Sống trong đời sống cần có một tấm lòng!

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng!

Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012

LỜI VĂN NGHỆ THUẬT TRONG TÁC PHẨM VĂN HỌC


Chương 5:
LỜI VĂN NGHỆ THUẬT TRONG TÁC PHẨM VĂN HỌC
I. NGÔN NGỮ VÀ LỜI VĂN NGHỆ THUẬT
1. Phân biệt ngôn ngữ và lời văn (lời nói)
Trong "Giáo trình ngôn ngữ học đại cương", F. De Saussure đã đưa ra một phân biệt nổi tiếng giữa ngôn ngữ (langue) và lời nói (parole). Theo ông, ngôn ngữ là một hệ thống kí hiệu tạo thành một kho tàng dự trữ trong tư duy của một cộng đồng người. Mỗi kí hiệu bao gồm hai phương diện gắn liền với nhau như hai mặt của một tờ giấy: cái biểu đạt và cái được biểu đạt. Cái biểu đạt trong ngôn ngữ gọi là vỏ vật chất còn cái được biểu đạt là khái niệm. Giữa chúng có mối quan hệ võ đoán tuyệt đối hay tương đối do qui ước của xã hội mà nhiều khi không thể giải thích một cách tường tận được.
Lời nói là sản phẩm của cá nhân, là sự vận dụng kho tàng ngôn ngữ của từng người trong từng hoàn cảnh cụ thể. Ngôn từ trong tác phẩm là một kiểu lời nói (lời văn) nghệ thuật do nhà văn sáng tạo trên cơ sở sản phẩm xã hội mà ông ta tiếp thu được. Lời văn nghệ thuật này chính là đối tượng của sự tìm hiểu, phân tích tác phẩm văn học.
2. Lời văn trong tác phẩm văn học là một hiện tượng nghệ thuật.
    Ðặc điểm chung của văn học nghệ thuật là phản ánh cuộc sống bằng hình tượng nhưng trong mỗi bộ môn và loại hình nghệ thuật khác nhau, các hình tượng có những đặc điểm cụ thể riêng. Những đặc điểm cụ thể đó của hình tượng được qui định bởi chất liệu và phương tiện riêng. Trong nghệ thuật tạo hình, hội họa sử dụng đường nét, màu sắc; điêu khắc dùng hình khối nhằm trực tiếp miêu tả các hiện tượng của đời sống. Trong nghệ thuật biểu hiện, âm nhạc sử dụng âm thanh, múa dùng điệu bộ, dáng vẻ đã được cách điệu hóa...Trong loại hình nghệ thuật tổng hợp, người ta sử dụng nhiều phương tiện của các ngành nghệ thuật khác nhau nhằm phục vụ cho việc diễn xuất.
Văn học, một loại hình nghệ thuật độc lập, phát triển song song với các loại hình nghệ thuật khác nhưng lấy ngôn ngữ làm phương tiện diễn đạt. Ngôn ngữ là yếu tố đầu tiên của văn học. Tuy nhiên ngôn ngữ không phải là phương tiện diễn đạt riêng của văn học. Nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống cũng sử dụng ngôn ngữ. Vậy, ngôn ngữ văn học có gì khác so với các lĩnh vực khác?
3. Ðặc trưng của lời văn nghệ thuật.
1.3.1. Tính chính xác, trong sáng có thể được coi là đặc trưng đầu tiên của lời văn nghệ thuật. Chỉ với những lời văn chính xác, trong sáng, nhà văn mới có thể biểu hiện một cách đúng đắn và đầy đủ những sắc thái, cảm xúc, những điều mà nhà văn muốn diễn đạt. Ngôn ngữ nói chung có thể diễn đạt được mọi thứ nhưng để đạt được điều đó, nhà văn phải vật lộn, học hỏi, tích lũy... Nói như một nhà văn: "Trên đời không có sự giày vò nào ghê gớm hơn sự giày vò của ngôn ngữ" hoặc như Maiacôpxki từng viết:
Làm thơ
Chẳng khác gì khai thác
Chất hiếm radium
Lấy một gam
Mất hàng năm lao lực
Chỉ mỗi một từ
Có khi mất đứt
Hàng trăm nghìn
Tấn quặng xỉn ngôn từ.
(Nói chuyện với người thanh tra tài chánh)
Tính chính xác của lời văn nghệ thuật cần được hiểu không phải theo nghĩa cơ giới, toán học mà là sự diễn đạt hoàn hảo nhất một tâm trạng, một sự vật, một ý nghĩ, một hiện tượng bằng một từ duy nhất đúng. Guy de Maupassant cho rằng "Ðối tượng mà anh (nhà văn) muốn nói đến, dù là cái gì đi nữa, cũng chỉ có một từ biểu hiện nó". Người ta thường nhắc đến việc chọn lựa từ ngữ trong sáng tạo nghệ thuật qua câu chuyện "thôi, xao". Một hôm, Giả Ðảo (779-843), một nhà sư hoàn tục cưỡi ngựa về Tràng An. Ông đương bận nghĩ đến 2 câu thơ vừa mới sáng tác:
Ðiểu túc trì biên tụ
Tăng thôi nguyệt hạ môn"
(Chim đậu ở cây bờ ao
Nhà sư đẩy cửa dưới trăng)
Giả Ðảo băn khoăn không biết nên dùng chữ thôi (đẩy cửa) hay xao (gõ cửa).  Ông buông cương, huơ tay bắt chước nhà sư lúc đẩy cửa, lúc gõ cửa. Ngựa đi vào đám quân của một vị quan đang đi kinh lí. Quân lính bắt Giả Ðảo trình quan. May thay, viên quan đó chính là Hàn Dũ. Sau khi nghe Giả Ðảo bày tỏ sự việc, Hàn Dũ suy nghĩ và góp ý nên dùng chữ "xao" (gõ). Có lẽ gõ gợi lên được hình tượng về âm thanh. Sau này, người ta thường dùng  chữ "thôi, xao" với ý nghĩa là cân nhắc từng chữ để sửa chữa bài văn, bài thơ cho thật tốt.
Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã dùng hàng loạt các từ khác nhau để chỉ người phụ nữ nhưng ở mỗi lời văn lại có những sắc thái khác nhau:
- Ðau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.
- Hồng quân với khách hồng quần
Ðã xoay đến thế vần vần chưa tha.
- Rằng: hồng nhan tự thuở xưa
Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu.
- Lạ gì bỉ sắc tư phong
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.
- Canh khuya bức gấm rủ thao
Dưới đèn tỏ rạng má đào thêm xuân.
- Cớ sao chị tốt một bề
Gái tơ mà đã ngứa nghề sớm sao…
Lời văn nghệ thuật đòi hỏi nhà văn phải lựa chọn nghiêm khắc để có được những từ diễn đạt một cách đắc địa nhất tư tưởng, tình cảm của mình.
1.3.2. Tính hàm súc. Ðặc điểm này bắt nguồn từ nguyên tắc tiết kiệm trong ngôn ngữ, nghĩa là nói và viết sao cho "lời chật mà ý rộng", là sử dụng một số lượng chất liệu tối thiểu mà đạt được hiệu quả nghệ thuật tối đa. Mượn ý của Tô Ðông Pha, Lê Quí Ðôn viết: "Ý hết mà lời dừng, ấy là cái lời rất mực trong thiên hạ. Song lời dừng mà ý chưa hết được lại càng hay tuyệt".
1.3.3. Tính mơ hồ, đa nghĩa cũng là một đặc điểm của lời văn nghệ thuật dù đây cũng là đặc điểm dễ nhận thấy trong lời nói hằng ngày. Trong văn học, tính mơ hồ, đa nghĩa được nhân lên và trở thành một đặc điểm nổi bật bởi vì người nghệ sĩ thường hướng tới lời văn mơ hồ, đa nghĩa nhằm tạo nên những tầng lớp nghĩa khác nhau, nhằm "khêu gợi vô số những tư tưởng, những quan niệm, những cách giải thích". Ðiều này về bản chất có thể phân biệt khá rõ giữa lời văn nghệ thuật và lời văn trong nhiều lĩnh vực khác của đời sống.
1.3.4. Tính tạo hình và biểu cảm. Một đặc trưng có tầm quan trọng nhất nhằm phân biệt lời văn nghệ thuật với lời văn thuộc các lĩnh vực khác là tính tạo hình và biểu cảm. Tạo hình là tạo nên  một lời văn giàu hình ảnh, tái tạo đối tượng trong hình thái cụ thể, không lặp lại của nó. Chỉ bằng tính chất tạo hình, nhà văn mới làm sống lại một cách cụ thể , cảm tính những dáng vẻ riêng biệt . Bên cạnh đó, lời văn nghệ thuật còn biểu hiện những cảm nhận độc đáo của nhà văn với tư cách là nghệ sĩ và những nhà văn lớn bao giờ cũng có những độc đáo trong phong phong cách. Tsêkhôp quan niệm "nếu tác giả nào không có lối nói riêng của mình thì người đó sẽ không bao giờ là nhà văn cả"
Hai phẩm chất tạo hình và biểu cảm được kết hợp một cách hữu cơ, xuyên thấm vào nhau và trong nhiều trương hợp, khó thể tách rời. Vì vậy cần nhìn chúng là một đặc điểm thống nhất của lời văn nghệ thuật: tạo hình để biểu cảm, biểu cảm để tạo hình, trong tạo hình có biểu cảm và ngược lại.
Lời văn nghệ thuật của tác phẩm nghệ thuật bao giờ cũng có chức năng xây dựng hình tượng nên luôn luôn mang tính thẩm mĩ cao.
II. CÁC PHƯƠNG TIỆN XÂY DỰNG LỜI VĂN NGHỆ THUẬT
Lời văn nghệ thuật được xây dựng từ tất cả những khả năng và phương tiện của ngôn ngữ toàn dân trên mọi bình diện từ ngữ âm, từ vựng, cú pháp, các phương thức tu từ...đến các hình thức ngôn từ vốn có trong kho tàng ngôn ngữ dân tộc như từ cổ, tiếng địa phương, tiếng lóng và các vốn từ đã trở thành di sản nghệ thuật dân tộc. Như vậy, những phương tiện xây dựng lời văn nghệ thuật cũng được sử dụng trong những lĩnh vực khác nhưng điểm khác nhau ở đây là lời văn nghệ thuật có chức năng xây dựng hình tượng nghệ thuật đặc thù. Có thể xét các phương tiện xây dựng lời văn nghệ thuật trên các góc độ:
1. Xét từ góc độ ngữ âm.
Lời văn nghệ thuật gắn liền với các yếu tố: thanh, vần, âm, nhịp điệu...Những yếu tố này thường tạo được những hiệu quả đáng kể. Trong văn học, khi nhà văn chọn lựa thanh bằng hoặc trắc, trầm hay bỗng, mở hay khép, nhịp điệu khoan hay nhặt...đều có ảnh hưởng đến việc biểu hiện nội dung. Người xưa thường nói "Thi trung hữu nhạc". Lê Ðình Diên viết: "Thơ là sự biểu hiện của nhạc, thanh là sự hổ trợ của thơ, tình rung động phát ra thành thanh, người ta có thanh mà  sau đó có ý".
Chẳng hạn, giọng điệu của một nhân vật trong Sống mòn của Nam Cao: "Tiền giai đưa gái có đòi được cái đếch người ta". bốn phụ âm đ gần nhau, tạo ra một giọng điệu bất cần, có phần đểu cáng. Hoặc "Tiếng cười vỡ lở ra, ằng ăc, hi hí, hô hố". Các câu thơ của Tản Ðà:
Tài cao phận thấp chí khí uất
Giang hồ mê chơi quên quê hương.
Có 5 thanh trắc cuối và hai phụ âm cuối tắt thanh hầu (p,t) tạo nên sự uất nghẹn. Bảy thanh bằng kết hợp với các âm cuối vang (n, ng), 3 âm tiết mở (ô, ê, ê) tạo nên sự rộng mở, thanh thoát, phù hợp với tâm trạng thoát trần.
Như vậy, sự kết hợp các yếu tố thanh, vần, nhịp điệu...có những vai trò nhất định góp phần diễn đạt những sắc thái khác nhau của lời văn trong tác phẩm nghệ thuật.
2. Xét từ góc độ từ vựng.
Là toàn bộ các từ trong một ngôn ngữ. Ðây là phương tiện tạo hình và biểu cảm vô cùng quan trọng để tạo nên lời văn nghệ thuật. Có thể kể các loại: từ đồng nghĩa , phản nghĩa, tiếng nghề nghiệp, tiếng địa phương, tiếng nước ngoài đã được việt hóa, từ tôn giáo..Ðể tạo nên lời văn nghệ thuật, nhà văn phải tích lũy cho mình một vốn từ phong phú để sử dụng lúc lúc, đúng chỗ. Chế Lan Viên có những câu thơ rất hay về vấn đề này:
Mỗi ngày gặp một người, họ là một mảnh của thiên tài nhân loại.
Máu và mồ hôi người góp nên bao hình ảnh ngữ ngôn,
Vạt áo của triệu nhà thơ không bọc hết bạc vàng mà đời rơi vải
Tất cả, một người, dù lạ hay quen đều viết cho thơ anh một chữ.
Hãy nhặt những chữ của đời mà viết nên trang,
3. Xét từ góc độ ngữ nghĩa.
Các phương tiện chuyển nghĩa là một biện pháp nghệ thuật được nhà văn sử dụng để tạo nên những khả năng biểu hiện của lời văn. Ðó là các phương thức chuyển nghĩa dựa vào sự tương ứng của hai hiện tượng, hay dùng hiện tượng này để nhận thức và giải thích hiện tượng kia. Chức năng chung của các phương tiện chuyển nghĩa là làm hiện lên sự vật, hiện tượng trong các tương quan ý nghĩa khác nhau. Có thể nói đến các phương thức chuyển nghĩa tiêu biểu:
2.3.1. So sánh.(Ví von) là hình thức được sử dụng quen thuộc nhất trong tác phẩm văn học. Nó đối chiếu hai hay nhiều đối tượng có một dấu hiệu chung nào đó (nét giống nhau) nhằm diễn tả một cách hình ảnh đặc điểm của một đối tượng.
- Ðôi ta làm bạn thong dong.
Như đôi đũa bạc nằm trong mâm vàng. (ca dao).
- Lòng em như quán bán hàng
Lòng anh như khách qua đàng dừng chân. (ca dao).
- Nhớ ai như nhớ thuốc lào
Ðã chôn điếu xuống lại đào điếu lên (ca dao).
So sánh thường dùng các liên từ: như , giống như, là, bao nhiêu, bấy nhiêu. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, giữa hai vế nhiều người vẫn không sử dụng  từ so sánh:
- Lòng anh, giếng ngọt trong veo.
Trăng thu trong vắt, biển trời trong xanh (ca dao).
- Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa
2.3.2. Ẩn dụ. (ví ngầm) là biện pháp so sánh ngầm trong đó chỉ có vế so sánh xuất hiện nhưng nhờ sự liên tưởng và văn cảnh, người đọc vẫn có thể liên hệ được đến đối tượng được so sánh:
- Thuyền về có nhớ bến chăng?
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền .
- Tiếc thay một đóa trà mi
Con ong đã tỏ đường đi lối về (Kiều)
- Em tưởng nước giếng sâu em nối sợi gàu dài
Ai ngờ giếng cạn, em tiếc hoài sợi dây. (ca dao).
2.3.3. Nhân hóa là hiện tượng nghệ thuật sử dụng từ vốn chỉ thuộc tính, khả năng của con người chuyển sang biểu thị thuộc tính, khả năng của đối tượng không phải người.
- Vì sương nên núi bạc đầu
Biển lay bởi gió, hoa sầu vì mưa (ca dao)
Hoặc trò chuyện, bày tỏ với một đối tượng không phải người:
Núi cao chi lắm núi ơi,
Núi che mặt trời chẳng thấy người thương (ca dao)
2.3.4. Phúng dụ là một ẩn dụ được phát triển bao trùm toàn bộ tác phẩm, thường mang tính chất ngụ ý. Ðây là sự tổ chức các hình ảnh sinh động, cụ thể để biểu thị một ý niệm về triết lí, nhân sinh dựa trên cơ sở liên tưởng những nét tương đồng giữa các hình ảnh sinh động và ý niệm về triết lí nhân sinh. Vì vậy, phúng dụ bao giờ cũng có 2 ý nghĩa: ý nghĩa bề mặt và ý nghĩa bề sâu.
- Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng
Nhụy vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
- Con kiến mày leo cành đa
Leo phải cành cụt leo ra leo vào
Con kiến mày leo cành đào
Leo phải cành cụt leo vào leo ra
Những bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ, Con cáo và tổ ong, Bài ca sợi chỉ, Nhóm lửa... của Hồ Chủ Tịch đều được viết theo biện pháp phúng dụ. Loại này thường được sử dụng trong thơ, truyện ngụ ngôn.
2.3.5. Tượng trưng. Khi hoán dụ, ẩn dụ được sử dụng quen thuộc, được cố định lại trong tư duy của con người, trở thành hình ảnh có tính chất ước lệ, được gọi là tượng trưng. Chẳng hạn, chim bồ câu tượng trưng cho hòa bình, diều hâu tượng trưng cho chiến tranh; tùng, cúc, trúc, mai làm người ta liên tưởng đến phẩm giá của con người. Con cò trong ca dao thường tượng trưng cho thân phận vất vả của người phụ nữ, người nông dân hiền lành, chất phát. Hình ảnh con cò được thể hiện thật cảm động trong bài Thương vợ của Trần Tế Xương:
Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo seo mặt nước buổi đò đông.
2.3.6. Khoa trương là lối dùng từ cố ý thay đổi kích thước, tính chất, hiệu quả của sự vật nhằm đạt đến mục đích làm rõ bản chất của đối tượng và tăng hiệu quả biểu hiện:
Chìm đáy nước cá lờ lờ lặn.
Lững lưng trời nhạn ngẫn ngơ sa
Hương trời đắm nguyệt say hoa
Tây Thi khiếp vía Hằng Nga giật mình.
 (Cung oán ngâm khúc)
Trong truyện Lang Rận, Nam Cao miêu tả bộ mặt của Lang Rận qua cái nhìn của bà Cựu: "Cái mặt ấy cho dù mỗi ngày có rửa ba lượt xà phòng, bà Cựu trông thấy vãn còn buồn nôn"
2.3.7. Nhã ngữ. Ngược lại với khoa trương. Ðây là lối dùng từ cố ý giảm đi mức độ của kích thước, tính chất, hiệu quả của sự vật, hiện tượng nhằm thể hiện một tình cảm nào đó và thường được sử dụng để nói về cái chết:
- Bác đã lên đường theo tổ tiên (Tố Hữu)
- Bác Dương thôi đã thôi rồi
Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta (Nguyễn Khuyến)
2.3.8. Phản ngữ vận dụng các từ ngữ biểu thị những khái niệm đối lập nhau cùng xuất hiện trong một văn cảnh nhằm mục đích làm rõ hơn đặc điểm của đối tượng được miêu tả:
- Ðức chúa trời của chúng mặt Sa Tăng. (Chế Lan Viên)
- Anh đã chết rồi, anh còn sống mãi (Tố Hữu)
2.3.9. Chơi chữ là cách tu từ vận dụng linh hoạt các tiềm năng về ngữ âm, chữ viết, từ vựng, ngữ pháp nhằm tạo ra một phần tin khác với phần tin cơ sở. Phần tin khác này mang nghĩa hoàn toàn mới, bất ngờ mà về bản chất không liên quan gì với phần tin cơ sở.
- Bà già đi chợ cầu Ðông
Bói xem một qủ có chồng lợi chăng
Ông thầy xem quẻ đoán rằng
Lợi thì có lợi nhưng răng không còn. (Ca dao)
-Dỡ dang dang dỡ vì sông
Ngày làm công nhật đêm trông dạ chàng (ca dao)
- Trăng bao nhiêu tuổi trăng già
Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non (ca dao).
4. Xét từ góc độ cú pháp
 Các phương tiện cú pháp như câu, điệp từ, chấm câu, câu nghi vấn, câu cảm thán..cũng gíúp cho lời văn nghệ thuật có sức truyền cảm nhằm diễn đạt ý tình của nhà văn:
- Người lên ngựa kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san
- Bạc phơ mái tóc người cha. (Tố Hữu)
- Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị (Tế Hanh)
- Cỏ bên trời xanh một sắc Ðạm Tiên (Chế Lan Viên)
- Màu thời gian xanh xanh,
Màu thời gian tím ngắt
Hương thời gian không nồng
Hương thời gian thanh thanh
 (Màu thời gian. Ðoàn Phú Tứ)
Các phương tiện xây dựng lời văn nghệ thuật rất phong phú, đa dạng. Việc nắm bắt các phương tiện trên chỉ mới là cơ sở để hiểu lời văn nghệ thuật. Ðiều quan trọng là phải phát hiện những phương tiện đó được nhà văn vận dụng cụ thể như thế nào để tạo nên lời văn nghệ thuật.
IV. CÁC THÀNH PHẦN LỜI VĂN NGHỆ THUẬT
Có thể chia lời văn nghệ thuật ra thành lời tác giả và lời nhân vật hay lời trực tiếp và lời gián tiếp.
1. Lời tác giả và lời nhân vật.
 Lời tác giả thường chính là lời trần thuật hoặc miêu tả còn lời nhân vật là lời mà nhân vật trực tiếp nói lên trong tác phẩm.
Việc phân biệt như trên thực ra chỉ có tính chất ước lệ, tương đối bởi vì mọi lời văn trong tác phẩm thực chất đều là lời của tác giả. Mọi lời nói của nhân vật đều do tác giả hư cấu, sáng tạo nên. Tuy nhiên, sự phân biệt này vẫn có một ý nghĩa nhất định.
Ơí đây, có sự khác biệt giữa lời nhân vật trong văn học cổ và lời nhân vật trong văn học cận, hiện đại. Trong văn học cổ, lời nhân vật thường không được cá tính hóa rõ nét, thể hiện bản chất của nhân vật mà thường do sự gán ghép từ những suy nghĩ riêng của tác giả. Trong văn học cận, hiện đại, lời nhân vật được tác giả tôn trọng. Tác giả thường để cho nhân vật nói năng phù hợp với trình độ, suy nghĩ của chính họ. Nhân vật nói theo giọng điệu riêng của mình chứ không phải theo suy nghĩ chủ quan của tác giả.
2. Lời trực tiếp và lời gián tiếp.
Lời trực tiếp chủ yếu là lời nhân vật và một bộ phận lời của tác giả thể hiện một cách trực tiếp trong tác phẩm. Lời trực tiếp trong tác phẩm chủ yếu là những câu đối thoại giữa nhân vật này với nhân vật khác. Có thể kể đến một số lời trực tiếp.
Lời trực tiếp phù hợp là lời mà nhân vật nghĩ sao, nói vậy. Lời trực tiếp không phù hợp là lời nhân vật nghĩ một dằng, nói một nẽo, nghĩ ít, nói nhiều hoặc ngược lại. Chẳng hạn, đoạn Kiều suy nghĩ trước khi khuyên Từ Hải ra hàng và những lời của Kiều nói với Từ  Hải. Ơí đây, cần hiểu lời nói của nhân vật không phải bằng câu chữ mà cần phải thấy ẩn ý, ý định của tác giả và nhân vật.
Lời gián tiếp là toàn bộ lời văn của tác giả hay người trần thuật có chức năng trình bày sự vật, hiện tượng như ngoại hình, môi trường, phong cảnh, sự kiện...vốn không tự nói được, được nói lên trong tác phẩm.
Theo Bakhtin, lời gián tiếp có thể chia làm 2 loại: lời gián tiếp một giọng và lời gián tiếp 2 giọng.
Lời gián tiếp một giọng là lời tái hiện hay bình phẩm các hiện tượng của thế giới theo ý nghĩa khách quan vốn có của chúng theo ý đồ của tác giả, không liên quan gì đến ý thức, suy nghĩ của người khác về chúng. trong văn học dân gian và văn học cổ, các tác giả thường sử dụng hình thức này. Lời gián tiếp hai giọng là lời tái hiện, bình phẩm các hiện tượng, hướng tới lời và ý thức người khác, tranh luận, phản bác hay đồng tình với chúng. loại này có thể có các dạng lời nửa trực tiếp, lời gián tiếp của người kể chuyện và lời gián tiếp phong cách hóa.
Tùy theo từng loại tác phẩm khác nhau, hai loại lời văn trên có vị trí, vai trò khác nhau. Nếu như trong tác phẩm tự sự ì, lời gián tiếp giữ vai trò chủ đạo thì trong loại tác phẩm kịch, lời trực tiếp lại giữ vai trò chủ đạo và hạn chế tối đa lời gián tiếp. Trong loại tác phẩm trữ tình, sự phân bố 2 thành phần trên phức tạp hơn nhưng điều quan trọng trong lời văn tác phẩm trữ tình không phải ở 2 thành phần đó mà chủ yếu được thể hiện ở nhịp thơ, câu thơ, luật thơ...

Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2012

CỐT TRUYỆN VÀ KẾT CẤU CỦA TÁC PHẨM VĂN HỌC


Chương 4:
CỐT TRUYỆN VÀ KẾT CẤU CỦA TÁC PHẨM VĂN HỌC.
  1. CỐT TRUYỆN
    1. Cốt truyện và cơ sở của cốt truyện
    2. Vai trò của cốt truyện và tính cách nhân vật qua các giai đoạn lịch sử văn học
    3. Các thành phần chính của cốt truyện
  2. KẾT CẤU
    1. Kết cấu và chức năng của kết cấu trong tác phẩm văn học
    2. Một số hình thức kết cấu trong tác phẩm văn học
                                      -----------------------------------------------------
Cốt truyện không phải là yếu tố tất yếu cho mọi loại tác phẩm văn học mà chỉ tồn tại trong những tác phẩm thuộc loại tự sự (tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn, truyện thơ...), kí và các tác phẩm kịch. Trong một số tác phẩm thuộc loại kí, không có yêu cầu xây dựng cốt truyện một cách chặt chẽ. Loại tác phẩm trữ tình không có yếu tố cốt truyện vì tác phẩm trữ tình chủ yếu thể hiện trực tiếp tâm trạng, tình cảm, ý nghĩ cảm xúc...của tác giả, nó không đòi hỏi nhà văn phải xây dựng những sự kiện, biến cố, hành động thành một hệ thống liên tục làm cơ sở cho sự triển khai các tính cách.
I. CỐT TRUYỆN
1. Cốt truyện và cơ sở của cốt trụyên
1.1.1. Khái niệm chung.
Cốt truyện là một hệ thống cụ thể những sự kiện, biến cố, hành động trong tác phẩm tự sự và tác phẩm kịch thể hiện mối quan hệ qua lại giữa các tính cách trong một hoàn cảnh xã hội nhất định nhằm thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm.
Cần phân biệt 2 khái niệm: cốt truyện và sườn truyện.
Thuật ngữ sườn truyện dùng để chỉ những nét bao quát nhất của một câu chuyện, bao gồm những sự kiện chính, những biến cố chủ yếu cắm mốc cho sự phát triển của cốt truyện. Nó có thể được vay mượn từ nước này sang nước khác, từ nhà văn này sang nhà văn khác trong quá trình giao lưu văn hóa. Dĩ nhiên sự mô phỏng sườn truyện không có nghĩa là sao chép của người khác mà vẫn có một khoảng rộng rãi cho sáng tạo của người nghệ sĩ. Việc Nguyễn Du vay mượn sườn truyện "Kim Vân Kiều truyện" của Thanh Tâm Tài Nhân là một ví dụ cụ thể. Sự  sáng tạo ấy được thể hiện trên nhiều phương diện, từ thể loại, kết cấu, ngôn ngữ, đến việc xây dựng nhân vật và chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Cũng có thể nói như vậy giữa Iphighêni của Euripidơ và Iphighêni của Racine, giữa Le Cid của De Catro và Le Cid của Corneille.
- Nếu sườn truyện chỉ là cái khung thì cốt truyện đã là một hệ thống biến cố, sự kiện cụ thể để diễn đạt cái khung ấy. Cốt truyện là sườn truyện đã được chi tiết hóa, hình tượng hóa một cách cụ thể, sinh động qua một chủ thể sáng tạo. Có thể nói cốt truyện là một cái gì độc đáo, không lặp lại, gắn bó trực tiếp với những yếu tố khác làm cho tác phẩm văn học trở thành một chỉnh  thể nghệ thuật.
Có thể kể lại sườn truyện một cách dễ dàng nhưng khó có thể kể lại đầy đủ cốt truyện của một tác phẩm, nhất là một tác phẩm lớn. Khi có người đề nghị kể lại cốt truyện của một tác phẩm, L Tônxtôi cho rằng cứ đọc toàn bộ tác phẩm sẽ khắc biết cốt truyện là gì.
1.1.2. Cơ sở chung của cốt truyện.
- Cơ sở khách quan. Ðó là xung đột xã hội. Trong quá trình xây dựng tác phẩm, nhà văn bao giờ cũng thể hiện trực tiếp hoặc gián tiếp những xung đột xã hội của thời đại vào tác phẩm của mình. Vì vậy, cốt truyện mang tính lịch sử cụ thể, được qui định bởi những điều kiện lịch sử, xã hội mà nhà văn đang sống. Chính những điều kiện lịch sử, xã hội khác nhau đã tạo nên sự khác nhau giữa các cốt truyện trong thần thoại và cổ tích, giữa những truyện thơ Nôm và văn học hiện đại...Dostoiepxki nhấn mạnh vai trò của cuộc sống trong việc xây dựng cốt truyện :
"Anh hãy nhớ lấy lời tôi: đừng bao giờ bịa ra các cốt truyện. anh hãy lấy những cái do bản thân cuộc sống cung cấp. Không một trí tưởng tượng nào nghĩ ra được những điều mà đôi khi cuộc sống bình thường quên thuộc nhất đưa lại. Hãy tôn trọng cuộc sống."
Không nên tuyệt đối hóa ý kiến của Dostoiepxki nhưng rõ ràng trong đời sống văn học, nhất là trong văn học của các trào lưu hiện thực, nhiều cốt truyện đã được xây dựng từ chính những câu chuyện ngoài cuộc đời. Cốt truyện của những tác phẩm Bà Bovary của Flobert, Ðỏ và đen của Standhal. Nhiều cốt truyện của Tsêkhôp, L. Tônxtôi, Dostoiepxki ...thường dựa vào những câu chuyện có thật ngoài cuộc đời và trên báo chí...Ở Việt Nam, ta có thể kể đến cốt truyện của các tác phẩm Ðào kép mới của Nguyễn Công Hoan, Chí phèo của Nam Cao, Ðất nước đứng lên của Nguyên Ngọc, Hòn Ðất của Anh Ðức, Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi...
- Cơ sở chủ quan.
Xung đột xã hội mới chỉ là cơ sở khách quan của cốt truyện vì vậy không thể đồng nhất xung đột xã hội với cốt truyện. Khi nói đến cốt truyện, cần chú ý rằng, đó luôn luôn là sản phẩm sáng tạo của người nghệ sĩ. Thông qua cốt truyện, nhà văn vừa khái quát những xung đột xã hội, vừa thể hiện tâm hồn, tình cảm và sự đánh giá chủ quan của họ đối với cuộc sống. Vì vậy, không thể bê nguyên xi những chuyện có thật ngoài cuộc đời vào tác phẩm. Những xung đột xã hội phải được đồng hóa một cách có nghệ thuật nhằm loại trừ những yếu tố ngẫu nhiên, thứ yếu để xây dựng cốt truyện theo hướng điển hình hóa. Vì vậy, cùng xuất phát từ một xung đột xã hội giống nhau, những nhà văn khác nhau lại xây dựng những cốt truyện khác nhau nhằm thể hiện quan điểm, thái độ, ý đồ tư tưởng, phong cách nghệ thuật, cá tính sáng tạo của nhà văn đối với cuộc sống. Những xung đột xã hội giữa nông dân, địa chủ, quan lại được thể hiện qua nhiều cốt truyện khác nhau trong các tác phẩm của các nhà văn Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Nguyên Hồng ...là những thí dụ cụ thể.
Quá trình xây dựng cốt truyện là một quá trình lao động phức tạp và gian khổ. Timôfiép có nhận xét về quá trình xây dựng cốt truyện của L. Tônxtôi như sau:
"Tất cả các cốt truyện của Tônxtôi đều được thai nghén nhiều năm và mỗi cốt truyện đều có một lai lịch phức tạp và một số phận riêng của nó. Tônxtôi lo lắng về các cốt truyện, giận dỗi đối với chúng như người sống vậy, đôi khi ông chán, mệt mỗi vì chúng, vì sự vật lộn với tài liệu và ngôn từ để không ngừng hoàn thiện từng cốt truyện, từng tác phẩm. Trong đầu óc thiên tài của ông, trong các phòng thí nghiệm tuyệt diệu ấy, bao giờ cũng có nhiều cốt truyện luôn luôn sống và vật chọi với nhau, làm cho ông phải lần lượt chú ý tới chúng lúc nhiều hơn, lúc ít hơn".
2. Vai trò của cốt truyện và tính cách nhân vật qua các giai đoạn lịch sử văn học.
Vai trò của cốt truyện và tính cách nhân vật được thể hiện khác nhau  trong quá trình phát triển của lịch sử văn học. Nhìn chung, có thể chia làm 2 thời kì lớn. Trong văn học phương Tây, thời kì đầu bao gồm văn học Hy La đến văn học Trung đại. Thời kì 2 đánh dấu bằng văn học thời phục hưng nhưng được thể hiện rõ nét nhất là từ thế kỉ 18 trở về sau. Trong văn học Việt Nam, Truyện Kiều của Nguyễn Du được coi là tác phẩm của thời kì đầu nhưng đồng thời cũng có những yếu tố đánh dấu cho sự mở đường của thời kì sau. Thời kì này chỉ thực sự mở đầu từ thế kỉ 20.
1.2.1. Trong thời kì thứ nhất. Cốt truyện được coi là yếu tố đặc biệt quan trọng, là nơi xuất phát và quyết định của sự sáng tạo nghệ thuật. Nhà văn sáng tác là sáng tác cốt truyện và người thưởng thức chủ yếu là thưởng thức cốt truyện. Nhà văn chưa thể sáng tác được nếu chưa có được một cốt truyện hấp dẫn. Ơí đây, cốt truyện qui định và chi phối tính cách. Nhà văn chưa xây dựng được tính cách có sự phát triển hợp với logic đời sống mà chỉ dùng nó để triển khai cho hệ thống biến cố của tác phẩm.
  1.2.2. Trong thời kì thứ hai. Vai trò của cốt truyện và tính cách hoàn toàn thay đổi. Cốt truyện không còn giữ vai trò chủ yếu mà thay vào đó là tính cách. Chính tính cách quyết định cho sự diễn biến của cốt truyện. trong Một số kinh nghiệm viết văn của tôi, Tô Hoài viết:
"Một sáng tác mà ta có thể thêm vào hay bớt ra bao nhiêu cũng được là một sáng tác hỏng. Vì không thể nào kiểm tra chặt chẽ được khi vị trí của nhân vật đã phải rút xuống hàng dưới cốt truyện. chỉ có nhân vật mới kiểm tra được cốt truyện, nhân vật mới có quyền phân phối ý chính, ý phụ.".
Phêđin cũng có phát biểu tương tự:
"Trong việc xây dựng cốt truyện, nên xuất phát từ tính cách. Các nhân vật tạo ra cốt truyện chứ không phục tùng cốt truyện".
Trong quá trình xây dựng tác phẩm, những nhà văn trong thời kì này thường đặt tính cách vào hoàn cảnh nên tính cách phong phú, đa dạng và luôn phát triển theo sự phát triển của hoàn cảnh. Nhà văn không ép nhân vật vào cốt truyện định trước của mình. Tônxtôi kể lại rằng khi viết chương miêu tả tâm trạng của Vrônxki sau cuộc gặp gỡ giữa anh với Anna và chồng nàng, ông bỗng nảy ra ý định là Vrônxki phải tự sát. Và sau đó khi viết tiếp, tác giả thấy điều dó là tất yếu, không thể khác đi được. Rõ ràng những thay đổi về số phận của nhân vật sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cốt truyện của tác phẩm.
Như vậy, trong văn học hiện đại, cốt truyện là phương tiện để bộc lộ tính cách, cốt truyện được sử dụng để triển khai các tính cách chứ không phải cốt truyện quyết định và chi phối tính cách như trước kia. Nói như thế không có nghĩa là xem thường vai trò của cốt truyện vì tính cách chỉ có thể được biểu hiện và phát triển thông qua cốt truyện. Trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, các nhà văn luôn cố gắng xây dựng những cốt truyện chân thực và hấp dẫn đồng thời thể hiện được chiều sâu tâm lí của tính cách nhân vật.
3. Các thành phần chính của cốt truyện.
Cơ sở sâu xa của cốt truyện là một xung đột đang vận động. Vì vậy, quá trình phát triển của một cốt truyện cũng giống như quá trình vận động của xung đột, bao gồm các bước hình thành, phát triển và kết thúc. Nhìn chung, một cốt truyện thường có các thành phần chính sau:
1.3.1. Phần trình bày.
Phần này giới thiệu khái quát về bối cảnh xã hội, các điều kiện, nguyên nhân làm náy sinh xung đột và tình hình buổi ban đầu của nhân vật. Hoàn cảnh ở đây thường nằm trong trạng thái tĩnh, mâu thuẫn chưa vận động và phát triển, nhân vật chưa đứng trước những thử thách nên chưa phát hu tính năng động của mình. Trong Truyện Kiều, phần trình bày là phần giới thiệu tài sắc của chị em Thúy Kiều và gia cảnh của họ. Cảnh Lí trưởng sai Trương tuần đóng cổng làng để thu thuế, cảnh thu thuế ở đình làng, cảnh nghèo đói túng thiếu của gia đình chị Dậu là phần giới thiệu của Tắt đèn.
1.3.2. Phần thắt nút.
Phần này đánh dấu sự kiện mà từ đó phát sinh mâu thuẫn, xung đột. Ðây chính là biến cố đầu tiên của cả hệ thống biến cố tạo thành xung đột của cốt truyện. phần thắt nút có nhiệm  vụ bộc lộ trực tiếp những mâu thuẫn đựơc tích tụ một cách âm ỉ từ trước, các nhân vật sẽ đứng trước những thử thách, đòi hỏi phải bày tỏ những thái độ, chọn lựa cách xử sự, hành động, phản ứng, từ đó bộc lộ rõ tính cách. Cảnh gia biến và việc Kiều phải bán mình chuộc cha là phần thắt nút của Truyện Kiều. Thắt nút của Tắt đèn là cảnh tuần đinh, lính lệ đến đánh đập anh Dậu để đòi sưu thuế (chương IV)
1.3.3. Phần phát triển.
Ðây là phần quan trọng và dài nhất của cốt truyện bao gồm nhiều cảnh ngộ, sự kiện và biến cố khác nhau. tính cách nhân vật chủ yếu được xác định trong phần này. Nó có thể được thay đổi thông qua các bước ngoặt, môi trường khác nhau. phần phát triển của Truyện Kiều là cuộc đời 15 năm lưu lạc, từ "chữ trinh đáng gíá nghìn vàng" đến "tấm lòng trinh bạch từ nay xin chừa", là những chuỗi dài bi kịch "thanh lâu hai lượt thanh y hai lần", là sự tiếp xúc với đủ các hạng người trong xã hội, là nỗi đau khổ này đến nỗi đau khổ khác của Kiều. Trong Tắt đèn, phần phát triển bao gồm những sự kiện: đàn con bị đói, chồng bị bắt, chị Dậu một mình tất tả ngược xuôi cho đến lúc người nhà lí trưởng ném cái xác lạnh ngắt, mê man bất tỉnh của anh Dậu vào nhà. (từ chương V - XVII)
1.3.4. Ðiểm đỉnh.
Còn được gọi là cao trào, là phần bộc lộ cao nhất của xung đột. Lúc này, xung đột đã phát triển đến độ gay gắt, quyết liệt, đòi hỏi phải được giải quyết theo một chiều hướng nhất định. Ðiểm đỉnh thường là một khoảnh khắc, một thời điểm ngắn nhưng có tác dụng quyết định đối với nhân vật trung tâm. Ðiểm đỉnh của Truyện Kiều là khoảnh khắc đau xót nhất của đời Kiều: Từ Hải chết, Kiều phải đánh đàn cho Hồ Tôn Hiến, bị ép gã cho thổ quan và cuối cùng nhảy xuống sông Tiền Ðường tự vẫn. Ðiểm đỉnh của Tắt đèn là lúc chị Dậu bị dồn vào đường cùng đã xô tên Cai Lệ và túm tên ngườn nhà của Lí trưởng "lẳng một cái, ngã nhào ra thềm" (chương XVIII)
1.3.5. Phần kết thúc. (Mở nút)
Ðây là phần giải quyết xung đột của tác phẩm một cách cụ thể. Ởí đây, tác giả trình bày những kết quả của toàn bộ xung đột của cốt truyện. một cốt truyện tốt, bao giờ phần kết thúc cũng được giải quyết một cách tự nhiên, phù hợp với qui luật của cuộc sống. Tuy nhiên trong văn học cổ thường có phần kết thúc phù hợp với ước muốn chủ quan của con người. Phần kết thúc của Truyện Kiều là Kiều được cứu sống, là đoạn đoàn viên của Kiều với Kim Trọng và gia đình sau 15 năm luân lạc. Trong Tắt đèn, chị Dậu từ lúc bị bắt lên hầu quan phủ, sau đó phải xa chồng, xa con để đi làm vú hầu cụ cố nhà quan Tỉnh, đến lúc chị choàng dậy mở cửa chạy té ra sân "Trời tối đen như mực, như cái tiền đồ của chị" là phần kết thúc của tác phẩm. (chương XIX- XXVI)
Những thành phần chính trên đây tạo thành một cốt truyện đầy đủ. Tuy nhiên, trong thực tế văn học, không phải lúc nào cốt truyện cũng đầy đủ cả 5 thành phần đồng thời cũng không phải được trình bày theo thứ tự như trên. Ơí một số cốt truyện, có thể thiếu mất một vài thành phần, ở một số cốt truyện khác, có thể không có phần mở đầu hoặc nhiều khi lại bắt đầu bằng phần kết thúc hoặc một biến cố gần với điểm đỉnh. Vì vậy, khi tìm hiểu và xác định các thành phần của cốt truyện, không nên gò ép những biến cố hay sự kiện vào thành phần này hay thành phần khác với những lí do có tính chất hình thức. Cần tìm hiểu và phân tích sự xây dựng cốt truyện có thể hiện được những xung đột xã hội, sự phát triển của nó có phù hợp với qui luật cuộc sống và có thể hiện được ý đồ nghệ thuật của tác giả hay không.
II. KẾT CẤU
1. Kết cấu và chức năng của kết cấu trong tác phẩm văn học
2.1.1. Khái niệm.
Một tác phẩm văn học, dù dung lượng lớn hay nhỏ cũng đều là những chỉnh thể nghệ thuật, bao gồm nhiều yếu tố, bộ phận...Tất cả những yếu tố, bộ phận đó được nhà văn sắp xếp, tổ chức theo một trật tự, hệ thống nào đó nhằm biểu hiện một nội dung nghệ thuật nhất định..gọi là kết cấu. Nói cách khác, kết cấu là toàn bộ tổ chức nghệ thuật sinh động, phức tạp của tác phẩm văn học.
Kết cấu là yếu tố tất yếu của mọi tác phẩm. Nếu khái niệm cốt truyện nhằm chỉ sự liên kết những sự kiện, hành động, biến cố...trong tác phẩm tự sự và kịch thì kết cấu là một khái niệm rộng hơn nhiều.
Cần có sự phân biệt giữa kết cấu và bố cục. Bố cục là sự sắp xếp các phần, các chương, các đoạn, các khổ thơ...Ðây chỉ là sự tổ chức hình thức bên ngoài của tác phẩm. Nói cách khác bố cục mới chỉ là kết cấu bề mặt của tác phẩm. Thuật ngữ kết cấu rộng và phức tạp hơn nhiều. Bên cạnh việc tổ chức, sắp xếp các yếu tố của tác phẩm, kết cấu còn bao hàm sự liên kết bên trong, những mối liên hệ qua lại giữa các yếu tố thuộc về nội dung và hình thức của tác phẩm, trong đó có cả yếu tố của bố cục.
2.1.2. Chức năng của kết cấu.
Trước hết, kết cấu có nhiệm vụ góp phần thể hiện chủ đề và tư tưởng của tác phẩm. Trong lao động sáng tạo văn học, có thể coi chủ đề tư tưởng là mục tiêu nhằm hướng tới của nhà văn trong quá trình phát hiện và xây dựng kết cấu. Tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá kết cấu một tác phẩm chính là hiệu quả diễn đạt nội dung của nó. Khi Radinxki cho rằng kết cấu của tiểu thuyết Anna Karênina lỏng lẻo, đó là hai cuốn tiểu thuyết với hai tuyến nhân vật (Anna- Vrônxki và Lêvin-Kitti) đứng cạnh nhau, thì L. Tônxtôi đã viết thư trả lời ông: "Ngược lại, tôi tự hào với cách kết cấu: các vòm đã được xây dựng thế nào mà không thể nhận ra được bộ đỡ ở đâu. Chính điều này làm cho tôi phải cố gắng nhiều nhất. Mối liên hệ của công trình xây dựng không dựa và sườn truyện và những mối quan hệ của các nhân vật, mà dựa vào mối liên hệ bên trong". Phan Cự Ðệ khẳng định mối liên hệ bên trong "chính là tư tưởng chủ đề của tác phẩm. Những tìm kiếm của Levin là một lời giải đáp cho những câu hỏi mà số phận của Anna đặt ra. Anna phải li dị với chồng và sau đó phải tự vẫn vì không tìm thấy trong xã hội một tình yêu chân chính còn Lêvin thì đi tìm một con đường xác lập một thực tế có tình yêu. Anna thấy gia đình là một cái gì xa lạ đối với con người thì Lêvin cố gắng đi tìm một gia đình thực sự trong đó có tình thương yêu giữa con người với con người"
Trong tác phẩm Tắt đèn, Ngô Tất Tố đã dành 2/3 tác phẩm để diễn tả hàng loạt sự việc diễn ra trong 1 ngày. Tác giả đã cố gắng dồn nén tất cả những mâu thuẫn vào trong một thời gian thật ngắn nhằm có điều kiện thể hiện một cách tập trung nhất bản chất của bọn địa chủ, quan lại và nỗi điêu đứng, cơ cực, đau xót của người nông dân đối với sưu cao, thuế nặng.
Trong bài thơ Mặt quê hương, Tế Hanh đã sắp xếp để tạo nên sự hòa nhập và phản ánh, so sánh lẫn nhau giữa khuôn mặt người yêu và hình ảnh quê hương nhằm thể hiện một chủ đề tư tưởng: Tình yêu dành cho quê hương là một tình yêu đằm thắm, bền vững như một cái gì gắn bó, thân thiết nhất:
Mặt em như tấm gương,
Anh nhìn thất quê hương
Kìa đôi mắt đôi mắt
Dòng sông yêu trong vắt
Kìa vừng trán thanh thanh
Khoảng trời xưa trong lành...
Kết cấu có nhiệm vụ tổ chức hệ thống các tính cách nhân vật, sự kiện, các biến cố, hình ảnh, cảm xúc...làm cho những yếu tố đó gắn bó chặt chẽ, tác động qua lại ngay từ bên trong tác phẩm, làm cho nó trở thành một chỉnh thể nghệ thuật toàn vẹn không thể chia cắt được.
Trong đời sống văn học, đôi khi có người cho rằng một số tác phẩm có chủ đề tư tưởng tốt nhưng tác phẩm vẫn chưa được cảm nhận như một chỉnh thể nghệ thuật. Ðiều này có thể do nhiều nguyên nhân nhưng một phần quan trọng là do kết cấu. Việc nhà văn sắp xếp các tình huống, sự kiện, mối liên hệ qua lại giữa các tính cách, sự tác động giữa bộ phận và toàn thể...không phải đơn giản. Gônsarôp cho rằng "Chỉ riêng một cách cấu tạo, tức là việc xây dựng tòa nhà cũng đã ngốn hết toàn bộ trí óc của tác giả: Phải suy nghĩ cân nhắc về sự tham gia của các nhân vật, kèm theo vào đó là phải luôn luôn kiểm tra và phê phán sự bất hợp lí của những chỗ thiếu, cả những chỗ thừa".
Có thể nhìn thấy sự tác động qua lại giữa các yếu tố trong tác phẩm văn học qua "Suất sưu người chết" trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố. Những chi tiết của đoạn văn trên có ý nghia tự thân nhưng đồng thời nếu thay đổi vị trí của nó, để nó xuất hiện ngay từ đầu truyện và chị Dậu cùng một lúc chạy vạy cho đủ tiền để nộp suất sưu thì ý nghĩa tố cáo của nó sẽ không cao. Sự sắp xếp đúng chỗ đã tạo nên sức mạnh gấp nhiều lần ý nghĩa riêng của nó. Kim Thánh Thán cũng có nhận xét rất tinh về sự sắp xếp hệ thống nhân vật trong Thủy hử : "Một bộ sách lớn 70 hồi, viết 108 người nhưng mở đầu chưa viết 108 người vội mà miêu tả Cao Cầu trước đã: đó là vì nếu không tả Cao Cầu trước mà viết ngay 108 người thì tức là loạn nẩy sinh từ dưới, nếu không viết 108 người trước mà viết Cao Cầu trước thì tức là loạn nổi từ trên. Loạn sinh từ dưới thì không thể để lâu được, tác giả rất lo là vậy. Một bộ sách lớn 70 hồi mà mở đầu viết Cao Cầu trước, thật là có lí vậy."
Như vậy, kết cấu của tác phẩm bao giờ cũng tăng cường sức mạnh nghệ thuật của tác phẩm văn học, tạo nên sức hấp dẫn cho người đọc. Phân tích kết cấu tác phẩm, người đọc có thể so sánh nó với các hình thức, thủ pháp kết cấu chung nhưng điều quan trọng là phải xuất phát từ bản thân tác phẩm và xem nó có thể hiện tốt nhất chủ đề tư tưởng của tác phẩm hay không.
2. Một số hình thức kết cấu trong tác phẩm văn học.
Những hình thức kết cấu trong tác phẩm văn học rất phong phú và đa dạng. Nó có thể chịu sự qui định của thể loại (kết cấu tác phẩm tự sự và kịch với kết cấu tác phẩm trữ tình) của từng giai đoạn lịch sử khác nhau (có những hình thức kết cấu chỉ tồn tại trong một giai đoạn lịch sử nhưng sau đó lại bị loại bỏ hoặc ít sử dụng và thay vào đó là một kết cấu mới phù hợp với giai đoạn lịch sử mới)... Vì vậy, khó có thể xác định những hình thức kết cấu nếu thoát li thực tế sáng tác. Tuy nhiên, ở đây có thể tìm hiểu một số hình thức kết cấu đã từng xuất hiện trong lịch sử văn học và đã tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị.
2.1. Kết cấu theo trình tự thời gian.
Ðây là dạng kết cấu phổ biến nhất trong văn học Việt Nam từ trước 1930. Theo kết cấu này, câu chuyện được trình bày theo thứ tự, phát triển trước sau của thời gian. Các sự kiện được sắp xếp, xâu chuỗi lại và lần lượt xuất hiện không bị đứt quãng. Hầu hết những tác phẩm chương hồi sử dụng lối kết cấu này. Ơí đây, tác phẩm được chia thành nhiều chương, hồi théo sự phân bố về mặt hành động và sự kiện của cốt truyện. Mỗi chương, mỗi hồi thường gắn liền với một giai đoạn nào đó của cốt truyện và nhiêu khi khá trọn ven, loại kết cấu này gíup người đọc dễ theo dõi câu chuyện nhưng nhiều khi lại đơn điệu.
2.2. Kết cấu theo hai tuyến nhân vật đối lập.
Lối kết cấu này được sử dụng nhiều trong văn học cổ. Nhà văn xây dựng 2 tuyến nhân vật chính diện và phản diện đối lập nhau về lí tưởng, chính kiến, đạo đức, hành động...Một bên đại diện cho lực lượng chính nghĩa, cái đẹp, chân lí. Một bên thì ngược lại. Hai lực lượng này đấu tranh không khoan nhượng với nhau và thường kết thúc với thắng lợi của lực lượng chính nghĩa. Hầu hết những truyện thơ Nôm ở Việt Nam sử dụng kết cấu này.
Kết cấu này có tác dụng làm nổi rõ chủ đề tư tưởng thông qua so sánh, đối chiếu giữa 2 tuyến nhân vật đối lập. Tuy nhiên sự phân biệt khá rạch ròi giữa thiện và ác nhiều khi dẫn đến lí tưởng hóa hiện thực. Trong thực tế cuộc sống, các lực lượng xã hội có tác động qua lại, chuyển hóa cho nhau chứ không tồn tại một cách ổn định và tĩnh tại.
Hình thức kết cấu theo 2 tuyến nhân vật đôi khi được trình bày không phải là sự đối lập mà là 2 tuyến song song, làm cơ sở để đối chiếu và hỗ trợ cho nhau. Ở đây mỗi tuyến tập họp những kiểu người gần gũi với nhau về hoàn cảnh sống, về tính cách, đạo đức...Có thể coi Anna Karênina của L. Tônxtôi được xây dựng theo hình thức kết cấu này.
2.3. Kết cấu đa tuyến.
Trong những bộ tiểu thuyết lớn, để khái quát về một bức tranh xã hội rộng lớn gồm nhiều hạng người, nhiều mối quan hệ đan xen nhau, khai thác nhiều mặt khác nhau của đời sống, các nhà văn thường sử dụng hình thức kết cấu theo tuyến nhân vật. Trong những tác phẩm này, nhà văn tổ chức các nhân vật theo các tuyến dựa trên những mối quan hệ về gia đình, nghề nghiệp, giai cấp... Trong Chiến tranh và hòa bình, L. Tônxtôi đã xây dựng hai tuyến lớn và ở mỗi tuyến lớn lại có nhiều tuyến nhỏ tập họp các nhân vật theo từng dòng họ, từng gia đình.
Hình thưc kết cấu này thường được sử dụng trong văn học hiện đại, nhất là trong các tiểu thuyết lớn. Erenbourg có nhận xét về kết cấu của một số tiểu thuyết trong thế kỉ XX:
"Tiểu thuyết của thời đại ta có nhiều chỗ khác với tiểu thuyết thế kỉ XIX vốn xây dựng trên lịch sử một con người hay một gia đình. Trong tiểu thuyết hiện đại có nhiều nhân vật hơn, số phận của họ đan chéo vào nhau, nhà văn thường hay đưa người đọc từ thành phố này sang thành phố khác, đôi khi di sang một nước khác nữa, cách kết cấu khiến ta nghĩ tới sự luân phiên của những đoạn cận cảnh với những cảnh quần chúng trên màn ảnh". Có thể coi những bộ tiểu thuyết Sông Ðông êm đềm của Sôlôkhôp hay Vỡ bờ của Nguyễn Ðình Thi, Cửa biển của Nguyên Hồng ...sử dụng lối kết cấu này.
2.4. Kết cấu tâm lí.
Ðây là hình thức kết cấu dựa theo qui luật phát triển tâm lí của các nhân vật trong tác phẩm. Loại kết cấu này xuất hiện cùng với sự xuất hiện của các trào lưu văn học khẳng định vai trò của cá nhân trong xã hội. Kết cấu này thường dựa vào trạng thái tâm lí có ý nghĩa nào đó để sắp xếp các sự kiện, nhân vật, cốt truyện...Trong Sống mòn, Nam Cao đã sắp xếp nhiều mẫu chuyện vặt vãnh, quẩn quanh trong sinh hoạt hằng ngày với những trạng thái tâm lí bi quan, bất lực, tự ti, khinh bạc...của các nhân vật. Kết cấu đó góp phần thể hiện cuộc sống chật hep, tù túng, bế tắc của người tiểu tư sản nghèo trong xã hội cũ.
2.5. Kết cấu trong tác phẩm trữ tình.
Những hình thức kết cấu trên tiêu biểu cho loại tác phẩm có cốt truyện: tác phẩm tự sự và kịch. Loại tác phẩm trữ tình, tiêu biểu nhất là thơ trữ tình không có cốt truyện nên cần xem xét cho phù hợp với đặc trưng thể loại: tác phẩm trữ tình chủ yếu thể hiện trực tiếp tâm trạng, cảm xúc, ý nghĩ chủ quan của người nghệ sĩ. Vì vậy, xây dựng kết cấu trong tác phẩm trữ tình là sự tổ chức hệ thống cảm xúc, tâm trạng trong quá trình vận động và phát triển của chúng. Một kết cấu tốt trong tác phẩm trữ tình phải liên kết được các mạch thơ, dòng thơ, các biện pháp biểu hiện nhằm thể hiện tốt nhất sự vận động cảm xúc nội tâm của nhân vật.
Có thể nói đến nhiều hình thức kết cấu khác nhau và nhà văn khi xây dựng tác phẩm, lựa chọn kết cấu nào bao giờ cũng nhằm nâng cao sức biểu hiện của chủ đề tư tưởng, tăng cường sức tác động thẩm mĩ của tác phẩm đối với người đọc. Các hình thức kết cấu dù phong phú và đa dạng cũng chỉ là hữu hạn trong khi thực tế sáng tác thì vô hạn. Tong từng tác phẩm, nhà văn có thể vận dụng nhiều hình thức kết cấu khác nhau với sự sáng tạo nghệ thuật. Vì vậy, không thể qui những tác phẩm cụ thể vào một dạng kết cấu riêng biệt nào mà cần phải xem xét tác động nghệ thuật của kết cấu đối với người đọc cũng như chức năng cụ thể của nó trong việc thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm.

Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2012

TÍNH GIAI CẤP VÀ TÍNH NHÂN DÂN CỦA VĂN NGHỆ


CHƯƠNG III:
TÍNH GIAI CẤP VÀ TÍNH NHÂN DÂN CỦA VĂN NGHỆ

I. TÍNH GIAI CẤP CỦA VĂN NGHỆ
            Trong xã hội có giai cấp, bất kỳ một hiện tượng văn chương nghệ thuật nào cũng đều đề cập tới mặt này hay mặt khác, khía cạnh này hay khía cạnh khác, nông hay sâu, trực tiếp hay gián tiếp cuộc đấu tranh giai cấp của xã hội trên cơ sở lợi ích của một giai tầng nhất định mà người cầm bút đại diện. Ðặc điểm này của văn nghệ được gọi là tính giai cấp.
1. Tính giai cấp là thuộc tính tất yếu của văn nghệ trong xã hội có giai cấp và nảy sinh đấu tranh gai cấp.
a. Tính giai cấp của văn chương là gì?
            Tổng hòa tất cả những đặc điểm về đề tài, chủ đề, tư tưởng, tình cảm cùng các biện pháp nghệ thuật thể hiện ý thức của một tầng lớp, một giai cấp xã hội nhất định trong văn nghệ là tính giai cấp của nó. Dù người nghệ sĩ cố ý hay không cố ý, muốn hay không muốn, bao giờ cũng sáng tạo nghệ thuật theo quan điểm của một giai tầng nhất định. Ta có thể thấy rõ điều đó khi đem đối chiếu tác phẩm của các tác giả thuộc các giai tầng khác nhau nhưng cùng viết về một đề tài. Chẳng hạn, cùng đề tài về chùa Trấn Bắc, nhưng thơ của bà Huyện Thanh Quan khác với thơ Ngô Ngọc Du về tư tưởng (bài chơi chùa Trấn Bắc và bài Ðàm ni thân thế khẩu thuật). Một bên là sự nuối tiếc, chua xót, một bên là hoan hỉ, vui mừng. Khi đi qua chùa Trấn Bắc, bà Huyện Thanh Quan nhìn thấy cảnh điêu tàn do Nguyễn Hữu Chỉnh phá phách, bà chạnh lòng nhớ tiếc nơi đã từng diễn ra những cuộc hoan lạc dưới thời Lê - Trịnh. Bà viết :
Trấn Bắc hành cung có dãi dầu
Chạnh niềm cố quốc nghĩ mà đau.
… Sóng lớp phế hưng coi đã rộn
Chuông hồi kim cổ lắng càng mau
Người xưa cảnh cũ, nào đau tả
Khéo ngẩn ngơ thay lũ trọc đầu                
            Trong khi đó, Ngô Ngọc Du lại vui mừng trước sự sụp đỗ của triều Lê - Trịnh, tác giả reo vui trước sự đổi dời mà không một chút nuối tiếc thời đã qua. Ðây là tiếng nói của một con người bị chà đạp đè nén, được đổi đời, được giải phóng:
Một sớm cửa tung, bừng ánh sáng
Mọi người ùa tới dắt tay nhau
Họ bảo: ngày nay đã đổi đời
Trịnh bị diệt vong, Lê cũng tàn rồi
Ðoạn trường rày hết kiếp oan trái.
            Tính giai cấp của văn nghệ được biểu hiện trong tác phẩm rất đa dạng, nhiều màu sắc, cung bậc, đậm nhạt khác nhau. Ðó có thể là nói một cách xa xôi bóng gió thân phận quẩn quanh của kiếp người dân xưa:
Con kiến mà đeo cành đa
Leo phải cành cụt leo ra, leo vào
Con kiến mà leo cành đào
Leo phải cành cụt leo vào leo ra.
            Hoặc thân phận người phụ nữ bị ràng buộc trong lễ giáo phong kiến khắc khe:
Em như con hạc đầu đình
Muốn bay chẳng cất nổi mình mà bay
            Hoặc đề cập trực tiếp tới vấn đề áp bức bóc lột giai cấp: Ðịa chủ và nông dân như trong truyện Tấm Cám, tiểu thuyết Tắt đèn, Bước đường cùng …
            Hoặc đề cập đến một cách gay gắt, trực tiếp cuộc đấu tranh một mất một còn đối với kẻ thù giai cấp, dân tộc: Người mẹ cầm súng, Sống như Anh …
            Văn nghệ nhân loại đã có thời kỳ, người sáng tác ra nó đã không có sự chế ước của hệ tư tưởng giai cấp này hay giai cấp khác và tác phẩm của họ cũng không nói tiếng nói của giai cấp nào cả. Ðó là thời kỳ xã hội chưa có giai cấp. Sau này, khi chủ nghĩa cộng sản đã trở thành hiện thực bao trùm lên toàn bộ trái đất thì văn nghệ cũng sẽ không còn biết đến tính giai cấp là gì. Nhưng trong điều kiện đấu tranh giai cấp đã trở thành động lực của sự phát triển xã hội thì văn nghệ mang bản chất giai cấp là điều không tránh khỏi, dù sáng tác là của một em bé, dù nhân vật của một sáng tác nào đó là một em bé. Trần Ðăng Khoa có những bài thơ nổi tiếng , tuyệt hay về tư tưởng cũng như nghệ thuật từ lúc 7,8 tuổi. Những bài thơ thật ngây thơ nhưng thật già dặn:
Thằng Mĩ nó đến nước tôi
Búp bê nó giết, mạng người nó tra
Nó bắn các cụ mù lòa
Nó giết cả bé chưa và được cơm.
            Nhân vật đứa bé đi ở phải bóp cổ giết chết đứa bé con nhà chủ để được ngủ trong chuyện Buồn ngủ của Chekhov phải chăng là phản ứng của bản năng giai cấp.
b. Vì sao trong xã hội có giai cấp và nảy sinh đấu tranh giai cấp văn nghệ lại mang tính giai cấp?
Văn chương là một hình thái ý thức xã hội thuộc thượng tầng kiến trúc, chịu sự qui định của hạ tầng cơ sở, khi bản chất cơ sở là bản chất giai cấp thì văn chương nảy sinh trên cơ sở ấy tất yếu mang tính giai cấp.
Trong cơ cấu đời sống xã hội, chủ nghĩa Mác khẳng định văn chương là một hình thái ý thức xã hội, do cơ sở sinh ra và chịu sự qui định của nó. Trên một cơ sở kinh tế nhất định, nảy sinh một nền văn chương nhất định. Cơ sở kinh tế chẳng những quyết định sử nảy sinh mà phát triển của văn chương mà còn quyết định nội dung và tính chất của văn chương. Trong xã hội có giai cấp cơ sở hạ tầng - toàn bộ những quan hệ sản xuất - là quan hệ giữa các giai cấp về địa vị đối với hệ thống sản xuất xã hội đối với hình thức chiếm hữu tư liệu sản xuất, về phương thức phân phối của cải. Nói cách khác, là quan hệ giữa các giai cấp và đấu tranh giai cấp. Văn chương nảy sinh trên cơ sở hạ tầng mang bản chất giai cấp đó tất yếu mang bản chất giai cấp - bản chất của cái đã sinh ra nó.
Ví dụ: khi xã hội mà mâu thuẫn giai cấp cơ bản là mâu thuẫn  giữa địa chủ và nông dân thì văn chương cũng xoay quanh mâu thuẫn đó (Tấm cám, Vợ chồng A Phủ, Tắt đèn). Khi xã hội chuyển sang chế độ tư bản - bản chất kinh tế là kinh tế hàng hóa, mâu thuẫn giai cấp cơ bản là mâu thuẫn giữa tư sản và vô sản thì văn chương xoay quanh vấn đề hàng hóa sức lao động, vấn đề nhân phẩm con người và tiền tài (Eugénie - Grandet, Người mẹ v.v…)
Mặt khác, văn chương là một hình thái ý thức xã hội, như các hình thái ý thức xã hội khác, có tác dụng phục vụ, duy trì, bảo vệ hạ tầng cơ sở; khi cơ sở mà nội dung trọng yếu của nó là đấu tranh giai cấp thì văn chương có nhiệm vụ phục vụ cho cuộc đấu tranh giai cấp đó. Các giai cấp cầm quyền luôn luôn có ý thức sử dụng thượng tầng kiến trúc để duy trì lợi ích giai cấp mình. Văn chương là một trong những vũ khí lợi hại của giai cấp. Các giai cấp tận dụng triệt để sức mạnh của văn chương dùng nó làm vũ khí đấu tranh cho lợi ích giai cấp mình. Vì vậy mà văn chuơng là vũ khí đấu tranh giai cấp. Từ ngày xưa, Chu Ðôn Dy đã xem văn chương như là công cụ đằc lực truyền bá tư tưởng: văn dĩ tải đạo. Ngày nay, Bác Hồ khẳng định trực diện vũ khí đấu tranh giai cấp - văn chương rất đặc biệt này:Văn nghệ cũng là một mặt trận, anh chị em văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy.
Ðứng ở góc độ nhận thức luận, phản ánh luận, ý thức xã hội là sự phản ánh tồn tại xã hội, văn chương là một hình thái ý thức nên nó phản ánh tồn tại xã hội. Khi tồn tại xã hội chủ yếu là quan hệ giữa các giai cấp và đấu tranh giai cấp thì văn chương - hình ảnh của tồn tại đó - tất yếu phản ánh cuộc đấu tranh giai cấp. Phản ánh hiện thực là thuộc tính cơ bản của văn chương. Dù muốn hay không khi sáng tạo nghệ thuật, nghệ sĩ bao giờ cũng phàn ánh vào trong tác phẩm của mình thế này hay thế khác tồn tại xã hội, đời sống xã hội. Khi tồn tại xã hội là tồn tại mang bản chất giai cấp, văn chương phản ánh nó, tất yếu phản ánh các quan hệ giai cấp và đấu tranh giai cấp.
- Ðiều đặc biệt quan trọng là: tác phẩm văn chương là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan, khi chủ thể nhận thức mang bản chất giai cấp thì sản phẩm ý thức của nó- tác phẩm văn chương tất yếu mang bản chất giai cấp. Trong xã hội có giai cấp, nhà văn là con đẻ của một giai cấp nhất định. Lênin đã từng nói:không một người nào đang sồng mà lại có thể không đứng về một giai cấp này hay một giai cấp khác. Tác phẩm văn chương là ý thức, là tư tưởng, là hiện thực được khúc xạ qua lăng kính chủ quan của nghệ sỹ mang bản chất giai cấp, tất yếu mang tính giai cấp. Hơn thế, nhà văn là công dân giai cấp, đồng thời còn là người phát ngôn, đại biểu cho lợi ích giai cấp. Gorki đã từng khẳng định : Nhà văn là con mắt, là lỗ tai, là tiếng nói của một giai cấp". Vì thế, khi phản ánh hiện thực, sáng tạo nghệ thuật, nhà văn không thể không xất phát từ lập trường, từ quan điểm, từ nguyện vọng, từ lợi ích của giai cấp mình.
Tóm lại, Tính giai cấp là một tất yếu lịch sử.
2. Tính giai cấp của văn chương là một hiện tượng lịch sử phức tạp.
a. Tính giai cấp của văn chương không thuần nhất, đơn nhất.
Con người là tổng hòa của những mối quan hệ xã hội. Các thành viên thuộc các giai cấp trong xã hội luôn luôn đấu tranh, tác động và ảnh hưởng lẫn nhau, các thành viên của từng giai cấp không ngừng thay đổi và chuyển hóa từ giai cấp này sang giai cấp khác. Vì vậy, tính giai cấp của con người là không thuần nhất. Văn chương là tinh thần, tư tưởng của con người, do đó, tính giai cấp của nó không thuần nhất, đơn nhất. Chẳng hạn, Nguyễn Du và Truyện Kiều của ông, những mâu thuẫn gay gắt trong thế giới quan của Nguyễn Du thể hiện trong Truyện Kiều.
Mỗi thời đại, giai cấp nào nắm quyền thống trị về vật chất thì đồng thời nắm quyền thống trị về tinh thần. Tư tưởng thống trị thời đại là tư tưởng giai cấp thống trị. Tư tưởng giai cấp bị trị không thể không bị ảnh hưởng, không thể không mang dấu ấn tư tưởng giai cấp thống trị. Văn chương là sản phẩm tư tưởng của kẻ bị thống trị không thể không bị pha tạp bởi tư tưởng giai cấp thống trị. Do chịu ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến thống trị mà trong ca dao xưa - sáng tác của nhân dân lao động, có lúc biểu hiện tư tưởng bi quan, bất lực, cam chịu … thậm chí, ước muốn cao xa nhất cũng chỉ là ước muốn làm kẻ thống trị người khác.
b. Tính giai cấp của văn chương không phải bao giờ cũng mang những hình thức riêng biệt, sáng rõ.
Trong lịch sử văn chương, không hiếm những tác phẩm mang những hình thức giai cấp riêng biệt, sáng rõ, ca dao cổ là một ví dụ. Ca dao có câu:
Vì chưng bác mẹ tôi nghèo
Cho nên tôi phải băm bèo, thái rau.
Ðây chỉ có thể là tiếng nói của nhân dân lao động nghèo khổ mà thôi - không nhầm lẫn vào đâu được. Những con người của tầng lớp phong kiến bóc lột không nói và không thể nói được vậy.
Phần lớn các tác phẩm văn chương ưu tú của quá khứ thì tính giai cấp của chúng lại thường khoác chiếc áo "nhân tính",nhân đạo chung chung, không mang màu sắc giai cấp, thời đại lịch sử cụ thể. Chẳng hạn : Tây Sương kí của Vương Thực Phủ, tác giả nêu lên lí tưởng là mong sao lứa đôi được thành gia thất. Trường hận ca của Bạch Cư Dị nêu lên lí tưởng tình yêu chung thủy.
c. Tính giai cấp của tác phẩm không phải lúc nào cũng tương ứng với thành phần giai cấp của tác giả.
Sự phân hóa giai cấp diễn ra gay gắt trong cuộc đấu tranh giai cấp đã làm cho nhiều nhà văn vốn thuộc giai cấp này trở thành người phát ngôn cho giai cấp khác. Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Tolstoi, balzac chẳng hạn. Do đó, thành phần giai cấp xuất thân của tác giả là một chuyện, còn khuynh hướng giai cấp toát ra từ thực tế hình tượng tác phẩm của anh ta lại là chuyện khác; có thể tương ứng, cũng có thể không, hoặc chỉ tương ứng một phần nào…
d. Tính giai cấp của tác phẩm không phải lúc nào cũng phụ thuộc vào ý muốn chủ quan hay lời tuyên bố của nhà văn.
Tính giai cấp là khuynh hướng thực tế toát ra từ tác phẩm, cho nên, không nhất thiết là thống nhất với ý định hay lời tuyên bổ của nhà văn, có nhiều nhà văn tuyên bố mình đứng trên các giai cấp (siêu giai cấp) nhưng thực tế tác phẩm của họ phục vụ cho giai cấp tư sản, có nhà văn tuyên bố mình đứng về giai cấp vô sản nhưng thực tế tác phẩm của họ lại chống lại Ðảng, chống lại giai cấp vô sản.
Tóm lại, tính giai cấp của văn chương là một hiện tượng lịch sử phức tạp, nó là khuynh hướng khách quan của tác phẩm thể hiện mối liên hệ thực tế giữa văn chư giai cấp và đấu tranh giai cấp, thể hiện mối lợi ích lịch sử của các giai cấp trong xã hội. Cho nên, không thể đồng nhất tính giai cấp của tác phẩm với thành phần giai cấp của nhà văn, với tính giai cấp của nhân vật, với ý muốn chủ quan của tác giả, với hình thức biểu hiện của tác phẩm…
3. Văn chương là một vũ khí đấu tranh giai cấp.
Là một hình thái ý thức xã hội thuộc thượng tầng kiến trúc, văn chương có tác dụng năng động trở lại hạ tầng cơ sở, phục vụ cơ sở. Trong xã hội có giai cấp, văn chương phục vụ hạ tầng cơ sở, có nghĩa là phục vụ cho cuộc đấu tranh giai cấp và tất yếu trở thành vũ khí đấu tranh giai cấp.
Nhà văn sáng tạo ra hình tượng nghệ thuật để thể hiện lí tưởng thẩm mĩ của mình,tức là thể hiện những nhu cầu khát vọng và tư tưởng của một giai cấp nhất định. Trong tác phẩm, nhà văn bao giờ cũng miêu tả lí tưởng của mình thành ra cái đẹp và các hợp lí hơn cả, đáng noi theo và đúng hơn cả. Bà huyện Thanh Quan viết bài thơ Ðèo ngang với một tình cảm lạc hậu nhưng bà cho đó là tình cảm hợp lí nhất: Bà nhớ tiếc Triều Lê - Trịnh đã bị đánh đổ, Ðèo ngang là nơi chia cắt Trịnh - Nguyễn, lẽ ra việc được phá bỏ sự chia cắt, thống nhất giang san thành một mối thì vui mới phải, nhưng Bà huyện lại buồn tái tê.
Dù muốn hay không, qua tác phẩm của mình, nhà văn đã khuôn tư tưởng, tình cảm của người đọc theo kích thước, cung bậc của tư tưởng, tình cảm của mình, truyền cho người đọc sự cảm thụ thế giới theo phương thức cảm thụ của mình và phù hợp với lợi ích lịch sử của một giai cấp lịch sử nhất định. Trong ý nghĩa đó mà mọi tác phẩm văn chương mang tính giai cấp đều trở thành vũ khí đấu tranh giai cấp. Cũng chính với ý nghĩa như vậy mà Gorki đã nói: "Nhà văn là lỗ tai, con mắt, tiếng nói của một giai cấp".
Ðể bảo vệ quyền lợi của mình, giai cấp thống trị luôn luôn tìm cách làm cho tư tưởng, tình cảm của giai cấp mình trở thành tư tưởng, tình cảm thống trị thời đại. Giai cấp thống trị không từ bỏ một thủ đoạn nào (bạo lực, dụ dỗ, mua chuộc …), không từ bỏ một phương tiện nào (báo chí, xuất bản …) để tuyên truyền, giáo dục ý thức hệ của giai cấp mình. Cho nên, giai cấp thống trị luôn luôn có ý thức dùng văn nghệ làm vũ khí đấu tranh giai cấp, đào tạo ra một đội ngũ văn nghệ sĩ chuyên nghiệp phục vụ tích cực cho giai cấp mình, và sẵn sàng trấn áp, thủ tiêu nền văn nghệ đối lập. Ngược lại, nhân dân lao động và giai cấp bị trị bao giờ cũng dùng văn nghệ để chống lại ý thức hệ của giai cấp thống trị.
Bởi vậy, trong xã hội có giai cấp đối kháng "Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận" (Bác Hồ). Trong mặt trận đó, diễn ra sự đấu tranh giữa cái tiến bộ vì lợi ích của nhân dân lao động với cái thoái bộ vì lợi ích của bọn thống trị bóc lột; giữa cái cũ và cái mới, giữa cái tiến bộ và cái lạc hậu, giữa cái trưởng thành và cái mục nát. Những bức thư trao đổi giữa Phan Ðình Phùng và Hoàng Cao Khải, những bài thơ xướng họa của Phan Văn Trị và Tôn Thọ Tường, những bài bút chiến giữa Ngô Ðức Kế, Huỳnh Thúc Kháng với Phạm Quỳnh, những bài bút chiến giữa Bùi Công Trừng, Hải Triều với những nhà văn "nghệ thuật vị nghệ thuật" … đều là sự phản ánh xung đột tư tưởng giai cấp trên lĩnh vực văn nghệ.
4. Biểu hiện tính giai cấp trong tác phẩm văn chương.
Trong một tác phẩm, tính giai cấp không chỉ biểu hiện ở nội dung tư tưởng mà còn cả hình thức nghệ thuật. Ðể xác định tính giai cấp của tác phẩm ta phải xem xét nhiều mặt: đề tài, chủ đề, tư tưởng, hình tượng, ngôn ngữ … đồng thời tùy theo từng tác phẩm cụ thể mà có cách xem xét tính giai cấp khác nhau vì tính giai cấp của tác phẩm được biểu hiện ra một cách khác nhau tùy theo phương pháp sáng tác, phong cách, sức mạnh tình cảm giai cấp của từng nhà văn cụ thể.
-  Về đề tài.
Ðứng trước hiện thực đời sống phong phú, muôn màu muôn vẻ nhà văn chọn lấy phạm vi hiện thực nào để đưa vào tác phẩm, đương nhiên, tùy thuộc vào nhiều điều kiện chủ quan của tác giả trong có có vấn đề lập trường, quan điểm giai cấp. Chủ nghĩa cổ điển ở châu Âu thế kỷ XVII, các tác phẩm của nó được quy định nghiêm ngặt về nhiều mặt, trong đó có đề tài. Cuộc sống của ông Hoàng, bà Chúa chốn cung đình là loại đề tài "cao quí" , cuộc sống của con người thuộc đẳng cấp thứ ba là đề tài "thấp hèn". Các nhà văn của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa với quan điểm nhân dân lao động là người làm chủ lịch sử thời đại mới đã hướng về đề tài cuộc sống lao động, chiến đấu, xây dựng của quần chúng lao động.
-  Tư tưởng chủ đề.
Ðiều quan trọng là không phải chọn cái gì để miêu tả, mà quan trọng là ở chỗ miêu tả, lí giải cái đã chọn như thế nào. Ở đây bộc lộ rõ khuynh hướng tư tưởng giai cấp của tác giả, tác phẩm. Cùng viết về đề tài người phụ nữ nông dân nhưng cách nhìn nhận và lí giải số phận của họ đối với các nhà văn của chủ nghĩa hiện thực phê phán khác với các nhà văn của chủ nghĩa hiện thực XHCN. Ngô Tất Tố với lập trường tiểu tư sản tiến bộ một mặt ca ngợi những đức tính tốt đẹp của chị Dậu, nhưng mặt khác lại thấy một tương lai "tối như mực" của chị. Nguyễn Thi với lập trường giai cấp vô sản đã chẳng những nhìn thấy được những mặt bản chất tốt đẹp, truyền thống của người phụ nữ Việt Nam mà còn thấy được bản chất cách mạng của học. Hơn thế, tương lai của số phận người phụ nữ dưới ngòi bút Nguyễn Thi khác Ngô Tất Tố về căn bản. Nếu như chị Dậu thụ động, bất lực không có lối thoát trước bao nhiêu thế lực hắc ám, thì chị Út Tịch luôn luôn chủ động, vươn lên chiến thắng mọi kẻ thù để làm chủ cuộc sống và trở thành người anh hùng.
Về hình tượng.
Hình tượng, đặc biệt, là hình tượng nhân vật, là nơi bộc lộ tập trung, rõ rệt tính giai cấp của tác phẩm. Tính giai cấp của hình tượng nhân vật bộc lộ chủ yếu ở hành động, ở tư tưởng tình cảm của nhân vật. Phương diện này của hình tượng - phương diện nội dung, chúng ta đã đề cập ở phần tư tưởng chủ đề. Nhưng hình tượng là yếu tố nội dung mang tính chất hình thức. Tính giai cấp còn biểu lộ ở quan niệm nghệ thuật về con người của tác giả.
Quan niệm nghệ thuật về người anh hùng thời đại của Nguyễn Du qua Từ Hải, khác với quan niệm nghệ thuật và người anh hùng của Trần Ðình Vân qua Nguyễn Văn Trỗi. Nhân vật trung tâm của chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa hiện thực phê phán và chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là khác nhau. Nếu nhân vật trung tâm của chủ nghĩa hiện thực phê phán chủ yếu là phản diện thì nhân vật trung tâm của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là chính diện. Nếu nhân vật người lao động trong chủ nghĩa hiện thực phê phán là những con người nhỏ bé quẩn trong miếng cơm, manh áo sau lũy tre làng, thì người lao động của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là con người chính trị tham gia cuộc vận động lớn của lịch sử nhằm giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, xóa bỏ chế độ người bóc lột người, xây dựng xã hội mới. Chính lập trường, quan niệm giai cấp bao gồm cả quan điểm thẩm mĩ của tác giả đã chi phối quan niệm nghệ thuật về con người - nhân vật của tác phẩm.
Về loại thể.
Loại thể là một yếu tố của hình thức biểu hiện. Tính giai cấp biểu hiện qua loại thể thật khó thấy. Nhưng không phải loại thể không bị chi phối bởi quan điểm giai cấp của người sáng tác. Các nhà văn của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa mở rộng cửa cho các loại thể trong sáng tác nhưng khước từ loại nghệ thuật cầu kỳ, bí hiểm tắc tị của nghệ thuật tư sản trong thời kỳ suy đồi, đồng thời cũng không xem là khuôn thước loại nghệ thuật có tính quy phạm với những quy định ngặt nghèo gò bó sáng tạo của nghệ thuật phong kiến.
Về ngôn ngữ.
Ngôn ngữ thì không mang tính giai cấp. Nhưng khi tồn tại trong tác phẩm nghệ thuật với tư cách là ngôn từ - chất liệu xây dựng hình tượng nghệ thuật thì nó mang màu sắc cá nhân, và do đó, mang khuynh hướng tư tưởng. Văn chương văn gian tiếng nói của người lao động, ngôn ngữ của nó giản dị, mộc mạc, trong sáng nhưng cũng điêu luyện. Văn chương của tầng lớp phong kiến thống trị, ngôn ngữ của nó mang đậm màu sắc khoa cử, khuôn phép do đó thường sáo mòn, thiếu tính đại chúng.
5. Vài nét về tính đảng trong văn chương.
Tính đảng cộng sản là nguyên tắc tối cao, là linh hồn của toàn bộ nền nghệ thuật xã hội chủ nghĩa. Nhưng tính đảng nói chung lại là linh hồn của mọi nền văn nghệ. Bởi vì, tính đảng không gì khác hơn là sự biểu hiện tập trung nhất và cao nhất của tính giai cấp.
Xã hội phân chia giai cấp thì cá nhân con người trong xã hội đó bao giờ cũng thuộc về một giai cấp nhất định và mang bản chất giai cấp. Lênin viết: "Không có người nào sống lại có thể không đứng về phía giai cấp này hay giai cấp khác…" và quan điểm của mọi người bao giờ "tất yếu cũng xuất phát từ một môi trường xã hội nhất định, môi trường đó là vật liệu, là đối tượng đời sống tinh thần của cá nhân và được phản ánh vào ý nghĩ, tình cảm của cá nhân một cách tiêu cực hay tích cực, đại diện cho quyền lợi giai cấp xã hội này hay giai cấp xã hội khác". Lênin cũng chỉ rõ rằng: "Trong xã hội dựa vào sự phân chia giai cấp thì đến một mức độ phát triển nhất định của nó, cuộc đấu tranh giữa các giai cấp thù địch nhất thiết sẽ trở thành cuộc đấu tranh chính trị. Cuộc đấu tranh giữa các đảng phái là biểu hiện hoàn chỉnh, đầy đủ, rõ rệt nhất của cuộc đấu tranh chính trị giữa các giai cấp". Ðấu tranh giai cấp tất yếu dẫn tới tổ chức đảng. Nếu như đảng là hình thức tổ chức cao nhất của giai cấp thì tính đảng chính là biểu hiện tập trung nhất, cao nhất của tính giai cấp. Lênin nói: "Tính đảng nghiêm túc là người bạn đường và là kết quả của cuộc đấu tranh giai cấp phát triển đến cao độ". Là một vũ khí sắc bén trong cuộc đấu tranh giai cấp của các giai cấp trong xã hội, khi mà cuộc đấu tranh giai cấp phát triển đến cao độ, bản thân văn chương tự nó đã mang tính đảng - theo nghĩa rộng rãi nhất của nó. Nhưng do, giai cấp tư sản luôn luôn che đậy tính đảng trên mọi lĩnh vực, cho nên họ phủ nhận luôn tính đảng trong văn chương. Còn giai cấp vô sản chẳng những công khai thừa nhận tính đảng của văn chương mà còn đề ra yêu cầu và nguyên tắc tính đảng cho văn chương của mình. Do đó, trong thực tế, tính đảng trong văn chương thường được dùng để chỉ tính đảng cộng sản của văn chương. Vì vậy, tính đảng của văn chương là khái niệm phản ánh mối liên hệ giữa văn chương với giai cấp vô sản và đảng của nó.
Tóm lại:
- Trong cơ cấu đời sống xã hội, văn chương là sản phẩm tinh thần của xã hội, "Xã hội thế nào, văn nhgệ thế ấy". Bản chất xã hội quy định bản chất nghệ thuật. Trong xã hội có giai cấp và đấu tranh giai cấp, bản chất xã hội là bản chất giai cấp; văn chương là con đẻ của xã hội, tất yếu mang bản chất giai cấp. Tính giai cấp của văn chương, vì vậy, là một thuộc tính tất yếu.
- Văn chương mang tính giai cấp nên lịch sử văn chương trong xã hội có giai cấp còn là lịch sử đấu tranh giai cấp trên mặt trận văn chương, là nhà văn là chiến sĩ trên mặt trận ấy.
- Tính giai cấp là một bản chất xã hội lịch sử của văn chương, do đó, không thể hiểu các hiện tượng nếu như không phân tích nội dung giai cấp của nó.
II. TÍNH NHÂN DÂN CỦA VĂN NGHỆ
Trong xã hội có giai cấp, văn chương mang tính giai cấp. Như thế có nghĩa là văn chương của giai cấp tiến bộ thì mang tính giai cấp của giai cấp tiến bộ. Văn chương của giai cấp lạc hậu mang tính giai cấp của giai cấp lạc hậu. Ý nghĩa và tác dụng lịch sử của chúng, vì vậy, hoàn toàn khác nhau. Nó phục vụ cho từng giai cấp trong cuộc đấu tranh giai cấp của mình ở từng giai đoạn lịch sử nhất định. Nhưng trong lịch sử văn chương nhân loại, chúng ta còn thấy có một hiện tượng khá phổ biến là khi thời đại đó qua đi, nhưng có những tác phẩm vẫn còn sống Máci và phát huy tác dụng tích cực đối với nhân dân từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ðiều đó cho thấy rằng: Bên cạnh mối liên hệ với giai cấp thì văn chương còn có mối liên hệ lâu dài hơn, rộng lớn hơn, đó là mối liên hệ với quần chúng nhân dân - lực lượng sáng tạo nên lịch sử. Ðặc điểm này của văn chương được gọi là tính nhân dân. Tính nhân dân, vì vậy, là khái niệm phản ánh mối liên hệ giữa văn chương với nhân dân.
1. Những quan niệm về tính nhân dân trong lịch sử
            Mối liên hệ giữa văn chương và nhân dân là mối liên hệ sống còn của nghệ thuật. Ðã từ lâu, tính nhân dân được mĩ học cổ điển thừa nhận là một thuộc tính và là phẩm chất của văn chương, một tiêu chuẩn đánh giá về mặt nội dung - tư tưởng và hình thức - nghệ thuật. Tuy nhiên, về mặt lí luận, khái niệm tính nhân dân được đề cập một cách tập trung và có ý thức chỉ từ thời kỳ chuẩn bị cách mạng tư sản (ở phương Tây) thế kỷ XVIII. Ở phương Ðông, chẳng hạn ở Trung Quốc, có thể khẳng định người đặt vấn đề quan hệ giữa văn chương với nhân dân một cách thiết tha và tương đối hoàn chỉnh là Bạch Cư Dị (772 - 846) ; Tính nhân dân là yếu tố quan trọng trong hệ thống lí luận thơ ca của ông. Trong tựa Tân nhạc phủ ông viết: Vị dân nhi tác, bất vi văn nhi tác. Quan niệm đó xác định rõ mục đích của nghệ thuật. Nghệ thuật vị nhân sinh chứ không phải nghệ thuật vị nghệ thuật.
            Ở Việt Nam ta, tuy chưa khái quát trực diện lí luận tính nhân dân nhưng qua cách đặt vấn đề lấy dân làm gốc để cai trị nước và sáng tạo nghệ thuật thì cha ông ta gắn nghệ thuật với nhân dân.
            Nguyễn Trãi đã từng hiểu sức mạnh của nhân dân : "Chở thuyền và lật thuyền cũng là dân" và "việc nhân nghĩa cốt ở an dân". Ông đã nói với vua Thái Tông (tháng giêng năm Ðinh Tỵ - 1937) Khi vua giao cho ông thẩm định nhạc nhã: Ngày nay định ra lễ nhạc là phải thời lắm. Song không có gốc không thể đứng vững, không có văn không thể lưu hành. Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc … Dám xin bệ hạ rũ lòng thương yêu và chăn nuôi muôn dân, khiến cho trong thôn cùng xóm vắng không có một tiếng hờn giận oán sầu, đó tức là giữ được cái gốc của nhạc.
            Nguyễn Du cũng đã "vị dân nhi tác" và học tập nhân dân để sáng tác, kết thúc truyện Kiều tác giả viết:
                        Lời quê chắp nhặt rông dài
                                    Mua vui cũng được một vài trống canh.
            Ðây là sự khiêm tốn, nhưng cũng bộc lộ quan điểm học tập nhân dân của ông. Ông đã đề cập một cách trực diện vấn đề này trong bài thơ chữ Hán Thanh minh ngẫu hứng
                                    Thôn ca sơ học tang ma ngữ.
            (Buổi đầu học tập lời ăn tiếng nói của những người dân trồng dâu, trồng gai).
            Ở phương Tây những nhà khai sáng thế kỷ XVIII như Diderot, Lessing, Rausseau … đã nêu khái niệm tính nhân dân lần đầu tiên.
            Didercot (1773 - 1784) (Pháp) đã đấu tranh chống lại văn nghệ có tính chất quý tộc của chủ nghĩa cổ điển (thế kỷ XVII) - một thứ nghệ thuật miêu tả cung đình với những ông Hoàng bà Chúa "những bậc đại trượng phu quốc gia" hoặc tìm chất liệu trong lịch sử cổ đại (Hy - La) của Corneille, Racine, Voltaire … ông chủ trương phải mở rộng diện phản ánh ra ngoài đường phố, chợ búa, miêu tả những con người bình thường thuộc "đẳng cấp thứ 3".
            Rausseau (1712 - 1778) (Pháp) với quan niệm cần thiết phải dân chủ hóa nghệ thuật cả đối tượng miêu tả và người thưởng thức, ông mong muốn có một nền nghệ thuật mà nhân dân "vừa là khán giả vừa là diễn viên" trong một quốc gia tự do và bình đẳng.
            Chịu ảnh hưởng của Mĩ học khai sáng, Mĩ học duy tâm cổ điển Ðức cũng quan tâm đến vấn đề tính nhân dân của nghệ thuật.
            Hégél (1770 - 1831) trong Mĩ học đã cho rằng: "Nghệ thuật tồn tại không phải để cho một tập đoàn nhỏ bé sống thầm kín, không phải để cho một số người có học thức cao, mà nói chung để cho toàn thể nhân dân". Ðến mĩ học của các nhà dân chủ cách mạng Nga Biélinski, Tchernychevski, Dobrolioubov, tính nhân dân được nhận thức một cách đầy đủ và sâu sắc hơn.
            Biélinski đã khẳng định tính nhân dân là tính chất của văn chương. Ông cho rằng tính nhân dân là "tiêu biểu cao nhất hiện nay, là hòn đá thử vàng xác định phẩm chất của mọi tác phẩm nghệ thuật, xác định sự bền vững của mọi vinh quang nghệ thuật".
            Quan niệm về tính nhân dân của Biélinski cũng có một quá trình phát triển. Buổi đầu ông chưa thấy được sự khác nhau giữa tính nhân dân và tính dân tộc. Chẳng hạn ông thường gọi Puskin và Gogol là "các nhà thơ nhân dân" với hàm nghĩa sáng tác của họ mang tính độc đáo dân tộc. Hoặc cho rằng tính nhân dân không phải "ở việc sưu tầm những lời lẽ của những người muzic… mà ở trong nếp của trí tuệ Nga, ở trong cách nhìn các sự vật của người Nga".
            Dobrolioubov đã không còn hiểu tính nhân dân là tính dân tộc như Biélinski nữa, mà là như là sự thể hiện trong văn chương những quan điểm của quần chúng nhân dân. Ông mong muốn thành lập một đảng nhân dân trong văn chương.
            Nhìn chung, lí luận về tính nhân dân trước Marx đã có những đóng góp đáng kể. Ðặc biệt là đóng góp của mĩ học dân chủ cách mạng Nga (tính nhân dân là phẩm chất cao nhất của nghệ thuật; tính nhân dân đã được bắt đầu nhận thức với nội dung giai cấp). Tuy nhiên, Họ vẫn chưa đi đến một quan niệm hoàn toàn chính xác. Ðiều này chỉ có thể có được trong mĩ học và lí luận văn học Mácxít.
            Mĩ học của các học giả tư sản, xét lại trong thời đại ngày nay đã chẳng những có một quan niệm về tính nhân dân khác với truyền thống tốt đẹp trên mà thậm chí còn rất phản động.
            J. Ortega Y Gasset (Tây Ban Nha 1883 - 1955) nhà mĩ học tư sản phản động cho rằng, nền "nghệ thuật mới" đó là một nền nghệ thuật của một đẳng cấp mới, chứ không phải là nghệ thuật dân chủ. Lí do là vì nghệ thuật mới sẽ phân chia người ta ra thành 2 giai cấp, gồm những con người khác nhau: những kẻ am hiểu nghệ thuật và những kẻ không am hiểu nghệ thuật - tức là hạng nghệ sĩ và hạng không phải nghệ sĩ".
            Như thế, theo Gasset, nghệ thuật có tính nhân dân là nghệ thuật lạc hậu, tầm thường.
             Ở Nga, sau cách mạng tháng 10, cũng có những nhà lí luận xem tính nhân dân như là tính thấp kém của nghệ thuật. Levidov: "Người nông dân mang từ chợ về không phải là Biéliski và Gogol mà là sách hướng dẫn phổ thông gieo trồng lúa".
            2. Tính nhân dân trong lí luận văn học mác - xít.
            Xuất phát từ ý thức về vai trò to lớn của quần chúng nhân dân trong lịch sử : quần chúng là người làm nên lịch sử, Mác, Aêng ghen - Lênin và những người mácxít đã xây dựng nên một quan niệm khoa học về "nhân dân" từ đó đặc cơ sở cho việc xây dựng một quan niệm và tính nhân dân trong văn chương một cách đúng đắn.
            a. Cơ sở xác định tính nhân dân của văn chương.
            Vấn đề tính nhân dân của văn chương đã được đặt ra khá lâu trong lịch sử. Nhưng không phải ngay từ đầu đã có một quan niệm đúng đắn và khoa học. Và cho đến cả ngày nay nữa, không phải đã có sự thống nhất. Chẳng hạn có người cho rằng tính nhân dân là tính quần chúng, tính đại chúng. Nghĩa là tác phẩm viết ra phải được đại đa số dân chúng ưa thích. Với quan niệm này thì những tác phẩm viết bằng tiếng nước ngoài sẽ không có tính nhân dân. Vì nó không đại chúng. (ví dụ những tác phẩm viết bằng chữ Hán, chữ Pháp của ta). Quan niệm này không thật đầy đủ.
            Có người cho rằng tính nhân dân là tính dân tộc, đồng nhất tính nhân dân và tính dân tộc. Quan niệm này dẫn đến 2 trường hợp hoặc xem tính nhân dân là thuộc tính của văn chương (vì tính dân tộc vừa có ý nghĩa thuộc tính vừa có ý nghĩa phẩm chất) hoặc là phẩm chất văn chương. Quan niệm này dẫn đến chỗ thừa nhận có tính nhân dân cả ở những tác phẩm chống lại nhân dân (Vì những tác phẩm này ít nhiều có tính dân tộc. Chẳng hạn sáng tác của Phạm Quỳnh).
            Trong thơ gửi Lassale phê bình vở kịch Prăngxơphôn Xíchkinhghen, ngày 18/5/1995, Engelx đã chỉ ra rằng tác phẩm có thể có tính dân tộc nhưng không có tính nhân dân : đó là "Vở kịch mà chủ đề cách diễn đạt đều rất đạt, thấy đều mang tính dân tộc Ðức".
            Nhưng đồng thời Engelxs chỉ ra hạn chế của tác phẩm về nội dung mà chủ yếu là thiếu tính nhân dân : quan niệm sai lầm về đánh giá phong trào nông dân và dân nghèo thành thị.
            Các nhà lí luận xét lại cho tính nhân dân là tính toàn dân, tức là toàn bộ dân chúng trên một lãnh thổ. Quan niệm này sai lầm ở chỗ tước bỏ nội dung giai cấp của tính nhân dân. Lẽ nào có một tác phẩm vừa thể hiện quyền lợi của tư sản vừa thể hiện quyền lợi của vô sản - của người bị áp bức và kẻ bị áp bức.
            Có người lại không thừa nhận tính nhân dân, chỉ công nhận tính giai cấp. Quan niệm này quá cũ và sẽ không lí giải được sự trường tồn, vĩnh cửu của nghệ thuật ưu tú.
            Những thiếu sót và sai lầm trên đây chủ yếu do xuất phát từ những quan niệm khác nhau về "nhân dân" (nhân dân là ai? Ai trong một dân tộc được gọi là nhân dân?) và về mối liên hệ giữa văn chương và nhân dân (đó là mối liên hệ gì? Và liên hệ như thế nào?)
- Xác định khái niệm "nhân dân".
Muốn biết tính nhân dân là gì thì trước hết phải hiểu nhân dân là ai. Ai trong xã hội được gọi là nhân dân. Chủ nghĩa Mác -Lênin đã xác định rõ điều này.
            Nhân dân là người làm nên lịch sử. Khi bàn về khái niệm nhân dân, Lênin viết : "Mác dùng khái niệm nhân dân là để đem những thành phần xác định có khả năng tiến hành cách mạng đến cùng liên kết thành một khối" và Lênin lưu ý : "Khi dùng khái niệm nhân dân, Mác không hề có ý đem khái niệm này xóa mờ ranh giới khác biệt giữa các giai cấp".
            Như thế theo quan niệm học thuyết Mác - Lênin nhân dân không phải là những kẻ vai u thịt bắp, dốt nát … mà là những người làm nên lịch sử, là lực lượng cách mạng nhất. Vì :
            Họ là người làm ra của cải vật chất cho xã hội - cơ sở tồn tại của xã hội. Ta biết rằng lịch sử phát triển xã hội là lịch sử đấu tranh để đi đến thay thế nhau giữa các phương thức sản xuất. Yếu tố quyết định nhất của phương thức sản xuất là lực lượng sản xuất. Và trong lực lượng sản xuất thì con người là yếu tố quan trọng nhất. Lênin đã từng xác nhận: "Lực lượng sản xuất hàng đầu của toàn nhân loại là công nhân là người lao động". Stalin cũng nhấn mạnh :
            "Lịch sử phát triển của xã hội đồng thời là lịch sử của bản thân những người sản xuất của cải vật chất, lịch sử của quần chúng lao động : họ là lực lượng cơ bản nhất của quá trình sản xuất và tiến hành sản xuất những của cải vật chất cần thiết cho sự sinh tồn xã hội".
            Họ là lực lượng cơ bản của mọi cuộc cách mạng xã hội. Trong xã hội có giai cấp và nảy sinh đấu tranh giai cấp, cuộc đấu tranh của quần chúng lao động chống giai cấp thống trị phát triển đến một mức độ nào đó thì nổ ra cách mạng xã hội. Qua cuộc cách mạng đó, chế độ cũ bị xóa bỏ, chế độ mới ra đời. Chính trong lúc này quần chúng nhân dân nổi bật phi thường. Lênin: "Cách mạng xã hội là ngày hội của những người bị áp bức và bóc lột. Không lúc nào như trong thời kỳ cách mạng mà quần chúng nhân dân tỏ ra là người sáng tạo tích cực như thế trong việc xây dựng nên trật tự xã hội mới. Trong thời kỳ ấy, nhân dân có thể làm nên những sự việc kỳ diệu"…
            Họ là những người sáng tạo ra những giá trị tinh thần. Hồ Chủ tịch : "Quần chúng là những người sáng tạo, công nông là những người sáng tạo, nhưng quần chúng không những sáng tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Quần chúng còn sáng tạo nữa".
            Gorki nói: Nhân dân không chỉ là lực lượng tạo nên mọi của cải vật chất, nhân dân còn là nguồn duy nhất và vô tận của mọi của cải tinh thần; về mặt thời gian, vẻ đẹp cũng như thiên về sáng tác, nhân dân là một nhà triết học và là một nhà thơ đầu tiên sáng tác nên mọi bài thơ vĩ đại mỗi vở kịch của quả đất mà vĩ đại nhất là lịch sử của nền văn hóa thế giới.
            Như vậy: Theo học thuyết Mác-Lênin, nhân dân là một tập hợp của những lực lượng dân chúng cách mạng nhất, tiến bộ nhất có tác dụng sáng tạo và thúc đẩy lịch sử tiến lên.
            Cần lưu ý ngay rằng:
            - Khái niệm nhân dân bao hàm một nội dung giai cấp sâu sắc : người lao động, người làm nên lịch sử, đối lập với giai cấp ăn bám, bóc lột, cản trở lịch sử.
            - Nhân dân là không thuần nhất và nhất trí trong nội bộ: nhân dân vẫn còn tồn tại giai cấp và đấu tranh giai cấp (giai cấp công nhân và giai cấp nông dân chẳng hạn)
            - Nhân dân là khái niệm có tính chất lịch sử. Nội dung của nó thay đổi theo sự phát triển của thời đại (khi chưa phân chia giai cấp thì "nhân dân" có nghĩa là "dân cư" "toàn dân" - bao gồm mọi người cư trú trên một lãnh thổ nhất định. Khi xã hội phân chia giai cấp thì "nhân dân"  là toàn thể bộ phận nhân dân lao động . Và trong một hoàn cảnh cụ thể nào đây nhân dân còn bao hàm cả tầng lớp thống trị tiến bộ.
- Xác định mối liên hệ giữa văn chương và nhân dân:
            Xác định mối liên hệ giữa văn chương với nhân dân là một công việc vô cùng phức tạp, phong phú, bao gồm nhiều phương diện. Nó đòi hỏi phải có quan điểm lịch sử - cụ thể trong khi nhìn nhận, vì bản thân "nhân dân" là một khái niệm có nội dung lịch sử.
            Lênin đã vạch ra cho ta một cơ sở để xác định mối liên hệ đó.
            "Nghệ thuật phải thuộc về nhân dân. Nó phải cắm rễ sâu xa trong quảng đại quần chúng lao động. nó phải được quần chúng hiểu và ưa thích. Nó phải thống nhất tình cảm, tư tưởng và ý chí của quần chúng lại là nâng họ lên".
            Sau ý kiến của Lênin, chúng ta có thể rút ra những đặc điểm cơ bản của mối liên hệ giữa văn chương với nhân dân như sau:
            - Văn chương đó có từ quần chúng lao động mà ra hay không, có phản ánh được tâm tư nguyện vọng của quần chúng hay không.
            - Văn chương đó có trong sáng, giản dị phù hợp với và lí tưởng thẩm mĩ của nhân dân hay không.
            - (Ðiều quan trọng hơn nữa), văn chương đó có tác dụng chiến đấu như thế nào với quần chúng nhân dân.
            b. Khái niệm tính nhân dân của văn chương.  
            Từ những cơ sở trên ta đi đến một nhận định tổng quát về tính nhân dân của văn chương như sau:
            Tổng hòa những đặc điểm về tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm văn chương, thể hiện những nhu cầu, khát vọng cách mạng, tiến bộ và lành mạnh của các giai cấp trong nhân dân chẳng những có ý nghĩa đối với tiến trình cách mạng đương thời mà còn có ý nghĩa đối với toàn bộ cuộc sống tinh thần phong phú của nhân loại được nhân loại yêu mến giữ gìn và lưu truyền.
            Những điểm cần lưu ý khi xác định nội dung khái niệm tính nhân dân của văn chương :
            - Trong ý nghĩa trực tiếp và cơ bản nhất thì tính nhân dân liên hệ sâu sắc với tính khuynh hướng, tính tư tưởng, giai cấp tiến bộ cách mạng của văn chương.
            Trong tiến trình lịch sử, các giai cấp tiến bộ cách mạng, tiến hành đấu tranh giai cấp, làm cách mạng xã hội để xóa bỏ xã hội cũ, xây dựng xã hội mới, thúc đẩy loài người tiến lên. Trong ý nghĩa đó, giai cấp đó là giai cấp cách mạng, tiến bộ. Văn chương có tính nhân dân là văn chương phải thể hiện cho được tính chất cách mạng tiến bộ.
Ví dụ: “Hịch tướng sĩ” tác giả chỉ đề cập đến lợi ích của tầng lớp quý tộc, kêu gọi bầy tôi đứng lên bảo vệ lợi ích của chủ.
            Tuy nhiên “Hịch tướng sĩ” vẫn được đánh giá là Hịch cứu nước. Bởi vì lợi ích quý tộc lúc này đang thống nhất với lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc và lợi ích nhân dân lao động. Chống giặc ngoại xâm lúc này ngoài ý nghĩa báo thù cho chủ, còn có ý nghĩa bảo vệ tổ quốc, bảo vệ hạnh phúc nhân dân, bảo vệ quyền lợi và hạnh phúc của cá nhân những người chống giặc. Cho nên tính nhân dân của tác phẩm này thể hiện ở tính chất tiến bộ cách mạng của chủ nghĩa anh hùng phong kiến của giai cấp quý tộc thời Trần. Lúc này, họ cũng là một bộ phận của nhân dân; thậm chí họ là những thành viên ưu tú vì họ giữ vững được ngọn cờ dựng nước và giữ nước trong tay để tập hợp quần chúng nhân dân lao động.
            “Bình Ngô đại cáo”, tính nhân dân thể hiện ở trong tính cách mang tiến bộ của tác phẩm. Chữ “dân” đã là sợi chỉ để xuyên suốt tác phẩm:
            Nỗi đau của dân được đề cập một cách thống thiết:
Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống hầm tai vạ
Tàn hại cả giống côn trùng cây cỏ
Nheo chóc thay kẻ góa bụa khốn cùng
Bại nhân nghĩa nát cả càn khôn
Nặng thuế khóa sạch không dằm núi
Kẻ bị bắt lên núi đãi cát tìm vàng
Khốn nỗi rừng sâu nước độc
Người bị bắt xuống biển dòng lưng mò trai
Ngán thay cá mập thuồng luồng.
            Mục đích của cuộc chiến đấu là vì dân:
Việc nhân nghĩa cốt ở an dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo
Lực lượng chiến đấu cũng là nhân dân:
Nhân dân bốn cõi một nhà dựng cần trúc ngọn cờ phất phới 
Tướng sĩ một lòng phụ tử hòa nước sông chén rượu ngọt ngào.
            Tính nhân dân của tác phẩm này thể hiện rõ nhất ở chữ "Dân". Tính nhân dân và tính giai cấp cách mạng tiến bộ là thống nhất, vì giai cấp cách mạng lúc này thống nhất với nhân dân.
            Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Ðình Chiểu, tính nhân dân thể hiện ở chỗ nhân dân lao động đóng vai trò lịch sử bảo vệ tổ quốc. Nhân dân mà đặc biệt là nông dân với vai trò lịch sử của họ đã được đề cập sâu sắc.
            Như thế: Tính nhân dân ở tác phẩm ở trong tính cách mạng tiến bộ của tác phẩm. Ngược lại, những tác phẩm không có tính nhân dân là tác phẩm phản động, lạc hậu hoặc là những tác phẩm được sáng tác với mục đích có nhiều biểu hiện tâm tư cá nhân ích kỷ, thể hiện tư tưởng của nhóm người ăn trên ngồi trước. Hoặc có đề cập đến nhân dân thì với một thái độ trịch thượng khinh miệt, kênh kiệu, hoặc chống lại nhân dân một cách trực diện, hoặc gián tiếp.
            Ví dụ: “Trống mái” miêu tả tình yêu của Vọi, một nông dân quê mùa cục mịch lại si tình theo đuổi một tiểu thư một cách khinh miệt mỉa mai.
            - Trong nghĩa mở rộng, tính nhân dân bao hàm mọi giá trị tư tưởng và nghệ thuật lành mạnh, có ý nghĩa đối với toàn bộ đời sống tinh thần của nhân dân.
            Những tác phẩm miêu tả tình cảm gia đình: bố mẹ, anh em, vợ chồng, cha con, mẹ con, bà cháu,… ; những tác phẩm tả cảnh thiên nhiên tuy nó không đề cập đến những tiến trình lịch sử cũng không đặt ra những vấn đề bức thiết của thời đại, những tác phẩm đó có một tình cảm lành mạnh, một nhân sinh quan lành mạnh, tiến bộ, vẫn có tính nhân dân. Chẳng hạn, ca dao tình yêu nam nữ:
                                    - Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo
                                       Ngũ lục sông cũng lội, thất bát đèo cũng qua
                        - Ðã yêu thì yêu cho chắc
                                      Ðã trục trặc thì trục trặc cho luôn
            Ca dao hôn nhân và gia đình:
                                    - Con cò trắng bạch như vôi
                          Ai muốn làm lẽ cha tôi thì về
                          Cha tôi chẳng đánh chẳng chê
                          Mẹ tôi móc ruột lôi mề ăn gan
                          Chồng ta áo rách ta thương
                          Chồng người áo gấm xông hương mặc người.
            Hoặc đả phá lễ giáo phong kiến:
                                      Mẹ ơi có muốn lấy chồng
                                      Con ơi mẹ cũng một lòng như con.
            Tính nhân dân còn bao hàm một nội dung: Mộc mạc mà sắc sảo, giản dị mà phong phú, hồn nhiên mà điêu luyện.
            Mọi giá trị nghệ thuật chân chính đều bắt nguồn từ đời sống nhân dân, từ thị hiếu thẩm mĩ của nhân dân, nên bao giờ, cũng hồn nhiên, mộc mạc, giản dị nhưng phong phú tinh vi và điêu luyện.
            Sự thống nhất của hai phương diện trên (giản dị, mộc mạc, hồn nhiên với phong phú, tinh vi, điêu luyện) là đặc điểm tiêu biểu của nghệ thuật có tính nhân dân. chính vì vậy mà những tác phẩm mang tính nhân dân sâu sắc bao giờ cũng có sự thống nhất giữa "phổ cập" và "nâng cao", giữa "bình dân" và "bác học". Ðó là những tác phẩm mà ai cũng có thể hiểu được. Từ người bình dân đến người uyên bác ai cũng thấy hay, thấy thấm thía, thích thú. "đó là những tác phẩm nói mãi không cùng" (Gớt) "tác phẩm khơi mãi không cạn" (Hoài Thanh). Những tác phẩm như thế chẳng những thỏa mãn nhu cầu thẩm mĩ hiện đại mà còn có khả năng đáp ứng nhu cầu thẩm mĩ ngày càng nâng cao của những thế hệ sau. Nó tạo nên tính chất vĩnh hằng của nghệ thuật.
            Truyện Kiều là ví dụ tiêu biểu. Nó là đỉnh cao của văn chương cổ điển dân tộc. Rất nhiều nhà nghiên cứ đã có nhiều công trình đồ sộ tìm hiểu cái hay cái đẹp của nó.
            Nhưng gần đây một công trình mới của Phan Ngọc nghiên cứu về Truyện Kiều lại cho rằng tất cả các công trình của những người nghiên cứu trước đây đều giống nhau đó là đều chưa chỉ đúng cái hay cái đẹp của Truyện Kiều. Ðó là về phía những người uyên thâm, còn về phía những người bình dân thì người ta thích, yêu, hiểu Truyện Kiều đến mức đọc ngược được. Truyện Kiều có một điều thú vị là có những câu thơ không biết là Nguyễn Du đã mượn từ ca dao hay ca dao đã đi ra từ Truyện Kiều. Hiện tượng này cho thấy Truyện Kiều đã đạt được cái hồn nhiên mà điêu luyện, "bác học" mà "bình dân".
            Truyện Kiều:
                                    Vầng trăng ai xẻ làm đôi
                                    Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường.
            Ca dao:
                        Tiễn đưa một chén rượu nồng
                                    Vừng trăng xẻ nữa tơ lòng dứt đôi.
                                    Vừng trăng ai xẻ làm đôi
                        Ðường trường ai xẻ ngược xuôi hởi chàng.
            Truyện Kiều:
                                    Rắp mong treo ấn từ quan
                                    Mấy sông cũng lội mấy ngàn cũng qua.
            Ca dao:
                        Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo
                                    Ngũ lục sông cũng lội, thất bát đèo cũng qua.
            Truyện Kiều:
                        Sầu đông càng lắc càng đầy
                                    Ba thu dọn lại một ngày dài ghê.
            Ca dao:
                                    Ai đi muôn dặm non sông
                        Ðể ai chứa chấp sầu đông vơi đầy.
            Tính nhân dân của văn chương đối lập với tính chất lạc hậu, bảo thủ, phản động, với chủ nghĩa hình thức sơ lược, dung tục, tầm thường, cầu kỳ bí hiểm. Tính nhân dân luôn gắn với những truyền thống tốt đẹp và cao thượng như chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân đạo, tinh thần dân chủ và xã hội chủ nghĩa, gắn với truyền thống nghệ thuật ưu tú.
            Nói một cách tổng quát tính nhân dân là tổng hòa những đặc trưng làm nên sức sống kỳ diệu và bất diệt của nghệ thuật.
3. Tiêu chuẩn tính nhân dân trong tác phẩm văn chương.
            a. Nội dung tư tưởng
            - Trước hết, một tác phẩm có tính nhân dân là một tác phẩm đề cập đến những hiện tượng, những tính cách, những vấn đề xã hội quan trọng có ý nghĩa đối với nhân dân (phạm vi vấn đề phản ánh).
            Ðề tài có liên hệ đến tính nhân dân trong chừng mực nhất định. Vì, có những tác phẩm không trực tiếp phản ánh đời sống nhân dân nhưng vẫn có tính nhân dân và ngược lại.
            Ví dụ: Truyện nôm khuyết danh có tính nhân dân do trực tiếp miêu tả nhân dân, nhưng có loại tuy nói khá nhiều về nhân dân nhưng không có nhân dân (Lục xì…).
            Trong khi đó, có loại tác phẩm đề cập đến những người lớp trên, ít hoặc không trực tiếp nói đến nhân dân vẫn có tính nhân dân sâu sắc. Vì nó có nhận thức, một thái độ đúng đắn giữa đúng sai, nhân đạo và phản nhân đạo … (Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Hoàng Lê nhất thống chí)
            Nhân tố cơ bản quyết định tính nhân dân của một tác phẩm văn chương không nhất thiết phải là đề tài về đời sống nhân dân mà chủ yếu là ở chỗ nó đề cập đến những vấn đề xã hội có ý nghĩa đối với nhân dân.
            - Cuộc sống hiện thực được miêu tả phản ánh theo quan điểm của nhân dân, dưới ánh sáng của những lí tưởng tiến bộ của thời đại (phương hướng và cách giải quyết vấn đề).
            Chủ đề tư tưởng là vấn đề sống còn của tính nhân dân một tác phẩm.
            Vấn đề được đưa ra trong tác phẩm phải được lí giải, giải quyết phù hợp với quyền lợi và nguyện vọng của nhân dân.
             Truyện Kiều, số phận con người bé nhỏ trong xã hội được ca ngợi, trân trọng - thể hiện được ước muốn đạp đổ bất công.
             Hịch tướng sĩ, Lập trường quan điểm tác giả là lập trường quan điểm thời đại.
             Chinh phụ ngâm, là tiếng kêu oán ghét chiến tranh phi nghĩa dày xéo lên hạnh phúc nhân dân.
            Về mặt nội dung, xét tính nhân dân của văn học không phải xét ở đề tài là chủ yếu, mà yếu tố cơ bản quyết định là ở chỗ chủ đề tư tưởng, ở những vấn đề xã hội đối với nhân dân, ở cách nêu lên và cách giải quyết vấn đề phù hợp với nguyện vọng, lợi ích của nhân dân dưới ánh sáng của nhân sinh quan lành mạnh, lí tưởng tiên tiến của thời đại.
            b. Hình thức nghệ thuật
            Tiêu chuẩn quan trọng về nghệ thuật là tính dân chủ của nghệ thuật biểu hiện. Nghệ thuật "phải được quần chúng hiểu và ưa thích" (Lênin) Vì nghệ thuật là sự đồng cảm. Tố Hữu: "Thơ là điệu nhạc của tâm hồn đi tìm những tâm hồn đồng điệu". Gorky: "Do sự hòa hợp, sự trùng lặp giữa kinh nghiệm nhà văn và kinh nghiệm của độc giả mà nảy sinh chân lí nghệ thuật".
            Quan niệm này đối lập với loại quan niệm nghệ thuật chỉ để dành cho một số người có chọn lọc, được ưu đãi về mặt trí thức của J. Ortega Y Gasset.
            Nghệ thuật có tính nhân dân là nghệ thuật vừa sâu sắc, trong sáng, giản dị, dễ hiểu. Biélinski viết: "Tác phẩm có tính nhân dân dù nội dung lớn lao trọng yếu thế nào đối với mọi người vẫn dễ hiểu". J.danov nói: "Không phải hễ cứ dễ hiểu là thành thiên tài nhưng đã là tác phẩm thiên tài thì nhất định phải dễ hiểu, càng thiên tài bao nhiêu thì càng làm cho quần chúng nhân dân đông đảo dễ hiểu bấy nhiêu".
            Nghệ thuật có tính nhân dân còn là nghệ thuật giản dị dễ hiểu nhưng phải sâu sắc và điêu luyện, không vì giản dị mà hạ thấp nghệ thuật. Hơn nữa giản dị là biểu hiện của nghệ thuật, "đẹp là ở cái giản dị" (Gorky).
            Tóm lại: Tính dân chủ là đặc trưng của nghệ thuật có tính nhân dân, nghệ thuật đó phải có sự thống nhất hữu cơ giữa hai mặt: giản dị và tinh vi, điêu luyện. Những tác phẩm nghệ thuật như thế chẳng những thỏa mãn nhu cầu hiện tại về mặt thẩm mĩ mà còn có khả năng đáp ứng nhu cầu thẩm mĩ ngày càng cao của thế hệ sau. Nó tạo nên tính vĩnh cửu trong nghệ thuật.
III. QUAN HỆ GIỮA TÍNH NHÂN DÂN VÀ TÍNH GIAI CẤP, TÍNH ÐẢNG.
1. Tính nhân dân và tính giai cấp.
            Trong xã hội phân chia giai cấp, văn học bao giờ cũng mang tính giai cấp cụ thể. Nhưng tùy theo vị trí xã hội và vai trò lịch sử của các giai cấp, nền văn học vốn mang tính giai cấp ấy có ảnh hưởng tiêu cực, tích cực đến quá trình giải phóng nhân dân, quá trình đấu tranh cách mạng của nhân dân. Như thế, văn chương phục vụ cho giai cấp bóc lột duy trì tình trạng nghèo nàn của quần chúng là không có tính nhân dân. Chỉ có văn chương phản ánh được nguyện vọng, tâm tư tình cảm của nhân dân lao động, có ảnh hưởng tích cực đến quá trình giải phóng nhân dân thì mới có tính nhân dân.
            Vậy: Tính nhân dân đối lập gay gắt với tính giai cấp lạc hậu, phản động và thống nhất với tính giai cấp tiến bộ cách mạng.
            2. Tính nhân dân và tính đảng.
            Tính đảng cộng sản và tính nhân dân thống nhất với nhau trong thời đại chúng ta. Vì: tính đảng là tính giai cấp tiến bộ nhất, giác ngộ nhất trong nhân dân lao động. Hơn nữa đảng ta "ngoài lợi ích của nhân dân ra Ðảng ta không có một lợi ích nào khác" (Bác). Vì thế lấy tiêu chuẩn tính nhân dân để đánh giá các tác phẩm hiện nay thì nó đã bao hàm tính đảng rồi - tính đảng là biểu hiện cao độ của tính nhân dân (tiêu chuẩn tính nhân dân cao nhất mọi thời kỳ phải đo bằng lực lượng xã hội tiên tiến nhất thời kỳ đó).
            Tuy nhiên, không thể đồng nhất tính nhân dân và tính đảng.
Vì :       - Nền văn chương vô sản có kế thừa và sáng tạo, kế thừa là kế thừa tính nhân dân.
            - Cách mạng có quy luật phát triển không đều, ở đâu giai cấp vô sản chưa nắm được chính quyền thì ở đó văn chương vô sản chưa ở mức quy mô, công khai hợp pháp, toàn dân. Cho nên, bên cạnh đó phải có nền văn chương hợp pháp.
            - Hơn nữa đề ra tính đảng là đề ra một tiêu chuẩn cao nhất cho sáng tác để lưu ý, yêu cầu sáng tác.
            Tóm lại:
            Tính nhân dân là dấu hiệu quan trọng nhất nói lên sức sống lâu bền, phi thường và bất diệt của nghệ thuật, là niềm tự hào chân chính của các thế hệ nhà văn, chỉ có liên hệ một cách sâu xa, rộng lớn, lâu bền với nhân dân thì văn chương nghệ thuật mới được tồn tại và phát triển lành mạnh.
            Chỉ có dưới chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa, với tính đảng vô sản, văn chương mới có điều kiện khắc phục những hạn chế của văn chương nhân dân quá khứ và phát triển mạnh mẽ, toàn diện tính nhân dân của mình.