Sống trong đời sống cần có một tấm lòng!

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng!

Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

Im lặng không có nghĩa là tôi lạnh lùng


Tôi thường im lặng và sống lặng thầm một mình. Đôi khi trong chuyện học, và cả chuyện cuộc sống tôi cũng thường như vậy. Các bạn tôi, nhất là những người cùng lớp luôn nghĩ tôi lạnh lùng vì ngoài những phút giây bông đùa, tôi thường rất khó gần. Nhưng thực sự thì họ đâu có hiểu tại sao tôi im lặng? và im lặng để làm gì?... Tôi biết trả lời sao khi mà đương nhiện hiện thực cuộc sống luôn cần có sự im lặng.
Tôi thường lặng im để cho tâm hồn mình có những phút giây yên tĩnh để có thể suy nghĩ chín chắn hơn. Tôi nghĩ nhờ vậy mà tôi luôn giữ được những mối quan hệ tốt đẹp trong cuộc sống. Cũng vì vậy mà khi chúng ta im lặng mới có thể cảm nhận được cuộc sống xung quanh đang vận động một cách tinh tế nhất.
Im lặng là cách để bạn hiểu được nhiều hơn về những người xung quanh và cả chính bản thân mình nữa.
Có lẽ bạn sẽ thấy dễ hiểu nhất khi chứng kiến 2 người nào đó cãi nhau. Họ cùng nhau nói, cùng to tiếng dần và cứ thế căng thẳng sẽ tăng lên, rồi gây ra những xích mích không đáng có. Nhưng nếu chỉ 1 trong 2 biết im lặng, điều đó vô tình làm nguôi đi cơn giận của người kia. Họ nói miết, và cảm thấy mệt, dường như họ cảm nhận đang nói một mình nên thôi không nói nữa. Và điều đó đồng nghĩa với việc người lặng im đã chiến thắng.
Có những khi…
Một ai đó gọi đến cho bạn, và đầu dây bên kia chẳng nghe một tiếng nói nào. Bạn đã nghe được những tiếng khóc và điều bạn nên làm là im lặng. Im lặng thay vì hỏi han và quan tâm đột ngột sẽ khiến cho người bên kia cảm thấy mình có thể khóc một cách “thoải mái” với những phiền muộn mà mình đang có. Chẳng phải điều đó vô tình giúp được cho người bên kia hay sao?
Người bạn thân gọi bạn đến để chia sẻ thì khi đó người ta chỉ cần bạn ngồi nghe là đủ rồi. Im lặng và thành thực lắng nghe là bạn đã chia sẻ được với người đó rồi.
Người ta thường thấy tôi im lặng, và họ cho tôi là lạnh lùng, vô tâm. Nhưng cứ nghĩ rằng quan tâm đến việc nói ra những điều mình muốn cho họ thì điều đó thật ngớ ngẩn. Im lặng không có nghĩa là ngừng yêu thương. Thực sự không phải như vậy… Tình yêu tôi dành cho họ thực sự là nhiều hơn những điều tôi có thể nói.
Người ta nói người biết sống, biết trò chuyện, biết trao đổi cũng phải biết im lặng. Im lặng giúp cho người ta có thể dễ vươn tới thành công hơn.
Tình bạn cần im lặng để chia sẻ, thấu hiểu; Tình yêu cần im lặng để biết nhiều hơn về nửa kia; Cuộc sống cần im lặng để đưa ra những lựa chọn và bản thân cần im lặng để có thể suy nghĩ chín chắn hơn.
Đừng nghĩ tôi im lặng là lúc tôi coi thường bạn. Không phải vậy, tôi im lặng vì tôi biết và có thể thấu hiều.
BIẾT IM LẶNG khác với IM LẶNG rất nhiều. Tôi biết im lặng vì cuộc sống của tôi luôn có một khoảng lặng khá lớn mà đến giờ vẫn chưa có ai thấu hiều. Tôi im lặng đôi khi vì tôi cần sự cảm thông, an ủi.
Tôi đã biết im lặng từ khi chia tay mối tình đầu. Cũng bởi lẽ trong hoàn cảnh đó tôi chẳng biết nói điều gì. Và tình yêu mới tan vỡ mới đây cũng vậy. Có lẽ họ đã đùa với tình yêu nơi tôi và chua xót khi nó lại là tôi. Không biết nói gì và im lặng để người đó rời xa khi nhận ra tất cả. Gặp họ vẫn thường xuyên, tình cảm chẳng còn như xưa nữa mà chẳng thể tránh mặt, điều đó không còn đáng sợ khi tôi biết mình cần im lặng. Tôi im lặng, cho dù người ta nghĩ tôi thất bại nhưng tôi vẫn im lặng. Tôi luôn tự tin về điều đó.
Gửi em,… cho dù em nghĩ anh lạnh lùng. Vâng, anh sẽ im lặng, vì anh chẳng còn yêu thương em như trước. Vì một lần nữa anh lại biết thế nào là 2 từ “Thất bại”. Và chỉ cần nghĩ khách quan rằng “Thất bại là mẹ của thành công”  thì cũng đủ để tiếp tục sống rồi.
Anh không thể yêu em như Puskin khi viết:
“Và hãy nhớ: còn đây một kỷ niệm
Em vẫn sống giữa một trái tim.”
Anh im lặng và giữ nó cho anh một bóng hình của ai đó – người đã vô tâm bước qua cuộc đời anh. Im lặng là để khẳng định anh có một trái tim, biết khóc, biết cười và biết đau xót. Im lặng là để khẳng định anh không gục ngã. Im lặng là để khẳng định rằng giữa chúng ta không thể còn tình yêu. Im lặng là để biết rằng anh cũng đủ lạnh lùng và quyết đoán.
Anh biết im lặng khi rời xa em, xa em, mãi mãi!

Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

VÔ ĐỀ


- Wen Jiá

Ban mai có tay chiều em hái
Anh cả đời luẩn quẩn với ban mai
Em như một dòng sông chạy mãi
Nối thác gào và bể Đông điên dại.

Em đã thấy trong hè sôi động
Hơn tất cả những gì tình anh đang hé lạnh
Em chết lặng khi gửi mình trong nắng
Cho tim hồng ngang sắc với vàng thu.

Chút nắng chiều phơi mắt ai huyền ảo
Em thấy cả má hồng hoang rực lửa
Ánh tà dương lau nhẹ cặp môi mềm
Em giữ lại cho hồng thôi trôi mất.

Ngậm hạnh phúc tam hồn em mãn nguyện
Hãy để em gần anh thêm chút nhé
Không bao giờ anh nghĩ em có được 
Bởi vì anh không tình thích cô đơn.

Lan man


Nhiều khi bạn chọn một ngành học nào đó mà cảm thấy thật yêu thích, có lẽ bạn sẽ sống chết vì nó. Nhưng khi bạn cảm thấy mình bắt đầu chán ghét những thứ mà bạn thích, có lẽ bạn sẽ ngán ngẩm ngay cả những thứ chẳng liên quan.
Trời trở lạnh, buồn và cô đơn khiến cho rất nhiều người rơi vào tình trạng không mệt mỏi, không muốn làm gì và chẳng thích gì. Tôi cũng là một trong số ấy.
Nghĩ lại cách sắp xếp chương trình học mà tôi thấy nản vô cùng. Bạn thử nghĩ một người học văn, mà học 6 ngày lên tục, tổng cộng 60 tiết thì sẽ như thế nào? Liệu có “tảu hỏa nhập ma” hay không?
Cả một giai đoạn văn học đến 45 năm mà chỉ học trong vòng 6 ngày, mà là 6 ngày liên tục, có cả thứ 7 và Chủ nhật. Lại học ở giảng đường lớn, gần 200 sinh viên cùng học. Liệu có thể học được gì, hiểu gì và lưu lại được gì đối với những sinh viên?
Chỉ nghĩ đến điều đó thôi cũng có thể hiểu được chuyện học hành như thế nào. Vậy mà còn cả chuyện tình yêu, tình bạn, và tình nghĩa nữa. Chia tay tình cũ nghĩa là khép lại một trang kỷ niệm, và cuộc đời sẽ sang trang mới. Đánh rơi tình yêu chỉ là đánh rơi một quả bóng cao su, kiểu gì nó cũng sẽ nảy lên tay mà thôi. Biết vậy.
Nghĩ vậy. Thế mà tại sao cứ buồn, cứ khổ?
Lan man mãi cũng chẳng về đâu. Nên nghĩ tích cực và sống tốt hơn thôi. Học, bây giờ chỉ còn tình yêu trong học tập mới khiến cho bản thân quên hết tất cả và sống tốt hơn.

Anh đã yêu em từ trước


Anh đã yêu em, yêu từ hồi trước
Trước khi sương rơi đầm đìa mặt đất
Trước khi ánh dương bắt đầu ửng trên đồng,
Anh đã yêu em âm thầm giữa muôn tạo vật
Trước khi đất đai sực tỉnh giấc nồng.
Anh đã yêu em từ thuở xa xưa
Anh đã tìm em suốt cả thời lốc xoáy
Khi lên bổng lúc xuống trầm cũng vậy
Anh vẫn nguyện cầu cho em đến cũng anh
Qua mưa giông
Qua gió cát
Qua đỉnh non
Qua đáy vực
Qua tiếng em anh gọi em
Qua lúc anh lặng thinh
Anh, giữa bao la tình mịch của đêm
Vẫn hằng mong con tàu em xuất hiện
Vẫn hằng mong mình là bến đỗ
Con tàu ấy buông neo nơi tim anh
Em đã đến
Và phát hiện ra anh
Một hòn đảo chung chiêng ẩn hiện
Giữa đại dương cô đơn triền miên
Dám rẽ sóng, anh đã đến
Với em của em mộc mạc và âu yếm
Bịt kín hết mọi nẻo lánh, mọi đường lùi
Cơn sốt đợi chờ anh không nguôi
Và em đã khuấy nổi lặng thầm mong đợi
Anh thấy mình chóng mặt
Trước dòng suối em chảy về từ ngọn núi
Và làm ngập hết thung lũng lòng anh
Anh thả tóc em cho gió vuốt êm êm
Anh thức dậy cánh chim mơ ước
Trong ánh sao, em đã băng tới
Bên anh
Mềm và rắn đều có
Cùng chạm cốc với anh!

NỖI NHỚ


Có một ngày nỗi nhớ vây quanh,
Anh biết mình yêu em từ đó
Vần thơ thốt từ trong nõn cỏ
Gió lượn về mang hương tóc em bay.

Ngước nhìn trời mà chẳng thấy mây
Mỗi chỉ thấy nụ cười em lơ lửng
Như thách thức,như tưng bừng rôn rã
Ta mỉm cười vuốt nắng ngỡ tóc em.

Ta yêu em sợ mình hoá điên,
Bỗng cuộc đời trở nên hiền hậu quá
Không lo toan không căng mình bứt phá
Không là ta trong ước muốn của ta.

Biết rằng em chẳng là Nữ Oa,
Cũng chẳng là bà tiên trong cổ tích
Trái tim ta bao lần thương tích,
Em biết mình đã vá thương đau?

Sẽ là sai nếu chúng mình yêu nhau
Nỗi đau ta em đừng chung vai gác
Khi bên ta đường em sẽ lạc
Giữa chốn mù sương không chắc chắn lối về.

Chỉ mong em giúp ta trọn lời thề,
Mãi để em êm đềm hạnh phúc
Con tim ta vẫn im nơi lồng ngực
Cố âm thầm thổn thức ta nghe.

Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2011

Tiểu thuyết “Tội ác và trừng phạt”


Ra mắt bạn đọc năm 1866, tiểu thuyết Tội ác và trừng phạt nếu không phải là tác phẩm vĩ đại nhất của Dostoievski thì chắc chắn là tác phẩm nổi tiếng nhất, được nhiều người yêu thích nhất, được dư luận các nước đánh giá nhất trí nhất. Hầu như ở mọi nước, sự nhận chân Dostoievski đều bắt đầu bằng việc công chúng độc giả làm quen với tiểu thuyết tội ác và trừng phạt, và điều này có lợi cho ông: không ở đâu Dostoievski - nghệ sĩ và Dostoievski - nhà tư tưởng lại xuất hiện dưới dạng thống nhất cân bằng như ở đây. Cổ vũ lẫn nhau và tiếp sức cho nhau, hoà với nhau làm một, thiên tài nghệ thuật Dostoievski và triết lý nhân văn của ông đã hun đúc nên một tác phẩm văn học sâu sắc hiếm có, một cuốn sách hiện đại trong mọi thời đại, gần gũi với mọi con người trên hành tinh chúng ta.
Dostoievski gọi tiểu thuyết Kẻ song trùng là “trường ca Peterburg”. Thực ra ông có thể đặt phụ đề như thế cho cả Tội ác và trừng phạt (cũng như Gã khờĐầu xanh tuổi trẻ sau này). Peterburg trong Tội ác và trừng phạt là Peterburg những năm 1860, thành phố không của giới quý tộc thượng lưu, mà của dân nghèo, với những ngõ phố hôi hám rác rưởi, những căn nhà thuê tối tăm chật hẹp, những quán rượu bẩn thỉu, những tiệm nhảy chen chúc, những buồng tiếp khách lạnh lẽo của các cô gái điếm và sở cảnh sát đông nghịt người nghèo bị giam giữ; thành phố của những sinh viên nghèo túng phải bỏ học và những viên chức bị sa thải, những bà mẹ đánh mắng lũ con kêu khóc vì đói và những cô gái bán mình đề nuôi gia đình, và cạnh đó là những mụ già cho vay với tỉ lệ lãi cắt cổ, những tên lưu manh sống bằng nghề tố tụng, những kẻ buôn đi bán lại “hành hoá sống”, những công tử trác táng săn lùng vật tiêu khiển mới lạ...Cốt truyện Tội ác và trừng phạt được xây dựng trên sự kết hợp sự tích hai gia đình nghèo xơ xác: gia đình Raskolnikov với một bà mẹ và một em gái tần tảo, chắt chiu từng xu để nuôi người con trai cả theo học ở thủ đô và gia đình Marmeladov với người bố thất nghiệp nát rượu, người mẹ mắc bệnh ho lao và một lũ con nheo nhóc. Và chính cảnh nghèo cùng quẫn đã dẫn dắt Rodion Rascolnikov, một “triết gia” trẻ tuổi, nhân vật chính của tác phẩm, đến ý đồ giết mụ già cho vay nặng lãi để cướp của - tội ác này tạo nên cái sườn sự kiện của tiểu thuyết. Còn hoàn cảnh khốn cùng của gia đình Marmeladov thì đẩy người con gái lớn Sonia, một thiếu nữ đức hạnh, người sẽ cải hoá tâm hồn cho Rascolnikov, vào nghề mại dâm.
Sự tích Sonia bán mình nuôi gia đình được bố nàng kể cho Rascolnikov nghe trong một quán rượu nhầy nhớp, ở ngay những trang đầu của tiểu thuyết - một sự tích thường tình, khá phổ biến ở thành phố tư bản chủ nghĩa, - dưới ngòi bút của Dostoievski trở thành một thảm kịch nhân thế, một bản cáo trạng ngùn ngụt căm hờn chống lại cái xã hội kim tiền. Xã hội đó dồn con người nghèo vào những tình huống quái ác đến nỗi những tâm hồn trinh bạch nhất, cao thượng nhất, đáng yêu nhất lại buộc phải làm những việc nhơ nhuốc nhất, hèn hạ nhất, bị người đời khinh miệt nhất. Nhan sắc, tuổi trẻ, danh dự, tình yêu - mọi giá trị đều bị biến thành vật hy sinh - vật hy sinh rẻ tiền chỉ đủ giúp cho người thân kéo dài một sự tồn tại khắc khoải bên bờ vực của cảnh chết đói.
Bên cạnh bi kịch của gia đình Marmeladov trong Tội ác và trừng phạt ta còn thấy chấm phá những nghịch cảnh, thảm cảnh khác, cũng do sự tác oai tác quái của đồng tiền: một cặp cha mẹ nào đó vì tiền mà bán đứa con gái xinh xắn mười sáu tuổi đầu của mình cho gã địa chủ đã ngoài năm mươi, những bà mẹ nghèo túng khác thì đuổi con cái mình ra đường đi ăn mày, đi làm trộm cắp, làm gái điếm. Peterburg trong tiểu thuyết Tội ác và trừng phạt là mô hình của một xã hội mà đồng tiền trở thành giá trị tuyệt đối, trở thành báu vật đối với rất nhiều con người.
Hiện thân của cái tâm lý sùng bái đồng tiền đó trong Tội ác và trừng phạt là Lugin, chồng chưa cưới của em gái Raskolnikov. Dostoievski viết về viên “hội thẩm toà án” đó: “Vốn là người xuất thân chỉ có hai bàn tay trắng, Piot, r Pet, rovitr đã quen khâm phục mình, tôn sùng trí thông minh và năng lực của mình. Nhưng trên đời cái mà ông ta yêu nhất và tôn sùng nhất vẫn là tiền bạc của ông, kiếm được bằng đủ các phương tiện, nó đưa ông lên ngang hàng với những kẻ có địa vị cao hơn ông”. Dostoievski cho Lugin một lai lịch khá tiêu biểu cho thời kỳ phát triển tự do của chủ nghĩa tư bản - lai lịch của một kẻ tiểu thị dân hãnh tiến và tập trung vào nhân cách của hắn những đặc tính mà ông căm thù nhất trong con người tư sản: tự tư tự lợi kết hợp với đạo đức giả, đê tiện một cách có ý thức, tự phụ kết hợp với hiềm tỵ, ngu dốt đi đôi với xảo quyệt, thiển cận, hủ lậu đi đôi với tính hoạt đầu, với tài thích ứng mau lẹ với mọi hoàn cảnh, thời thế. Trong tất cả các nhân vật của tiểu thuyết Tội ác và trừng phạt, Lugin đáng ghê tởm nhất chính vì đó là một tính cách điển hình một trăm phần trăm, một mẫu người được đúc từ cái khuôn nhân cách “tiêu chuẩn” của một giai cấp đang ưu thắng.
Tương phản với cảnh công thành danh toại của Lugin và cũng rất điển hình cho xã hội Nga thời ấy là cảnh sa cơ lỡ vận của Caterina Ivanovna, vợ kế của Marmeladov và dì ghẻ của Sonia. Đường đời của bà ta thật thê thảm - một đường đời bắt đầu bằng cuộc sống thanh tao, êm ấm trong gia đình quân nhân quý tộc và kết thúc bằng cảnh ăn mày ngoài đường phố. Caterina Ivanovna sinh ra và lớn lên trong một xã hội đẳng cấp, nơi mà thành phần quý phái đủ bảo đảm cho con người một địa vị ưu tiên. Nhưng cái xã hội mục nát đó đã nhường chỗ cho một xã hội khác - xã hội mà mọi người đều “bình đẳng” trước thế lực tuyệt đối của đồng tiền, kẻ có tiền có tất cả, người không có tiền không có gì hết. Trên đời đã diễn ra những biến cố toàn cục, những giá trị mới đã được thiết định, nhưng Caterina Ivanovna không thấy và không hiểu điều đó và vẫn bám lấy những giá trị cũ đã bị gạt bỏ. Nguồn gốc cả cái bi lẫn cái hài ở Caterina Ivanovna chính là ở đây. Mơ ước trở về với thế giới thượng lưu nhưng lại hàng ngày lép vế trước những loại người hạ dẳng; hãnh diện trước mụ chủ nhà về thân thế của mình, nhưng lại bị con mụ mạt hạng ấy đuổi ra ngoài đường vì nợ tiền buồng; kéo lũ con “lá ngọc cành vàng” đi ăn xin, tưởng rằng cả thiên hạ phải động lòng thương xót, nhưng kêu gào, ca hát mãi, đến lúc sắp hộc máu ngã gục xuống mặt đường mới được bố thí cho hai xu.
Nhưng Dostoievski bao giờ cũng công bằng đối với nhân vật của mình. Ông biết quý trọng lòng khao khát công bằng nhiều khi bộc lộ dưới hình thức hám hư vinh. Khi bị dọa đuổi ra khỏi nhà, Caterina Ivanovna phẫn uất hét to: “Chúa ơi là Chúa, chẳng lẽ không còn công bằng nào nữa hay sao? Nếu Chúa không che chở cho lũ mồ côi chúng tôi thì còn ai che chở nữa? Để rồi xem!... Để rồi xem trên đời này còn có công bằng nữa hay không?” Rồi bà vừa kêu gào khóc lóc vừa chạy ra đường với mục đích mơ hồ là đi tìm ngay công lý cho bằng được!
Ở đây, hình tượng chúa Cơ Đốc một lần nữa lại xuất hiện như niềm hy vọng cuối cùng của những người khốn khổ. Nhưng trong trường hợp này, Doxtoevxki, nhà văn hiện thực, biết công bằng ngay cả với Chúa cứu thế; nếu Chúa không bênh vực những con chiên lành của mình, nếu Chúa để cho kẻ ác chà đạp công lý thì Chúa có xứng đáng được tín ngưỡng? Trước lúc tắt thở Caterina Ivanovna cự tuyệt không rửa tội: “Cái gì? linh mục à? Không cần... Tiền đâu mà thừa thế... Tôi không có tội gì! Không rửa tội thì Chúa cũng phải tha tội cho tôi... Chính Chúa cũng biết tôi đau khổ như thế nào... Còn Chúa không tha thì cũng chẳng cần!...”
Thật là những dòng chữ nóng bỏng tâm huyết, thật là cơn gió thịnh nộ báo hiệu bão táp sẽ nổi dậy ngày mai! Nhưng những màn bi kịch như vậy vẫn chỉ ở ngoại vi chủ đề tư tưởng của tiểu thuyết Tội ác và trừng phạt. Chủ đề đó được gắn liền với nhân vật chính - Rodion Raskolnikov.
Hình tượng văn học này từ lâu đã trở thành một “bí ẩn” lớn mà mỗi một thế hệ, mỗi một trào lưu xã hội và mỗi một độc giả giải thích và đánh giá một cách khác, không ai giống ai và nhiều khi cũng cực đoan như người ta đánh giá bản thân Dostoievski. Đồng thời, giá trị hiện thực siêu việt của hình tượng đó đối với mọi người đều rất hiển nhiên, cũng hiển nhiên như sự gần gũi của nó đối với con người thế kỷ XX. Tội ác và trừng phạt, “cuốn tiểu thuyết hình sự vĩ đại nhất của mọi thời đại”, như Thomas Mann nhận định, kết hợp tình tiết mạch lạc với tình tứ sâu thẳm. Thuật lại sự tích giết người của Raskolnikov rất đơn giản, nhưng thâu tóm được nguyên nhân và động cơ phạm tội của chàng sinh viên Nga ấy là một việc cũng khó khăn và vô cùng vô tận như lý giải duyên cớ chần chừ thụ động của hoàng tử Hamlet trong vở bi kịch cùng tên.
Trước tiên đập vào mắt một đặc điểm kỳ dị trong nhân cách Raskolnikov: con người giết người cướp của đó lại tuyệt nhiên không ham mê tiền tài. Con người giết người cướp của ấy là một nhân vật vô tư đến hào hiệp, đến hy sinh quên mình vì người khác. Sống trong cảnh nghèo túng khốn khổ, Raskolnikov trong vòng nửa năm trời nuôi dưỡng một người bạn học đau ốm. Nhịn đói ngày này qua ngày khác, Raskolnikov bỏ những đồng xu cuối cùng trong túi ra để giúp gia đình Marmeladov lâm vào cảnh thương tâm, để giúp một cô bé hoàn toàn không quen biết bị kẻ gian lừa đảo. Lòng vô tư, hào hiệp ấy hài hoà với những đức tính khác trong nhân cách Raxcolnicov: khảng khái, cương trực, chân thật, quả cảm.
Raskolnikov, như nhân vật ấy tự giải thích, giết người để chứng minh cho bản thân rằng mình là một “siêu nhân” đã vượt qua luân lý hèn nhát của người thường. Raxcolnicov mơ ước trở thành Napoléon mới. Theo đuổi tham vọng làm chúa tể nhân gian, Raskolnikov đi tới những tư tưởng tiên báo trực tiếp cho những tư tưởng kiểu Nietzsche sau này.
Nhưng Raskolnikov, môn đệ của Napoléon và kẻ tiền bối của chủ nghĩa Nietzsche, lại đồng thời ấp ủ trong lòng những tư tưởng tình cảm không điển hình một chút nào cho hai mẫu người kia: ưu ái thiết tha đối với nhân loại, thương yêu sâu sắc những người nghèo khổ, phẫn uất cho thân phận tôi đòi của họ, đau đớn trước cảnh đờì bất công tàn bạo, căm thù không đội trời chung với những kẻ sống bằng mồ hôi nước mắt người khác. Nếu Dostoievski bắt Raskolnikov “tiết lộ” những lý thuyết bạo lực cực kỳ phi nhân đạo mà xã hội tư sản đang thai nghén, thì đồng thời ông cũng trút cho Raskolnikov cả bầu nhiệt huyết của chính trái tim vĩ đại của ông ngày đêm nhức nhối trước cảnh nhân gian lầm than thống khổ dưới ách chế ngự của các thế lực bạo tàn.
Toàn bộ con người Raskolnikov quả là được cấu thành bởi sự kết hợp nghịch lý những phẩm chất dường như không thể dung hoà với nhau: tột mực ích kỷ đi đôi với tột mực vị tha; tàn nhẫn đến quái ác đi đôi với hiền từ đến mềm yếu; kịch liệt khinh ghét con người nhưng lại nhiệt thành thương yêu con người; ngang ngược chà đạp lên công lý mà lại tha thiết hướng về công lý. Rasckolnikov như luôn luôn nhảy từ cực tâm linh này sang cực tâm linh khác mà không lúc nào dừng lại giữa chừng, ở trạng thái ôn hoà, vừa phải. Tâm tư đầy mâu thuẫn của Raxcolnicov rất tiêu biểu cho đời sống tinh thần của một xã hội ở trong thời kỳ chuyển hoá dữ dội từ nếp sống đẳng cấp gia trưởng sang nếp sống cạnh tranh vô chính phủ, khi mà mọi giá trị đều bị đánh giá lại, những khuôn phép đạo đức tưởng chừng sắt đá hoá ra “những sợi dây mục nát”, và trong cảnh hỗn mang xã hội đó con người thường bơ vơ không biết chân lý mới ở đâu và rất dễ nhầm lẫn thiện ác. Hơn bất cứ một nhà văn nào, Dostoievski biết miêu tả trạng thái hỗn mang tinh thần, thất lạc chân lý, tâm tư bị giằng xé giữa thiện và ác như những tấn bi kịch thường có của một kết cục thê thảm đối với con người: hoặc tự sát, hoặc lưỡng hoá nhân cách và phát điên. Svidrigailov trong Tội ác và trừng phạt là một con người như thế. Trường hợp Raskolnikov thì lại khác. Raskolnikov không những không tự sát hoặc phát điên, mà lại còn rất năng nổ trong việc thực hiện “ý tưởng” của mình, cho đến những trang cuối cùng của tiểu thuyết vẫn đinh ninh rằng chân lý thuộc về mình. Raskolnikov chính là một kẻ sát nhân tự coi mình như thiên thần, một đao phủ coi mình như Đấng cứu thế. Trong cơ cấu hình tượng Raskolnikov rõ ràng có một “bí thuật” hoà hợp những yếu tố đối lập, hoặc nói một cách khác, giữa ý đồ phản nhân đạo và tâm tư giàu nhân ái của Raskolnikov có một mối quan hệ biện chứng, một quy luật chuyển hoá sâu kín nào đó, và chính nhờ đó mà độc giả ở khắp mọi nước đều cảm nhận Raskolnikov như một hình tượng nghệ thuật vĩ đại, chứ không phải như một tập hợp hỗn tạp những tính chất mâu thuẫn lẫn nhau.
Ta sẽ không nắm bắt được linh hồn của hình tượng Raskolnikov, nếu không nhận ra rằng đó là một con người nổi loạn, con người nổi dậy chống lại trật tự thế giới đương thời - cái trật tự phi nghĩa, tàn bạo, vùi dập và tha hoá con người mà Dostoievski và các nhà văn Nga khác biết tái tạo với sức tố cáo phi thường. Chính với tư cách một con người nổi dậy tự giác như vậy, một con người vùng lên để phục hồi công lý bị chà đạp, gánh vác lấy trách nhiệm đối với những người bị áp bức trên đời, Raskolnikov sống mãi trong ký ức của độc giả không những như một địch thủ tư tưởng, mà còn như một đứa con đẻ tinh thần của Dostoievski, một đứa con có tầm vóc cao lớn, có trí thông minh kiệt xuất và trái tim dạt dào nhân ái như người cha vĩ đại của nó.
Raskolnikov thuộc vào loại nhân vật đặc thù của Dostoievski - những con người không có một địa vị gì trong xã hội, không có một nghề nghiệp gì cụ thể, không phải đảm đương một trách nhiệm gì chính thức đối với mọi người xung quanh, nhưng lại năng nổ can thiệp vào sự đời, cảm thụ sâu sắc mọi cảnh đời, ưu tư không ngớt về mọi việc trên đời. Raskolnikov, theo chủ ý của tác giả, là một “con người trong con người”: một trái tim không biết thờ ơ với bất cứ sự gì xảy ra ở thế gian, một bộ óc ngày đêm, lúc tỉnh cũng như khi mơ, vật vã với những câu hỏi đớn đau của cuộc sống, một ý chí xả thân vì lý tưởng, cống hiến cuộc đời cho chân lý. Tất cả lòng căm phẫn đối với xã hội người hà hiếp người, tất cả nỗi đau đớn cho thân phận tôi đòi của những người nghèo khổ, tất cả niềm uất ức cho cảnh bất lực của lòng từ bi bác ái trong thế giới đồng tiền xâu xé tâm hồn Raxcolnicov được tác giả phô diễn tập trung qua màn bi kịch nội tâm kiệt tác - giấc mơ thứ nhất về cảnh ngược sát con ngựa già (phần I, chương 5).
Giấc mộng ấy không những lột tả ý chí quả cảm nổi loạn vì công lý của Raskolnikov, mà còn cho ta thấy một khía cạnh nữa rất đặc sắc trong cách thụ cảm thế giới của nhân vật ấy: đó là sự cô đơn về tinh thần, cô đơn về tư tưởng. Nỗi “cô quạnh giữa nhân gian” của Raskolnikov có nguồn gốc thực tế trong bối cảnh nước Nga những năm 60 thế kỷ XIX, khi mà, sau thất bại của cao trào đấu tranh cách mạng, những hoài bão của các phần tử tiến bộ về sự giải phóng quần chúng nhường chỗ cho tâm trạng thất vọng chua chát trước cái hiện thực tư bản chủ nghĩa thắng thế.
Trong Tội ác và trừng phạt, có một hiện tượng đầy ẩn dụ - đó là gian buồng thuê của Raskolnikov mà tác giả ví với “chiếc quan tài”. Quan tài trên mặt đất, quan tài - nhà ở, là tượng trưng cho sự cô thế tuyệt đối của con người giữa nhân gian. Trong căn buồng-quan tài ấy Raskolnikov kinh qua một cơn khủng hoảng tinh thần, khủng hoảng thế giới quan nhân đạo và “thai nghén” một ý đồ mới, phản nhân đạo. Nằm trong căn buồng-quan tài ấy, Raskolnikov gọi xuống để đàm thoại hai nhân vật vô hình - hai chiếc bóng khổng lồ in hằn trên vòm trời của tiểu thuyết Tội ác và trừng phạt: Chúa Cơ Đốc và Napoléon, và mở rộng lòng ra để ôm cả hai vào trong mình.
Cốt lõi của cái “ý tưởng” mà Raskolnikov ấp ủ, mục tiêu cuối cùng mà Raskolnikov muốn đạt tới - chính ở chí hướng dành lấy địa vị chúa tể nhân gian của Napoléon để hoàn thành sứ mệnh cứu thế của Cơ đốc, chế ngự thế giới để thiết lập công bằng trên thế giới, thống trị loài người để mang lại hạnh phúc cho loài người.
Để đạt mục tiêu ấy, Raskolnikov - hiện thân của lòng hào hiệp, chính trực - làm một việc hết sức gian lận và bất nhẫn: bổ rìu xuống đầu một mụ già không thể tự vệ để cướp tiền của mụ. Mong ước đem lại hạnh phúc cho những người yếu hèn bị xã hội bất công vùi dập, Raskolnikov, để thoát thân, sát hại cả người em gái mụ già - một tâm hồn cũng hiền lành, chân thật và mộ đạo như Sonia Marmeladova. Mưu đồ cứu thế, chuyển hoá từ ý tưởng sang hành động, ngay từ đầu đã bộc lộ thực chất của nó như một mưu đồ sát thế và tự sát.
Tiểu thuyết Tội ác và trừng phạt nói lên không những mối lo âu, mà cả niềm tin của Dostoievski vào con người. Cho thấy sự thất bại hoàn toàn của Raskolnikov, chỉ rõ những thảm hoạ thoát thai từ cái mưu đồ phi nhân đạo của Raskolnikov, tác giả đồng thời miêu tả mưu đồ đó như một căn bệnh nhất thời của một tâm hồn về cơ bản lành mạnh, một sự lầm lạc khó tránh khỏi trên con đường gian truân tìm chân lý. ý chí cuồng nhiệt tìm chân lý, tìm lẽ sống chân chính là lời biện hộ đích đáng nhất cho nhân vật anh hùng của Dostoievski. Bi kịch của Raskolnikov theo dụng ý của tác giả, mang sẵn yếu tố cải tử hoàn sinh. Nghĩa vụ thúc đẩy quá trình cải tử hoàn sinh ấy ở Raskolnikov, dẫn dắt Raskolnikov từ cõi lầm lạc ra con đường thiện chân, Dostoievski giao phó cho Sonia Marmeladova.
Sonia Marmeladova trong Tội ác và trừng phạt, cũng như Mưskin trong Gã khờ và Aliosa Karamazov trong Anh em nhà Caramazov, thể hiện cái đạo lý nhân dân “thương người như thể thương thân” được nâng lên thành giáo lý trong kinh Phúc âm mà nhà tư tưởng Cơ Đốc giáo Dostoievski coi như một vị thuốc đắc dụng cho mọi ung nhọt tâm hồn, một diệu kế dàn xếp mọi mâu thuẫn xã hội, một chân lý mầu nhiệm có sức biến cải thế giới khổ ải này thành một thiên đường tận thiện tận mỹ. Nhưng trong tiểu thuyết Tội ác và trừng phạt, khác với ở các tác phẩm chính luận, Sonia Marmeladova rõ ràng chỉ là một tiếng nói trong nhiều tiếng nói tham gia cuộc hội thoại giữa các tư tưởng lớn của thời đại, và tiếng nói ấy chỉ có sức thuyết phục hạn chế.
Đặt vào trung tâm tư tưởng tiểu thuyết Tội ác và trừng phạt những vấn đề cơ yếu bậc nhất đối với xã hội loài người, Dostoievski ở những trang cuối của cuốn sách đề ra những giải pháp thiên lệch và thiếu sức thuyết phục. Nhưng lôgic biện chứng của cuộc sống mà nhà văn đã khám phá một cách thiên tài mạnh hơn những giáo lý siêu tự nhiên mà ông muốn truyền giảng. Hình tượng Sonia Marmeladova, với chí khí thiết thực thương yêu con người, tận tụy hy sinh vì người khác, được lịch sử giải phóngkhỏi cái “đồ án tư tưởng” khiên cưỡng, rực lên một vẻ đẹp chân chính không phai mờ.Sonia Marmeladova, còn hơn Raskolnikov, hiện thân cho lòng tin của Dostoievski vào con người, vào công dụng lớn lao của những giá trị tinh thần trong đời sống con người, vào khả năng con người đứng vững trong mọi nguy biến lịch sử, đảm đương trách nhiệm sáng tạo thế giới thiện mỹ.

Một thôi


Đôi khi, trong cuộc sống hối hả hàng ngày, chúng ta bắt gặp một điều gì đó có ấn tượng mạnh, chúng ta vô tình khắc chặt nó vào sâu trong tâm hồn. Người ta gọi nó là những khoảnh khắc. Tùy thuộc vào vốn sống, kinh nghiệm và cả cách suy nghĩ khiến cho những điều chúng ta nhìn thấy và khắc ghi là hoàn toàn khác nhau. Ấn tượng của người này đôi khi chẳng có một thứ ý nghĩa gì đó với người kia và ngược lại cũng vậy.
Bạn đã  từng yêu ai đó, bạn đã từng quen ai đó, bạn đã từng nghe một thông tin gì đó,… Trong dòng đời có muôn vàn sự vậy, hiện tượng diễn ra như vậy, có bao giờ bạn tự hỏi: điều gì khiến mình ấn tượng và ghi nhớ nó lâu đến như vậy không?
Điều đó không dễ giải thích, mặc dù chúng ta hiểu điều đó ảnh hưởng tới mình như thế nào. Bạn chỉ có một người mẹ, một người cha, một người ông, một người bà, một người yêu, một gia đình, và chắc cũng chỉ là một người vợ, người chồng. Chỉ cần một ánh mắt liếc qua, mình cảm thấy ấn tượng, rồi yêu. Chỉ cần một bóng dáng, một tính cách cũng đủ để một đời bạn phải nhớ. Chỉ cần một nụ cười, bạn sẽ thấy cuộc đời này đáng yêu hơn. Chỉ cần thấy một giọt nước mắt, cũng đủ để biết mình cần sẻ chia,… Tất cả, có lẽ chỉ cần một là đủ.
Thế đấy, con người ta đôi lúc thật tham lam nhưng đôi khi cũng rất khiêm tốn. Người chưa có chỉ mong có một, tại sao khi chúng ta có rồi chúng ta lại cố gắng tìm kiếm thêm mà đâu biết rằng nó sinh ra không phải cho chúng ta. Mình được càng nhiều thì những người không có gì sẽ tăng lên, cuộc đời này vốn công bằng mà. Nếu không có được những điều như người khác thì đừng cố giành giật, vì kiểu gì bạn cũng sẽ được bù đắp một thứ gì khác. Chỉ cần sống, cố gắng và làm tất cả những điều tốt nhất cho những người xung quang, biết đâu đó laflucs chúng ta làm thay đổi cuộc đời mình.

Thứ Hai, 21 tháng 11, 2011

CHỈ MỘT

“Chỉ một cành lá rụng
Thiên hạ biết thu sang”
Chỉ một lần sang ngang
Là biết đời ngang trái.

Lên chùa chắp tay bái
Chỉ mong một tình yêu
Nhưng lòng mãi cô liêu
Đợi với chờ hạnh phúc.

Sinh ra trong sung túc
Đâu có biết khổ đau
Nhưng chỉ một bể dâu
Xô đời ra tận bể.

Đau khổ làm sao kể
Lấy gì san sẻ nhau ?
Đời có trước có sau
Ai biết đâu mà trễ.

Chia sẻ không hề dễ
Nên cần một bờ vai
Để khi làm gì sai
Ta có nơi chống đỡ.

Tình yêu dễ tan vỡ
Mất rồi chỉ khổ đau
Chi bằng cầm tay nhau
Tới chân trời hạnh phúc.

Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2011

20 – 11 – 2011…

Vậy là ngày đợi chờ nhất tôn vinh những con người đã cống hiến công sức và cuộc đời mình cho sự nghiệp “trồng người” cũng đã đến. Mình có nhiều người quen làm nghề giáo viên, và thực sự thì trong gia đình cũng có tới mấy người. Ngày này, như 2 năm trở lại đây, cũng là ngày để tôn vinh mình nữa. Thật hạnh phúc khi đang trong thời kỳ đi học bạn vẫn nhận được quà tôn vinh những người làm nghề giáo dục!
Cuộc sống sinh viên vốn có nhiều điều tinh nghịch và lý thú. Vậy mà suốt hơn 2 năm qua, nó chẳng để lại cho mình tẹo ấn tượng nào cả. Bây giờ một mình, chẳng muốn rủ ai ở chung vì có cảm giác gì đó cứ ngăn lại. Hàng ngày chỉ những công việc “chán ngắt” như một vòng luẩn quẩn không thể nào thay đổi. Ăn – ngủ – đi học – đi dạy thêm – đánh bóng – ăn – uống cà phê – ngủ. Người ta cứ tưởng mình bận rộn lắm khi nhìn vào cái lịch ấy nhưng thực sự là họ chẳng thể hiều được nhiều khi mình thực hiện nó như một cái máy, và đôi khi còn để chốn chạy những điều buồn tẻ đang diễn ra.
Nhưng rồi cũng chẳng thể chốn tránh được mãi. Mà cuộc đời này cũng không phải là chỗ dành cho những người chỉ biết đến chốn chạy. Khi không thể làm được điều mình muốn, hãy cứ để cho nó vụt qua một cách tự nhiên như nó vốn có. Hãy để thể xác và tâm hồn đừng nghĩ ngơi chứ đừng tàn nhẫn với nó bạn nhé.
Năm nay mình đã 24 tuổi, cái tuổi mà người ta đã có nhiều thứ trong tay như tiền bạc, công việc, tình yêu,… Vậy mà dường như mình chưa có gì. Chỉ là sinh viên năm thứ 2 của một ngành mà không biết mai đây sẽ làm gì và sống như thế nào nữa. Không buồn sao được khi cứ mỗi ngày lễ này diễn ra, lại là ngày đánh dấu thêm một năm không làm được việc gì – một năm của một kẻ không biết cố gắng!
Nhưng cũng kệ, vì biết làm sao được. Chấp nhận và xuôi thuận vấn đề luôn là điều mình làm được. Khi lỗi lầm gây ra quá lớn thì bản thân phải cố gắng nhiều hơn để xóa nhòa những điều đó. Tình yêu có thể mất, công việc có thể chối bỏ, tiền bạc có thể lìa xa và hạnh phúc có thể sẽ chẳng tới nhưng rồi vẫn phải sống thôi.
Than vãn nhiều quá, tự nhiên thấy mình lạc để đi trông thấy. Mình vẫn luôn là mình, lan man mà chẳng bao giờ thể hiện được điều gì. Hôm nay là ngày vui, ngày lễ mà mình cũng có phần, việc gì mà không vui? Việc gì mà không thoải mái chứ?
Cho tôi gửi lời chúc sức khỏe tới những người thân, những người đã đang và tiếp tục dạy dỗ chúng tôi – thế hệ trẻ (mà thực sự là chẳng còn trẻ nữa) tương lai của đất nước. Chúc các thầy, các cô và tất cả những người làm giáo dục luôn luôn có được niềm vui trong công việc và cuộc sống! Happy Teacher’s day!

Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2011

CHẲNG THỂ

Đôi khi đứng trước một vấn đề gì đó không thể giải quyết được, hoặc cũng có thể giải quyết nhưng không tin tưởng vào điều đó lắm, người ta thường nói nó là “Chẳng thể!” Cuộc sống cứ như vậy mà trôi qua một cách nhẹ nhàng, tình yêu đến rôi chợt đi như vừng mặt trời vụt tắt. Tất cả như dừng lại, chỉ còn một định nghĩa mang tên “tình yêu” là tồn tại mãi mãi.
Bỗng dưng có điều gì đó khiến cho tôi muốn viết ra những dòng thơ. Một bài thơ nhỏ, được sáng tác trong một phút giây chán nản của chính bản thân trước tình yêu. Đối với những người đang suy ngẫm nhiều về tình yêu thì có lẽ nó sẽ có những điều mà chúng ta từng nghĩ.
Bạn nên làm những gì có thể cho tình yêu của bạn, và đừng bao giờ nói nó là “Chẳng thể” bạn nhé!
CHẲNG THỂ

Anh chẳng thể là ánh ban mai
Mà suốt đời em không với tới
Anh cũng chẳng thế là sông, hay suối
Để muôn dòng đổ một bể Đông.

Anh chẳng thể là mùa đông
Bò vai êm và vòng tay ấm áp
Anh cũng chẳng thể là phong ba, bão táp
Mang tình em theo gió cuốn bay đi.

Nhiều khi buồn em ươn ướt hàng mi
Anh cú ngỡ như vừng đông vụt tắt
Có gì đó cay cay trong mắt
Anh vụng về cơn gió bụi bay qua.

Nỗi đau buồn đồng hành nỗi xót xa
Anh ước rằng hai chúng ta xa lạ
Không thể vậy! Mà cũng chẳng thể vậy
Bởi lòng anh luôn dậy sóng tình em!

Thứ Tư, 16 tháng 11, 2011

TRÂN TRỌNG GÌ ĐÂY?

Thấm thoát thời gian đã trôi qua nhanh hơn những gì người ta tưởng. Quả thật, khó có thể nói được cảm xúc của cá nhân khi thời gian bên cạnh nhau lâu như vậy lại không gắn bó với nhau nồng cháy hơn. Có đôi khi mình thật buồn cười, khi hạnh phúc đang trong tầm tay với mà lại nghĩ về những thứ ở rất xa, những thứ mà càng cố kiếm tìm, nó càng xa rời tầm tay với. Có những thứ không phải tất nhiên chúng ta có được mà phải trải qua thời gian rất lâu mới có được nó. Để rồi khi chúng ta có được, chúng ta thấy chiếm được quá dễ dàng nên chúng ta không trân trọng nó. Không ít người đã vì kiếm tìm cái mới, chạy theo nhữn thứ sinh ra vốn không phải của mình để rồi đánh mất luôn những thứ mà mình đang có. Hạnh phúc không chờ đợi những người mong muốn mà không giành lấy nó, càng không chấp nhận những người khi có nó rồi lại chạy theo những thứ hảo huyền không đâu. Hạnh phúc thật gần các bạn ạ!
Tôi đã có khi nhầm tưởng hạnh phúc của mình không phải là những thứ tôi đang có được, và cũng suýt nữa đánh mất hạnh phúc. Nhưng, các bạn ạ! Tôi đã làm được, làm được cái điều mà không phải ai trong chúng ta cũng làm được vì nó rất dễ. Yêu một người đã khó, giữ được người mình yêu còn khó hơn nhiều. Giữ ở đay không phải là chúng ta nên hàng ngày theo dõi họ, không cho họ tiếp xúc với những người đàn ông khác vì sợ họ sẽ phát sinh tình cảm. Giữ cũng không có nghĩa là chúng ta để họ như những con chim trong lồng, nhìn ra phía bầu trời đày khao khát bay ra. Họ cũng là con người, cũng chìm đắm trong những cảm xác tuyệt vời. Nếu trong suy nghĩ, họ muốn xa chúng ta, thì một ngày nào đó họ cũng sẽ ra đi. Chúng ta chỉ có thể giữ họ, níu kéo họ trong sự tuyệt vọng không lối thoát mà thôi.
Có những người yêu chúng ta thật lòng, luôn mong muốn bên cạnh chúng ta để quan tâm, chia sẻ cho chúng ta tất cả những gì có thể và cùng minh muốn xây đắp một cuộc sống tốt đẹp hơn ở phía trước mà đôi khi chúng ta không nhận ra. Nhiều khi chúng ta quên lãng nó, coi nó như một điều tất yếu hay ít chú ý chăm sóc nó, nó sẽ xa dân chúng ta. Điều đáng nói là khi nó xa rời, sẽ không bao giờ trở lại nữa.
Vậy, chúng ta nên làm gì để luôn có được cảm giác hạnh phúc, để hạnh phúc luôn theo chúng ta?
Theo tôi, chúng ta hãy trân trọng những gì chúng ta đang có, hãy luôn vun đắp để những gì diễn ra trong cuộc sống của chúng ta từng ngày không phải là vô nghĩa. Hạnh phúc không phải là cái đã diển ra trong qua khứ, cũng không phải là những thứ sẽ có ở trong tương lai. Những thứ mà chúng ta đã từng trải qua và những thứ mà chúng ta đang kì vọng sẽ không phải là hạnh phúc. Hạnh phúc chính là những thứ chúng ta có trong hiện tại, những thứ đang diễn ra hàng ngày bên cạnh chúng ta. Nó có thể được chúng ta cảm nhận, rất rõ ràng và cũng rất tinh tế. Nó cũng có thể không phải là những thứ mà chúng ta không thấy gì làm tốt đẹp cả, nhưng nó vẫn thuộc về thực tại, về cái mà chúng ta không thể nào chối bỏ. Hãy luôn luôn chấp nhận nó một cách đơn giản như chúng vốn có, đó là điều chúng ta có thể làm được ngay trong lúc này đây.
Hãy bắt đầu từ việc giữ gìn tình cảm yêu thương cho những người thân, và cả một nửa kia của chúng ta nữa nhé! Đó là những điều tôi mong đợi nhất, nó chứng tỏ rằng tôi không chỉ biết chăm sóc tốt cho tình cảm của mình mà còn biết cách giúp một phần nhỏ cho các bạn tìm lại hạnh phúc chân chính của mình nữa đó.

Thứ Ba, 15 tháng 11, 2011

STRESS ĐÃ TẠM LẮNG, NHƯNG VẪN “CÓ NHỮNG NIỀM RIÊNG"


Một mùa thi lại qua, và năm thứ 2 cũng đã khép lại. Tuy nhiên nó lại không hề bình thường như hè năm ngoái vì mình có cảm giác lạ lắm, một cảm giác mà mình chưa từng gặp phải. Cái buồn len lỏi vào trong tâm trí và nó lấn áp luôn ý chí nữa. Thể trạng mệt mỏi, tâm trạng không vui, có thể nói là mình đang rơi vào tâm thế khó chịu nhất suốt 2 năm qua.
Lang thang qua những con phố, chỉ còn lại niềm vui nới không gian yên tĩnh. Tất cả những xô bồ của cuộc sống thường ngày đã bị đẩy lùi bởi cái không khí ảm đạm của đêm tối. Không có chỗ của những kẻ lang thang, nhưng thành phố cũng không khước từ họ. Có lẽ có nhiều người giống như mình, đang tìm những niềm vui còn sót lại, chỉ khác là họ… không phải là mình. Sao giống được, có lẽ mình nghĩ nhiều quá, nhiều khi mình không tưởng tượng được tại sao lại có nhiều vấn đề xuất hiện như vậy. Giải quyết làm gì khi mình không thể giải quyết, hình như mình đang cảm thấy bất lực trước tất cả. Những gì mình đã trải qua hình như không còn dành cho mình nữa, mảnh đất yêu dấu với những niềm vui chợt trở nên xa lạ, không còn chỗ dừng chân. Và cứ thế, mỗi lần tâm trạng ấy lại ập về, đót cháy niềm vui nhỏ bé của một người lãng mạn, lang thang vào mỗi tối thứ 7 – Chủ nhật. Tại sao vậy?
Về phòng, chỉ có âm nhạc mang con tim trở lại bình thường, mà dường như nghe nhạc chỉ là một thói quen chứ không còn phải cảm nhận như trước nữa. Con người mình cứ quen dần với những âm thanh ấy. lệ thuộc vào nó dường như chỉ để trốn chạy thực tại – thực tại đau buồn. Cái thực tại mà mình đã phấn đấu vượt qua vì nó chỉ là một bước đệm của cuộc đời. Không có những bước đệm, không có những mất mát thì làm gì có những thành công. Cuộc đời không bắt chúng ta phải như vậy, nhưng có những thứ không cần dạy chúng ta vẫn có thể giỏi. Nghịch lí của cuộc đời này có những điều bản thân muốn lại khó có thể thực hiện và ngược lại, những gì chúng ta không muốn, những gì chũng ta không thích lại đến một cách hết sức tự nhiện như chúng sinh ra vốn dành cho chúng ta vậy. Có những thứ buồn có thể nói được, có thể hét to lên được, vậy mà có những thứ không bao giờ nói được. Cuộc đời ai mà không có những bất hạnh, có những mất mát, chúng hủy hoại con người chúng ta cả về thể xác lẫn tâm hồn để rồi nếu không thể thoát ra, chúng ta dường như không còn cảm nhận được nỗi đau ấy nữa. Sống trong xã hội hiện đại này, nếu không nhìn nhận cuộc sống theo một con mắt buông xuôi và chấp nhận tiêu cực thì chúng ta không thể tồn tại. Một vật thể sống không ý thức được cuộc sống thì mãi chỉ sống như một kiếp người hoang dại. Đó là điều làm nên những con người có phẩm chất không đồng hành cùng cuộc sống. Kết thúc của những số phận ấy, hoặc là có tất cả hoặc là không. Tiếng thơm và tiếng nhơ cứ như vậy mà sinh ra, lớn lên và tồn tại.
Mệt mỏi quá, nếu cứ nghĩ về cuộc sống như vậy. Thành thật mà nói, cuộc sống này còn có rất nhiều điều tốt đẹp, chỉ khác là thái độ của chúng ta khi đón nhận chúng mà thôi. Lấy ví dụ như có nửa chai rượu trên bàn, sẽ có những cách đón nhận hoàn toàn khác nhau. Người thứ nhất nói: Chán quá! Sao chai rượu ngon như vậy mà còn có nửa chai. Người thứ hai lại nói: Thật hạnh phúc! Rượu ngon như vậy mà còn những nửa chai. Tại sao vậy? Cũng đơn giản, vì chúng ta có cách nhìn nhận cuộc sống vốn là như thế. Họ nói như vậy vì họ là những con người hoàn toàn khác nhau, có cách nhìn nhận hoàn toàn khác nhau là điều dễ hiểu.
Cuộc sống là thế, tôi cũng có cách nhìn nhận như họ, có những vấn đề mà bản thân luôn cố gắng không để những cảm xúc lấn áp, vậy mà cũng cứ buột miệng nói ra những lời chán nản. Lý trí của tôi không mạnh, nhưng rồi tôi cứ muốn chứng minh rằng nó rất mạnh. Con người tôi không cứng rắn, thậm chí là đa cảm và mềm yếu, vậy mà tôi vẫn phải sống như một kẻ mạnh mẽ, bất cứ điều gì cũng không là trở ngại trên đường đi. Không ai dạy chúng ta cách đóng kịch nhưng dường như chúng ta làm rất tốt điều đó, nhất là ở sân khấu cuộc sống. Mọi người cứ làm như vậy như đã được lập trình sẵn vậy. Điều đó, liệu có tốt?

Thứ Hai, 7 tháng 11, 2011

KHI NGƯỜI ẤY… KHÔNG YÊU BẠN


Bạn yêu một người cùng lớp -  cũng như một đứa em của tôi, vì thế chúng tôi quen nhau. Thời gian tiếp xúc khiến chúng tôi thấy hợp nhau hơn. Những vui  buồn của kẻ xa quê làm cho hai con người không cùng quê, không cùng làm chung, không cùng tuổi tác xích lại gần nhau hơn.
Thế nhưng, dòng đời nghiệt ngã. Tình yêu của anh dần di vào ngõ cụt và không thể cứu vãn. Hè này, 2 người chia tay. Sự chia tay khiến anh bất ổn suốt một thời gian vì anh là một kẻ nặng tình. Hình bóng ấy đã in sâu vào trong trái tim, ánh mắt và cả thế xác anh nữa. Tình yêu đã dánh gục một con người tưởng chừng như không thể nào có gì có thể xô ngã.
Anh vẫn thường nhắn tìn, vẫn thường xuống nước nói những lời như níu kéo tình yêu. Nhưng đổi lại, đó chỉ là sự im lặng. Tôi không mong được thấy những điều đó. Nó khiến tôi đau lòng.
Đã hơn một lần tôi muốn khuyên anh nhưng không thể. Và hôm nay, tôi gửi anh những lời này. Chúc cho anh sẽ sớm tìm lại mình – một con người không đáng chịu đau khổ.
Khi người ấy không còn yêu bạn, đừng bao giờ điện thoại hay nhắn tin cho người ấy nữa. Đừng bao giờ đợi, vì đó là điều chứng tỏ bạn đang lừa dối chính mình.
Khi người ấy không yêu bạn, xin bạn đừng bao giờ xuống nước năn nỉ, đừng bao giờ rơi nước mắt, hoặc là khi đau ốm, đừng cho người ấy biết. Bạn nên hiểu rằng chỉ có người thực sự yêu bạn thì mới có thể lo lắng và tiếc thương cho bạn mà thôi. Người đó sê thực sự cầu mong cho bạn bình yên, tốt đẹp chứ không phải là sự đồng tình một cách thờ ơ, thương hại.
Khi người ấy không yêu bạn, tình yêu của bạn trở thành trách nhiệm cho họ. Xin bạn đừng bao giờ toan tính rằng mình sẽ được gì, sẽ như thế nào vì chẳng bao giờ có một sự đáp trả nào hết.
Đang yêu một người không yêu mình mà không có bất kì sự đáp trả. Đừng so sánh đó là đứng hay sai, điều đó sẽ làm cho bạn bớt đi sự phiền muộn. Nên nhớ rằng trong tình yêu của bạn – tình yêu đơn phương thì bạn là người có lòng, còn người ấy là kẻ vô tâm. Nhưng cũng chẳng thể trách người ấy, chỉ là họ không có tình cảm, và chẳng có tình cảm thì không thể không hờ hững được. Chỉ là khi yêu 1 người, đối tốt với 1 người vốn dĩ là một thứ bản năng. Và, người ấy, không có thứ bản năng ấy.
Khi người đó không yêu bạn, bạn cũng đừng mất đi sự tự tin của bản thân. Bởi vì yêu một người, không phải vì người ấy giỏi giang mà chỉ là một thứ cảm giác. Người ấy khiến cho bạn có cảm giác đó, và thế là bạn yêu. Vậy nên khi người ấy không yêu bạn, cũng không phải là vì bạn không giỏi giang, chỉ là vì bạn không đem cho họ cảm giác đó mà thôi.
Khi người ấy không yêu bạn, bạn hãy luôn cầu chúc cho người đó. Dẫu biết rằng điều đó rất khó. Đã yêu rồi thì mong có được người yêu, và chẳng thể sễ dàng vui vẻ nhìn người đó về với một ai khác. Tình yêu đơn phương có một sức mạnh đến có thể hủy diệt con người bạn nên bạn phải chiến thắng nó. Đã yêu rồi thì đừng nên hối hận, cũng đừng nên bất bình. Họ ra đi, bạn mất họ… Họ không mất gì còn bạn thì mất đi một người yêu thương. Nuối tiếc làm chi khi đó là điều tất yếu của cuộc sống. Bạn mất đi một người không dành cho bạn, điều đó sẽ tạo cơ hội tốt cho bạn tìm được tình yêu mới. Nơi đó, tình yêu sẽ không còn 1 chiều nữa. Sự đáp trả là điều cần nhất trong tình yêu.
Bạn nghĩ rằng vĩnh viễn không quên được người đó ư? Điều đó là không tưởng. Yêu không có vĩnh viễn. Hôm nay bạn đang yêu người đó sâu đậm, bạn tin ngày mai cũng vậy và quyết tâm như vậy. Nhưng không, sẽ có một ngày bạn không còn yêu người đó nữa. Bạn sẽ yêu một người khác, hoặc không yêu ai cả.

Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2011

VÔ LÝ


Trong cuộc đời của mình, có đôi khi chúng ta bắt gặp cảm giác tất cả mọi thứ trên đời này thật là vô lý. Chúng ta không thể nhìn nó theo một cái xu hướng khách quan của cuộc sống như nó có trong sách vở mà cần thực tế hơn. Buồn thay, đôi khi mình chẳng thể thích ứng được với cuộc sống đó để rồi có những giây phút ngậm ngùi nhìn những thứ mình có tan vào hư vô.
Tình yêu cũng như vậy, bởi vì bản thân của nó sinh ra đã là vô lý rồi. Hai người chẳng biết gì về nhau, chẳng hợp nhau nhưng vẫn yêu nhau nồng nhiệt và say đắm. Quấn quýt bên nhau tưởng chừng như không thể rời nhau. Thế rồi bỗng phút chốc có điều gì đó đến, chúng ta lại có thể nói với nhau rằng không nên cùng nhau bước đi nữa vì nhiều vấn đề. Những vấn đề ấy đôi khi thật “lãng nhắt” nhưng nó vẫn có một sức công phá tưởng chừng như vô hạn. Thế rồi chia tay, thế rồi gặp nhau chẳng dám nhìn thẳng, vì những lần gặp gỡ đem lại cho người ta cảm giác nuối tiếc.
Tại sao chúng ta phải làm như vậy khi chúng ta hoàn toàn có thể đối diện nhau, coi nhau như những người bạn chứ?
Nếu không thể ở bên nhau, vậy thì nên nghĩ về nhau với những gì tốt đẹp nhất. Người chúng ta yêu là người đã cùng ta một thời gắn bó, chia sớt nỗi buồn cùng ta, họ ra đi để lại nỗi đau nhưng không thể giết chết chúng ta. Chúng ta vẫn sống, và vẫn yêu như một người chưa từng yêu bao giờ đó thôi.
Chàng trai trong bài thơ này có vẻ yếu đuối, thế nhưng sẽ là không yếu đuối nếu chúng ta nghĩ tích cực hơn. Sợ đau xót khi yêu phải một người vô tình, và tiếc nuối khi bóng hình ấy lướt qua như chưa từng quen biết.
Đọc bài thơ này, tôi chợt nghì: Nỗi đau ấy sẽ còn mãi đối với những người đang yêu, chừng nào họ chưa thể đối diện với sự chia ly và mất mát. Nỗi đau sẽ lại nhói khi chúng ta gặp phải những điều vô lý giữa cuộc đời chất chứa đầy rẫy sư vô lý.
Vô lý
Cũng chẳng biết vì đâu mà khóc
Khi em đi qua không kịp nhìn mình
Bước vội vã, có điều gì phía trước
Có điều gì mà không phải là anh?

Nỗi mủi lòng cứ thế ngập trong tim
Không biết gió cứ ào lên từng đợt
Cũng chẳng hiểu vì sao mình không tan thành nước.
Chảy ngược chiều mãi con đường anh.

Thứ Năm, 3 tháng 11, 2011

Côn Đảo thân yêu!



Mấy ngày trước, cậu em họ của tôi làm bên ngành giao thông vận tải biển có gửi lên mấy tấm hình và khoe rằng mới đi Côn Đảo. Tôi chợt giật mình nhớ ra đây là nhà tù nổi tiếng mà trong khi học lịch sử chúng tôi không được nói kỹ tới. Vậy là lên Google tìm những thông tin cơ bản về nó, tiện thể post mấy tấm hình em gửi lên blog để những ai quan tâm có dịp tận hưởng. Đây chỉ là một bài viết sơ lược nên không nói được nhiều, mong các bạn thông cảm.
Côn Đảo có tổng diện tích 76 km2 là một quần đảo ngoài khơi thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cách Vũng Tàu 97 hải lí (khoảng 180 km) và cách sông Hậu 45 hải lí (khoảng 83 km). Năm 1977, Côn Đảo được Quốc hội đưa ra tên gọi thống nhất, trở thành một đơn vị cấp huyện của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Năm 1862, thực dân Pháp đa thiết lập nhà tù Côn Đảo.
Nói đến Côn Đảo, chúng ta sẽ nghĩ ngay đó là địa ngục trần gian do thực dân Pháp lập ra năm 1862 ngay khi chúng vừa đặt chân lên Nam Bộ. Côn Đảo nổi tiếng với những nhà tù được xây dựng kiên cố bằng bê tông cốt thép mà người ta thường gọi là “chuồng cọp” được thực dân Pháp và đế quốc Mĩ sử dụng trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam để giam hãm, tra tấn những người cách mạng ưu tú như Phan Châu Trinh, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong, Phạm Văn Đồng,…
Những chuồng cọp “nhốt” tù nhân cách mạng.
Phan Châu Trinh đã để lại một bài thơ “Đập đá Côn Lôn” nổi tiếng như để ghi lại dấu ấn của quãng thời gian ở tù khổ cực và quyết tâm không chùn bước của người chiến sĩ cách mạng gan dạ, dũng cảm.
Đập đá Côn Lôn của Phan Châu Trinh.
Chiến tranh đã qua đi từ rất lâu nhưng những dấu ấn về Côn Đảo vẫn còn nguyên vẹn trong kí ức mỗi con người Việt. Nó nhắc nhở chúng ta ghi nhớ quãng thời gian đau khổ nhưng anh dũng, khó khăn nhưng oai húng của cả dân tộc. Đó là liều thuốc tinh thần khơi gợi tinh thần yêu nước nồng nàn trong sâu thẳm tâm hồn chúng ta.
Bản đồ du lịch Côn Đảo
Côn Đảo đã được tu dưỡng và trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Chỉ mất khoảng và tiếng đi tàu, chúng ta có thể đến với nó và cảm nhận được tất cả. Những ai chưa từng tới Côn Đảo, nay có điều kiện thì hãy đi một chuyến. Có lẽ chúng ta sẽ biết quý trọng hơn những giá trị của cuộc sống, của tình yêu mà cha ông ta đã mang lại.

Đất trời Côn Đảo luôn chờ đón chúng ta.