Sống trong đời sống cần có một tấm lòng!

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng!

Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2013

THÂN QUÁ HÓA NHỜN


Khi lần đầu nhìn thấy
Hình dáng con lạc đà
Mọi người rất sợ hãi
Ai cũng trốn thật xa.

Thế mà ở lâu mãi
Mọi người cũng thấy quen
Không có gì đáng sợ
Mà thực sự rất hiền.

Rồi người ta khinh nó
Bắt nó làm trò chơi
Cho bầy nhóc của họ
Được thỏa thích trêu cười.
* * *
Một bài học đáng quý
Rằng thân quá hóa nhờn
Thực tình chỉ có vậy
Không kém cũng không hơn.

Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

LỪA KHOÁC ÁO SƯ TỬ


Có một chú lừa nọ
Một hôm đi đâu về
Thấy bộ da sư tử
Người ta phơi trên đê
Chú khoác bộ da ấy
Rồi cứ thế về làng
Mọi người tưởng sư tử
Liền bỏ chạy về làng
Chú kêu lên thích thú
Bằng tiếng lừa be-be
Ông chủ nhận ra chú
Liền đủng đỉnh dắt về
Chú còn bị mấy gậy
Về tội làm dân làng
Bị một phen kinh hoàng
*  * *
Áo quần đẹp có thể
Che cái dốt phần nào
Nhưng lời nói ngu ngốc
Thì đành chịu, buồn sao!

Thứ Năm, 20 tháng 6, 2013

NHỮNG NGÀY XƯA THÂN ÁI


Những ngày xưa thân ái, anh gơỉ lại cho ai
Gió mùa xuân êm đưa, ra hàng cau lưa thưa
Anh cùng tôi bước nhỏ, áo quần nhăn giấc ngủ
Đi tìm chim sáo nở ôi bây giờ anh còn nhớ?
Những ngày xưa thân ái, xin gởi lại cho ai
Trăng mùa thu lên cao, khóm dừa xanh lao xao
Anh cùng tôi trốn ngủ, ra ngồi hiên lá đổ
Trong bầy chin trắng nhỏ mơ một nàng tiên dịu hiền
Đêm đêm, nằm nghe súng nổ giữa rừng khuya thác đổ
Cuộc đời anh có vui
Thời gian qua mau, tìm anh nơi đâu
Tôi về qua xóm nhỏ, con đò xưa đã già
Nghe tin anh gục ngã, dừng chân quán năm xưa
Uống nước dừa hay nước mắt quê hương?
Những đường xưa phố cũ, thôi nỡ đành quên sao
Xin gọi thầm tên anh, giữa trời sao long lanh
Anh giờ yên giấc ngủ, tôi nằm nghe súng nổ
Như lời anh nhắc nhở ôi căm hờn dâng ngập lối
Những ngày xưa thân ái, xin buộc vào tương lai
Anh còn gì cho tôi, tôi còn gì cho em?
Chỉ còn tay súng nhỏ, giữa rừng sâu giết thù
Những ngày xưa thân ái, xin gởi lại cho em!

Thứ Tư, 19 tháng 6, 2013

Cấu trúc đề thi Đại học môn Văn năm 2013

I - Phần chung cho tất cả thí sinh (5,0 điểm)

Câu 1 (2, 0 điểm): Tái hiện kiến thức về giai đoạn văn học, tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam

- Khái quát văn hoc Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến Cách mạng tháng Tám năm 1945
- “Hai đứa trẻ” - Thạch Lam
- “Chữ người tử tù” - Nguyễn Tuân
- “Hạnh phúc của một tang gia” (trích Số đỏ) - Vũ Trọng Phụng
- “Chí phèo” (trích) - Nam Cao
- “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài” (trích Vũ Như Tô) - Nguyễn Huy Tưởng
- “Vội vàng” - Xuân Diệu
- “Đây thôn Vũ Dạ” - Hàn Mặc Tử
- “Tràng Giang” – Huy Cận
- “Chiều tối” - Hồ Chủ Tịch
- “Từ ấy” - Tố Hữu
- “Một thời đại trong thi ca” (trích) - Hoài Thanh và Hoài Chân
- Khái quát văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến hết thế kỷ XX
- “Tuyên ngôn độc lập” và tác giả Hồ Chí Minh
- “Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong bầu trời văn nghệ dân tộc” - Phạm Văn Đồng
- “Việt Bắc” (trích) và tác giả Tố Hữu
- “Đất nước” (trích Mặt đường khát vọng) - Nguyễn Khoa Điềm
- “Sóng” – Xuân Quỳnh
- “Đàn ghi ta của Lor-ca” - Thanh Thảo
- “Người lái đò Sông Đà” (trích) - Nguyễn Tuân
- “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” (trích) - Hoàng Phủ Ngọc Tường
- “Vợ chồng A Phủ” (trích) - Tô Hoài
- “Vợ nhặt” – Kim Lân
- “Rừng xà nu” (trích) - Nguyễn Trung Thành
- “Những đứa con trong gia đình” (trích) - Nguyễn Thi
- “Chiếc thuyền ngoài xa” (trích) - Nguyễn Minh Châu
- “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” (trích) - Lưu Quang Vũ

Câu 2 (3,0 điểm): Vận dụng kiến thức xã hội và đời sống để viết bài nghị luận xã hội ngắn (khoảng 600 từ)

- Nghị luận về một tư tưởng, đạo lý
-Nghị luận về một hiện tượng đời sống

II- Phần riêng (5,0 điểm): Vận dụng khả năng đọc- hiểu và kiến thức văn học để viết bài nghị luận văn học (Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu 3a hoặc 3b)

Câu 3a: Theo chương trình chuẩn (5,0 điểm)

- “Vội vàng” - Xuân Diệu
- “Tràng Giang” – Huy Cận
- “Đây thôn Vĩ Dạ” - Hàn Mặc Tử
- “Hai đứa trẻ” - Thạch Lam
- “Chữ người tử tù” - Nguyễn Tuân
- “Hạnh phúc của một tang gia” (trích Số đỏ) - Vũ Trọng Phụng
- “Chí phèo” (trích) - Nam Cao
- “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài” (trích Vũ Như Tô)- Nguyễn Huy Tưởng
- “Chiều tối” - Hồ Chí Minh
- “Từ ấy” - Tố Hữu
- “Một thời đại trong thi ca” (trích) - Hoài Thanh và Hoài Chân
- “Tuyên ngôn độc lập” và tác giả Hồ Chí Minh
- “Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong bầu trời văn nghệ dân tộc” - Phạm Văn Đồng
- “Tây Tiến” - Quang Dũng
- “Việt Bắc” (trích) và tác giả Tố Hữu
- “Đất nước” (trích Mặt đường khát vọng) - Nguyễn Khoa Điềm
- “Sóng” – Xuân Quỳnh
- “Đàn ghi ta của Lor-ca” - Thanh Thảo
- “Người lái đò Sông Đà” (trích) - Nguyễn Tuân
- “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” (trích) - Hoàng Phủ Ngọc Tường
- “Vợ chồng A Phủ” (trích) - Tô Hoài
- “Vợ nhặt” – Kim Lân
- “Rừng xà nu” (trích) - Nguyễn Trung Thành
- “Những đứa con trong gia đình” (trích) - Nguyễn Thi
- “Chiếc thuyền ngoài xa” (trích) - Nguyễn Minh Châu
- “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” (trích) - Lưu Quang Vũ

Câu 3b: Theo chương trình nâng cao (5,0 điểm)

- “Hai đứa trẻ” - Thạch Lam
- “Chữ người tử tù” - Nguyễn Tuân
- “Hạnh phúc của một tang gia” (trích Số đỏ) - Vũ Trọng Phụng
- “Chí phèo” (trích) - Nam Cao
- “Đời thừa” (trích) - Nam Cao
- Nam Cao
- “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài” (trích Vũ Như Tô) - Nguyễn Huy Tưởng
- “Vội vàng” - Xuân Diệu
- Xuân Diệu
- “Đây thôn Vĩ Dạ” - Hàn Mặc Tử
- “Tràng Giang” – Huy Cận
- “Tương tư” - Nguyễn Bính
- “Nhật ký trong tù” - Hồ Chí Minh
- “Chiều tối” - Hồ Chí Minh
- “Lai tân” - Hồ Chí Minh
- “Từ ấy” - Tố Hữu
- “Một thời đại trong thi ca” (trích) - Hoài Thanh và Hoài Chân
- “Tuyên ngôn độc lập” và tác giả Hồ Chí Minh
- Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh
- “Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong bầu trời văn nghệ dân tộc” - Phạm Văn Đồng
- “Tây Tiến” - Quang Dũng
- “Việt Bắc” (trích) và tác giả Tố Hữu
- Tố Hữu
- “Tiếng hát con tàu” - Chế Lan Viên
- “Đất nước” (trích Mặt đường khát vọng) - Nguyễn Khoa Điềm
- “Sóng” – Xuân Quỳnh
- “Đàn ghi ta của Lor-ca” - Thanh Thảo
- “Người lái đò Sông Đà” (trích) - Nguyễn Tuân
- Nguyễn Tuân
- “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” (trích) - Hoàng Phủ Ngọc Tường
- “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” (trích) - Lưu Quang Vũ
- “Vợ chồng A Phủ” (trích) - Tô Hoài
- “Vợ nhặt” – Kim Lân
- “Những đứa con trong gia đình” (trích) - Nguyễn Thi
- “Rừng xà nu” (trích)- Nguyễn Trung Thành
- “Một người Hà Nội” - Nguyễn Khải

- “Chiếc thuyền ngoài xa” (trích) - Nguyễn Minh Châu

Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2013

HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT THỊ MÀU TRONG “QUAN ÂM THỊ KÍNH”


1. Vài nét về Vở chèo “Quan Âm Thị Kính”
“Quan Âm Thị Kính” còn có tên là Quan Âm tân truyện, là một truyện thơ Nôm Việt Nam. Truyện thơ này có nguồn gốc từ một chuyện cổ tích của xứ Cao Ly (nay là Triều Tiên – Hàn Quốc). Theo văn bản do Gs. Dương Quảng Hàm giới thiệu tại lần xuất bản duy nhất cho đến nay của Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội ấn hành vào năm 1961 thì truyện này gồm 786 câu lục bát.
Từ lâu, truyện thơ Quan Âm Thị Kính được xem là của tác giả “khuyết danh”, nội dung chính của truyện là cốt tả đức tính nhẫn nhịc và lòng từ bi của bà Thị Kính (nhân vật chính), vì đó mà sau này bà trở thành Phật Quan Âm. Theo bản văn do Gs. Dương Quảng Hàm giới thiệu, truyện gồm 786 câu, có thể chia thành 5 phần.
Phần 1: Thị Kính mắc oan giết chồng (câu 1-224)
Phần 2: Thị Kính đi tu (225-370)
Phần 3: Thị Kính mắc tiếng oan với Thị Mầu (371-584)
Phần 4: Thị Kính nuôi con Thị Mầu (585-692)
Phần 5: Thị Kính rửa sạch tiếng oan và thành Phật (693-786)
Về sau, Quan Âm Thị Kính được xây dựng lại thành một vở chèo, và chia làm 3 phần: Án giết chồng, Án hoang thai và Oan tình được giải – Thị Kính lên tòa sen.
2. Hình tượng nhân vật Thị Mầu
Thị Kính là một phụ nữ đã tài sắc vẹn toàn lại hiếu thảo hết lòng, được bố mẹ gả cho Sùng Thiện Sĩ – một thư sinh đẹp trai, chăm học. Một lần đọc sách mệt, Thiện Sĩ ngủ thiếp đi. Thị Kính ngắm nhìn khuôn mặt tuấn tú của chồng, bỗng nhận ra ở cằm chồng có một sợi râu mọc ngược. Sẵn con dao nhíp trong thúng khảo đựng đồ may, Thị Kính liền cầm lên định tỉa sợi râu. Bỗng Thiện Sĩ chợt tỉnh, nhìn thấy vợ cầm dao kề vào cổ mình, liền tri hô là vợ định giết mình. Thế là Thị Kính mang tội tầy đình, bị chồng ruồng bỏ, xã hội lên án.
Tình ngay lý gian, không sao giãi bày được nỗi oan, Thị Kính cắn răng chịu tủi nhục, quay về nhà cha mẹ. Nhưng rồi nỗi oan khổ cũng chẳng biết thổ lộ cùng ai, nàng bèn quyết tâm đi tu, trước là báo đáp ân sâu của cha mẹ, sau là tẩy rửa nỗi oan khiên. Đang đêm, nàng cắt tóc, cải trang thành nam tử và trốn khỏi nhà. Lại một lần nữa, Thị Kính bị mang tiếng oan, bởi thiên hạ đồn là bỏ nhà theo trai...Thật sự thì nàng tìm đến nương nhờ nơi cửa Phật để cõi lòng được bằng an, và được yên phận với những tháng ngày còn lại, nhưng nào có được như thế.
Sư cụ, không hề biết nàng là gái, bèn nhận nàng cho làm tiểu, đặt tên là Kính Tâm. Trong làng có Thị Màu, con gái của một phú ông, có tính lẳng lơ, đi lễ chùa, thấy Kính Tâm thì đem lòng yêu trộm. Bao lần Thị Màu tán tỉnh nhưng “chú tiểu” Kính Tâm vẫn cứ thản nhiên, càng làm cho Thị Màu say mê. Quen thói trăng hoa, Thị Màu bèn tư thông với một người đầy tớ trong nhà, không ngờ thị mang thai và bị làng phạt vạ. Thị Màu bèn vu vạ cho Kính Tâm ăn nằm với thị. Vì thế Kính Tâm bị làng đòi đến tra khảo, không biết biện bạch ra sao để gỡ mối oan này.
Sư cụ thấy “chú tiểu” bị đánh đòn đau, thương tình, kêu xin với làng nộp khoán. Dù thương xót Kính Tâm, nhưng vì sợ ô danh chốn thiền môn nên sư cụ cũng phải để Kính Tâm ra ở ngoài mái tam quan. Thị Màu sanh con trai, đem đứa bé bỏ trước cổng chùa. Động lòng từ bi, Kính Tâm ra ẵm lấy đứa bé và chăm lo nuôi nấng hết lòng.Ngày ngày, Kính Tâm phải bế đứa bé đi xin sữa khắp đầu làng cuối xóm trong sự cười chê của thế gian. Ba năm sau, Kính Tâm yếu hẳn đi, trước khi mất, viết một lá thư dặn đứa bé giao lại cho cha mẹ mình. Đứa bé vội lên chùa trên báo cho sư cụ. Lúc đó, mới hay Kính Tâm là đàn bà. Khi lá thư của nàng về đến quê thì mọi người biết nàng không phải là gái giết chồng. Nỗi oan tình của Thị Kính từ đó được tỏ, nhưng vẫn còn đọng lại một điều gì đó quá nặng nề với người đời.
Cần phải nhận thấy rằng, việc Kính Tâm nhận cái thai của Thị Màu cũng có nhiều nguyên nhân ẩn sâu bên trong. Là một người phụ nữ, Kính Tâm nhận thấy được cuộc sống và tình cảm của Thị Màu có những uẩn khúc riêng. Việc “không chồng mà chửa” của Thị Mầu (người phụ nữ) đối với đạo đức nghiệt ngã của xã hội thời bấy giờ là một tội trạng quá cỡ. Hình phạt có thể là gọt tóc bôi vôi rồi thả bè trôi sông. Vì vậy chúng ta có thể hiểu thêm, việc Thị Mầu đổ tội cho Kính Tâm không đơn thuần chỉ là hành động vu oan giá họa cho kẻ tu hành mà đó thực sự là kêu cứu lòng từ bi cứu khổ cứu nạn của phật. Và đây là điều cao cả chỉ có ở Kính Tâm – một người xuất gia, lại là nữ giới, sự kết tinh của từ bi, trí tuệ và tư chất hai ấy chính là lí do để Kính Tâm chịu oan để Thị Mầu bớt khổ. Như thể “nhẫn vô sanh nhẫn” ở đây hoàn toàn đâu phải là thái độ phản kháng tiêu cực và thụ động. Nhẫn ở đây là nhẫn nhục hiền hòa, là nhẫn điều khó nhẫn, là hy sinh chính mình, chịu oan chịu khổ thay người khi cuộc đời đang còn tràn đầy bất công nghiệt ngã.
Từ lôgic này mà việc Thị Mầu đem con bỏ trước cổng chùa là sự gửi gắm đúng địa chỉ. Tính hợp lí ở đây không đơn giản chỉ vị Thị Mầu thấy Kính Tâm mặc nhiên chịu oan nhận tội mà quan trọng hơn, Thị đã nhận ra được đức từ bi quảng đại của bậc chân tu này. Âu, đây cũng là bước để người ta xét lại con người Thị, những hành động mà Thị đã làm.
Đối lập hoàn toàn với Thị Kính là Thị Màu, Thị Màu lẳng lơ, sàm sỡ, táo bạo. Thị Màu đáng giận, đáng trách. Vì Thị Màu mà THị Kính bị oan, phải nuôi con trong chốn thiền môn. Từ chuyện tích này, dân gian có thành ngữ “oan Thị Kính” để so sánh với những nỗi oan khuất cùng cực mà không sao giãi bày được. Từ thành ngữ nói trên, đã hình thành một thành ngữ phái sinh là “oan Thị Màu” để nói đến việc đã rõ ràng mười mươi là do mình gây ra nhưng vẫn cứ kêu oan, như Thị Màu bị dân làng bắt vạ vì không chồng mà chửa mà vẫn cho rằng mình… oan!
Thực ra, Thị Màu đáng thương hơn đáng trách, đáng giận, có khi còn quá xót xa, thông cảm cho nhân vật này. Bởi vì người phụ nữ có quyền yêu nhưng không được yêu, có quyền được làm mẹ nhưng lạ không thể kàm mẹ. THị Màu yêu say đắm Kính Tâm nhưng không được đáp trả, nàng vốn có tính lẵng lơ nên đã tư thông với tên người hầu để phải chửa. Nàng chửa, rồi đổ vạ cho Kính Tâm khiến cho Kính Tâm phải chịu oan. Nhưng rồi tới khi sinh con cũng không được cha cho nuôi, bắt đem đứa con ấy đến chùa. Xót xa thay! Tình máu mủ đâu có thể nói bỏ là bỏ được. Chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau rồi phải mang đứa con mình ra trước cổng chùa, để phó mặc nó sống sao thì sống, ai mà không xót xa, thương cảm cho được. Như vậy, chẳng phải Thị Màu đã trở thành một kẻ đáng thương rồi sao?
Chiếu chèo sân đình tái hiện lại một Thị Màu thực dám sống, dám yêu và dám làm những điều chống lại xiềng xích của chế độ cũ - chế độ không cho người phụ nữ được thể hiện mình, chôn vùi cuộc đời họ bằng nhiều hình thức. Xét cho cũng, dù Thị Màu là con nhà Phú ông, là người có nhiều tính xấu nhưng số phận cũng gống như Thị Kính và những người phụ nữ khác, số phận đều bế tắc, không có lối thoát!
Nhắc đến hình tượng nhân vật Thị Màu, chúng ta cảm thấy động lòng khi đọc lại bài thơ "Thị Mầu" của nhà thơ Anh Ngọc:
"...Những xiềng xích phết màu sơn đạo đức
Mấy trăm năm không khóa nổi Thị Mầu,
Những cánh màn đã khép lại đàng sau
Táo vẫn rụng sân đình không ai nhặt,
Bao Thị Mầu trở về với đời thực
Vị táo còn chua mãi ở đầu môi."

Đáng phải nghĩ, đáng để chúng ta được suy xét lại khi phán xét một con người đáng thương trong xã hội cũ!

Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013

So sánh truyện cổ tích dân gian và truyện cổ tích hiện đại?


·    Định nghĩa truyện cổ tích, phân loại
Truyện cổ tích là những truyện truyền miệng dân gian kể lại những câu chuyện tưởng tượng xoay quanh một số nhận vật quen thuộc như nhân vật tài giỏi, nhân vật dũng sĩ, người mồ cô, người em út, người con riêng, người nghèo khổ, người có hình dạng xấu xí, người thông minh, người ngốc nghếch và cả những câu chuyện kể về các con vật nói năng và hoạt động như con người.
Căn cứ vào các nhân vật chính và tính chất của sự việc được kể lại, có thể chia truyện cổ tích ra làm 3 loại: Truyện cổ tích loài vật, truyện cổ tích thần kỳ và truyện cổ tích thế tục (cổ tích sinh hoạt). Căn cứ vào quan điểm lịch đại, và một số đặc điểm khác, người ta còn có các phân chia khác, chia truyện cổ tích ra thành 2 loại: truyện cổ tích dân gian và truyện cổ tích hiện đại.
·    Nội dung so sánh:
Truyện cố tích dân gian là những tác phẩm thường bằng văn xuôi truyền miệng, hư cấu với hình ảnh kỳ vĩ,c ó cấu trúc kết cấu truyện ổn định và hướng người nghe bằng hình thức kể chuyện. Truyện cổ tích hiện đại có hình thức truyện là tự sự, mang đặc điểm hư cấu được thừa nhận bởi tác giả và người nghe hoặc độc giả.
Truyện cổ tích hiện đại ra đời sau, tuy mang nhiều đặc điểm tương đồng cơ bản với truyện cổ tích dân gian nhưng vẫn có một số nét riêng của cùng một thể loại văn học:
Đặc điểm
Truyện cổ tích dân gian
Truyện cổ tích hiện đại
Tác giả
Là sản phẩm của nhiều thế hệ dân chúng (tức là không có tác giả cụ thể - khuyết danh)
Là sáng tác của cá nhân, có tên tuổi cụ thể,…
Phương thức lưu truyền
Vốn lưu truyền chủ yếu bằng hình thức truyền miệng và về sau được ghi chép lại.
Là thể loại được lưu truyền bằng văn bản
Tồn tại
Có nhiều dị bản khác nhau và hàng loạt môtip nghệ thuật có sẵn được lặp đi lặp lại nhiều lần.
Là sáng tác duy nhất và không lặp lại, được thể hiện thông qua cá tính sáng tạo của nhà văn và phát triển theo quy luật sáng tạo văn học.
Cốt truyện
Để phù hợp với phương thức truyền miệng à cốt truyện thường đơn giản, ngắn gọn.
Có đan xen cả cốt truyện từ đơn giản đến phức tạp; có trường hợp có tới 2-3 cốt truyện cố tích dân gian khác nhau được tác giả ghép nối vào nhau à truyện không phải để kể mà để đọc.
Nhân vật
Nặng về khái quát hóa, nhân vật mang đặc điểm loại tính nhiều hơn. Chủ yếu sử dụng những yếu tố có sẵn để miêu tả nhân vật theo con đường trừu tượng hóa, khái quát hóa. Nhân vật mang đặc điểm tâm lí và khắc họa chân dung ngắn gọn, được xây dựng chủ yếu qua con đường đối thoại và hành động.
Nhân vật vừa có tính khái quát vùa có tính cá thể. Trong các truyện cổ tích hiện đại, việc đi sâu vào miêu tả tâm lí nhân vật bước đầu được chú ý hơn. Ít đặt nhân vật vào những hoàn cảnh có tính chất hoang đường mà tập trung vào bề sâu bên trong của con người đó.
Triết lý, bình luận
Truyện cổ tích dân gian không có bình luận, có chăng chỉ là những lời giải thích sự việc xuất hiện ở phần kết thúc câu chuyện.
Trong truyện cổ tích hiện đại, lời bình luận, triết lí của tác giải không chỉ xuất hiện ở phần kết thúc mà nhiều khi được xen lẫn vào từng phần của câu chuyện. Sử dụng nhiều khái niệm mới, hiện đại.
Thế giới quan
Thể hiện quan niệm của con người về thiên nhiên, về thế giới xung quanh mình nhưng lại không phải biểu hiện nhận thức và sáng tạo nghệ thuật một cách có ý thức, không có phạm trù thế giới quan mà chỉ có phạm trù thẩm mĩ.
Quan niệm về thế giới quan, nhiệm vụ tư tưởng thẩm mĩ của thời đại và quan hệ với phương pháp nghệ thuật của nhà văn.




Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2013

SỬ THI TÂY NGUYÊN LÀ MỘT TẦNG VĂN HÓA CÓ MỘT PHỔ RẤT RỘNG

GỢI Ý LÀM BÀI
1.      Dẫn nhập (phần này điểm qua khái niệm của sử thi và văn hóa, tầng văn hóa, tính phổ quát của văn hóa)
- Sử thi là thuật ngữ văn học dùng để chỉ những tác phẩm theo thể tự sự, có nội dung hàm chứa những bức tranh rộng lớn và  hoàn chỉnh về đời sống nhân dân với nhân vật trung tâm là những anh hùng, dũng sĩ đại diện cho một thế giới nào đó.
- Văn hóa bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác, từ những sản phẩm tinh vi, hiện đại nhất cho đến tín ngưỡng, phong tục, tập quán, lối sống và lao động” (Định nghĩa văn hóa của UNESCO). Theo Lý Đảnh Thinh trong “Hiện đại dụng ngữ từ điển” thì cơ cấu văn hóa phân thành ba tầng lớp: vật chất cơ tầng (gồm kỹ thuật, kinh tế), xã hội tổ chức (gồm chính trị, giáo dục, pháp luật) và sinh hoạt tinh thần (gồm tôn giáo, trí thức, nghệ thuật và âm nhạc). Tính phổ biến (hay phổ quát) của các văn hóa (hay tầng văn hóa) còn gọi tắt là tính phổ của văn hóa (hay tầng văn hóa).
2.      Chứng minh
Tây Nguyên là một địa bàn rộng lớn nằm ở phía Tây Tổ quốc, là địa bàn cư trú của nhiều dân tộc anh em. Ở đây đã có một nền văn hóa lâu đời trong đó có sử thi, một thể loại văn học phát triển khá mạnh mẽ. Những tác phẩm sử thi được xem là những áng văn chương dân gian đặc sắc phản ánh cuộc sống lao động và chiến đấu của các dân tộc Tây Nguyên trong buổi bình minh của lịch sử. Mỗi dân tộc đều có tên riêng để chỉ cho loại thể sử thi: khan (Ê Đê), ot Ndrông (M’Nông), hơri (Jrai), hơmon (Bana), nôtông (Mạ),… Ngoài tên gọi sử thi, một số nhà nghiên cứu còn gọi bằng những tên khác như: anh hùng ca, trường ca, bài ca,…
Các dân tộc Tây Nguyên, dân tộc nào cũng có những bài sử thi. Trong đó thì kho tàng của người Ê Đê là đáng kể hơn cả. Bình diện phản ánh của sử thi vô cùng rộng lớn, vô hình chung đã khiến cho sử thi trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt cộng đồng các dân tộc thiểu số từ xưa đến nay ở nơi đây. Tính phổ quát của những giá trị văn hóa được đề cập trong các tác phẩm sử thi thể hiện ở 3 khía cạnh:
Thứ nhất là sự đa dạng, phong phú về hiện thực cuộc sống được phản ánh trong sử thi.
Thứ hai, sử thi Tây Nguyên đã nêu bật được vấn đề chiến tranh giữa các cộng đồng, bộ lạc.

Thứ ba, sử thi Tây Nguyên đề cập đến cuộc sống lao động sản xuất, sinh hoạt, tập tục, tín ngưỡng,… của đồng bào.

Thứ Tư, 5 tháng 6, 2013

PHÂN TÍCH HÌNH TƯỢNG ĐAM SAN TRONG ĐOẠN TRÍCH “ĐI TÌM NỮ THẦN MẶT TRỜI”

GỢI Ý LÀM BÀI
1Để làm tốt bài văn, học sinh cần nắm vững những kỹ năng phân tích một vật trong tác phẩm tự sự. Tuy nhiên, ở đây là Đam San, nhân vật chính của một tác phẩm sử thi. Do đó, phải hiểu rõ đạc trưng của thể loại sử thi, nhất là những đặc trưng của hình tượng anh hùng trong tác phẩm:
- Sử thi là những sáng tác tự sự miêu tả các sự kiện quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với đời sống tư tưởng và vận mệnh của một cộng đồng, dân tộc và nhân dân. Tác phẩm được sáng tác nhằm mục đích biểu hiện ý thức cộng đồng của nhân dân, dân tộc đối với quá khứ vẻ vang của mình. Chính vì thế, nội dung của sử thi bao giờ cũng là các sụ kiện mang tính toàn dân, toàn dân tộc, không phải là những câu chuyện riêng tư, cá nhân.
- Sử thi tập trung xây dựng hình tượng nhân vật anh hùng, tức là người đại diện cho sức mạnh của cộng đồng, của dân tộc. Ở Đam San, người anh hùng là hiện thân của một tù trưởng giàu mạnh, có tài năng vẻ đẹp, lập nên nhiều chiến công phi thường. Phẩm chất của Đam San cũng như các anh hùng khác ở các tác phẩm sử thi là phẩm chất của dân tộc, bộ lạc, của nhân dân. Họ mang tầm cỡ và vẻ đẹp dân tộc. Nói cách khác, khi xây dựng hình tượng anh hùng, sử thi nhằm đề cao,thậm chí phóng đại,sức mạnh cộng đồng trong các cuộc chiến tranh hay quá trình dựng xây đất nước. 
- Do yêu cấu biểu hiện ý thức cộng đồng, sức mạnh dân tộc, nghệ thuật của sử thi có những đặc trưng riêng biệt so với các thể loại tự sự khác. Đó là lối trần thuật khoan thai, trầm tĩnh, mang sắc thái ngợi ca, khoa trương, cường điệu.
2. Vài nét về đoạn trích “đi tìm nữ thần mặt trời”.
- Đăm san là sử thi anh hùng nổi tiếng của người Ê Đê, miêu tả những chiến công oanh liệt và những khát vọng tự do, hạnh phúc của người tù tường giàu mạnh, trẻ tuổi, tài năng lỗi lạc Đăm San. Tác phẩm thương được diễn xướng trong những ngày lễ hội lớn (khan). Tác phẩm gồm 8 chương, được chia làm 4 phần:
+ Phần 1 (chương I, II): theo tục nối dây, Đăm San lấy 2 hcij em Hơ Nhí và Hơ Bhí.
+ Phần 2 (chương III, IV, V): các tù trưởng Quạ (Mơtao Gơrư) và Sắt (Mơtao Mơxây) độc ác cướp vợ Đam San và tranh giành quyền lực mưu làm cho bộ tộc Đam San suy sụp. Đam San đánh bại hai tù trưởng để bảo vệ hạnh phúc gia đình và cuộc sống ấm no của cộng đồng.
+ Phần 3 (chương VI, VII): Đam San có khát vọng trở thành một tù trưởng hùng mạnh, vươn tới cuộc sống phóng khoáng, chàng chặt cây thần Smuk, cây sinh mệnh của dòng họ vợ, chinh phục thiên nhiêu, đi bắt nữ thần mặt trời nhưng thất bại/
+ Phần 4: (chương VIII): Đam San chết, Đam San cháu ra đời, nó lại theo con đường của cậu mình, dấn thân vào cuộc chiến mới.
- Đoạn trích “Đi tìm nữ thần mặt trời”  thuộc phần 3, chương 7 của tác phẩm. Sau khi đánh bại 2 tù trưởng hung bạo, chặt đổ cây thần Smuk, khai phá nương rẫy, lừng lẫy tiếng tăm, Đăm san đi bắt nữ thần mặt trời về làm vợ.
3. Trên cơ sở hiểu biết về thể loại sử thi và tác phẩm Đam San, có thể phân tích hình tượng người anh hùng Đam San, mà cụ thể là đoạn trích “Đi bắt Nữ thần Mặt Trời” theo các ý sau : 
- Đam San là người anh hùng có sức mạnh phi thường. Sức mạnh ấy có thể làm lay trời chuyển đất, khiến thần linh phải kiêng dè. Trên đường đi bắt Nữ thần Mặt Trời, chàng đã chặt một sườn núi, ném xuống bùn làm con đường để vựơt qua ranh giới giữa trời và đất. Đam San còn giết tê giác dưới vực thẳm, giết hùm trong núi cao, giết quạ diều trong cây trồng, giết ma quỷ trên các đường đi. Hành động ấy quả chưa từng có. Sức mạnh ấy quả phi phàm.
- Đam San mang vẻ đẹp kỳ diệu ở diện mạo và thân hình. Chàng vừa mềm 
mại, dẻo dai, lại vừa tươi tắn, nhanh nhẹn. Ngay cả trang phục, tư thế của chàng cũng rất đẹp (Chàng khoác màu đen màu trắng. Tay cầm lao. Gươm giắt thắt lưng; đầu mang khăn xếp; vai mang túi da,...). Nếu Asin trong Iliát của Home “từ đầu đến chân đuề ngời lên một niềm vinh quang chói lọi” (Bêlinxki) thì trong bộ tộc của Đam San ai cũng ngưỡng vọng chàng: Người nhà đi lại từ nhà sau ra nhà trước nhìn Đam San như một thần linh. Điều này là lẽ đương nhiên vì cả Asin và Đam San “không đại diện cho bản thân mà đại diện cho nhân dân, được miêu tả như là đại diện của nhân dân” Bêlinxki). 
- Nổi bật nhất ở Đam San là lòng quả cảm. Chàng từng chống lại tục nối dây, dám bắt trời thay đổi ý định và cuối cùng là đi chinh phục cả Nữ thần. Đam San hầu như không sợ bất kỳ trở lực nào. Chàng bạt đồi, san núi, phát rẫy, giết mãnh thú, hạ kẻ thù,... với lòng quả cảm. Ở đâu và bao giờ, Đam San cũng là người đứng hàng đầu, tạo nên các kỳ tích chưa từng có.
- Đam San luôn mang một khát vọng không cùng. Có những thử thách,chàng biết thật to lớn, nhưng vẫn quyết tâm thực hiện. Bằng chứng là khi nghe Đam Pắc Quây khuyên can: Xương người đầy bìa rừng, xương trâu bò đầy núi. Chỗ ấy đã chết biết bao tù trưởng khoẻ mạnh và cương quyết. Đất trong rừng là đất đen nhão như nước. Nhiều tù trưởng đã chết lún trong đất lỏng ấy,... Nhất định không để anh vào rừng của trời, rừng đầy chông gai, nhiều đến nỗi con sóc có nhày vào thì thân đã bị đâm thủng trước lúc chân sở tới đất thì Đam San vẫn một mực thực hiện ý định của mình: 
- “Mặc kệ ! Để tôi kiếm một lối đi. Tôi sẽ đi tới chỗ tôi muốn ! Gặp hùm tôi sẽ giết hùm”.
Không ai ngăn cản được ý định của Đam San. Hành động đi bắt Nữ thần Mặt Trời là đỉnh cao trong khát vọng chinh phục thiên nhiên của Đam San. Đến khi phải gục ngã trong rừng sáp đen, khát vọng của Đam San không tắt. Chàng hoài thai để tiếp tục thực hiện khát vọng của mình. Do đó, hành động mang tính cách liều lĩnh với ước vọng ngây thơ của Đam San không khiến chàng đối lập với bộ tộc của mình. Trái lại, nó ngời sáng lý tưởng của cả bộ tộc nên chàng tái sinh để trở thành tù trưởng mới.

- Đam San là người anh hùng của bộ tộc, người đại diện cho cả cộng đồng nên tất cả câu chuyện trong bản sử thi đều xoay quanh chàng, đều góp phần tôn vinh, ca ngợi Đam San. Vì thế, hình tượng anh hùng Đam San đậm chất phi thường, trở thành vẻ đẹp hoành tráng, đời đời. Hình tượng nghệ thuật Đam San là biểu hiện tập trung nhất cho đặc trưng thể loại sư thi ở tác phẩm này.

Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013

THƯ GỬI THẦY HIỆU TRƯỞNG NGÔI TRƯỜNG THU HỌC PHÍ VƯỢT TRẦN

Một bức thư đáng để những người sinh viên - thế hệ trẻ tương lai của đất nước được dừng lại và suy ngẫm
Thầy hiệu trưởng kính mến!
Cháu sinh ra trong một gia đình thuần nông tại Quảng Ngãi, bố cháu là thợ xây, mẹ cháu là nông dân. Cuộc sống không khá giả nhưng cũng không quá nghèo khổ, nói chung là chỉ đủ trang trải những nhu cầu sinh hoạt thiết yếu hằng ngày. Tất cả tình yêu thương ba mẹ cháu đều dành cho các con. Ba mẹ cháu chưa bao giờ dám nghĩ tới việc đi chơi đây đó hay mua một thứ gì xa xỉ.
Gia đình cháu có sáu người gồm ba mẹ, ba anh trai và cháu. Cuộc sống gia đình tuy không đầy đủ nhưng rất ấm cúng và hạnh phúc. Khi cháu bước chân vào đại học cũng chính là lúc kinh tế gia đình đi xuống, cháu biết điều đó nhưng không thể làm gì hơn, chỉ biết cố gắng học để nhanh chóng ra trường đi làm phụ giúp ba me. Các anh trai cháu cũng đang trong thời gian đi tìm việc, vì điều kiện không cho phép nên các anh cháu chỉ học đến trung cấp và việc tìm việc trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Do đó các anh của cháu cũng không phụ giúp gì nhiều.
Khó khăn đến vậy nhưng không bao giờ ba mẹ cháu than thở hay ngăn cấm việc học của con cái mình. Mỗi lần ba mẹ gửi tiền vào, ba mẹ luôn gọi hỏi cháu có nhận được chưa, luôn động viên cháu học tốt. Những lúc như thế cháu biết ba mẹ phải ăn uống tằn tiện thế nào để gom góp cho cháu và có khi phải đi vay nặng lãi. Vâng, cháu thật sự biết ơn ba mẹ cháu. Họ là những người tuyệt vời nhất thế gian.
Khi có chính sách hỗ trợ cho sinh viên vay tiền của Nhà nước (8 triệu đồng/một năm) thì có vẻ như ba mẹ cháu có thể đỡ hơn. Nhưng không, thưa cô chú, học phí một năm của cháu đã hơn 7 triệu/ năm. Như vậy số tiền đó chỉ đủ để trang trải học phí thôi, còn tiền sinh hoạt hằng ngày, tiền làm đề tài nghiên cứu khoa học…. là cả một vấn đề lớn.
Với vài sào ruộng, mẹ cháu luôn là người phụ nữ giỏi nhất. Mẹ cháu thức dậy vào lúc gà gáy và kết thúc vào lúc đêm khuya. Bà phải quán xuyến mọi công việc trong nhà, từ việc nấu ăn, nuôi lợn, chăn bò, rồi đi trồng rừng, đi cấy thuê…. Mỗi khi mưa bão về thì bà phải đội dông bão để chăm lo cho từng sào ruộng, từng con gà, con lợn…. và khi mất mùa do bão, mẹ cháu chỉ biết kêu trời.
Cho đến giờ mẹ cháu đã chắt chiu tất cả cho chúng cháu, mẹ cháu không còn dáng dấp của một người phụ nữ bốn mươi nữa, trán mẹ đã hằn nhiều nếp nhăn, bàn tay mẹ thô ráp và nhiều xương. Nắm bàn tay mẹ, lòng cháu đau nhói.
Ba cháu là thợ xây. Những lúc còn ở quê, cháu thường đi phụ hồ với ba để có thêm thu nhập. Và những lúc như thế cháu mới biết công việc đó cực nhọc như thế nào. Ba cháu bắt đầu một ngày vào lúc sáu giờ sáng và kết thúc lúc năm giờ chiều. Khi về tới nhà, ông lại lên trang trại nhỏ của gia đình cháu (gọi là trang trại nhưng thực chất nó chỉ có vài con gà, lèo tèo vài con lợn và một con bò già). Ông phải cho chúng ăn, rồi nhốt chúng lại. Sau đó ông mới về nhà và dùng bữa tối, đến 21 giờ ông lại quay lại lên trang trại để ngủ đến sáng.
... Nhưng giờ đây, thưa thầy, một sự thật mà cháu phải chấp nhận đó là học phí tăng cao. Đồng nghĩa ba mẹ cháu sẽ có nhiều phương án lựa chọn hơn cho cháu. Một là ba mẹ cháu phải còng lưng làm nhiều hơn nữa, phải nuôi thêm nhiều gà, nhiều lợn hơn nữa. Hai là bán những thứ còn lại trong nhà đi như xe máy - phương tiện và là kế sinh nhai của ba, chiếc xe đạp - phương tiện đi lại của mẹ…. Ba là cháu phải nghỉ học.
Đúng, cháu có thật nhiều phương án để lựa chọn. Và cháu chắc có lẽ thầy rất thích thú với điều này? Thật sự cháu không thể hiểu nổi tại sao ngay từ khi cháu nhập học vào trường này, các thầy cô không nói rõ là một năm sẽ tăng học phí một lần, mà chỉ ca ngợi trường này đến tận mây xanh nào là giáo viên tốt, cơ sở vật chất tốt nhất thành phố, nào là phòng học đầy đủ tiện nghi… và giờ đây có lẽ những điều này chỉ có trong mơ mà thôi.
Thưa thầy, chỉ một lần duy nhất, thầy thử là một sinh viên và ngồi vào phòng học của các lớp để cảm nhận cái chất lượng mà chính các thầy đã ca ngợi. Đặc biệt, xin thầy hãy đi vào các tiết từ 4-6, tiết 7-9 và ngồi vào các lớp ở dãy nhà T, nhà A, nhà D. Cháu chắc chắn thầy sẽ bị đổ mồ hôi như tắm, người thì nóng rừng rực, đầu óc thì quay cuồng.
Và khi bước ra khỏi lớp thầy sẽ mừng vì vừa thoát khỏi địa ngục "nóng". Cháu không có ý mời thầy đi để thầy bị hành hạ như thế, chỉ là cháu muốn thầy biết rằng việc tăng học phí của thầy là vô nghĩa đối với việc chất lượng dạy và học sẽ tăng cao theo đúng nghĩa như các thầy nói.
Vậy việc tăng học phí mỗi năm một lần như thế này thì có lợi ích như thế nào và cho ai? Cháu chắc rằng câu hỏi này chỉ có thầy mới trả lời được mà thôi.
Vì thế đại diện cho các bạn, cháu viết lá thư này gửi đến thầy hi vọng sẽ có chút thay đổi cho tương lai của sinh viên trường mình cũng như tương lai của trường ạ.
Xin cảm ơn thầy đã dành thời gian để đọc thư của cháu!
T.D (SV của trường)
(trích đăng bức thư của SV  gửi về Báo Tuổi Trẻ)