Sống trong đời sống cần có một tấm lòng!

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng!

Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2011

Kiểu nhân vật “Code hero” trong sáng tác của Hemingway


Hemingway là nhà văn lớn trong văn học Mỹ thế kỷ XX. Trong gần 40 năm cầm bút của mình, Hemingway đi nhiều, sống ở nhiều nơi và đã cống hiến hết mình cho hoạt động văn học. Thế giới truyện ngắn Hemingway đầy ắp những dấu tích của sự thâm nhập trực tiếp của ông ở nhiều phía cuộc sống: Thế giới của những trận đấu bò, những buổi câu cá, trượt tuyết, những trận đấu quyền anh… Bao trùm lên tất cả là thế giới chiến tranh và những di chứng nặng nề của nó, thế giới của tầng tầng, lớp lớp những đổ vỡ trong đời sống xã hội biến động, của sự mất mát không nguôi ngoai, của những vết thương không thể hàn gắn.
Nhà văn nào cũng xây dựng trong tác phẩm mình một kiểu dạng nhân vật đặc biệt, thể hiện cái ngưỡng cảm nhận trong tâm thức thẩm mỹ của ông ta. Có thể xem đó là hình ảnh con người lý tưởng mà người ấy ấp ủ. Nhân vật đó thường được gọi là hero - người hùng, giữ một vai trò quan trọng trong mô hình thế giới tác phẩm. Nếu trong thế giới Homère, Achille từng xông trận với cái đích rõ ràng là dành lấy vinh quang cho bản thân cũng như cộng đồng ; Ulysse cần dùng mưu trí chinh phục các lực lượng tự nhiên để trở về quê hương ; thì đến Cervantès, người hùng Don Quijote đã bắt đầu phải lưỡng lự trong một thế giới mà sự phải trái đã không còn minh bạch nữa. Nhưng có lẽ phải đến thời hiện đại, thì cái thế giới ấy mới thực sự trở nên rối rắm, hỗn độn, như là trở về cái cõi hỗn mang “Chaos”, mà lại không còn những vị thần để sắp xếp mọi thứ vào đúng chỗ của chúng. Người hùng Camus luôn là kẻ xa lạ, kẻ lưu đày, kẻ đứng bên lề xã hội, và luôn khắc khoải vì những ám ảnh phi lý, vô luân. Người hùng Sartre cố vùng vẫy trong vòng vây tha hóa của tâm hồn, trong sự đe dọa của cảm giác buồn nôn và cái chết. Người hùng Faulkner phải chịu đựng bao nhiêu thất bại và đau khổ trong cuộc đấu tranh với nghịch cảnh, luôn mang gánh nặng của sự khủng hoảng đời sống bên trong. Người hùng Saul Bellow, mệt nhoài vì cuộc tồn sinh, đành tìm cách cứu vớt sự hiện hữu của mình bởi sự hài lòng với những sắp đặt của Thượng đế – dù đấng tối cao ấy dường như đã không còn tồn tại... Người hùng Hemingway không thoát ra khỏi cái không khí chung ấy, nhưng vẫn có những nét loại biệt.
Tạo dựng hình mẫu người hùng với những nét không hề nổi trội, thực ra, Hemingway đã phần nào thể hiện quan điểm xã hội Mỹ là “sùng bái con người bình thường, không tán dương những cá nhân nổi bật”. Tuy vậy, tiếp nối dòng máu Mỹ, người hùng phải có đủ những phẩm chất điều kiện: thông minh, tháo vát, lịch thiệp, tự trọng, đáng kính, cứng rắn và tự tin. Đó còn là con người có ý chí, yêu đất đai, thú vật, mê thể thao, câu cá hơn là chăm chú vào nghệ thuật, âm nhạc; đồng thời, phải là người can đảm, trung thực, có cá tính mạnh mẽ. Chính đó là “tough guy”, và đích thực là “red blooded American”, loại người hùng bước ra từ kỷ nguyên tiền phong Mỹ.
Người hùng trong thế giới truyện ngắn Hemingway sẽ không được hiểu với ý nghĩa “anh hùng”, mà thường là không tên tuổi, thậm chí, những kẻ vô công rồi nghề, ở bên lề xã hội, làm những công việc có vẻ vô nghĩa ở các quán rượu, sân đấu bò, võ đài, khách sạn, bến xe, nơi trượt tuyết, câu cá... Anh ta không phải là con người lý tưởng, không phải là hạt nhân tích cực với những thành tích lớn lao trong cuộc đấu tranh vì tiến bộ cuộc sống ; chẳng phải ngọn cờ hay tấm gương đối với cộng đồng. Không đứng ở những bậc thang xã hội đáng chú ý, cũng chẳng phải ở trong số những nhân cách vĩ đại, hành trang của anh ta dễ hòa lẫn với đám đông. Trong một ý nghĩa nhất định, anh ta quá thụ động, nhưng, thực tế là, con người ấy lại đang phải giằng co quyết liệt với sự khống chế của “những qui ước của một trật tự xã hội mục nát”. Có thể nói, người hùng trong thế giới truyện ngắn Hemingway luôn thể hiện một cách thế nhất định trong sự chi phối của ý thức tồn sinh. 
Trước hết, anh ta đơn giản chỉ là một con người bình thường, và như Harry Levin nói, có thể thuộc mọi thành phần, nghề nghiệp, ở mọi tình huống... đã được thử thách không phải với vị trí xã hội, chính trị, hay học thức, mà là với những điều thường nhật trong cuộc sống... Nhiều cuộc tranh luận với những ý kiến trái ngược đã từng diễn ra xung quanh vấn đề thực chất của thế giới truyện ngắn Hemingway, và việc định giá trị cho nó, một phần cũng xuất phát từ những biểu hiện bất thường của cái chuẩn “người hùng” trong thế giới ấy. Wyndham Lewis từng thẳng thừng cho rằng cái gọi là người hùng kia chẳng gì khác hơn là con bò ngu ngốc nhai đậu hũ ở cửa lò sát sinh, hay với ME Coindreau thì đó là “những kẻ hèn nhát, lại nát rượu, với những cơn say còn trống rỗng hơn họ”. P. Young, mặc dù không có ý chỉ trích, vẫn nhận định, đó là những chàng trai, cô gái gặp gỡ và yêu nhau vội vã, rồi chia tay vội vã nơi khách sạn, phòng trọ, thường là tại một thành phố nào đó ở nước ngoài, ta chẳng bao giờ nhìn thấy con cái họ, và khi ra đi, họ chẳng để lại gì đằng sau ngoài những vỏ chai không, chữ ký trên tờ thuê phòng, và chút gì đó trong trí nhớ của những người nhận tiền phục vụ,....
Rõ ràng, Nick đã tiếp cận những mẫu người như vậy trong những chuyến đi khám phá thế giới của mình. Đó là Butler trong Ông già tôi, là Macomber trong Cuộc sống hạnh phúc..., là Jesus trong Hôm nay thứ sáu, chàng thanh niên Ý trong Nhà cách mạng, viên thiếu tá, Ở đất nước khác, Schatz, Một ngày chờ đợi, Fontan, Rượu Wyoming, Frazer, Tay cờ bạc...
Sự cảm nhận sâu sắc hiện thực với một tâm hồn đặc biệt nhạy cảm đã dồn đẩy anh ta vào đúng một tọa độ phức tạp chưa từng thấy dành cho cuộc sống của một con người. Những áp lực vốn có của hiện thực, với anh ta, bỗng trở nên nặng nề gấp bội, và đòi hỏi anh ta phải tìm ra một cách thức khả dĩ để tồn tại. Và như thế, nếu chấp nhận tồn tại, anh ta buộc phải dấn mình vào một cuộc đấu tranh để giữ vững và duy trì sự hiện hữu của bản thân trước nghịch cảnh. Chính vì vậy, anh ta nhận biết được cái khó khăn to lớn của sự tồn sinh đối với con người thời đại. Dường như, cái hình ảnh Hamlet hoàng tử cách đây 300 năm lại tìm được phiên bản trong hình tượng người hùng thế kỷ XX. Để có thể “sống sót trong thời đại của sức mạnh kỹ thuật, trong sự sợ hãi thường xuyên đối với cái chết và sự mất mát”, người hùng ấy phải giải một bài toán cực kỳ khó. Thực vậy, cái “dilemma” đặt ra ở đây không phải là một, mà đến hai lần phức tạp. Bởi vấn đề không chỉ liên quan đến ý chí hay đạo đức, mà còn là chuyện ý thức tồn sinh. Điều đó giải thích vì sao ông lão trong Ông lão bên cầu lại không chịu rời khỏi vùng có chiến sự, ông lão khác trong Một nơi sạch sẽ..., cứ một mình lặng lẽ ngồi mãi nơi quán cà phê, và lại mới được cứu sống sau một lần tự tử, dù ông rất giàu có; hay vì sao Krebs trong Người lính trở về lại không cưới vợ, kiếm một chỗ làm dễ chịu, và tạo dựng một cuộc sống bình thường... chính vì phải cố gắng tìm câu trả lời cho bản thân về thực chất của hiện tồn, về những “trật khớp” của hiện thực đã khiến các nhân vật trở nên đắn đo, phiền muộn, và trì chậm trong suy nghĩ và hành động. “Tôi không quan tâm đến việc nó là như thế nào. Tất cả những gì tôi muốn là biết cách sống trong đó”. Jake, trong Mặt trời vẫn mọc, cuốn tiểu thuyết viết về “thế hệ mất mát” của Hemingway, đã nói như thế, và dường như đó cũng là một phương châm của người hùng Hemingway trong thế giới truyện ngắn .
Không tách rời nguyên tắc sống của cha ông, người hùng Hemingway luôn có hoài bão khám phá thế giới để tìm ra quy luật vận hành của nó, chứ không là kẻ bàng quan đứng ngoài dòng chảy của cuộc sống. Một chỗ đứng như vậy sẽ không chấp nhận những kẻ yếu đuối, đặc biệt về ý chí, nghị lực, cũng loại trừ những ai thiếu sự từng trải và năng động. Trong điều kiện khắc nghiệt của thực tại, những kinh nghiệm tích lũy được phải trả bằng một giá đắt, nhưng đó lại là sự trang bị quý giá để anh ta có thể tiếp tục cuộc đấu tranh sinh tồn của mình. Trong nhiều tình huống, cái giá ấy đồng nghĩa với cái chết, nhưng điều ấy không ngăn trở quyết tâm của người hùng là phải học hỏi để trở thành một con người thực sự. Cái chết của Macomber, Paco, Pedro, Butler, của Jesus, và nhiều nhân vật khác nữa, đều diễn ra trong ý nghĩa như vậy. Trong Giã từ vũ khí, Henry đã gần như thay đổi câu ngạn ngữ cổ mà người hùng Cesar từng thốt lên trong vở kịch cùng tên của Shakespeare: “Kẻ hèn nhát chết ngàn lần cái chết, còn người can đảm chỉ chết có một lần”, bằng cách chữa lại “Kẻ hèn nhát chết ngàn lần, nhưng người can đảm có lẽ chết hai ngàn lần, nếu anh ta thông minh”. Chàng trai ấy chính là một nhân dạng tiếp nối của người hùng trong thế giới truyện ngắn Hemingway.
Người hùng Hemingway, tuy vậy, luôn có tâm thế chống lại hoàn cảnh, như một phản ứng trước những biểu hiện phản nhân sinh, nhân bản của cái xã hội “chứa đầy thây ma và sai lạc”, như cách nói của Moravia hay cái thời đại “được đánh dấu bởi sự tan rữa và băng hoại”, như nhận định của Henry Miller. Từ hoàn cảnh cụ thể của bản thân, người hùng luôn nỗ lực vận động để có thể vượt lên trên điều kiện thực tế, như một biện pháp tự cứu mình. Chính vì thế mà đàng sau cái vẻ ngoài thụ động, lại là một tính cách hết sức năng động, quyết liệt. Nhưng vì điều đó không được biểu hiện một cách ồn ào, nên dễ nhầm tưởng anh ta là loại “đầu gỗ, chân bự”, “trống rỗng”, “ngu ngốc”. 
Macomber trong Cuộc sống hạnh phúc... là một ví dụ. Trong suốt chiều dài câu chuyện, với những tình tiết được thuật lại, có thể gọi anh ta là “kẻ hèn nhát”, đúng như lời sỉ nhục của Margot, vợ anh, mặc dù trước đó, anh ta có đạt được một số thành tích trong các môn thể thao trên sân. Macomber, trong chuyến đi săn ấy, đang ở vào một tình thế hết sức bất ổn, khi lần thứ nhất trong đời, có cơ hội để tự đánh giá mình một cách đúng đắn. Cái thế cân bằng mong manh, cái quan hệ vợ chồng có điều kiện giữa anh và Margot đang gặp dịp để lộ rõ chân tướng. Sự hiển lộ của cái sự thật vốn bị khỏa lấp một cách gượng gạo lâu nay đã đặt Macomber vào một tình huống thật khó khăn, mà cũng vô cùng tế nhị. Nhưng người đàn ông ấy đã đủ dũng cảm để chọn cho mình một lối thoát, dù hết sức nguy hiểm, là ly khai với cái tôi đáng chán ghét của mình để được tồn tại một cách xứng đáng hơn. Và mặc dù điều ấy chỉ diễn ra trong khoảnh khắc, anh đã thực sự vượt thoát được hoàn cảnh nghiệt ngã bằng sức mạnh của một người anh hùng. Nhân vật Harry trong Tuyết trên đỉnh... cũng gặp phải một thực tại trớ trêu không kém, và, cũng như Macomber, anh đã phải sống những năm tháng không phải của chính mình, và mãi đến khi sắp kết thúc cuộc đời, thì cái bước ngoặt quyết định mới đến với anh. Vào thời khắc hôn mê trước cái chết, anh đã nhẩm tính lại quá khứ, và quyết vượt lên trên mọi ràng buộc hằng hữu để có một hiện tồn khác. Và thực tế là với anh, đã diễn ra một sự dời đổi về ý thức tồn sinh, dẫu chỉ trong mộng mị.
Phải thường trực đấu tranh để tồn tại, nhưng người hùng Hemingway luôn là người chiến đấu cô đơn. Không tìm thấy sự hợp quần hay tương trợ trong thế giới ấy, mỗi cá nhân phải một mình gánh chịu khó khăn, hiểm nguy mà không thể trông chờ sự cứu giúp. Schatz trong Một ngày chờ đợi đã trải qua nỗi lo âu về cái chết suốt một ngày trời mà bố nó không hề hay biết. Ole Andreson trong Những kẻ giết người đã một mình hứng chịu tai họa với sự bất lực. Trong Tuyết trên đỉnh... Harry phải đối mặt với cái chết trong nỗi cô quạnh. Viên trung úy trong Lịch sử tự nhiên... một mình chống lại cái ác. Viên thiếu tá trong Ở đất nước khác phải âm thầm chống chọi với nỗi bất hạnh của mình. Maria trong Không hề có ai chết phải chịu dựng nỗi bất hạnh một mình trên chiếc xe của bọn phát xít mà không một ai có thể giúp cô, kể cả người yêu cô Và người đàn ông trong Trại da đỏ, ông lão trong Ông lão bên cầu, Jesus trong Hôm nay thứ sáu,... tất cả đều là người người hùng đơn độc trong suốt cuộc đấu tranh, và có ngã xuống, thì cũng vẫn là những sinh thể hết sức lẻ loi. Như một nối dài hình tượng người hùng trong thế giới truyện ngắn, ông lão Santiago trong Ông lão và biển cả là một minh họa đặc sắc cho hình ảnh người hùng cô đơn khi một mình lênh đênh trên biển khơi, liên tục chiến đấu ròng rã ba ngày trời trong những điều kiện vô cùng cam go. 
Sự đơn lẻ của người hùng trong cuộc thử thách gian nan của anh ta trong thế giới truyện ngắn Hemingway còn được làm cho bật nổi hơn bên cạnh thái độ hờ hững, lãnh đạm của những người xung quanh : sự vô tình của bà Bell với tình cảnh bi đát của Andreson (Những kẻ giết người), cái vô tâm của người bồi trẻ với tâm trạng u uất của ông lão và người bồi già (Một nơi sạch sẽ.), sự thản nhiên của hai người chị Paco và cái chết của cậu bé (Thủ đô thế giới), đám khán giả vô tình và nỗi đau đớn của Manuel (Người không bại cuộc), sự bình thản của người bố và nỗi khắc khoải của Schatz (Một ngày chờ đợi), tình cảnh bi đát củza Pedro với sự hờ hững của những người trong quán (Con bướm...),(Dưới gò đất)... bi kịch của Paco và sự không hay biết của những người đồng ngũ .
Cố gắng xoay trở để tồn tại, không những thế, người hùng Hemingway còn tìm cách khẳng định nó và khắc sâu ý thức về sự hiện hữu của mình trong cuộc sống. Nếu nhân dạng người hùng đã được nhà văn phác họa ngay từ các chương ở “trong thời đại chúng ta”, thì có thể nhận ra là, không phải ngẫu nhiên mà tất thảy 16 chương đều là các trích đoạn về cuộc đấu tranh để tồn sinh, gắn liền với sự đe dọa của bạo lực. Cá thế giới mà Nick đã quyết tâm phải nhận chân bằng chính sự thể nghiệm của bản thân , cái “thời đại của chúng ta” ấy, suy cho cùng, không gì khác hơn là cái túi chứa đầy bạo lực, trong đó, sự tồn tại của cá nhân con người là hết sức mong manh, vô nghĩa. 
Mỗi người bước vào thế giới ấy như tham dự một trò chơi không luật lệ, nhưng lại phải làm sao theo được cuộc chơi cho đến hồi kết thúc. Roquentin trong Buồn nônNhững con đường tự do thì đoạn tuyệt với tất cả để tồn tại trong cô độc, và chỉ có thể khẳng định tồn sinh của mình trong cái chết. Mersault trong Kẻ xa lạ của Camus luôn mang tâm trạng của một người lạ, và tự phủ nhận cả hiện tồn của bản thân. Gregor Samsa của Kafka trong Hóa thântồn tại và hủy diệt. Các chương phác thảo đã khởi sự xác định những cơ hội như vậy dành cho người hùng. Thực vậy, trong những tình huống hiểm nguy, trước sự đe dọa của cái chết, sẽ xuất hiện một ranh giới rạch ròi giữa bên này và bên kia tồn sinh. Chính vì thế mà giá trị của nó sẽ được nhân lên nhiều lần, và con người mới cảm nhận thực sự cái điều rất đơn giản là bản thân mình còn hiện hữu. Cảm xúc hết sức nhân bản ấy, trong cái bóng đen của phi lý, bên bờ vực hư vô, làm cho cái chết, vốn vẫn là nỗi ám ảnh không nguôi đối với con người trong thế giới ấy, mang một phản nghĩa tích cực trong mối tương quan với sự sống. Người ta thường chỉ ra cái thời điểm quyết định của một trận đấu bò, khi người và vật mặt đối mặt, và cùng đối diện với cái chết; đó chính là giây phút hệ trọng nhất để người hùng “khẳng định cá nhân mình cùng với cái hạnh phúc còn được sống sót trong tai họa”. Tương tự như vậy, cái khoảnh khắc sự thật (the moment of truth) ấy còn có thể tìm thấy ở những trận đấu quyền anh, đua ngựa vượt rào, săn thú dữ, trượt tuyết qua các chướng ngại vật, hay chiến đấu trên trận địa. Những Jack, Butler, Macomber, Nick, và nhiều nhân vật khác đều ở trong cái tích tắc phân đôi sinh-tử như vậy. Trong ý nghĩa đó, John Killinger từng cho rằng mọi người hùng Hemingway đều là battera-sitters, tức là người người ngồi ở vị trí sát vòng đấu trong một trận đấu bò, là nơi có thể cảm nhận một cách chân xác nhất mọi cử động của con bò cũng như cảm xúc của torero. của Sartre đã phải tồn tại với cái cảm giác buồn nôn trước mọi hiện hữu quanh mình; Mathieu trong thì không còn tìm được chỗ bám víu nào nữa, đành biến thành con bọ để thoát ra ngoài cái ngưỡng tồn sinh của loài người.... Chọn một hướng đi khác, người hùng Hemingway muốn khẳng định sự tồn tại của mình, và bằng cách tìm đến những cơ hội đối mặt với hiểm nguy để tự thức tỉnh ý thức bản thân về sự tồn sinh. Anh ta sẽ lao vào những hoạt động đòi hỏi một ý chí mạnh mẽ để có được điều đó: đấu bò, đua ngựa, đấu quyền anh, trượt tuyết, săn thú dữ ... và chiến tranh, nếu có thể xem đó cũng là điều kiện để làm rõ đường phân cách giữa .
Trong bối cảnh một cuộc sống không còn niềm tin, người hùng Hemingway đã truy cầu sự bạo liệt với mong mỏi phần nào hóagiải được cái trạng huống nhàm chán, thờ ơ như một thứ bệnh dịch thời đại. Nhưng, cái biện pháp mang tính “động “ ấy cũng chỉ vận dụng được nhất thời. Trong sự khống chế nghiệt ngã của những điều kiện thực tại, không phải lúc nào con người cũng có được cơ hội vượt thoát như vậy. Thế nên, người hùng còn phải tự trang bị cho bản thân một cách thế khác để tự vệ, đó là tìm cách “chấp nhận sự vô nghĩa như một sự thực một cách can đảm”, nếu không thể làm gì hơn. Những con người có cái vẻ bề ngoài lạnh lùng, khắc kỷ trong thế giới ấy là những thanh niên, thiếu nữ với những suy tư và phong thái của người già, là những người lớn tuổi lặng lẽ, câm nín với bao nhiêu nhọc nhằn của đời sống bên trong. Đó là những chàng trai, cô gái, những người đàn ông, đàn bà trong Ở đất nước khác, Rượu Wyoming, Những quả đồi..., Không mùa, Một câu hỏi..., Chúa ban sự yên vui..., Một độc giả viết, Sự thay đổi của biển, Một nơi sạch sẽ..., Ông lão bên cầu... Mario Paz nhận xét: “Cuộc sống hướng nội luôn là dấu hiệu của tất cả các nhân vật Hemingway”. Thực vậy, những người hùng ấy chính là đang nỗ lực vượt qua sự mẫn cảm, yếu đuối của bản thân để có thể thích nghi với cái hiện tồn không thể chuyển dịch. Có thể hình dung họ đang mang một thứ mặt nạ, “mặt nạ của sự bi quan, lãnh đạm, che dấu nỗi quằn quại, đau đớn bên trong”. Vì cuộc sống đã không mang lại cho họ điều gì khác ngoài mất mát và khổ đau, nên họ “ luôn hy vọng mọi điều, và cũng không hy vọng vào cái gì cả, và cố gắng nhận chịu cái bi kịch sâu sắc nhất và hạnh phúc lớn lao nhất như một điều tự nhiên nhất và vô vị nhất của thế giới”.
Tuy vậy, thực tế là, không phải lúc nào người hùng cũng có thể cam chịu đến cùng những nghịch cảnh. Khi nào sự chịu đựng đã tới hạn, họ vẫn bộc lộ, dẫu khoảnh khắc, cái yếu đuối của một con người. Viên trung úy pháo binh, trước sự nhẫn tâm của người bác sĩ, đã không ngăn nổi mình lao vào cuộc xô xát (Lịch sử tự nhiên...) nỗi thống khổ của viên thiếu tá cuối cùng đã bật ra thành thái độ nóng nảy và những giọt nước mắt tủi cực (Ở đất nước khác); người chồng không may mắn trong Trại da đỏ chẳng thể vượt qua được sự thử thách quá lớn, đã tự kết liễu cuộc sống mình ; ông lão trong Một nơi sạch sẽ...Rượu Wyoming phải mượn men rượu để trấn áp phiền muộn ; Paco, cậu lính trẻ trong Dưới gò đất, đã bắn vào tay mình để có thể thoát ra ngoài cuộc chiến đấu... Thế nhưng, dẫu thế nào, thì họ cũng luôn cố gắng gìn giữ phẩm giá, và dường như đó cũng là một điểm tựa tinh thần quan trọng đối với sự tồn sinh của họ. Viên trung úy trước sau vẫn dũng cảm đứng về phía cái thiện; viên thiếu tá cố kìm giữ sự bi lụy của mình; người đàn ông da đỏ không hề để lộ sự bi thảm trước khi chết; ông lão vẫn giữ được phong thái đáng kính trọng trong cơn say ; Fontan cố gắng vượt lên trên nỗi cô đơn của mình bằng sự tự chủ, Paco sửa chữa lỗi lầm bằng cách cố gắng làm tốt mọi việc với cánh tay còn lại... cũng từng muốn đến với cái chết vì không thể tìm được một chỗ sáng sủa để tồn tại; nhân vật Fontan .
Rất gần với hình tượng người hùng, trong thế giới truyện ngắn Hemingway, còn có một loại nhân vật thể hiện rõ hơn tính nhân bản, và cũng có thể xem như đại diện cho một dạng đạo đức nào đó. Philip Young đề nghị gọi đó là “nhân vật nhân đạo”. Mặc hoàn cảnh bạo tàn, nhiễu nhương, con người ấy lúc nào cũng bộc lộ một sức mạnh ý chí lớn lao, hoặc một phẩm chất nào đó đáng ca ngợi. Trong một chừng mực nhất định, anh ta xuất hiện như một vị cứu tinh nhằm làm cân bằng lại cuộc sống hỗn loạn, ít nhất về mặt tinh thần. Con người trong hiện thực ấy, trong đó có những người hùng, đặc biệt là Nick, có thể học hỏi ở anh ta những chuẩn mực để trở thành một con người xứng đáng. Trong Năm mươi ngàn đô la, ở trận đấu quyết liệt với Walcott, Jack đã chứng tỏ một nghị lực đáng kinh ngạc khi đạt tới tận cùng khả năng chịu đựng của mình để giữ được nhân cách. Với Người không bại cuộc, Manuel, tay đấu bò dày dạn nhưng đã sa sút phong độ, nhận đấu một trận cuối cùng. Với tất cả sức lực còn lại, anh đã quyết đánh bại đối thủ của mình dù biết rằng, có lẽ cái chết là điều không tránh khỏi. Wilson, người hướng dẫn săn da trắng, đã đóng vai trò “nhân vật nhân đạo” trong Cuộc sống hạnh phúc... Chính anh ta là người hiểu thấu những bí mật trong quan hệ Macomber-Margot, và tính cách hai mặt của cô vợ, nên đã chỉ đích danh sự tráo trở của cô ta, và trước đó, tạo điều kiện cho người chồng tìm lại con người thật của anh, dù đã khá muộn màng. George trong Những kẻ giết người đã thể hiện một quan điểm sống không theo xu thế thực tại, đã gợi ý Nick đến báo sự cố cho Andreson hay, đồng thời, cũng cố gắng giúp Nick tìm lại sự bình ổn trong tâm hồn. Trong Một câu hỏi..., viên thiếu tá chỉ huy tỏ ra hết sức day dứt vì những tổn thương vô nghĩa mà lớp thanh niên phải chịu đựng trong chiến tranh, nên cố gắng làm một điều gì đó trong tầm tay mình: giữ Pinin ở lại giúp việc, thay vì đẩy cậu ra chiến trận để cùng chết với mối tình trẻ. Người bồi lớn tuổi trong Một nơi sạch sẽ... có thể thông cảm sâu sắc với tâm tư ông lão, người đang cần một liệu pháp tinh thần. Nhân vật John trong Chỗ tốt lành..., bất chấp nguy hiểm, ra sức bảo vệ Nick và vạch mặt tên thanh tra đáng khinh ghét. Viên trung úy trong Lịch sử tự nhiên... đã không nghĩ đến sự an nguy của bản thân để bảo vệ cho nguyên tắc nhân đạo. Ở Bác sĩ và vợ, Billy Tabeshaw tỏ ra nghiêm trang và lo âu về cuộc xung đột giữa bác sĩ và những người thợ cưa do Dick châm ngòi trong khi Dick và Eddy đùa cợt bằng thổ ngữ. Rồi lúc ra khỏi cổng trại, Dick cứ để cổng mở toang, còn Billy thì đã quay lại, và gài buộc cẩn thận. Nhân vật Cayetano trong Tay cờ bạc... là một tay bạc chuyên nghiệp, sành sỏi. Khi được đưa vào bệnh viện với vết thương rất nặng ở bụng, dù vô cùng đau đớn, anh không hề rên la hay than thở. Được hỏi vì sao anh có thể chịu đựng được như vậy, Cayetano đáp: “nếu tôi có một phòng riêng và một chiếc radio, tôi sẽ khóc lóc và la hét suốt cả đêm” “Khó tin lắm”, người hùng Frazer nói, “Thật chứ , thưa ông. Như thế không có gì xấu. Nhưng người ta không thể làm như vậy trước mặt những người khác”.
Được xen cài cùng với sự cực nhọc của những người hùng trong cuộc sống thực tại, những biểu hiện tốt đẹp ở nhân vật nhân đạo đã nhen lên được những đốm lửa hy vọng và sự tin tưởng vào những giá trị nhân bản vẫn kiên trì hiện hữu phía sau cái bộ mặt hiện thực xám xịt vì bạo lực và đổ vỡ. Cũng có khi, hình tượng người hùng và nhân vật nhân đạo nhập làm một, nếu sự hành xử của người hùng vượt lên khỏi cái hạn chế của một con người thường tình, và bắt kịp cái tầm của nhân vật nhân đạo- những ví dụ trên cho thấy rõ điều đó, cũng như ông lão Santiago là một hình mẫu khá chuẩn cho kiểu nhân vật này.
Người hùng Hemingway, trong cuộc đấu tranh liên tục của mình, hầu như chưa bao giờ đạt được kỳ tích. Anh ta cũng không phải là hiện thân của lý tưởng cao cả, không gắn liền với sự nghiệp vẻ vang. Anh ta được gọi là “người chiến thắng không được gì” (“winner takes nothing”), vì mức cao nhất mà anh ta vươn tới chỉ là tạo được cho bản thân một tâm thế bình ổn để còn có thể tiếp tục tồn tại, mà điều đó thì dường như chẳng có ý nghĩa gì đối với tầm cỡ lớn lao của lịch sử, với những vấn đề trọng đại của thời cuộc. Những nỗ lực của người hùng Hemingway chỉ giúp anh ta thoát khỏi nguy cơ biến thành một sinh thể vô thức trong dòng chảy cuộc sống. Nói như Lars Ahnebrink, đó chỉ là “những tên du thủ du thực trên mặt đường nhựa trơ trụi của tư tưởng hiện đại”, “sẵn sàng thâm nhập tất cả những gì có ở đó và không cần hỏi tại sao hay như thế nào những sự cố hầu như không thể tránh khỏi”. Điều duy nhất anh ta biết chắc, là hiện thực ấy đang vây quanh mình, và đó là một sự thực bất di bất dịch.
Tuy vậy, cần thấy rằng, ở cái con người bình thường ấy, luôn thể hiện một thái độ sống dũng cảm, điềm tĩnh, sẵn sàng đối mặt với những vấp ngã và thất bại, bởi anh ta hiểu rằng, cứ sau mỗi lần bị tổn thương, thì lại có điều kiện để trưởng thành thêm lên. và, điều đáng trân trọng, là dù trong tâm thức của anh ta, hiện tồn dường như không có khả năng thay đổi, nhưng anh ta vẫn khao khát sống, và luôn hy vọng vào một tồn tại tốt lành hơn. Kashkeen, nhà nghiên cứu Nga, từng tỏ ra không đồng tình với các nguyên tắc người hùng của Hemingway, vì theo ông, nó chỉ dựa vào “fair play” và “limited response” (xử sự ngay thẳng và đáp ứng có hạn), mà như vậy thì không phù hợp với những yêu cầu của “sự thực lớn lao của cuộc sống”. Nhận định ấy là có cơ sở, nhưng nếu tiếp cận vấn đề bao quát hơn, toàn diện hơn, sẽ nhận ra một khía cạnh khác, cũng rất đáng quan tâm, đó là cái ý chí và nỗ lực tồn sinh của con người, ở góc độ cá nhân, trong hoàn cảnh khắc nghiệt, trớ trêu của thực tại, là chỉ dấu của người hùng ấy. Và điều đó thực sự có ý nghĩa trong mối tương quan với cái thân phận thường hằng của con người- của mọi con người.
Trong cuộc phiêu lưu nhằm phát hiện sự thật cuộc sống, Nick đã trải nghiệm nhiều điều, qua đó, sự nhận biết về nhân dạng người hùng đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình thế giới trong cái nhìn của nhân vật. Hơn thế nữa, vừa là chứng nhân, đồng thời cũng là người trong cuộc, bản thân Nick, về cách thế tư duy và hành động, cũng chính là một người hùng. Thực vậy, đấu tranh một cách cực nhọc trong những điều kiện hết sức khó khăn để khẳng định và duy trì sự tồn sinh, với cuộc sống nội tâm thường xuyên bất ổn, Nick đã vượt qua những thử thách bằng tất cả sức mạnh tinh thần có được. Khắc kỷ, chịu đựng nhưng đồng thời luôn trong tâm thế chống lại hoàn cảnh, và tìm cách vượt lên trên sự khống chế của thực tại; bề ngoài lạnh lùng, lãnh đạm nhưng che dấu một tâm hồn nhạy cảm ở bên trong ; dường như thụ động nhưng lại hết sức dũng cảm khi cần thiết; có vẻ thờ ơ và phó mặc tất cả, nhưng lại chắt chiu từng khoảnh khắc bình yên..., người hùng Nick đã tồn tại trong thế giới truyện ngắn Hemingway với dáng vẻ và thực chất như vậy.
Người hùng Nick, cũng như những người hùng khác trong thế giới ấy, đã không làm được điều gì lớn lao ngoài việc cố gắng xoay sở để giữ vững sự tồn sinh của mình; nhưng trong cái hiện thực bất thường kia, phải chăng chỉ như vậy thôi cũng đủ để mang lại một giá trị nhân sinh đáng kể?
Không phải không có lý do mà vào thời điểm diễn ra hai cuộc chiến tranh lớn của nhân loại , khuôn mẫu người hùng Hemingway đã trở thành một hình ảnh hết sức gần gụi với nhiều tầng lớp thanh niên ở các nước Âu Mỹ. Dường như mỗi người đều tìm gặp được ở đó những nét phác họa nhân dạng của chính mình, cũng trong những khắc khoải và vấn nạn như vậy, trong bầu không khí căng thẳng chung của toàn cầu - cái ý nghĩa nhân bản và phổ quát của người hùng Hemingway chính là ở đó. Và cũng qua đó, dường như chúng ta có thể chứng kiến sự đảo ngược lại của nguyên tắc anh hùng mà Aristote đã đề ra: người ta không bị xúc động vì sự gục ngã của một con người vĩ đại, mà lại nâng lên thành chủ nghĩa anh hùng những gì có được ở một con người nhỏ bé. Õsterling cho rằng : “Từ chàng Wether của Goethe, chưa có một nhân vật văn học nào có ảnh hưởng hơn người hùng cứng cỏi và nhạy cảm của Hemingway”.
Đề cập đến vấn đề người hùng Hemingway về phương diện tiếp nhận, Killinger nhận định rằng đó là một thứ “chìa khóa” để có thể mở được cánh cửa vào thế giới của nhà văn. Chính từ mô hình “con người lý tưởng” ấy mà kiểu dạng thế giới truyện ngắn Hemingway được tạo dựng, xuất phát từ một cách nhìn nhất định. Phải chăng, sự lật ngược lại quan niệm thông thường ve hình tượng nhân vật lý tưởng, nhân vật anh hùng đã phan nào gây nên những khó khăn đối với việc thâm nhập thế giới ấy ? Mặt khác, trong mối liên quan với người hùng Hemingway, yếu tố tự thuật cũng góp phan làm cho vấn đe trở nên rối rắm, cái vòng chuyển hóa “người hùng-Nick-Hemingway” dễ dẫn đến chỗ đánh đong nghệ thuật với thực tế một cách tùy tiện. Tuy vậy, can phải nhận rõ cái khoảng cách tế nhị giữa bản thân nhà nghệ sĩ và nhân vật mà ông ta tạo tác. Có như vậy, mới mong đặt được người hùng Hemingway vào đúng vị trí, chức năng của nó trong hiện thực thế giới truyện ngắn Hemingway, để nhìn nhận xác đáng hơn ý nghĩa tinh than và giá trị nghệ thuật của một thể nghiệm rất riêng của nhà văn.
Tiếp nối thế giới truyện ngắn với người hùng Nick, Hemingway sẽ mở ra những vùng không gian mới qua các tiểu thuyết của ông, người đọc lại có dịp gặp gỡ những người hùng khác, nhưng dù trong bối cảnh nào, thì anh ta cũng vẫn là anh em song sinh với Nick,với người hùng trong thế giới truyện ngắn, là “người hùng kiểu Hemingway”.

Không có nhận xét nào: