Sống trong đời sống cần có một tấm lòng!

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng!

Thứ Bảy, 15 tháng 3, 2014

"Buột miệng nói"

BÀN TIẾP VỀ 2 CÂU CA DAO:
"Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan, vợ húp gật đầu khen ngon".

Sau này, tình cờ cô bạn học cùng lớp có nhắn tin rằng: "E thích 2 câu này hơn, anh ráp vào thử xem có hợp không nhé!" Nguyên văn của nó là:
"Mai này sinh những đứa con
Giàu sang phú quý nghĩa tình thâm sâu"
Đọc 2 câu này xong, tôi đã mạn phép hỏi ý kiến và muốn đổi một số từ trong 2 câu này cho "dễ đọc". Cụ thể là: 
"Mai này sinh một đàn con
Giàu sang, phú quý vuông tròn tình xưa"
Cô này thì cô ấy chưa đồng tình lắm, cứ phân vân chỗ là "đàn" con hay "những đứa con" và cho rằng không nên dùng "vuông tròn" vì biết tình xưa "tròn" hay "méo". Nghe thấy cũng có lý lắm!
Thế nhưng, trong sâu thẳm trái tim mình, từ gốc gác 1 đứa trẻ nông thôn trong gia đình đông anh em, tôi vẫn thích 1 đàn con hơn. Bây giờ nuôi con khó thật đó, nhưng 2 đứa thì có vẻ "ít" thật. Cứ quan niệm như ông bà ta "trời sinh voi, trời sinh cỏ", cứ thế lớn lên, học hành rồi làm người theo ý mà chúng muốn (hay nói đúng là theo "quy luật tự nhiên" mà phương Tây hay áp dụng trong giáo dục). Nhìn bọn trẻ lớn lên, đứa lớn chỉ đứa nhỏ học, đút cho đứa nhỏ ăn... cảm giác người làm cha, làm mẹ thật hạnh phúc siết bao.
Còn nữa, phân vân về vấn đề "tròn - méo" cũng có lý lắm! Ngày xưa biết "tròn" hay "méo" mà bây giờ lại mong "vuông - tròn"? Thôi thì ngày xưa có "tròn" hay "méo" thì cũng đã qua đi. Con cái lớn lên, những cái cũ cũng nên bỏ qua cho nhau chứ nghĩ về cái không tốt ngày xưa thì còn gì để nói nữa. "Vuông - tròn" ở đây còn mang ý nghĩa trời và đất (trích trong sự tích "Bánh chưng - bánh giầy") và biểu hiện phân biệt "giới tính" nữa. Vừa tượng trưng cho sự hài hòa của tình yêu, sự hài hòa của trời đất và giới tính thì còn chi bằng?
Đó là suy diễn chủ quan, đôi khi chẳng theo một quy luật nào mà chỉ trên cơ sở của một người học Văn, yêu Văn.

Thứ Hai, 10 tháng 3, 2014

"Buột miệng nói"

THỬ BÀN VỀ 2 CÂU CA DAO:
"Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan, vợ húp gật đầu khen ngon".

Theo chương trình văn học có dẫn chứng 2 câu ca dao trên và giải thích ý nghĩa: thể hiện được sự êm ấm trong một gia đình, niềm hạnh phúc mà đôi vợ chồng có được không từ vật chất mà ra. Chỉ là râu tôm và ruột bầu (những thứ mà người ta hay bỏ đi) nấu với nhau mà họ ăn vẫn ngon! Điều ấy chứng minh rằng hạnh phúc là do chúng ta cảm nhận không phải do vật chất!..... (Nói chung giải thích thì có thể văn hoa hơn nhưng tựu lại thì nội dung cũng k có thay đổi là mấy).

Hôm nay, tự dưng lên mạng gõ "Râu tôm nấu với ruột bầu" thì lập tức xuất hiện trên Google tìm kiếm câu thơ sau là "Chồng chê vợ úp lên đầu cái xoong" từ một số trang facebook, blog, yume,... cá nhân. Đọc thấy cũng kha khá vần nên bất chợt nãy ra ý định của bản thân về 2 câu thơ này.

Theo tôi, những câu ca dao xưa thường chỉ vắn tắt về các câu thơ phía trước mà ít chú ý đến phần phụ ở phía sau. Có thể dẫn chứng như:
"Trên đồng cạn, dưới đồng sâu
Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa"
Người ta sẽ đặt ra câu hỏi ngay rằng: "Ai đi bừa cùng trâu nhỉ?" thì nguyên văn sẽ trả lời rằng:
"Thằng Út còn bận hái dưa
Cho nên thằng Cả đi bừa cùng trâu".
Cũng có người hài hước, có khiếu thơ văn hay "1 phút xuất thần", chột dạ ứng tác 2 câu thơ khác:
"May mà hôm ấy trời mưa
Có chàng con rể đi bừa cùng trâu"...

Có lẽ sẽ có hàng trăm, hàng ngàn, hàng n "nhà thơ trẻ" ứng tác được các câu thơ hay liên quan đến 2 câu ca dao này nên vấn đề này tôi k dám bàn tới. Đơn giản vì người Việt Nam chúng ta tự bao đời đã thông thuộc lời ăn tiếng nói theo kiểu văn vần, đặc biệt gắn bó sâu sắc với thể loại thơ "lục bát".

Trở lại với 2 câu ca dao ban nãy:
"Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan, vợ húp gật đầu khen ngon".
Người ta cũng sẽ đặt ngay ra câu hỏi: "Ủa, con cái đâu mà chỉ có vợ chồng"? Nếu trả lời là họ chưa có con, thì rõ ràng là câu trả lời chưa thỏa đáng. Thế nên, bản thân tự thấy mình cần tìm vài dòng thơ ráp vào cho thành 1 bài hoàn chỉnh. Nhưng mà, chẳng hiểu sao khi "ứng tác" 2 câu thơ cuối, đọc cho có vần thì như sau:
"Nhà thì có rất đông con
Chồng chan, vợ húp con còn chi ăn?"

Cái này vừa có vẻ tiêu cực, vừa không đúng với thuần phong mỹ tục của dân tộc nên muốn các bậc bề trên góp ý cho 2 câu thơ lục bát vừa hay, vừa gần gũi... để hoàn thiện cái bài mà người "iu" thơ như tại hạ đương quan tâm....