Sống trong đời sống cần có một tấm lòng!

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng!

Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2013

LOẠI THỂ TÁC PHẨM VĂN HỌC


LOẠI THỂ TÁC PHẨM VĂN HỌC
                   I.             KHÁI NIỆM
                II.             SỰ PHÂN LOẠI THỂ VĂN CHƯƠNG
                                  1.                 Ở phương Tây
                                  2.                 Ở Trung Quốc
                                  3.                 Ở Việt Nam
             III.             MỘT SỐ TIÊU CHÍ PHÂN CHIA THỂ LOẠI TÁC PHẨM VĂN CHƯƠNG
                                  1.                 Dựa vào hình thức câu văn
                                  2.                 Dựa vào thể văn hình thức lời văn  được mô tả theo một thể thức nào đó
                                  3.                 Dựa vào dung lượng tác phẩm
                                  4.                 Dựa vào cảm hứng, tính điệu thẩm mĩ có thể phân ra.
                                      -----------------------------------------------------
1. KHÁI NIỆM
Mọi tác phẩm văn học đều tồn tại trong các hình thức thể loại nhất định: một cuốn tiểu thuyết, một truyện ngắn, một bài thơ, một vở kịch, một kí sự...Không có tác phẩm văn học nào được xây dựng ngoài những hình thức quen thuộc đó. Vì vậy, bên cạnh nhan đề tác phẩm, tác giả thường ghi tên thể loại: Những người khốn khổ- tiểu thuyết; Dấu chân người lính- Tiểu thuyết;  truyện ngắn của Guy de Maupassant; Từ ấy - thơ; Bài thơ Màu tím hoa sim; Lão hà tiện- kịch...Nhiều khi tên thể loại gắn liền với nhan đề tác phẩm: Hoàng lê nhất thống chí, Bình Ngô đại cáo, Tam quốc chí diễn nghĩa, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giụôc.
    Ðiều gì dã tạo nên sự giống nhau về hình thức tồn tại của tác phẩm văn học trong khi nội dung nhiều khi rất khác nhau đó ? Chính là qui luật loại hình tác phẩm, tức là sự tổng hợp các phương thức tổ chức, phương thức tái hiện đời sống của những đặc trưng cơ bản gần gũi với nhau.
Mỗi loại truyện; thơ; kí; kịch đều có các phương thức tổ chức, phương thức tái hiện gần gũi với nhau và từ đó qui định sự tiếp nhận văn học. Nhà văn cũng như người đọc đều hiểu mình sáng tác hay tiếp nhận loại tác phẩm này chứ không phải loại tác phẩm khác. Lí luận văn học đã khái quát các tác phẩm khác nhau thành một số loại thể nhất định dựa theo những qui luật loại hình. Những qui luật này chi phối, qui định các yếu tố khác nhau của tác phẩm văn học. Mỗi loại thể khác nhau có các loại nhân vật, kết cấu, lời văn khác nhau. Chẳng hạn khi nói đến loại tác phẩm trữ tình, ta có thể nhắc đến nhân vật trữ tình, kết cấu trong thơ trữ tình, lời thơ, câu thơ, đoạn thơ, luật thơ.. Nói đến tác phẩm tự sự, có thể nói đến nhân vật tự sự, kết cấu trong tác phẩm tự sự, lời văn tự sự. Qua tác phẩm kịch, có thể nói đến nhân vật kịch, kết cấu kịch, lời đối thoại, hành động kịch...
Tuy nhiên cũng cần chú ý bên cạnh qui luật loại hình, thực tiễn văn học bao giờ cũng phong phú và đa dạng hơn nhiều. Nhà văn sáng tác tác phẩm là nhằm diễn đạt một cách đúng đắn và đầy đủ nhất những vấn đề đời sống mà họ quan tâm, những rung động thẩm mĩ độc đáo. Chính vì vậy, khi nghiên cứu về loại thể, cần nắm vững tính lặp lại của qui luật nhưng đồng thời cũng phải nhận ra sự độc đáo trong sự vận dụng và sáng tạo của tác giả.
II. SỰ PHÂN LOẠI THỂ LOẠI VĂN HỌC
Lí luận văn học xưa nay đã có nhiều cách phân chia loại thể văn học khác nhau:
1. Ở phương Tây.
Ngay từ thế kỉ thứ 4 trước công nguyên, Aristote trong Nghệ thuật thơ ca đã dựa vào nguyên tắc phản ánh phân chia văn học thành 3 loại. Ông cho rằng nghệ thuật là sự "mô phỏng", "bắt chước" thực tại. Tương ứng với 3 hình thức mô phỏng đó là 3 loại văn học: loại tác phẩm tự sự, loại tác phẩm trữ tình và loại kịch. Cách phân loại này của Aristote nhìn chung được nhiều nhà mĩ học, trong đó có Secnưxepxki, Ðôbrôliubôp tán thành.
Horace, Boileau đồng ý với quan điểm phân loại của Aristote nhưng đồng thời nhấn mạnh đến giá trị cao thấp của từng loại thể. Theo họ, loại "thơ chủ yếu" gồm bi kịch, hài kịch và anh hùng ca, còn thơ trữ tình chỉ là "thơ thứ yếu"
Hégel cũng phân chia văn học làm 3 loại nhưng lại dựa vào đối tượng mô tả. Theo ông, loại tự sự mô tả sự kiện, loại trữ tình thể hiện những trạng thái tâm hồn còn kịch thì miêu tả hành động. Biêlinxki tán thành ý kiến của Hégel đồng thời nói rõ thêm: tác phẩm tự sự  chủ yếu mô tả sự tiếp xúc, va chạm giữa con người và xã hội, tác phẩm trữ tình chủ yếu bộc lộ cảm xúc cá nhân, kịch chủ yếu miêu tả sự xung đột, mâu thuẫn giữa các tính cách. Biêlinxki cũng đã nêu lên ý kiến cho rằng trong thực tế văn học, nhiều khi các loại trên thâm nhập, chuyển hóa, kết hợp với nhau chứ không tách biệt một cách tuyệt đối.
2. Ở Trung Quốc.
Sự phân loại văn học ở Trung Quốc xuất hiện khá sớm. Lúc đầu họ chia là 2 loại: thơ và văn xuôi (vận văn và tản văn). Sau này, Tào Phi chia văn học làm 4 loại: Tấu- nghị, Thư luận, Minh lỗi, Thơ phú. Sau Tào Phi, Lục Cơ, Chấp Ngu, Tiêu Thống cũng có nêu lên những cách phân loại khác nhau. tuy nhiên cách phân loại của những tác giả này quá chi li, vụn vặt nhưng vẫn không thoát khỏi những cách phân loại đã có từ đầu.
Trong thời kì cận và hiện đại, Trung Quốc thừa nhận cách phân chia văn học thành 4 loại: thơ ca, văn xuôi, tiểu thuyết và kịch. Theo cách phân loại này, văn xuôi bao gồm tất cả các loại ngoài thơ ca, tiểu thuyết và kịch. Tiểu thuyết, thực ra phải thuộc loại văn xuôi nhưng do tầm vóc cũng như dung lượng hiện thực nên được xếp vào một loại riêng còn kịch thì thống nhất với kịch ở phương tây. 
3. Ở  Việt Nam.
Các giáo trình chủ yếu dựa theo phân loại của phương tây nhưng trình bày thành 4 loại chủ yếu: Thơ, tiểu thuyết, kí và kịch. Có người chia làm 5 loại: tự sự, trữ tình, kịch, kí, trào phúng. Trong lí luận văn học tập 2, Trần Ðình Sử  lại phân chia thành: tự sự, trữ tình, kịch, kí và chính luận.
Các sự phân loại trên đều có tính chất tương đối. Bởi vì, thực tế văn học vốn đa dạng, phong phú, khó có một sự khái quát nào đầy đủ và trùng khít với thực tế được. Vì vậy, giáo trình này tạm chấp nhận cách phân văn học thành 5 loại: Loại tác phẩm trữ tình, loại tác phẩm tự sự, loại tác phẩm kịch, loại tác phẩm kí văn học và loại tác phẩm chính luận
Dựa vào sự phân loại trên, có thể sắp xếp các thể loại vào các loại tương ứng:
Loại tự sự bao gồm tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn, truyện thơ, anh hùng ca, truyện cổ tích...
Loại trữ tình bao gồm thơ trữ tình, văn xuôi trữ tình...
Loại kịch bao gồm bi kịch, hài kịch, chính kịch, kịch thơ...
Loại kí bao gồm kí sự, phóng sự, bút kí, hồi kí...
Loại chính luận bao gồm các kí chính luận, nghị luận văn chương, xã hội, chính trị...
Ngoài cách phân chia văn học như trên, cần phải dựa vào các tiêu chí khác nữa để tiến hành phân chia các thể loại văn học.
III. MỘT SỐ TIÊU CHÍ PHÂN CHIA THỂ LOẠI TÁC PHẨM VĂN HỌC
1. Dựa vào hình thức câu văn: thơ (văn vần) và văn xuôi (tản văn)
Ở đây có thể nói đến truyện thơ, truyện văn xuôi, thơ, thơ văn xuôi, kịch thơ, kịch nói, thơ ngụ ngôn, truyện ngụ ngôn.
2. Dựa vào thể văn, tức hình thức lời văn được tổ chức theo một thể thức nào đó
Chẳng hạn thể thơ 2, 3, 4, 5, 6, 8 chữ, thơ song thất lục bát, thơ lục bát, thơ tự do. Thể văn xuôi: thể nhật kí, chiếu, biểu, văn tế ...Mỗi loại văn thường sử dụng một thể văn tương ứng: loại tự sự sử dụng văn trần thụât, kịch sử dụng văn đối thoại, thơ dùng thể văn giải bày cảm xúc, bộc lộ.
3. Dựa vào dung lượng tác phẩm.
Là tiêu chí, chủ yếu dựa vào hiện thực được thể hiện trong tác phẩm và độ dài ngắn của nó. Có thể nói đến truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết, thơ, trường ca, khúc ngâm, kịch ngắn, kịch nhiều hồi.
4. Dựa vào cảm hứng, tình điệu thẩm mĩ có thể phân ra:
    Tụng ca, bi ca, trữ tình hay châm biếm, truyện cười, truyện tình cảm, bi kịch, hài kịch, chính kịch...Ngoài ra, người ta có thể dựa vào nội dung thể loại để phân chia tác phẩm văn học: thể loại lịch sử dân tộc, thể loại đạo đức thế sự, thể loại đời tư.
Các thể loại được trình bày trên đều có thể được thể hiện trong các loại tác phẩm văn học khác nhau và nhiều khi có sự kết hợp chặt chẽ chứ không hoàn toàn tách biệt. Vì vậy, khi nghiên cứu về loại thể tác phẩm văn học cần chú ý đến các hình thức trung gian, kết hợp giữa văn xuôi và văn vần, giữa tự sự và trữ tình, giữa thơ và truyện, hoặc giữa văn học với các lĩnh vực khác, chẳng hạn như giữa văn học và lịch sử, giữa văn học và nghiên cứu, giữa văn học và âm nhạc, giữa văn học và nghệ thuât sân khấu.
Trong quá trình phát triển của lịch sử văn học dân tộc, từ văn học dân gian đến văn học viết, từ văn học cổ đến văn học hiện đại, có thể có nhiều loại, thể loại văn học khác nhau nhưng nhìn một cách tổng quát, dựa vào cơ sở phương thức tổ chức, phương thức tái hiện đời sống, những dạng kết hợp khác nhau có thể phân văn học thành 5 loại: trữ tình, tự sự, kịch, kí, chính luận.

Không có nhận xét nào: