Sống trong đời sống cần có một tấm lòng!

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng!

Thứ Ba, 26 tháng 2, 2013

Châm ngôn thơ: (Phần 1 - 2)


10
Giúp thành công, xin có
Một bí quyết nho nhỏ:
Làm những việc bình thường
Bằng say mê phi thường.

11
Người lạc quan luôn thấy
Cơ hội trong khó khăn.
Người bi quan cằn nhằn
Khó khăn trong cơ hội.

12
Không phải ai cũng biết
Cái nghịch lý thế này:
Muốn giữ chặt hạnh phúc
Thì cần phải nới tay.

13
Theo qui luật vật lí:
Cho thì sẽ không còn.
Theo qui luật từ thiện:
Cho - mình sẽ nhiều hơn.

14
Chưa có cái ta mong,
Đừng buồn, đừng đau khổ.
Hãy biết vui, yên lòng
Với cái ta đang có.

15
Có thể ta không thắng,
Nhưng phải đấu đến cùng.
Có thể không thành công,
Nhưng phải luôn có gắng.

16
Lời nói và thời gian -
Phải suy đi, tính lại,
Vì cả hai cái này
Không thể nào lấy lại.

17
Gặp khó khăn, mất mát,
Bất cứ với điều gì,
Đừng tìm một lối thoát,
Mà tìm một hướng đi.

18
Chúng ta có thể ghét
Những người mình đã yêu.
Chúng ta rất khó yêu
Những người mình đã ghét.

19
Một khi anh có thể
Không coi trọng chính mình,
Thì làm sao người khác
Không xem thường, không khinh?

20
Giá trị một món quà
Không ở lớn hay nhỏ,
Mà ở cách người ta
Nói và đưa tặng nó.

Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2013

KHÁI QUÁT VỀ TÁC PHẨM VĂN HỌC


KHÁI QUÁT VỀ TÁC PHẨM VĂN HỌC
I. KHÁI NIỆM CHUNG
Tác phẩm văn học là công trình nghệ thuật ngôn từ do một cá nhân hoặc một tập thể sáng tạo nhằm thể hiện những khái quát về cuộc sống, con người; biểu hiện tâm tư, tình cảm, thái độ ...của chủ thể trước thực tại bằng hình tượng nghệ thuật
Tác phẩm văn học có thể tồn tại dưới hình thức truyền miệng (văn học dân gian, folklore văn học) hay dưới hình thức văn bản nghệ thuật được giữ gìn  qua văn tự (văn học viết, văn học bác học), có thể được viết bằng văn vần hay văn xuôi. Xét về dung lượng, tác phẩm văn học có thể rất đồ sộ như Chiến tranh và hòa bình của L. Tônxtôi, Sông Ðông êm đềm của Sôlôkhốp, Những người khốn khổ của V. Hugo hoặc cũng có thể chỉ là một bài thơ ngắn vài ba câu...
Tác phẩm văn học bao giờ cũng là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan
II. TÁC PHẨM VĂN HỌC LÀ CHỈNH THỂ CƠ BẢN NHẤT ĐỜI SỐNG VĂN HỌC.
1. Tầm quan trọng của tác phẩm trong đời sống văn học.
    Ðời sống văn học bao gồm nhiều chỉnh thể: tác phẩm, tác giả, trào lưu, nền văn học của một dân tộc. Trong những chỉnh thể đó, tác phẩm văn học là đơn vị cơ bản, trực tiếp của người sáng tác, nghiên cứu, phê bình, thưởng thức. Chính vì vậy, có thể nói tác phẩm văn học có một tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống văn học. Tầm quan trọng đó còn được biểu hiện trên các phương diện của việc nghiên cứu văn học Mọi bộ môn của khoa nghiên cứu văn học đều xuất phát từ sự tìm hiểu, phân tích, nghiên cứu tác phẩm.
Từ sự phân tích tác phẩm, lịch sử văn học mới có thể đánh giá thành quả của từng tác giả, dựng lại chân thật bộ mặt văn học của một thời kì lịch sử, khái quát những qui luật phát triển của văn học dân tộc, khu vực... Phê bình văn học cũng luôn tiếp xúc trực tiếp với những tác phẩm cụ thể nhằm kịp thời khẳng định, biểu dương những tìm tòi, khám phá, sáng tạo, ngăn chặn những biểu hiện lệch lạc về cả hai phương diện nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật. Trên cơ sở nghiên cứu tác phẩm, lí luận văn học mới có thể khái quát một cách chính xác các vấn đề đặc trưng, bản chất, qui luật phát triển của văn học. Việc giảng dạy văn học, nhất là giảng văn, đòi hỏi thầy trò phải tiếp xúc trực tiếp với tác phẩm. Những nguyên tắc và phương pháp phân tích do lí luận đề xuất chỉ mới là chỗ dựa cần thiết cho việc giảng dạy chứ không thể thay thế cho việc tìm hiểu trực tiếp tác phẩm được.
Như vậy, mọi vấn đề của văn học đều tập trung trước hết ở tác phẩm. Có thể coi tác phẩm như một chỉnh thể trung tâm của hoạt động văn học.
Tính chỉnh thể của tác phẩm văn học được xem xét chủ yếu trong mối quan hệ giữa nội dung và hình thức.
2. Nội dung và hình thức của tác phẩm văn học.
2.1. Nội dung của tác phẩm nghệ thuật.
Khái niệm nội dung có cơ sở vững chắc từ mối quan hệ mật thiết giữa văn học và hiện thực, nó bao hàm cả nhân tố khách quan của đời sống và nhân tố chủ quan của nhà văn, nó vừa là cuộc sống được ý thức, vừa là sự đánh giá- cảm xúc đối với cuộc sống đó. Vì vậy, người ta thường nói đến hai cấp độ của nội dung tác phẩm. Cấp độ thứ nhất là nội dung cụ thể (nội dung trực tiếp). Khái niệm này nhằm chỉ dung lượng trực cảm của tác phẩm. Ðó là sự thể hiện một cách sinh động và khách quan một phạm vi hiện thực cụ thể của đời sống với sự diễn biến của các sự kiện, sự thể hiện các hình ảnh, hình tượng, sự hoạt động và quan hệ giữa các nhân vật, suy nghĩ và cảm xúc của các nhân vật...Xuyên qua nội dung cụ thể của tác phẩm, ở một cấp độ cao hơn, sâu hơn là nội dung tư tưởng (nội dung khái quát). Ðó chính là sự khái quát những gì đã trình bày trong nội dung cụ thể thành những vấn đề của đời sống và giải quyết những vấn đề ấy theo một khuynh hướng tư tưởng nhất định. Như vậy, có thể nói nội dung của tác phẩm là toàn bộ những hiện tượng thẩm mĩ độc đáo được phản ánh bằng hình tượng thông qua sự lựa chọn, đánh giá chủ quan của người nghệ sĩ, tức là tiếng nói riêng của nhà văn bao gồm những cảm xúc, tâm trạng, lí tưởng, khát vọng của tác giả về hiện thực dó. Khi nói đến nội dung của tác phẩm, Secnưxepki không chỉ nhấn mạnh việc "tái hiện các hiện tượng hiện thực mà con người quan tâm" mà còn nhấn mạnh đến việc "giải thích cuộc sống", "đề xuất sự phán xét đối với các hiện tượng được miêu tả". Ông viết: "Thể hiện sự phán xét đó trong tác phẩm là một ý nghĩa mới của tác phẩm nghệ thuật, nhờ đó nghệ thuật đứng vào hàng các hoạt động tư tưởng, đạo đức của con người". Có thể mượn những câu thơ mở đầu Truyện Kiều của Nguyễn Du để nói về nội dung tác phẩm văn học :
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu .
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Chu Mạnh Trinh khi nhận xét về Truyện Kiều cũng cho rằng: "Nếu không phải có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời thì tài nào có cái bút lực ấy". Có thể coi con mắt trông thấy cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời chính là vấn đề của nội dung thì có thể coi cái bút lực ấy lại là một trong những vấn đề thuộc về  hình thức tác phẩm.
2.2.2. Hình thức của tác phẩm nghệ thuật
Là một hệ thống các phương tiện và phương thức thể hiện nội dung. Nó được hợp thành bởi nhiều yếu tố: nghệ thuật sử dụng các chất liệu, phương tiện nghệ thuật, các qui định của loại thể, những biện pháp kết cấu, cách xây dựng nhân vật, thể hiện hình tượng...Tất cả đều nhằm mục đích biểu hiện trực tiếp và sinh động nội dung của tác phẩm, tạo thành một dạng tồn tại nhất định của nội dung ấy, qua đó xây dựng tác phẩm thành một chỉnh thể nghệ thuật thống nhất. Biêlinxki cho rằng: Dù một bài thơ có chứa chất những tư tưởng đẹp đến mấy đi nữa... nhưng nếu trong nó không có tính thơ thì nó cũng chỉ  là một dụng ý đẹp đã được thực hiện tồi. Rêpin cũng nói: Ý tưởng anh đẹp đẽ như vậy nhưng anh vẽ tồi thì anh chỉ làm cho người ta ghê sợ và coi rẽ ý tưởng của anh mà thôi. Như vậy, hình thức là một yếu tố rất quan trọng của tác phẩm nghệ thuật. Ông Phạm văn Ðồng nhấn mạnh tầm quan trọng của hình thức nghệ thuật : Giá trị hình thức rất quan trọng. Bởi vì không có giá trị nghệ thuật thì không thể có tác phẩm nghệ thuật được ! Nó là con số không ! Chúng ta đều phải hiểu như vậy...Tư tưởng, nội dung tư tưởng phải đúng và nói về mặt yêu cầu thì nó phải một trăm phần trăm nhưng giá trị nghệ thuật cũng cần thiết, đòi hỏi cũng phải trăm phần trăm chứ không phải là năm mươi và năm mươi cộng lại. Bởi vì một tác phẩm không có giá trị nghệ thuật là không có nghĩa gì hết. Nó không phải là một sản phẩm. Cũng như có thể có những đồng chí có tư tưởng tốt lắm, nghĩa là như Lênin nói, khi chết có thể lên thiên đường, nhưng không làm được việc ! Chính những tác phẩm đúng về tư tưởng nhưng không có giá trị nghệ thuật cũng giống như những con người ấy
2.2.3. Mối quan hệ giữa nội dung và hình thức
Nội dung và hình thức vốn là một phạm trù triết học có liên quan đến mọi hiện tượng trong đời sống. Hình thức tất yếu phải là hình thức của một nội dung nhất định và nội dung bao giờ cũng là nội dung được thể hiện qua một hình thức. Không thể có cái này mà không có cái kia hoặc ngược lại. Tác phẩm nghệ thuật là một hiện tượng xã hội, cho nên trong những tác phẩm nghệ thuật có giá trị, nội dung và hình thức luôn luôn thống nhất khắng khít với nhau.
Nói về một tác phẩm có giá trị, Biêlinxki cho rằng: Trong tác phẩm nghệ thuật, tư tưởng và hình thức phải hòa hợp với nhau một cách hữu cơ như tâm hồn và thể xác, nếu hủy diệt hình thức thì cũng có nghĩa là hủy diệt tư tưởng và ngược lại cũng vậy. Ở một chỗ khác, ông viết Khi hình thức là biểu hiện của nội dung thì nó gắn chặt với nội dung tới mức là nếu tách nó ra khỏi nội dung, có nghĩa là hủy diệt bản thân nội dung và ngược lại, tách nội dung khỏi hình thức, có nghĩa là tiêu diệt hình thức.
Sự thống nhất giữa nội dung và hình thức được biểu hiên ở 2 mặt: nội dung quyết định hình thức và hình thức phù hợp nội dung.
Trong mối tương quan giữa nội dung và hình thức, nội dung bao giờ cũng đóng vai trò chủ đạo. Nó là cái có trước, thông qua ý thức năng động và tích cực của chủ quan nghệ sĩ,  cố gắng tìm một hình thức phù hợp nhất để bộc lộ một cách đầy đủ, hấp dẫn nhất bản chất của nó.

Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2013

Châm ngôn thơ: (Phần 1 - 1)


Vài dòng châm ngôn bằng thơ của Thái Bá Tân, hy vọng bản thân sẽ đóng được vai trò “người truyền tải” đến với những ai quan tâm đến Blog. Đây là phần một, xin cập nhật 10 bài trước, tuần sau sẽ có thêm 10 bài nữa)
1
Cây ngay thường chết đứng,
Dây leo chẳng hề gì.
Đó cũng là sự thật,
Tin hay không thì tùy.

2
Ai cũng biết kim cương
Vì hiếm mà giá trị.
Nếu kim cương có nhiều
Ắt sẽ không còn quí.

3
Mọi cái ở trên đời
Đều có tính so sánh.
Nếu không có mặt trời,
Vàng sẽ không lấp lánh.

4
Nhiều khi, kể cũng lạ,
Rằng đời cũng cần buồn.
Vì đời mà vui quá,
Đời sẽ thành rất buồn.

5
Muốn xây nhà, trước hết
Phải làm móng, đổ nền.
Xưa nay ai có thể
Túm tóc mình kéo lên?

6
Không hề có khái niệm
Bất hạnh hoặc không may,
Chỉ có cách nhìn nhận
Tiêu cực về điều này.

7
Biết nơi mình đang đứng
Là quan trọng, dẫu sao
Cái thực sự quan trọng:
Biết mình đi hướng nào.

8
Ở đời, hỏi có gì
Hơn lòng thương, lẽ phải?
Mọi cái sẽ qua đi,
Chỉ tình người ở lại.

9
Bắt đầu từ việc dễ,
Phải từ từ, vừa vừa:
Ai, một tay, có thể
Nâng cả hai quả dưa?

10
Giúp thành công, xin có
Một bí quyết nho nhỏ:
Làm những việc bình thường
Bằng say mê phi thường.

Thứ Năm, 14 tháng 2, 2013

14-2

VALENTINE…
Cái cảm giác được che chở, được lo lắng nay biến đi đâu?
Valentine, tức ngày 14-2… Năm nào cũng vậy, chẳng có gì thay đổi trong quỹ thời gian 365 ngày và 6 giờ lẻ. Người ta vẫn thường nhớ tới ngày này như một dấu mốc để ghi nhớ công ơn của vị thánh Valentine, người hy sinh cuộc đời để tranh đấu vì tình yêu. Nguồn gốc thì search trên Google có thể ra hàng trăm, hàng nghìn nhưng điều đó cũng chẳng mấy người quan tâm lắm. Người ta cứ nghĩ rằng đó là Ngày lễ tình yêu (hay Ngày lễ tình nhân) và nếu có ai đó yêu thương thì rủ nhau đi chơi, có một vài kỷ niệm nho nhỏ gọi là…
Nhưng rồi, họ cứ nghĩ đơn giản là thế. Ngày tình yêu, người ta tặng cho nhau một vào món quà nhỏ. Món quà ấy không quan trọng là vật chất nhưng nó là dấu ấn ghi nhận tình yêu. Dần dà, mọi chuyện quên dần đi… người ta chẳng còn quan tâm đến nhau như trước nữa. Tình yêu bổng chốc trở nên mong manh dễ vỡ hơn bao giờ hết! Yêu chưa chắc đã đủ… Vậy nếu không đủ thì sẽ thiếu cái gì?
Rất nhiều người cho rằng cái thiếu đó là vật chất. Nhưng ai cũng hiểu rằng vật chất có thể làm ra. Trước đây vài năm, khi bắt đầu học Đại học, tôi đi dạy thêm từ thứ 2 đến thứ 6 với giá 600 ngàn đồng/tháng mà vẫn cảm thấy vui vẻ, thoải mái. Giờ đây, người ta đi làm tháng 5-7 triệu mà vẫn kêu là thiếu thốn, không vừa ý. Học xong Đại học với mức lương khởi đầu là 2tr300 ngàn đồng đã cảm thấy hạnh phúc với công sức mình bỏ ra, nhưng rồi chẳng ai tin với mức lương đó người ta có thể lấy vợ, xây nhà, nuôi con. “Trời sinh voi sinh cỏ” đã là câu nói xa xưa, ai cũng bảo thế. Nhưng rồi nhiều đứa chưa tới 20 tuổi lập gia đình và sinh con sớm, cha mẹ lại chẳng có gì khi là những người nông dân nghèo đông con vẫn có thể đi lên. Không thể nói “đi lên từ bàn tay trằng” mà nên nói “đi lên từ bàn tay bùn”. Tình yêu cuộc sống và lòng tin đã giúp con người ta như vậy nên có trường hợp ngược lại, khi mọi thứ tỏ ra đầy đủ người ta vẫn có thể li dị, mất trắng. Vậy cái thiếu có chăng là lòng tin?
Lòng tin giúp con người ta đứng vững, giúp con người ta sống và tin vào ngày mai. Người ta cứ đem sức mình ta mà làm việc, mà sống, mà yêu thương,… Người ta biết trân trọng và hạnh phúc với những gì mà người ta đang có. Chúng ta chẳng tài năng mà ngược lại chúng ta có quá nhiều thói xấu. Thế nhưng, chúng ta ỷ lại, chúng ta muốn hưởng thụ khi còn quá trẻ để rồi chúng ta tỏ ra ích kỷ, ít cảm thông hơn với những người bên cạnh. Chúng ta vẫn sống, vẫn yêu thương nhưng tình cảm của chúng ta dần chai sạn. Chúng ta không thể hiện được tình yêu để rồi những người xung quanh cảm thấy như ta sống mà không có tình yêu, hay nói nặng hơn là “không có quả tim”. Chúng ta sống như vậy, có khi nào chúng ta sẽ…
Tết Bắc, vẫn cảm nhận được không khí. Thế nhưng, khi người ta no đủ thì người ta chẳng còn cảm giác Tết nữa. Nhưng đồ Tết lúc nào cũng có, không khí Lễ hội vẫn thường xuyên có, những gia đình nghèo khổ nay đã có cuộc sống tốt đẹp hơn,… thì chẳng cón ai nhận ra Tết nữa. 3 ngày Tết trôi đi một cách nhanh chóng, khác thường nếu không muốn nói là vô vị. Vô vì với cái Tết truyền thống, vô vị với tình cảm thân quen và vô vị với những người đi xa về.
Ngày Lễ, nhất là những ngày cho trai gái mới lớn, cho tình yêu trong năm không phải là hiếm. Người ta gặp nhau nhiều đến mức người ta chẳng có nhớ đến ngày của nhau, thậm chí ngày của chung. Thế đó, Valentien cũng thẩn thờ trôi trong cái không khí lạnh của Việt Nam. Lâu lâu còn nghe thấy người ta đổ cho nhau rằng không nhớ vì ngày lễ đó xuất phát từ phương Tây nên chẳng cần quan trọng làm gì, quà cáp gì cho mất công. Thế nhưng, người ta đâu có hiểu đó chỉ đơn giản là ngày để nói được ra những yêu thương dành cho nhau?
Không có lời yêu thương, không có món quà nào trao tặng thậm chí không có hồi âm… Kết thúc, rồi còn đâu…