Sống trong đời sống cần có một tấm lòng!

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng!

Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

VẾT SẸO!


Người ta nói: “Trên đời này không ai cho không ai cái gì, và cũng chẳng có ai cho mình tất cả ngoại trừ cha mẹ mình”. Điều này quả thật chính xác. Không phải vì chúng ta thường được nghe những thông tin trên báo đài, trên phương tiện thông tin đại chúng mà thực tế từ cuộc sống của ta đã là một mình chứng rõ rệt cho nhận định ấy. Tôi và bạn, những ai từng có mẹ, và còn mẹ chắc chắn sẽ chẳng bao giờ còn muộn phiền trong cuộc sống khi được trở về với gia đình thân yêu, nhất là về bên mẹ. Người mẹ - người mang nặng đẻ đau ra chúng ta; người suốt một đời không quản khó khăn để nuôi ta, anh chị em của ta khôn lớn nên người. Điều họ muốn đón nhận không phải là con họ được ra sao, trở thành người có vị thế như thế nào trong xã hội mà là cho đi tình yêu với những đứa con.
Đất nước chúng ta sống với quan niệm phong kiến đã hàng nghìn năm nay, không dễ để bỏ đi những suy nghĩ trong hệ tư tưởng đã tồn tại trong xã hội vững bền đó. Thế nhưng, tôi không ủng hộ của Nho gia khi cho rằng: “Nữ nhi bất tri” - tức là cho rằng phụ nữ là đối tượng không thể giáo dục, và đánh đồng họ với dạng tiểu nhân. Khốn khổ thay, suy nghĩ và hệ ý thức nào mà lại chẳng là do con người đặt ra – nhất là những bậc vĩ nhân. Thế nhưng, có đứa trẻ nào mà không được sinh ra từ người mẹ, đứa trẻ nào mà không được nuôi dưỡng, dạy dỗ bằng tình thương yêu, chăm sóc của người mẹ. Và, những bậc vĩ nhân cũng đâu phải là 1 ngoại lệ?
Những hi sinh của người sinh ra ta phải đếm bao nhiêu cho hết, phải ghi tạc đến đời nào mới xong? Có thể những vất vả ấy không thể hiện ra, hoặc thể hiện rất ít mà những đứa con thương mẹ phải tinh tế lắm mới có thể nhận ra. Đó là khi Trần Đăng Khoa viết:
‘Nắng mưa từ những ngày xưa
Lặn trong mắt mẹ đến giờ chưa tan.”
Cũng có thể đó là những dấu ấn không bao giờ phai giống như câu chuyện mà tôi sắp kể mang tên: “VẾT SẸO”:
Một cậu bé mời mẹ tham dự buổi họp phụ huynh đầu tiên ở trường tiểu học. Điều cậu bé sợ đã thành sự thật, mẹ cậu bé nhận lời. Đây là lần đầu tiên bạn bè và giáo viên chủ nhiệm gặp mẹ cậu bé và cậu rất xấu hổ về vẻ bề ngoài của mẹ mình. Mặc dù cũng là một người phụ nữ đẹp, có một vết sẹo lớn che gần toàn bộ mặt bên phải của cô. Cậu bé không bao giờ muốn hỏi mẹ mình tại sao bị vết sẹo lớn vậy.
Vào buổi họp mặt, mọi người có ấn tượng rất đẹp về sự dịu dàng và vẻ đẹp tự nhiên của người mẹ mặc cho vết sẹo đập vào mắt, nhưng cậu bé vẫn xấu hổ và giấu mình vào một góc tránh mặt mọi người. Ở đó, cậu bé nghe được mẹ mình nói chuyện với cô giáo.
-   "Làm sao chị bị vết sẹo như vậy trên mặt?" Cô giáo của cậu hỏi.
Người mẹ trả lời:
-   "Khi con tôi còn bé, nó đang ở trong phòng thì lửa bốc lên. Mọi người đều sợ không dám vào vì ngọn lửa đã bốc lên quá cao, và thế là tôi chạy vào. Khi tôi chạy đến chỗ nó, tôi thấy một xà nhà đang rơi xuống người nó và tôi vội vàng lấy mình che cho nó. Tôi bị đánh đến ngất xỉu nhưng thật là may mắn là có một anh lính cứu hỏa đã vào và cứu cả hai mẹ con tôi."
Người mẹ chạm vào vết sẹo nhăn nhúm trên mặt.
-   "Vết sẹo này không chữa được nữa, nhưng cho tới ngày hôm nay, tôi chưa hề hối tiếc về điều mình đã làm."
Đến đây, cậu bé chạy ra khỏi chỗ nấp của mình về phía mẹ, nước mắt lưng tròng. Cậu bé ôm lấy mẹ mình và cảm nhận được sự hy sinh của mẹ dành cho mình. Cậu bé nắm chặt tay mẹ suốt cả ngày hôm đó.
Xin cho tôi không phân tích, bình luận thêm gì về câu chuyện này. Bời vì tôi muốn tất cả chúng ta hãy làm 1 điều, đó là “Cảm nhận”. Hãy làm những gì có thể trong ngày lễ “báo hiếu” cho những người mà chúng ta yêu thương các bạn nhé!

Không có nhận xét nào: