Hemingway
(1899 – 1961)
1. Hemingway - huyền thoại giữa cuộc đời
Anh là người trung thực nhất đời
Từ trận đánh anh trở về mang nỗi đau cháy bỏng
Anh lên đạn khẩu Willecheste cổ lỗ
Chỉ bắn nỗi đau kia đâu bắn tấm lòng mình
( Evgheni Evtushenko)
Ngày 2 tháng 7 năm 1961, cả thế giới bàng hoàng trước tin Hemingway – “Một con người có thể bị huỷ diệt nhưng không thể bị khuất phục” – đã tự sát bằng khẩu súng săn của mình. Trong suốt 62 năm tồn tại, nhà văn, nhà báo đồng thời cũng là người chiến sĩ Hemingway đã gióng lên hồi chuông ngợi ca lòng dũng cảm phê phán cái xấu trong cuộc đời. Giữa những làn khói đạn ngất trời, Hemingway đã làm đẹp con người. Giữa biển sóng mù khơi, Hemingway tôn vinh giá trị con người. Và như ngôi sao chổi băng qua thế kỷ XX, Hemingway đã đi vào lịch sử văn học như một huyền thoại giữa cuộc đời thường.
Ngược dòng thời gian, ngày 21 tháng 7 năm 1899, thị trấn nhỏ bé Oak Pak đón chào tiếng khóc đầu đời của một cậu bé mà sau này sẽ làm rạng danh cho nền văn học Mỹ. Cậu bé đó là Ernest Hemingway. Sinh ra trong một gia đình trung lưu, Hemingway chịu ảnh hưởng của cả cha lẫn mẹ. Nhưng về sau thì ông càng thoát xa ảnh hưởng của cha mẹ ông. Nếu những giai điệu tiết tấu từ những bản nhạc của người mẹ đã tạo ảnh hưởng đến tiết điệu ngôn từ của nhà văn Hemingway sau này, thì người cha lại khơi dậy trong chú bé Hemingway lòng yêu thiên nhiên, thú vui săn bắn nhưng không đam mê giết chóc và một lòng quả cảm tuyệt vời. Hemingway còn chịu nhiều ảnh hưởng từ người cha cách giải thích sự vật, hiện tượng một cách cực kỳ đơn giản và hấp dẫn. Điều này tạo nên dấu ấn riêng trong phong cách tự sự Hemingway.
Năm 18 tuổi, Hemingway rời khỏi trường học và trởi thành phóng viên cho một tờ báo Kansas City . Tuy nhiên, cuộc sống ở thành phố Kansas đã không giữ chân được chàng thanh niên Hemingway. Khao khát một cuộc sống ở châu Âu đang trong cơn binh lửa chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Hemingway xung phong vào quân đội nhưng do thị lực yếu nên chỉ được nhập vào đội quân Hồng Thập Tự. Tại cuộc chiến này ông bị thương nặng phải trở về hậu tuyến với 227 mảnh đạn trong người.
Đến năm 1919, Hemingway trở về Hoa Kỳ, ông được đón tiếp như một vị anh hùng song ông cảm thấy không thể nào hoà nhập vào không khí nơi đây.
Vào năm 1920, ông đến Chicagô và cộng tác với tờ báo nổi tiếng “Diễn đàn Chicagô”.
Tuy nhiên ở trong thời gian này trong ông là sự mò mẫm thử nghiệm để định hình một phong cách trên bước đường nghệ thuật. Những ngày sống ở Chicagô ông đã gặp và yêu Hadly Richarson. Lễ cưới được tổ chức vào tháng 9- 1921. Ước vọng xâm nhập thực tế mở rộng tầm nhìn luôn nhen nhóm trong ông và đã được toại nguyện khi báo “Ngôi sao” giao cho ông trọng trách làm phóng viên châu Âu.
Tháng 12 – 1921, ông sang Pháp và có dịp tiếp xúc với nhiều văn nghệ sĩ Pari như Anderson, Getrrudestein…và chị nhiều ảnh hưởng của họ khá rõ nét khi mới bắt đầu sáng tác.
Từ 1922, chủ nghĩa phát xít Mussolini thắng thế ở Ý, Hemingway là một trong những nhà văn sớm nhận ra tai hoạ của chủ nghĩa phát xít. Lúc bấy giờ có nhiều phóng viên Âu - Mỹ xem Mussolini là chính khách lớn. Trái lại, Hemingway miêu tả Mussolini là tên mị dân đã che dấu những âm mưu xấu xa bằng chủ nghĩa yêu nước giả dối và thực sự là ngốc cho những ai đem so sánh “hắn ta” với Napôlêông. Mặt khác, ông cũng không đồng ý với những ai đánh giá thấp “hắn ta”.
Tháng 1- 1923, ông được cử đi Thuỵ Sĩ để thông tin về hội nghị giải quyết xung đột Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kì. Thời gian nay, ông lặn lội khắp chiến trường châu Âu để viết bài phản bác chiến tranh, thể hiện quan điểm nhân đạo. Tác phẩm được coi là đầu tay: Ba mẩu chuyện và mười bài thơ (1923), Trong thời đại chúng ta (1924), một năm sau ông cho xuất bản ở Mỹ một tập truyện ngắn cùng tên Trong thời đại chúng ta (1925). Hemingway đã dần dần thoát khỏi ảnh hưởng của môi trường nghệ thuật của một số văn nghệ sĩ Pari đầu những năm 20 bằng những tác phẩm tiếp theo: Những thác nước mùa xuân (1926) và khẳng định cá tính của mình trên con đường sáng tạo văn học. Sáng tác thời kì đầu của Hemingway là khuynh hướng phác thảo, gọn nhẹ. Những nguyên lý nghệ thuật của ông là sự đúng đắn, giản dị.
Tuy nhiên, những tác phẩm trên chưa gây tiếng được tiếng vang lớn, chưa tạo được tên tuổi Hemingway trong lòng độc giả. Cho đến sau này, khi mà tài năng của ông đã thực sự vững vàng, người đọc tìm thấy ở Hemingway một văn phong, kỹ thuật tinh điệu, tự nhiên như nói chuyện, gọn gàng và sôi nổi. Hàng loạt tác phẩm giá trị ra đời như: Mặt trời vẫn mọc (1926), Giã từ vũ khí (1929).
Sự nghiệp văn chương của ông không dừng lại ở ngay đó, bằng sự lao động cần mẫn, miệt mài, hàng loạt các tác phẩm có giá trị nối tiếp nhau ra đời: Chết vào lúc xế trưa (1923), Những ngọn đồi xanh châu Phi (1935), Một nơi sáng sủa và sạch sẽ (1933),Tuyết trên đỉnh Kiliman Jarô (1936), Có hay không có (1937), Chuông nguyện hồn ai (1940)
Năm 1960, bệnh tật đã giáng xuống người ông như một quy luật tự nhiên của kiếp người, ông rời Cu Ba để về Mỹ chữa bệnh. Sau 2 năm bị bệnh tật dày vò, tâm thần ông như bị lạnh đần vì đau xót cho người nghệ sĩ trong một ngày, một giờ không cầm viết được. Sự khủng hoảng, hụt hẫng trong tâm lí của một “con người thừa” cứ bám riết lấy ông để rồi cuối cùng là cái chết của ông vào ngày 2 – 7 – 1961.
Ernest Hemingway từ giã cõi đời – châu Mỹ cũng như thế giới mất đi một nhà văn lớn, mất đi một con người biến mình thành cuộc đấu tranh liên tục cho lí tưởng tự do, dân chủ. Ông chết - một sự chấm dứt, ra đi vĩnh viễn của một nhà văn thiên tài, để lại nỗi xót thương trong lòng người đọc.
2. Những đóng góp của Hemingway trong việc đổi mới văn xuôi hiện đại
Đối với nhà văn chân chính, mỗi cuốn sách cần phải trở thành những khởi đầu mới, nhằm đạt tới những gì mà trước đây chưa đạt được. Người ấy luôn luôn làm cài gì mà trước mình, người ta chưa làm hoặc ai đó đã định làm mà chưa kịp làm và buộc phải đi xa hơn với những gì anh ta có thể đạt tới. Bằng quan niệm này và qua những tác phẩm trong 40 năm cầm bút của mình, Hemingway đã khẳng định vị trí của ông trên văn đàn thế giới, một nhà văn tiến bộ và tiêu biểu của thế kỷ XX, một trong những bậc thầy của tự sự văn xuôi hiện trong nền văn học hiện đại.
Theo T’rìonov (trong một bài viết in trên tạp chí văn học nước ngoài tiếng Nga số 7 – 1980). Hemingway là một trong những nhà văn gây nên sóng gió trong cái biển cả mênh mông là văn học: “Hai chục năm qua ảnh hưởng của Hemingway mạnh đến nỗi như là tạo ra một thước đo mới cho văn xuôi”. Vậy văn xuôi của Hemingway độc đáo chỗ nào? Nhiều người từng rút ra một kết luận giống nhau : “Nhà văn này viết theo cái riêng của mình mang lại cho những hình thức tiết kiệm tối giản một hiệu quả tối đa”. Dường như ông không nói gì cả mà tác phẩm lại nói rất nhiều. Dường như câu chuyện không ra đầu cuối gì cả nhưng đầu cuối hoá ra không cần. Dường như không có chân dung, không có những đoạn miêu tả đầy đủ chỉ thấy những đoạn đối thoại rất ngắn vì vậy mà bao nhiêu điều ý ở ngoài lời biết bao nhiêu sự thật trong cuộc trò chuyện giữa người này với người kia. Khó lòng coi văn xuôi Hemingway là hướng chủ đạo trong văn xuôi thế kỷ XX. Song phải công nhận đó là một mạch phát triển của nó, một bằng chứng đánh dấu sự đổi mới của nó, so với văn xuôi các thế kỷ trước.
Ngay từ tác phẩm đầu tay của Hemingway người ta bắt đầu nhận ra ở văn xuôi của Hemingway có những nét lạ, độc đáo. Nó có không khí căng thẳng của sự chờ đợi một cái gì đó nhưng không có, những nhu cầu không thể thực hiện được khiến cho cách ứng xử và ngôn ngữ của nhân vật như bị gò bó trở nên lấp lửng, chỉ có những đoạn đối thoại vu vơ. Chính những yếu tố ấy kết hợp lại làm nên một phong cách và cơ sở của phong cách này là cái người ta gọi là triết lý khắc kỉ trong văn xuôi Hemingway.
Nếu như văn xuôi các thế kỷ trước mỗi tác phẩm là một bức tranh toàn diện về đời sống nhân vật, đa dạng mỗi người mỗi vẻ, tác phẩm như một mô hình thu nhỏ thế giới và khi ùa vào tác phẩm con người, sự vật thường giữ nguyên hình thù của nó, tác giả chỉ giữ vai trò như một người đứng ngoài nhìn vào, không tham gia vào câu chuyện phải dấu mặt và lời kể càng không có sắc thái càng tốt. Đặt trên nền quan niệm như vậy ta thấy văn xuôi thế kỷ XX nói chung và văn xuôi Hemingway nói riêng có những chỗ khác hẳn. Dù viết về nhân vật hay sự kiện gì cũng chỉ là tác giả đang nói về mình về cảm xúc của mình trước cuộc sống. Còn những phong cảnh đẹp đẽ nên thơ, tất cả những yếu tố đó bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Chính vì vậy thế giới trong tác phẩm Hemingway có phần chật hẹp, không bao quát được sự vô tận của đời sống. Thế nhưng những trang viết của ông lại trở thành những mẫu mực khó vượt qua trong văn học.
Một phương diện làm nên vẻ độc đáo trong văn xuôi Hemingway nữa đó là cốt truyện thường không có vai trò gì đặc biệt. Thế giới được phản ánh không phải theo lối toàn cảnh mà như một trích đoạn, các thủ pháp miêu tả như những nét vẽ mơ hồ.Nhân vật của ông thường không nói hết những điều bản thân mình nghĩ vì vậy ngôn ngữ trở nên lấp lửng, nói một đằng nghĩ một nẻo, nhiều sự ám chỉ, nhiều quãng im lặng. Trong đối thoại mỗi người như vẫn âm thầm theo đuổi những ý nghĩ riêng, thường vừa nói vừa lắng nghe tiếng nói của chính mình đã tạo nên mạch ngầm trong văn xuôi Hemingway. Lối viết ngắn gọn tạo mạch gầm này được thâu tóm trong một hình ảnh nổi tiếng gắn với tên tuổi của Hemingway đó là hình ảnh tảng băng trôi - vấn đề trung tâm trong phong cách nghệ thuật của Hemingway. Với việc tổ chức ngôn ngữ như thế, ý thức của nhân vật đã thực sự trở thành điểm tựa, để từ đó người đọc cùng tác giả nhìn ra thế giới.
Nếu như mạch văn của những tác giả trước Hemingway thường tách ra thành những trường đoạn rõ ràng thì Hemingway sử dụng một lối văn ngắt khúc ngắn gọn khiến cho ta nhìn tác phẩm có vẻ hơi thô, hơi đơn điệu, song nhờ vậy mà nó xa hẳn thứ văn xuôi viết theo mĩ cảm ở thế kỷ XIX trở về trước. Sự khô khan của văn Hemingway thực ra phù hợp với kiểu nhân vật mang nhiều tâm trạng của ông và sự tương ứng này, khi đạt đến mức hoàn chỉnh lại tạo một chất thơ riêng, chỉ Hemingway mới có. Với những gì làm được trong suốt cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, năm 1954 viện hàn lâm khoa học đã trao tặng cho Hemingway giải thưởng Nobel vì ông đã sáng tạo ra cách viết giản dị nhưng đầy ma lực. Chất dung dị trong văn của ông là một điều phi thường. Ông là vị sứ giả đầu tiên của sự dung dị trong văn học. Chính vì vậy mà Hemingway và những đóng góp của ông vào việc đổi mới văn xuôi hiên đại là một điều không ai có thể phủ nhận.
3. Nguyên lý “tảng băng trôi” trong văn xuôi Hemingway
Nhà văn G.Marquez đã nhận xét: “Truyện ngắn của Hemingway là những mẫu mực, không có cái nào giống cái nào, ông đưa ra những bài học về phong cách hay triết học, ông dạy kỹ thuật làm văn. Có thể trong đó có cái gì không hay thậm chí nguy hiểm”
Ông chủ trương trong lúc viết cần phải: “Không biết được điều gì sẽ diễn ra trang sau”. Như vậy nghĩa là nhà văn đã coi nhẹ cốt truyện và bố cục của tác phẩm dự định trước. Tính chất mãnh liệt đó có được thể hiện qua những đoạn đối thoại gọn và sắc, đôi khi kéo dài đầy kịch tính, những chi tiết bất ngờ, đầy ẩn ý, những chi tiết đồng xuất hiện đối xứng của các nhân vật, độc thoại nội tâm và hành vi tiếp diễn gắn bó với nhau.
Ông nói: “Tôi muốn viết theo phương pháp tảng băng trôi. Bảy phần tám khối lượng của nó còn chìm dưới nước, chỉ có một phần tám nổi lên trên cho mọi người thấy. Nhờ thế tảng băng của anh sẽ tiến tới một cách chắc chắn và đáng sợ hơn” [6,tr.99].
Nguyên lý “tảng băng trôi” là một trong những vấn đề trung tâm trong phong cách nghệ thuật của Hemingway. Nguyên lý “tảng băng trôi” trong phương pháp sáng tác của hemingway đã tạo nên “mạch ngầm văn bản”. Điều đó có nghĩa là cái thế giới được nhận diện qua tác phẩm mới chỉ là một phần của toàn bộ thế giới hoàn chỉnh mà nhà văn định ra trong truyện của mình.
Thực vậy, đến với thế giới truyện ngắn Hemingway, người đọc hầu như luôn phải tiếp cận với một cái gì dường như chưa hoàn tất, chưa xong suôi, không ra đầu ra đuôi về quá trình diễn biến của nội dung, sự kiện. Thế giới ấy có rất nhiều khoảng trống, nhiều chỗ thiếu hụt cần phải bù đắp. Có thể nói rằng Hemingway mới chỉ tiết lộ một phần, như một mô hình, còn việc thêm da thêm thịt để có một mô hình hoàn chỉnh là công việc của độc giả. Có thể nói nguyên lý “tảng băng trôi” là “mạch ngầm văn bản”, là lời ẩn che dấu, là ý tại ngôn ngoại. Tuy nhiên nếu hiểu theo nghĩa này thì chỉ thuần tuý gắn nó với tư tưởng tác phẩm. Hemingway đã từng nói: “Tôi luôn cố gắng viết theo nguyên tắc “tảng băng trôi”. Bất cứ điều gì mà bạn biết, bạn đều có thể lược bỏ. Điếu đó sẽ làm tăng thêm sức mạnh cho tảng băng của bạn – đó là những phần không được viết ra”. Thực sự thì Hemingway, một mặt luôn nỗ lực xây dựng thế giới tác phẩm của mình với dung lượng ngôn từ tối thiểu, một mặt lại tìm cách để khả năng biểu hiện của thế giới ấy đạt mức tối đa, theo hướng cảm xúc thẩm mỹ của người tiếp nhận. Nói cách khác Hemingway đòi hỏi người đọc phải thâm nhập thế giới ấy một cách tích cực, cùng thưở trong chính cái không khí của nó và sống cùng thời với những trạng huống của nhân vật.
Như vậy những gì còn ẩn dấu ở dạng thông tin ngầm trong thế giới truyện ngắn Hemingway, nghĩa là một biểu hiện của một phần tám đang chìm của “tảng băng trôi” chi phối toàn bộ sáng tác của Hemingway. Điều này không ngoại trừ các sáng tác truyện ngắn của ông. Mỗi tác phẩm là một sự thâm nhập của Hemingway với cuộc sống, thế giới của những trận đấu bò, những buổi câu cá, trượt tuyết, uống rượu, đua ngựa, săn thú…với tất cả những hiểu biết và tình cảm của mình, lẽ ra thế giới truyện ngắn mà Hemingway tạo dựng phải được dàn trải trên một diện rộng với một khối lượng sự kiện đồ sộ với một đội ngũ đông đảo các nhân vật khắc hoạ tỉ mỉ. Thế nhưng thế giới ấy chỉ là những mảng hiện thực rất ít biến cố còn nhân vật thì thường không rõ nhận dạng, thậm chí như có vẻ mơ hồ, đơn điệu. Sự thực thì cái tính chất hạn hẹp đơn sắc của thế giới truyện ngắn Hemingway là một ý đồ nghệ thuật của tác giả. Những khoảng trống, những chỗ bỏ xót, tính chất dở dang trong biểu hiện chính là nằm trong sự sắp xếp có tính nghệ thuật của tác giả. Vận dụng nguyên tắc “tảng băng trôi” trong cách viết khi xây dựng thế giới truyện ngắn của mình, Hemingway đã giả định những gì ông hiểu biết tường tận cũng sẽ tìm được sự tương thông nơi người đọc. Vì vậy cái biết rồi sẽ không cần nói ra nữa, nhưng như vậy không có nghĩa là điều nói ra ít ỏi.
Trong các truyện ngắn của Hemingway, cách miêu tả, trần thuật khách quan không bình luận, không giải thích, không bộc lộ cảm xúc về mọi đối tượng kể cả với thiên nhiên cũng là một trong những phương diện của sự vận dụng các nguyên tắc “chỉ là hé mở một phần của cái toàn thể” trong nghệ thuật xây dựng thế giới truyện ngắn của ông. Từ đó người đọc có điều kiện để phát huy đến mức cao nhất những cảm xúc chủ quan của mình, cũng trên cơ sở đó người đọc có thể bước càng lúc càng sâu vào thế giới tác phẩm và đến một lúc nào đó, hầu như có thể xoá nhoà được sự phân cách thực hư bởi sự nhập cuộc thực sự của những người đọc. Và chắc chắn lúc ấy họ hoàn toàn có khả năng hoàn tất những cái dở dang, những khoảng im lặng trong cái thế giới của tác phẩm.
Phải chăng, với những điều như đã nói ở trên là một trong những bí quyết làm nên cái chất độc đáo của thế giới truyện ngắn Hemingway - hẹp mà rộng, nông mà sâu, đơn giản mà đầy tư tưởng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét