Sống trong đời sống cần có một tấm lòng!

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng!

Thứ Năm, 28 tháng 7, 2011

Suy ngẫm

27 - 7 buồn
Đã hơn 36 năm chiến tranh qua đi, và chúng ta đang được sống trong những thời khắc hòa bình. Đây cũng là dịp chúng ta được soi mình trong dòng chảy của lịch sử và cảm nhận được ý nghĩa sự tồn tại của bản thân trong cuộc sống. Chúng ta biết mình nên sống như thế nào để không phụ lòng những người đã ngã xuống vì độc lập của dân tộc và vì hạnh phúc của đồng bào.
Đêm quan, tại nghĩa trang liệt sỹ thành phố Buôn Ma Thuột, đã tổ chức lễ dâng hương tưởng nhớ công ơn của những liệt sỹ, những người đã nằm xuống, trước cả khi chúng ta ra đời. Nhang khói nghi ngút, không gian trang nghiêm là những gì chúng ta có thể cảm nhận được. Cũng có những giọt nước mắt rớt xuống, nhưng là những con người của thế hệ trước, vì những người thân, vì đống đội đã hi sinh. Còn thế hệ sau, dường như chỉ có những người đảm nhận những chức vụ quan trọng là có mặt trong không khí ấy, còn một số rất ít người khác thì dường như xuất hiện vì…sự tò mò. Có lẽ, chúng tai sinh ra và lớn lên trong cuộc sống hòa bình, không cảm nhận được sự mất mát những người con, người chồng, người cha của những gia đình và những con người đã hi sinh hết mình cho Tổ quốc. Đó phải chăng là một thái độ thờ ơ?
Hai hôm nay, khi lang thang trên mạng, có một thông tin đặc biệt quan trọng là điểm thi vào đại học năm nay của môn Lịch sử vô cùng thấp, thấp nhất trong những năm gần đây. Trong một số trường Đại học, tỉ lệ thí sinh có điểm thi môn Sử dưới điểm trung bình là 99,6% - một con số không tưởng đối với một kì thi đại học. Giải thích về nguyên nhân trên có nhiều ý kiến đánh giá, từ nhiều góc độ của những thành phần liên quan. Có thể là do đề năm nay khó? Có thể là năm nay môn Sử không có trong chương trình thi tốt nghiệp THPT? Cũng có thể xét từ sâu xa trong cách dạy học môn Lịch sử ở THPT?... Những câu hỏi ấy dường như đều có nguyên nhân và thậm chí là cái đúng riêng của nó nữa, nhưng dù sao thì những thông tin ấy cũng thật sự là đáng buồn.
Bác Hồ đã nói:
“Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam.”
Thật sự thì 2 chuyện này không có liên quan đến nhau nhiều nếu như hôm nay tôi không lên nhà bạn chơi, và hỏi những đứa nhỏ cong đi học. Tiểu học có, THCS có, vậy mà không có đứa nào trả lời đúng. Đến khi nghe thông tin 27 – 7 là ngày thương bình liệt sỹ thì bọn chúng mới “Àh!” Lên một tiếng. Chúng chỉ nhớ hình như cô giáo có nói cho chúng nghe ở đâu đó rồi nhưng”lâu quá em không nhớ”.
Lại nhớ vào đầu năm học Đại học thứ nhất, cũng 1 câu hỏi lịch sử mà tôi không bão giờ quên được. Trong cuộc nói chuyện giữa tôi, bạn tôi và hai đứa em, tôi có hỏi chúng một câu mà mục đích chỉ là làm thêm một chút vui thôi. Tôi hỏi: “Bác Hồ sinh và mất năm nào?” Thật khó tin khi 3 người có 3 đáp án hoàn toàn khác nhau: Bạn tôi trả lời là Bác Hồ sinh năm 1911, em gái bạn nói Bác Hồ sinh năm 1980 và bạn nó nói là Bác sinh năm 1880. Không hiểu nổi rằng một học sinh đã thi tốt nghiệp THPT và hoàn thành nó, cúng không hiểu một học sinh chuẩn bị học lớp 12 lại không biết được năm sinh và năm mất của vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Người đã đưa dân tộc thoát khỏi ách xiềng xích nô lệ mà khi nhắc tới dân tộc Việt Nam, hầu như những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới hẳn ai cũng biết.
Buồn thật, nhưng biết làm sao khi mà những ngành Khoa học xã hội và nhân văn dường như ngày càng mất chỗ đứng trong xã hội. Học sinh sợ học những môn xã hội, cha mẹ không muốn con mình học các ngành xã hội vì khó có khả năng xin việc,… Cách học ở bậc THPT dường như cũng đã đổi khác, học sinh tập trung nắm lấy phần ngọn và học để đối phó chứ hiếm thấy ai thực sự mê học sử.
Thiết nghĩ, vấn đề này cần sét lại từ sâu xa chứ không phải tìm ra biện pháp tức thời, có như vậy, chúng ta mới có thể phát triển toàn diện được con người, ít nhất là còn nhớ và giữ gìn bản sắc dân tộc, đặc biệt là trong thời kì hội nhập và phát triển nền kinh tế tri thức.

Thứ Tư, 20 tháng 7, 2011

Kết thúc

VỤ GIẢNG VIÊN “GẠ TÌNH” - HỒI KẾT
Theo thông tin được đăng tải trên tintuc24h, vụ giảng viên trường Đại học Tây Nguyên gạ tình sinh viên đã được giải quyết. Việc phát biểu trên báo chí những thông tin liên quan đến việc ông T.X.N khiến cho dư luận vẫn còn tiếp tục phải suy nghĩ về vấn đề nhức nhối này.
Giảng viên đã phải chịu hình thức kỷ luật của nhà trường là đình chỉ dạy một năm, nhưng vẫn tiếp tục giữ chức Trưởng phòng Tài vụ - kế toán của trường. Riêng về phần Đảng, Đảng bộ trường ĐH Tây Nguyên sẽ đưa ra xem xét và nêu ra hình thức giải quyết phù hợp nhất. Kết thúc không mong muốn ấy có lẽ sẽ phù hợp nêu có những thông tin liên quan đến việc sinh viên C.T.D có thể bị nhà trường kỷ luật. Lí do của nhà trường là sinh viên đã tố cáo vượt cấp, không qua sự xem xét của Nhà trường. Một lãnh đạo trường ĐH Tây Nguyên còn nói : “Bản thân sinh viên D. có nhiều vấn đề, cần phải xem xét tiếp. Nếu như một học sinh nghiêm túc thì thầy không thể không nghiêm túc”. Điều đó gây ra nhiều bức xúc, không chỉ ở bản thân tôi, mà rất nhiều bạn đọc, nhất là ở các tỉnh khác khi lên xem tin.
Điều khó nghĩ mà vị lãnh đạo này đưa ra nghe cũng có vẻ rất hợp lí. Bởi lẽ, sinh viên đang trong khóa học, chịu những quy định của nhà trường mà tố cáo vượt cấp là điều không nên. Tuy nhiên, việc vị lãnh đạo đó có ý rằng sinh viên D có vấn đề thì không thể không nghĩ. Nếu được hỏi, tôi sẽ hỏi với vị lãnh đạo ấy 3 câu, chỉ 3 câu thôi.
- Thứ nhất, sinh viên D có vấn đề gì khi quyền lợi của mình đang bị đe dọa mà không tố cáo?
- Thứ hai, nếu đưa thông tin đó cho nhà trường, cũng vượt qua quyền hạn của nhà trường, vậy điều đó có thực sự là cần thiết?
- Thứ ba, nếu sinh viên D là con gái của ông, liệu khi người khác có hành động như vậy với cô ấy, trong hoàn cảnh mà con ông sắp ra trường, liệu ông có làm như thế?
Nếu thực sự vị lãnh đạo ấy trả lời được câu hỏi ấy một cách thỏa đáng, thì những lời nói của ông là có cơ sở, và tôi cũng như tất cả bạn đọc sẽ thấy được ông biết nói gì là đúng, nhất là đối với một vị lãnh đạo.
Thiết nghĩ, sinh viên trong khi làm khóa luận tốt nghiệp, được thầy giáo hướng dẫn, đương nhiên sẽ có chuyện nọ chuyện kia, thậm chí là sẽ có những điều không hay trong dư luận. Thế nhưng, cho dù sinh viên có làm điều gì, có dùng “thủ đoạn” gì thì với tư cách một người làm thầy, không thể để cho mình vượt quá giới hạn cho phép. Người thầy, cũng là một người cha, người dẫn dắt sinh viên trong quá trình học để sinh viên có kiến thức và niềm tin trên đường đời phải thực sự nghiêm túc. Nếu bản thân tỏ ra đứng đắn, thì chắc sẽ không có chuyện mà vợ của ông N phải nhắn tin kiểm tra sinh viên như đã nói. Chẳng lẽ người vợ, người gắn bó với ông N mấy chục năm lại không hiểu ông ấy? Hay là ông N vốn đã có tính đó, và ít nhất, cũng đã có tai tiếng về những điều không hay rồi?
Những câu hỏi thật khó để trả lời, cũng không cần trả lời nữa vì mọi chuyện đã kết thúc. Với tư cách của một sinh viên, tôi chỉ mong đừng để xảy ra những chuyện không hay như thế nữa. Điều đó sẽ làm vấy bẩn uy tín của một trường Đại học, và thậm chí là cả nền giáo dục của chúng ta nữa.

Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2011

Sự thật đau lòng

VỤ GIẢNG VIÊN “GẠ TÌNH” SINH VIÊN Ở ĐẠI HOC TÂY NGUYÊN
CƠ QUAN CHỨC NĂNG HÌNH NHƯ ĐANG THỜ Ơ!
Sinh viên C.T.D, là một nạn nhân trong trường bị thầy giáo “gạ tình” trong quá trình làm luận văn đã tiếp tục gửi đơn lên cơ quan chức năng để nhờ giải quyết vụ việc của mình. Trong khi đó, cô đã viết rõ từ ngày gửi đơn tố cáo đến nay, cơ quan Công an chưa hề đến gặp cô. Sinh viên và cũng là nạn nhân thì cơ quan chức năng không gặp để tìm hiểu, lại để một khoảng trống thời gian không can thiệp. Làm như vậy, mọi chuyện sẽ tạm lắng hay sẽ dần trở thành “chuyện riêng”, “chuyện nhỏ”. Và từ “chuyện nhỏ” ấy, biết đâu lại trở thành chuyện “không có gì”.
Đọc bài báo trên mạng mà tôi cứ ấm ức mãi. Đã nửa tháng kể từ ngày D viết đơn gửi lên cơ quan công an, không có người gặp D, không có chuyện giải quyết sự việc. Chẳng lẽ chuyện của D là chuyện nhỏ, hay là họ đang “bận”. Cũng phải đặt họ trong tình cảnh của D bây giờ, một sinh viên năm 4, sắp ra trường, cần phải nhanh chóng giải quyết để cho sinh viên có thời gian hoàn thành khóa học của mình nữa chứ. Dư luận đang xôn xao về sự việc này, nhất là trong giới sinh viên của trường ĐH Tây Nguyên. Kéo dài mãi, sự việc lắng xuống, chỉ sinh viên là người tiếp tục chịu thêm những thiệt thòi mà thôi.
Cũng phải thấy rằng để xảy ra những sự việc đáng tiếc như vậy, cũng phải tìm hiểu rõ nguyên nhân của nó. Không có chuyện cán bộ giảng viên “làm quá” với sinh viên thì chuyện này cũng không thể phát sinh. Nhưng chắc chắn một điều là nếu như trước đây chưa có tình trạng này diễn ra, thì không có chuyện sinh viên phải gửi đơn lên nhờ giải quyết. Đây là một hiện tượng đã diễn ra, thậm chí có thể nói là nhiều ở môi trường ĐH nói riêng và ĐH Tây Nguyên là một điển hình. Người kiêm nhiệm vai trò và chức năng lớn, lại trực tiếp liên quan đến sinh viên như vậy thì chuyện đó không thể có chuyện vô tình diễn ra mà phải có kịch bản, thậm chí đã được “thử nghiệm” thành công ở những vở kịch trước.
Trưởng khoa Kinh tế- Quản trị kinh doanh - Trường ĐH Tây Nguyên, người trực tiếp nhận đơn của sinh viên cũng mong muốn sinh viên D gửi thư đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền cao hơn để giải quyết. Vấn đề này nhà trường không thể giải quyết vì nó vượt qua ranh giới cho phép. Việc D gửi đơn cũng nhấn mạnh việc sai phạm chỉ liên quan đến một cá nhân, nhà trường và các thầy cô khác vẫn là nơi đáng tin cậy cho sinh viên. Điều này không sai, vì để tiếp tục tạo lòng tin cho sinh viên, cần phải giải quyết vụ việc này một cách hợp lí nhất. Thậm chí cần phải “nặng tay” hơn một chút để không có những trường hợp đáng tiếc như vậy tiếp tục diễn ra
Thầy cô là cái gốc của giáo dục. Họ là những người có trình độ, có chuyên môn hay có gọi là những nhà giáo dục. Điều đó chứng minh cho việc họ nhận thức được rõ vai trò và tầm quan trọng của mình trong môi trường ấy. Việt Nam là một quốc gia có truyền thống “tôn sư trọng đạo” từ lâu đời, vị thế của người thầy thậm chí còn được xếp trên cả cha mẹ. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng nên xem xét giải quyết một cách nhanh chóng để sinh viên không bị mất đi quyền lợi của mình. Có như vậy, nhân dân mới ngày càng tin vào lực lượng chức năng, tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Điều đó khẳng định cho việc đảm bảo quyền lợi cho công dân, bảo vệ họ trước những xâm hại của các thành phần xấu. Đồng thời, đó cũng là hồi chuông thức tỉnh cho những con người đang lầm lạc, răn đe họ để không còn sự lầm lạc, để rồi xảy ra những điều đáng tiếc như trên.

Thứ Tư, 6 tháng 7, 2011

Suy ngẫm

Lại thêm một câu chuyện buồn
Hôm nay, tình cờ lên đọc trên trang tintuc24h, mục tin tức trong ngày, tôi có đọc được một thông tin liên quan đến trường học của mình. Đau đớn thay, đó lại là một hiện tượng suy giảm hành vi đạo đức của một cán bộ giảng viên một trường Đại học. Người thầy ấy đã dựa vào bài làm luận văn để ép nữ sinh của mình quan hệ tình dục. Đến khi thời gian làm đã không còn nhiều, mà liên tục bị sức ép, nữ sinh viên ấy đã nhờ cơ quan chức năng can thiệp.
Hôm trước uống cà phê trong quán “Tĩnh Lặng”, hình như tôi đã có gặp người thầy ấy. Có lẽ ngồi sát cạnh và trong lúc đang chờ bạn nên những thông tin trong quá trình trao đổi tôi cũng có nghe qua. Lúc đầu thì ngồi với bạn, đúng hơn là một ông em, sau lại xuất hiện thêm một sinh viên. Không biết đó có phải là người bị “gạ tình” hay không nhưng đó cũng là một sinh viên mà thầy hướng dẫn. Nghe cuộc nói chuyện ấy, tôi cứ tưởng rằng mình sẽ nhận được những thông tin bổ ích cho mình. Bởi vì, thầy có nói về cách làm một bài luận văn, thời gian làm, phong cách trình bày, trình diễn slides trong power point,… cho sinh viên và cả người ngồi đối diện thấy nữa. Vậy mà…
Có lẽ cũng cần suy nghĩ thêm về tình trạng gia tăng số lượng giáo viên “gạ tình” với học sinh – sinh viên. Đây là một hiện tượng nhức nhối, ảnh hưởng tới tâm lí của những người tham gia hệ thống giáo dục. Đối với giáo viên, đó là hiện tượng đi ngược lại đạo lí làm thầy của người phương Đông, trong đó có Việt Nam. Đối với sinh viên, nhất là sinh viên nữ, họ không còn dám tin vào những người dạy dỗ, hàng ngày đứng trên bục giảng nói cho họ những điều triết lí nhưng lại hành động “không ra gì” như vậy.
Đây không phải là hiện tượng đầu tiên bị đưa ra ánh sáng, cũng không phải là hiện tượng duy nhất trong trường của tôi. Đương nhiên là còn nữa, thậm chí còn nhiều hiện tượng như vậy không bị bại lộ do sự “cẩn thận” của các thầy. Không nhiều những sinh viên dám đưa chuyện này ra ngoài vì sợ. Sợ thầy không tiếp tục hướng dẫn cho mình, sợ thầy sẽ tìm cách ép, sợ bị mang tiếng,… nên cứ đành ngậm ngùi mà không lên tiếng. Cũng phải khen cho hành động của cô sinh viên mang tên C.T.D đó (tên không tiện để tiết lộ), hành động ấy là một hành động đúng đắn và dứt khoát. “Tức nước” thì “vỡ bờ”, đó là một đạo lí mà dân gian đã dạy cho chúng ta.
Chúng ta đang sống trong một xã hội được nói là “công bằng, dân chủ”, tuy nhiên cũng có đầy rẫy những bất cập, những thói hư tật xấu đang diễn ra hàng ngày. Thiết nghĩ, môi trường nào cũng có những vấn đề, nghề nghiệp nào cũng có người này, người nọ. Tuy nhiên, trong môi trường giáo dục thì không nên để cho hiện tượng đó diễn ra. Bởi vì, chúng ta đang đào tạo cho một thế hệ trẻ, một thế hệ tương lai của đất nước, nếu tiêu cực như vậy thì các bạn sẽ nghĩ như thế nào và nghiêm trọng hơn là họ sẽ làm như thế nào nếu mai đây họ cũng là một giáo viên? Họ có dám ngẩng đầu lên để khen ngợi sự cao quý của nghề nghiệp họ đang có hay không? Đó là những câu hỏi nhức nhối mà chúng ta cần chung tay giải quyết. Có như vậy, chúng ta mới làm cho môi trường xung quang, nhất là môi trường giáo dục ngày càng tốt đẹp hơn.

Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2011

Nên làm gì khi bạn như tôi?

STRESS ĐÃ TẠM LẮNG,NHƯNG VẪN “CÓ NHỮNG NIỀM RIÊNG”

Một mùa thi lại qua, và năm thứ 2 cũng đã khép lại. Tuy nhiên nó lại không hề bình thường như hè năm ngoái vì mình có cảm giác lạ lắm, một cảm giác mà mình chưa từng gặp phải. Cái buồn len lỏi vào trong tâm trí và nó lấn áp luôn ý chí nữa. Thể trạng mệt mỏi, tâm trạng không vui, có thể nói là mình đang rơi vào tâm thế khó chịu nhất suốt 2 năm qua.
Lang thang qua những con phố, chỉ còn lại niềm vui nới không gian yên tĩnh. Tất cả những xô bồ của cuộc sống thường ngày đã bị đẩy lùi bởi cái không khí ảm đạm của đêm tối. Không có chỗ của những kẻ lang thang, nhưng thành phố cũng không khước từ họ. Có lẽ có nhiều người giống như mình, đang tìm những niềm vui còn sót lại, chỉ khác là họ… không phải là mình. Sao giống được, có lẽ mình nghĩ nhiều quá, nhiều khi mình không tưởng tượng được tại sao lại có nhiều vấn đề xuất hiện như vậy. Giải quyết làm gì khi mình không thể giải quyết, hình như mình đang cảm thấy bất lực trước tất cả. Những gì mình đã trải qua hình như không còn dành cho mình nữa, mảnh đất yêu dấu với những niềm vui chợt trở nên xa lạ, không còn chỗ dừng chân. Và cứ thế, mỗi lần tâm trạng ấy lại ập về, đót cháy niềm vui nhỏ bé của một người lãng mạn, lang thang vòa mỗi tối thứ 7 – Chủ nhật. Tại sao vậy?
Về phòng, chỉ có âm nhạc mang con tim trở lại bình thường, mà dường như nghe nhạc chỉ là một thói quen chứ không còn phải cảm nhận như trước nữa. Con người mình cứ quen dần với những âm thanh ấy. lệ thuộc vào nó dường như chỉ để trốn chạy thực tại – thực tại đau buồn. Cái thực tại mà mình đã phấn đấu vượt qua vì nó chỉ là một bước đệm của cuộc đời. Không có những bước đệm, không có những mất mát thì làm gì có những thành công. Cuộc đời không bắt chúng ta phải như vậy, nhưng có những thứ không cần dạy chúng ta vẫn có thể giỏi. Nghịch lí của cuộc đời này có những điều bản thân muốn lại khó có thể thực hiện và ngược lại, những gì chúng ta không muốn, những gì chũng ta không thích lại đến một cách hết sức tự nhiện như chúng sinh ra vốn dành cho chúng ta vậy. Có những thứ buồn có thể nói được, có thể hét to lên được, vậy mà có những thứ không bao giờ nói được. Cuộc đời ai mà không có những bất hạnh, có những mất mát, chúng hủy hoại con người chúng ta cả về thể xác lẫn tâm hồn để rồi nếu không thể thoát ra, chúng ta dường như không còn cảm nhận được nỗi đau ấy nữa. Sống trong xã hội hiện đại này, nếu không nhìn nhận cuộc sống theo một con mắt buông xuôi và chấp nhận tiêu cực thì chúng ta không thể tồn tại. Một vật thể sống không ý thức được cuộc sống thì mãi chỉ sống như một kiếp người hoang dại. Đó là điều làm nên những con người có phẩm chất không đồng hành cùng cuộc sống. Kết thúc của những số phận ấy, hoặc là có tất cả hoặc là không. Tiếng thơm và tiếng nhơ cứ như vậy mà sinh ra, lớn lên và tồn tại.
Mệt mỏi quá, nếu cứ nghĩ về cuộc sống như vậy. Thành thật mà nói, cuộc sống này còn có rất nhiều điều tốt đẹp, chỉ khác là thái độ của chúng ta khi đón nhận chúng mà thôi. Lấy ví dụ như có nửa chai rượu trên bàn, sẽ có những cách đón nhận hoàn toàn khác nhau. Người thứ nhất nói: Chán quá! Sao chai rượu ngon như vậy mà còn có nửa chai. Người thứ hai lại nói: Thật hạnh phúc! Rượu ngon như vậy mà còn những nửa chai. Tại sao vậy? Cũng đơn giản, vì chúng ta có cách nhìn nhận cuộc sống vốn là như thế. Họ nói như vậy vì họ là những con người hoàn toàn khác nhau, có cách nhìn nhận hoàn toàn khác nhau là điều dễ hiểu.
Cuộc sống là thế, tôi cũng có cách nhìn nhận như họ, có những vấn đề mà bản thân luôn cố gắng không để những cảm xúc lấn áp, vậy mà cũng cứ buột miệng nói ra những lời chán nản. Lý trí của tôi không mạnh, nhưng rồi tôi cứ muốn chứng minh rằng nó rất mạnh. Con người tôi không cứng rắn, thậm chí là đa cảm và mềm yếu, vậy mà tôi vẫn phải sống như một kẻ mạnh mẽ, bất cứ điều gì cũng không là trở ngại trên đường đi. Không ai dạy chúng ta cách đóng kịch nhưng dường như chúng ta làm rất tốt điều đó, nhất là ở sân khấu cuộc sống. Mọi người cứ làm như vậy như đã được lập trình sẵn vậy. Điều đó, liệu có tốt?