mà ông muốn truyền giảng. Hình tượng Sonia Marmeladova, với chí khí thiết thực thương yêu con người, tận tụy hy sinh vì người khác, được lịch sử giải phóngkhỏi cái “đồ án tư tưởng” khiên cưỡng, rực lên một vẻ đẹp chân chính không phai mờ.Sonia Marmeladova, còn hơn Raskolnikov, hiện thân cho lòng tin của Dostoievski vào con người, vào công dụng lớn lao của những giá trị tinh thần trong đời sống con người, vào khả năng con người đứng vững trong mọi nguy biến lịch sử, đảm đương trách nhiệm sáng tạo thế giới thiện mỹ.

2 nhận xét:

Unknown nói...

Bài phân tích của bạn thật hay !! Tuyệt vời :)))) Tội ác và hình phạt là tiểu thuyết mà mình thích nhất!! Cảm ơn bạn

Unknown nói...

Rất tuyệt. Xin chân thành cảm ơn.