KHÁI QUÁT VỀ TÁC PHẨM VĂN HỌC
I. KHÁI NIỆM CHUNG
Tác phẩm văn học là công trình nghệ thuật ngôn từ do một cá
nhân hoặc một tập thể sáng tạo nhằm thể hiện những khái quát về cuộc sống, con
người; biểu hiện tâm tư, tình cảm, thái độ ...của chủ thể trước thực tại bằng
hình tượng nghệ thuật
Tác
phẩm văn học có thể tồn tại dưới hình thức truyền miệng (văn học dân gian,
folklore văn học) hay dưới hình thức văn bản nghệ thuật được giữ gìn qua
văn tự (văn học viết, văn học bác học), có thể được viết bằng văn vần hay văn
xuôi. Xét về dung lượng, tác phẩm văn học có thể rất đồ sộ như Chiến tranh
và hòa bình của L. Tônxtôi, Sông Ðông êm đềm của Sôlôkhốp, Những người khốn khổ
của V. Hugo hoặc cũng có thể chỉ là một bài thơ ngắn vài ba câu...
Tác phẩm văn học bao giờ cũng là hình ảnh chủ quan của thế
giới khách quan”
II. TÁC PHẨM VĂN HỌC LÀ CHỈNH THỂ CƠ BẢN NHẤT ĐỜI SỐNG VĂN
HỌC.
1. Tầm quan trọng của tác phẩm trong đời sống văn học.
Ðời sống văn học bao gồm nhiều chỉnh thể: tác phẩm, tác giả, trào lưu, nền văn
học của một dân tộc. Trong những chỉnh thể đó, tác phẩm văn học là đơn vị cơ
bản, trực tiếp của người sáng tác, nghiên cứu, phê bình, thưởng thức. Chính vì
vậy, có thể nói tác phẩm văn học có một tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống
văn học. Tầm quan trọng đó còn được biểu hiện trên các phương diện của việc
nghiên cứu văn học Mọi bộ môn của khoa nghiên cứu văn học đều xuất phát
từ sự tìm hiểu, phân tích, nghiên cứu tác phẩm.
Từ sự phân tích tác phẩm, lịch sử văn học mới có thể đánh
giá thành quả của từng tác giả, dựng lại chân thật bộ mặt văn học của một thời
kì lịch sử, khái quát những qui luật phát triển của văn học dân tộc, khu vực...
Phê bình văn học cũng luôn tiếp xúc trực tiếp với những tác phẩm cụ thể nhằm
kịp thời khẳng định, biểu dương những tìm tòi, khám phá, sáng tạo, ngăn
chặn những biểu hiện lệch lạc về cả hai phương diện nội dung tư tưởng và hình
thức nghệ thuật. Trên cơ sở nghiên cứu tác phẩm, lí luận văn học mới có thể
khái quát một cách chính xác các vấn đề đặc trưng, bản chất, qui luật phát
triển của văn học. Việc giảng dạy văn học, nhất là giảng văn, đòi hỏi thầy trò
phải tiếp xúc trực tiếp với tác phẩm. Những nguyên tắc và phương pháp phân tích
do lí luận đề xuất chỉ mới là chỗ dựa cần thiết cho việc giảng dạy chứ không
thể thay thế cho việc tìm hiểu trực tiếp tác phẩm được.
Như vậy, mọi vấn đề của văn học đều tập trung trước hết ở
tác phẩm. Có thể coi tác phẩm như một chỉnh thể trung tâm của hoạt động văn
học.
Tính chỉnh thể của tác phẩm văn học được xem xét chủ yếu
trong mối quan hệ giữa nội dung và hình thức.
2. Nội dung và hình thức của tác phẩm văn học.
2.1.
Nội dung của tác phẩm nghệ thuật.
Khái niệm nội dung có cơ sở vững chắc từ mối quan hệ mật
thiết giữa văn học và hiện thực, nó bao hàm cả nhân tố khách quan của đời sống
và nhân tố chủ quan của nhà văn, nó vừa là cuộc sống được ý thức, vừa là sự
đánh giá- cảm xúc đối với cuộc sống đó. Vì vậy, người ta thường nói đến hai cấp
độ của nội dung tác phẩm. Cấp độ thứ nhất là nội dung cụ thể (nội dung trực
tiếp). Khái niệm này nhằm chỉ dung lượng trực cảm của tác phẩm. Ðó là sự thể
hiện một cách sinh động và khách quan một phạm vi hiện thực cụ thể của đời sống
với sự diễn biến của các sự kiện, sự thể hiện các hình ảnh, hình tượng, sự hoạt
động và quan hệ giữa các nhân vật, suy nghĩ và cảm xúc của các nhân vật...Xuyên
qua nội dung cụ thể của tác phẩm, ở một cấp độ cao hơn, sâu hơn là nội dung tư
tưởng (nội dung khái quát). Ðó chính là sự khái quát những gì đã trình bày
trong nội dung cụ thể thành những vấn đề của đời sống và giải quyết những
vấn đề ấy theo một khuynh hướng tư tưởng nhất định. Như vậy, có thể nói nội
dung của tác phẩm là toàn bộ những hiện tượng thẩm mĩ độc đáo được phản ánh
bằng hình tượng thông qua sự lựa chọn, đánh giá chủ quan của người nghệ sĩ, tức
là tiếng nói riêng của nhà văn bao gồm những cảm xúc, tâm trạng, lí tưởng, khát
vọng của tác giả về hiện thực dó. Khi nói đến nội dung của tác phẩm, Secnưxepki
không chỉ nhấn mạnh việc "tái hiện các hiện tượng hiện thực mà con người
quan tâm" mà còn nhấn mạnh đến việc "giải thích cuộc sống",
"đề xuất sự phán xét đối với các hiện tượng được miêu tả". Ông
viết: "Thể hiện sự phán xét đó trong tác phẩm là một ý nghĩa mới của tác
phẩm nghệ thuật, nhờ đó nghệ thuật đứng vào hàng các hoạt động tư tưởng, đạo
đức của con người". Có thể mượn những câu thơ mở đầu Truyện Kiều của
Nguyễn Du để nói về nội dung tác phẩm văn học :
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ
tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Trải
qua một cuộc bể dâu .
Những
điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Chu Mạnh Trinh khi nhận xét về Truyện Kiều cũng cho rằng:
"Nếu không phải có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả
nghìn đời thì tài nào có cái bút lực ấy". Có thể coi con mắt trông thấy cả
sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời chính là vấn đề của nội dung thì có
thể coi cái bút lực ấy lại là một trong những vấn đề thuộc về hình
thức tác phẩm.
2.2.2. Hình thức của tác phẩm nghệ thuật
Là một
hệ thống các phương tiện và phương thức thể hiện nội dung. Nó được hợp thành
bởi nhiều yếu tố: nghệ thuật sử dụng các chất liệu, phương tiện nghệ thuật, các
qui định của loại thể, những biện pháp kết cấu, cách xây dựng nhân vật, thể
hiện hình tượng...Tất cả đều nhằm mục đích biểu hiện trực tiếp và sinh động nội
dung của tác phẩm, tạo thành một dạng tồn tại nhất định của nội dung ấy, qua đó
xây dựng tác phẩm thành một chỉnh thể nghệ thuật thống nhất. Biêlinxki cho
rằng: Dù một bài thơ có chứa chất những tư tưởng đẹp đến mấy đi nữa... nhưng
nếu trong nó không có tính thơ thì nó cũng chỉ là một dụng ý đẹp đã được
thực hiện tồi. Rêpin cũng nói: Ý tưởng anh đẹp đẽ như vậy nhưng anh vẽ tồi thì
anh chỉ làm cho người ta ghê sợ và coi rẽ ý tưởng của anh mà thôi. Như vậy,
hình thức là một yếu tố rất quan trọng của tác phẩm nghệ thuật. Ông Phạm
văn Ðồng nhấn mạnh tầm quan trọng của hình thức nghệ thuật : Giá trị hình thức
rất quan trọng. Bởi vì không có giá trị nghệ thuật thì không thể có tác phẩm
nghệ thuật được ! Nó là con số không ! Chúng ta đều phải hiểu như vậy...Tư
tưởng, nội dung tư tưởng phải đúng và nói về mặt yêu cầu thì nó phải một trăm
phần trăm nhưng giá trị nghệ thuật cũng cần thiết, đòi hỏi cũng phải trăm phần
trăm chứ không phải là năm mươi và năm mươi cộng lại. Bởi vì một tác phẩm không
có giá trị nghệ thuật là không có nghĩa gì hết. Nó không phải là một sản phẩm.
Cũng như có thể có những đồng chí có tư tưởng tốt lắm, nghĩa là như Lênin nói,
khi chết có thể lên thiên đường, nhưng không làm được việc ! Chính những tác
phẩm đúng về tư tưởng nhưng không có giá trị nghệ thuật cũng giống như những
con người ấy
2.2.3. Mối quan hệ giữa nội dung và hình thức
Nội dung và hình thức vốn là một phạm trù triết học có liên
quan đến mọi hiện tượng trong đời sống. Hình thức tất yếu phải là hình thức của
một nội dung nhất định và nội dung bao giờ cũng là nội dung được thể hiện qua
một hình thức. Không thể có cái này mà không có cái kia hoặc ngược lại. Tác
phẩm nghệ thuật là một hiện tượng xã hội, cho nên trong những tác phẩm nghệ
thuật có giá trị, nội dung và hình thức luôn luôn thống nhất khắng khít với
nhau.
Nói về một tác phẩm có giá trị, Biêlinxki cho rằng: Trong
tác phẩm nghệ thuật, tư tưởng và hình thức phải hòa hợp với nhau một cách
hữu cơ như tâm hồn và thể xác, nếu hủy diệt hình thức thì cũng có nghĩa là hủy
diệt tư tưởng và ngược lại cũng vậy. Ở một chỗ khác, ông viết Khi hình thức là
biểu hiện của nội dung thì nó gắn chặt với nội dung tới mức là nếu tách nó ra
khỏi nội dung, có nghĩa là hủy diệt bản thân nội dung và ngược lại, tách nội
dung khỏi hình thức, có nghĩa là tiêu diệt hình thức.
Sự thống nhất giữa nội dung và hình thức được biểu hiên ở 2
mặt: nội dung quyết định hình thức và hình thức phù hợp nội dung.
Trong mối tương quan giữa nội dung và hình thức, nội dung
bao giờ cũng đóng vai trò chủ đạo. Nó là cái có trước, thông qua ý thức năng
động và tích cực của chủ quan nghệ sĩ, cố gắng tìm một hình thức phù hợp
nhất để bộc lộ một cách đầy đủ, hấp dẫn nhất bản chất của nó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét